Thông thường, khi chọn một ai đó để làm thần tượng, để thể hiện sự hâm mộ thì con người có xu hướng chọn những nhân vật mang các giá trị phù hợp với tiêu chí mà mình theo đuổi. Thần tượng được chọn sẽ có ảnh hưởng nhất định lên nhận thức, ứng xử, văn hóa, lối sống của người hâm mộ. Việc thần tượng một ai đó rất đa dạng. Không chỉ có giới trẻ thần tượng người mẫu, ca sĩ, diễn viên mà ngay cả đối tượng trung niên thậm chí các ông lão, bà lão cũng có thể thần tượng một ai đó như nhà hoạt động chính trị, vận động viên, nhà khoa học... hoặc người có khả năng, tài năng đặc biệt.
Việc chọn thần tượng cũng giống như thời trang, mỗi người sẽ có một “gu” riêng, và cái “gu” này cũng có thể thay đổi tùy theo thời điểm. Thông thường, những ngôi sao nổi tiếng trong giới nghệ thuật luôn được nhiều người chọn làm thần tượng, đặc biệt là giới trẻ vì hình ảnh của họ có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Hơn nữa, vẻ bề ngoài, phong cách thời trang, cá tính trong nghệ thuật... thường phù hợp với tâm lý, mong muốn, ước mơ của giới trẻ.
Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu việc chọn thần tượng diễn ra lành mạnh, đúng đắn, đó là những người tiêu biểu, có tài năng thực sự với đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh và cống hiến hết mình cho xã hội. Như thế, thần tượng ấy sẽ có tác dụng nâng đỡ con người hướng tới những suy nghĩ tích cực, vượt khó vươn lên trong cuộc sống; hành động hướng tới giá trị cao đẹp, sống tốt, cống hiến nhiều hơn cho xã hội, phát triển thành nét đẹp văn hóa bền vững.
Thế nhưng ở thời công nghệ 4.0, trong “thế giới phẳng”, khi mà thông tin lan truyền nhanh chóng mặt thì câu chuyện thần tượng vốn xưa như trái đất lại trở thành đề tài nóng, tốn thời gian, công sức, giấy mực của truyền thông và báo chí. Có hiện tượng ấy là bởi nó phát triển lệch lạc, xa lạ với đời sống thực, càng xa lạ với văn hóa truyền thống Việt Nam vì nó tự phát đến “cuồng thần tượng” và lệch chuẩn.
Ở Việt Nam, hiện tượng “cuồng thần tượng” dễ thấy nhất là sùng ái ca sĩ, diễn viên, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng trong và ngoài nước một cách thái quá. Hồi cuối tháng 2-2023, ở TP Hồ Chí Minh có hiện tượng bạn trẻ xếp nhiều hàng dài trên phố để được ký tặng sách Manga của tác giả Nhật Bản. Khoảng nửa tháng sau đó, cũng tại TP Hồ Chí Minh, hiện tượng “cuồng thần tượng” lại diễn ra với mức độ lớn hơn khi hàng nghìn fan kéo đến sân bay Tân Sơn Nhất để đón nhóm nhạc Super Junior của Hàn Quốc.
Chúng ta từng chứng kiến nhiều câu chuyện dở khóc dở cười “cuồng thần tượng” của giới trẻ, như: Hôn ghế ngồi của các thành viên một nhóm nhạc Hàn Quốc khi họ đến Việt Nam biểu diễn hoặc đòi tự tử khi không được đi gặp thần tượng. Hay như trường hợp ca sĩ bị tố có lối sống lăng nhăng, hành vi cư xử bạc bẽo nhưng vẫn được các fan ra sức bảo vệ. Hoặc chuyện một nghệ sĩ bị vướng lùm xùm trong vấn đề minh bạch từ thiện nhưng fan sẵn sàng “gây hấn”, bảo vệ thần tượng bằng mọi cách, kể cả tấn công, chửi rủa, mạt sát bất cứ ai dám chê thần tượng của mình.
Chưa hết, hiện tượng thần tượng còn bị lợi dụng để biến “quạ” thành “công”. Điển hình là hiện tượng Lệ Rơi "nổi tiếng" cho dù không hề có chút tài năng nào. Hay hiện tượng không ít bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường chọn nhân vật “nổi tai tiếng” trên mạng xã hội như Khá Bảnh làm thần tượng.
Từ khi internet được phủ sóng ở Việt Nam, nhất là khi mạng xã hội phát triển, giới trẻ nước ta được tiếp cận nhanh hơn với nhiều trào lưu văn hóa của giới trẻ thế giới, đặc biệt là những trào lưu “thần tượng” người nổi tiếng ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc-những dân tộc ở khu vực châu Á có đặc điểm văn hóa tương đồng. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam, trào lưu thần tượng người nổi tiếng đã bị biến tướng, gây ra hiện tượng “cuồng thần tượng” một cách mù quáng, thiếu lý trí và trở thành sản phẩm văn hóa độc hại. Nó dẫn đến các hệ lụy khó lường như khóc, cười theo thần tượng, bắt chước thần tượng.
Hậu quả là nhiều bạn trẻ học hành sa sút, đời sống tâm lý mất cân bằng, không thiết tha với cuộc sống, ảo tưởng về bản thân, thậm chí tệ hại hơn có khi phải nhập viện vì sức khỏe yếu và bị tâm thần. Không chỉ giới trẻ mà nhiều người tuổi trung niên cũng rơi vào trạng thái “cuồng thần tượng”. Họ mang mặc các bộ trang phục kiểu của lính ngụy năm xưa. Họ tổ chức nhiều hoạt động, hội họp ở các khách sạn, nhà hàng; đi đứng nghênh ngang, bất cần; ăn uống, hát hò, chơi bời thể hiện hành vi phản cảm, rất xa lạ với văn hóa truyền thống của Việt Nam. Hành động của họ đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ của nhiều người trong xã hội.
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu giáo dục, tâm lý và xã hội học đã phân tích và chỉ ra rằng, hiện tượng “cuồng thần tượng” xuất phát từ hiệu ứng đám đông rồi bị truyền thông và mạng xã hội dẫn dắt. Do con người, nhất là giới trẻ bị tiếp nhận thông tin quá mức, thông tin xấu độc trong thời gian dài liên tục nên dẫn đến mất kiểm soát về lý trí rồi rơi vào “điểm mù của lý trí”. Ở trạng thái này, họ không còn tỉnh táo để phân biệt đúng sai trong hành vi. Các nhà khoa học khẳng định, hiện tượng “cuồng thần tượng” phần nào phản ánh sự phát triển nhân cách và suy nghĩ lệch lạc của giới trẻ. Sự lên ngôi ồ ạt và dễ dàng của các nhân vật trong ngành giải trí được dẫn dắt bởi truyền thông và mạng xã hội đã gây ra hiện tượng tôn sùng, ngưỡng mộ quá cuồng nhiệt, thậm chí đến mức điên cuồng, khiến giới trẻ phát triển lệch lạc, mất kiểm soát. Các nhà khoa học còn cho rằng, nếu không khống chế được hiện tượng “cuồng thần tượng” thì giới trẻ rất dễ bị dắt mũi, trở thành tay chân cho mưu đồ chính trị. Gần nhất là nguy cơ bùng phát bạo lực đường phố, phá vỡ trật tự xã hội, dễ làm cho giá trị chuẩn mực văn hóa, đạo đức, ứng xử, lối sống lành mạnh bị xô đổ.
Trong lịch sử cũng như hiện tại, nước ta không thiếu người giỏi, người tài, anh hùng dân tộc... Họ đã cống hiến, hy sinh và mang vinh quang cho đất nước, cho dân tộc, trở thành những thần tượng của xã hội và mang lại hiệu ứng tích cực cho xã hội. Tuy nhiên điều đáng buồn là gần đây xuất hiện một bộ phận giới trẻ có biểu hiện thờ ơ, ít quan tâm, học tập, noi theo những người tài giỏi, anh hùng, người cống hiến cho đất nước. Đây có lẽ là một nghịch lý rất đáng lo ngại cần có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu.
Ở tầm vĩ mô, tôi cho rằng, cần phải nghiêm khắc, chặt chẽ hơn trong phê duyệt, cấp phép cho những chương trình truyền hình thực tế hoạt động hoặc các sự kiện mời nghệ sĩ nước ngoài đến biểu diễn. Nhà nước cần bổ sung các chế tài, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng phát hiện những biểu hiện, hành vi lệch chuẩn của các nhân vật nổi tiếng để xử lý. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu các hoạt động nghệ thuật biểu diễn có nguy cơ ảnh hưởng đến tâm lý, nhận thức của giới trẻ và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Các cơ quan chức năng của Nhà nước cần phải kiên quyết bóc gỡ những video, clip nhảm nhí của các “giang hồ mạng” có biểu hiện kích động, lôi kéo, cổ vũ bạo lực, cổ vũ cho lối sống thiếu chuẩn mực, phi văn hóa.
Để ngăn chặn hiện tượng “cuồng thần tượng” trong giới trẻ thì những người lớn tuổi trong gia đình cần gương mẫu về hành vi ứng xử và xây dựng lối sống văn hóa lành mạnh. Trang bị cho trẻ em những “chiếc áo giáp” về tư tưởng bằng cách định hướng hưởng thụ những giá trị văn hóa tích cực; phân tích làm rõ tác hại của “cuồng thần tượng”. Không nên dễ dãi và thỏa hiệp, để giới trẻ tự do tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội quá mức và đặc biệt là tham gia quá sâu vào các hội, nhóm fan hâm mộ người nổi tiếng.
Các bậc phụ huynh cần giám sát chặt chẽ việc sử dụng internet và mạng xã hội của các con trong giai đoạn học phổ thông. Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều “thần tượng mạng” xuất hiện với phát ngôn gây sốc, những video câu view, đi trái với đạo đức hay thuần phong mỹ tục. Chúng gây ấn tượng với phần lớn các em đang ở độ tuổi học sinh tiểu học và trung học cơ sở-độ tuổi còn chưa hoàn thiện về nhận thức. Việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ sử dụng mạng xã hội của học sinh sẽ góp phần giúp các em hạn chế tiếp cận văn hóa thần tượng lệch lạc. Cha mẹ và các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm nhiều hơn đến tâm tư, tình cảm và suy nghĩ của con; lắng nghe, làm bạn với con để định hướng con tới những thần tượng mang lại động lực cho học tập, chăm sóc sức khỏe và bồi dưỡng năng lực hành vi, kỹ năng sống chuẩn mực.
Các nhà trường phổ thông cũng cần đẩy mạnh việc giáo dục, tuyên truyền, hướng tới phân tích để học sinh hiểu được giá trị thực sự của thần tượng và những tác hại, nguy cơ từ “cuồng thần tượng”. Cần tổ chức các hoạt động giáo dục định hướng cho học sinh thông qua việc mời các chuyên gia tâm lý, giáo dục nói chuyện về đề tài này để học sinh có thêm kiến thức và hình thành "sức đề kháng".
PHẠM VĂN QUÂN