Ở Đà Nẵng, Hà Nội và một số địa phương, cũng không thiếu địa điểm bán bê thui Cầu Mống hoặc lấy tên “bê thui Cầu Mống” để đặt tên cho quán bê của mình. Đây là cái tên rất gợi. Riêng ở Đà Nẵng, những quán bê thui gần như ngày nào cũng hết hàng, thậm chí hết nhanh là đằng khác. Nhưng theo ý cậu em, đã vào đến đây rồi (Đà Nẵng), thì cất công chạy đến Điện Bàn, thưởng thức bê thui Cầu Mống chính hiệu là một việc nên làm.

leftcenterrightdel

 Bê thui Cầu Mống là món ăn dân dã.

Đến Cầu Mống vào giữa trưa, chúng tôi dễ dàng tìm ra hai quán bê thui Cầu Mống nổi danh của địa phương. Xe ô tô đỗ cơ man kín hai bên đường. Bàn nào cũng đông khách. Nhìn từng tảng thịt bê thui da vàng ươm được móc trên cao, khách sốt ruột ào ào gọi món. Trên bàn nhậu, chúng tôi được nghe nhân viên kể chuyện rằng, bê thui Cầu Mống nhất thiết phải được nuôi ở vùng đất Gò Nổi, quanh năm có nhiều cỏ và mía hấp thu nguồn phù sa từ dòng sông Thu Bồn. Bê nuôi vừa tầm, chừng 40 cân/con là đẹp. Đất Gò Nổi-Cầu Mống suốt mùa lũ lụt thường chìm dưới nước (như kiểu bãi giữa sông Hồng). Nước lũ rút đi, để lại lớp phù sa màu mỡ giúp cỏ cây tươi tốt, thuận lợi cho việc chăn nuôi bò.

Miếng ngon chế biến cũng thật cầu kỳ. Ngày trước, các cụ thui bê bằng củi dâu giúp miếng thịt thơm ngọt. Khi thui phải chêm lửa khéo tay để cả con bê vừa chín tới và chín đều. Bây giờ dù chủ nhà hàng thui bê bằng than hoa nhưng miếng thịt bê thui Cầu Mống ở Điện Phương vẫn khiến du khách phương xa ùn ùn kéo đến. Ăn miếng bê thui, thấy thật đã đời với vị ngon ngọt của miếng thịt đỏ hồng, vị chua chát của chuối xanh, đu đủ và các loại rau sống. Nước chấm là mắm cái thượng hạng làm từ cá cơm, cá nục càng khiến thực khách mê mẩn. Thêm nữa, bánh tráng để cuốn bê thui phải là bánh tráng nhỏ, mỏng, dai, được sản xuất tại các lò bánh danh tiếng ở Điện Bàn. Nhìn miếng thịt bê thui thái mỏng, chín vừa độ, thơm mùi thính, miếng da cháy vàng thoảng mùi khói, tôi sốt ruột quá chấm đẫm mắm, ăn vèo mấy miếng.

Ăn uống no say, ra đến cửa chúng tôi biết thêm một điều thú vị nữa. Đó là khi thui bê nguyên con, nhân viên thi thoảng dùng que sắt mũi nhọn châm đều lên da để thoát nước, lấy vải lau sạch rồi tiếp tục thui. Thịt bê thui đạt chuẩn phải có màu đỏ hồng nhưng không sống, da vàng ruộm nhưng không dai. Thêm một chuyện vui nữa là trong lúc thưởng thức bê thui, chúng tôi đã biết thế nào là rượu Hồng đào. Rượu nặng ghê, trên 50 độ, đúng là: 

“Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm

Rượu Hồng đào chưa nhấm đã say”

Nhân viên của quán ý tứ bảo chúng tôi: “Người Quảng Nam chúng em dùng chữ “đà” chứ không phải chữ “đã” như nhiều sách ca dao tục ngữ hay dùng”.

Thực là một chuyến đi đáng nhớ. Chiều tối, trên đường về, chúng tôi ghé vào quán cơm gà ở Hội An. Cả hội nhao nhao chém gió về bê thui, không quên mang bình rượu Hồng đào ra nhấm. Đứa nào đứa nấy nhăn mặt vì rượu nặng, lại không có bê thui nên uống khó vào. Thế nào bàn bên lại có hai cặp đôi đứng tuổi đi sang bàn chúng tôi, hỏi xin mấy ly rượu Hồng đào. Hỏi chuyện mới hay, các anh chị là Việt kiều từ Mỹ trở về quê nhà nhân dịp nghỉ lễ 30-4. Rượu nặng mà chúng tôi thấy mấy anh chị Việt kiều uống đến ngon lành, liên mồm “khà khà, chẹp chẹp”. Chúng tôi thấy vậy tặng luôn cả bình rượu Hồng đào, các anh chị xúc động lắm. Một anh Việt kiều nói: “Đây đúng là rượu quê hương, uống vào thấy đẫm hồn quê”.

 Bài và ảnh: THÀNH NAM