“Ơ, cá bạc má chứ cá sòng đâu”, tôi la lớn khi thấy 5 con cá cỡ cổ tay đang được nướng trên than hồng. Bác Ba Nay, ngư dân lão luyện ở Phú Quốc cười bảo tôi: “Cậu nhìn cho kỹ. Cá bạc má là dòng cá có tiếng ở Thanh Hóa, có thể rán, chiên sả ớt hoặc kho nước dừa. Cá bạc má thân tròn và to, da lấp lánh, thịt trắng và rất thơm, có độ béo ngậy. Cá sòng cũng có đặc điểm trên nhưng hay ở chỗ, giống cá này khi nấu chín thì thịt dai. Cậu để ý nhé, thân trên của cá sòng sẫm màu hơn cá bạc má”.
Tôi có chút ngượng với bác Ba Nay khi không phân biệt được cá sòng với cá bạc má. Nhưng chẳng phải các cụ đã bảo “khôn đâu đến trẻ”. Thế nên kinh nghiệm đi xa, nhất là lên rừng, xuống biển thì cứ người già, người từng trải mà học hỏi.
Rất ít vùng biển ở nước ta có cá sòng. Thiên nhiên quả là ưu ái cho Phú Quốc nói riêng, Kiên Giang nói chung khi địa phương này là “thủ phủ” của cá sòng. Ra đến đảo ngọc, không phải ăn hải sản chi to tát, cứ ra bờ biển, ra chợ đêm, ngồi một góc kín gió, bên bếp than hồng, rồi kêu “chủ quán ơi, cho mấy con cá sòng nướng nhé”, thế là được bữa ngon.
Chủ quán thấy khách gọi thì đon đả chạy ra, lại thấy bác Ba Nay thì mừng lắm. Không cần hỏi chuyện khách sao tự biết ý xách ra thùng bia, xô đá. Mấy con cá sòng chắc được chuyển vào bờ cuối giờ chiều, còn tươi, da, vảy vẫn bóng nhẫy, mắt trong, trên thân một con còn dính cát cong lên trông rất bắt mắt. Biết có khách phương xa lần đầu thưởng thức cá sòng nướng, chủ quán giới thiệu: “Cá sòng nướng ngon từ thịt đến ruột, ít tanh, giàu chất dinh dưỡng. Thịt cá ngọt, mềm như cá mòi, phần bụng cá vừa béo vừa bùi, ngon nhất là ruột cá và phần lườn cá”. Nghe chủ quán nói xong, tôi không hiểu sao bác Ba Nay cười rất lạ.
Vừa nướng cá, bác Ba Nay bảo tôi: “Muốn biết cá sòng tươi hay không cứ nhìn vào mắt (trong, sáng), thân căng, vảy cá bóng, nhìn bằng mắt thường là nhận biết được chứ không cần phải vạch mang cá”.
Mỡ cá chảy xuống than bốc mùi thơm thật gợi khiến tôi bắt đầu chảy nước miếng. Nhưng thấy bác Ba Nay không có vẻ gì là sốt ruột nên tôi cũng chỉ ý tứ bốc vài hạt lạc. Chứ nếu được, tôi sẽ thổi than bốc lửa, cá cháy có khi lại càng thơm. Ấy là tôi-một kẻ háu ăn nghĩ vậy-chứ bác Ba Nay bình thản lắm, không có vẻ gì là vội. Sau câu nói của bác, tôi lập tức thầm cảm ơn cho sự chậm chắc của lão ngư này: “Tôi muốn ruột cá chín kỹ để cậu ăn vào không bị đau bụng”.
Lát sau có thêm mấy lão ngư nhập hội cùng chúng tôi. Nghe chuyện bên bếp than hồng, tôi mới hay vùng biển Phú Quốc có môi trường sạch, sinh vật phù du phong phú, là điều kiện thuận lợi để cá sòng sinh sôi, phát triển.
Từng thớ cá sòng nướng nóng hổi, thơm phức được bác Ba Nay gỡ ra trắng bông, cuộn cùng rau sống, bánh đa chấm với gia vị, nước chấm. Nước chấm cũng đơn giản. Ai thích chấm mắm gọi mắm. Phần tôi khoái chấm với gia vị trộn lẫn tỏi, ớt, tiêu xanh, thơm mùi chanh tươi.
Cá sòng nướng béo ngậy giúp tôi cảm nhận rõ nước ngọt rỉ ra từ miếng thịt. Tôi không vội chấm mấy miếng đầu để cảm nhận rõ hơn vị thơm ngọt của cá sòng. Mấy bác ngư dân biết tôi là khách phương xa đến nên không khách sáo, nhường tôi ăn là chính. Khi tôi vứt đầu cá xuống cát, bác Ba Nay giật mình. Bác bảo với mấy người bạn: “Quên không dặn cháu, với mấy lão già chúng tôi, cá sòng nướng ngon nhất là phần đầu”. Bác gắp đầu cá lên, phủi bụi, nướng lại rồi cho vào bát tôi. Đến lúc này, tôi mới hiểu vì sao lúc nãy bác cười chủ quán đã không nhắc đến đầu cá sòng nướng khi giới thiệu cho tôi.
MINH NHI