Ở phòng trưng bày hiện vật, một cháu nhỏ nhìn ngắm rất lâu chiếc xe tăng T54B mang số hiệu 843, như thắc mắc tại sao chiếc xe tăng lại ở đây. Người cha xoa đầu con trai bé bỏng: “Đây là chiếc xe tăng đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, sau này lớn lên con sẽ biết”. Nói đến Quân đội là có hình ảnh chú bộ đội, đôi mắt đen tròn trẻ thơ như nhớ ra điều gì, bất chợt bé reo lên: "Ông nội cũng là bộ đội!". Nụ cười trong veo của bé lấp lánh trên màu áo in hình cờ đỏ sao vàng trước ngực.

Câu chuyện ấy làm tôi nhớ lại tuổi thơ của mình, những đứa trẻ sinh ra khi nước nhà đã thống nhất. Ký ức chiến tranh chỉ được nghe trong những câu chuyện của người lớn. Bác tôi là bộ đội, thời trai trẻ của bác gắn liền với những cuộc hành quân trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, vì thế, chuyện ông kể đẹp như màu xanh của lá cây rừng. Chiếc chiếu cói trải xuống nền gạch, lũ con nít chúng tôi nằm phơi bụng ngắm trăng đêm hè, hóng chuyện xóm làng. Bên bát nước chè xanh, chiếc quạt mo bà nội phe phẩy đủ mang đến ngọn gió mát lành. Chuyện vui làm người già, trẻ con cười chảy nước mắt, nhưng khi nhắc về đồng đội thì mắt ông đỏ hoe, ngấn nước. Dù còn bé nhưng chúng tôi phần nào cảm nhận được sự mất mát, đau thương qua cảm xúc của ông.

“Đất là nơi anh đến trường/ Nước là nơi em tắm/ Đất Nước là nơi ta hò hẹn/ Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”... Những vần thơ được chép nắn nót bằng mực tím trong cuốn sổ lưu niệm mà bác tôi luôn nâng niu như một kỷ vật vô giá. Trong một lần ốm nặng, bác nhờ tôi vào mở chiếc hòm lấy cuốn sổ, rồi bác đặt nó lên ngực trái của mình và thiếp đi. Gương mặt tuy khá mệt mỏi nhưng trên môi ông như đang hé nụ cười. Thời đó, tài sản trong ba lô của người chiến sĩ là những món quà giản dị: Chiếc khăn mùi xoa đượm mùi bồ kết, cuốn sổ ghi dòng lưu bút, thư bạn bè, người yêu...

Những hạt mưa xuân li ti giăng mắc, cây bưởi bên hiên nhà trổ những nụ hoa trắng muốt, mùi hương ngan ngát, chợt nhớ “tinh chất” hoa bưởi của thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn từng đi vào lòng người. Cửa sổ hai nhà “không khép bao giờ” thấm đẫm tình cảm bạn bè chung lớp, chung trường, lớn lên bên nhau đầy ắp trong ký ức. Khi mùa xuân đến, nhà “bên ấy” có cậu bạn vẫn thường hái hoa cài lên tóc cô bé ngày xưa nay sắp sửa ra trận thì cảm xúc trong lòng cô gái trào dâng niềm nhớ nhung. Trong thời khắc người đi, người ở không thể diễn tả bằng lời, cô đành nhờ “bà mối” chuyển lời muốn nói mà giấu đi sự vụng dại, run rẩy của con tim vừa chớm yêu. Cảm xúc ấy mãi là khoảnh khắc đẹp nhất trong lòng người chiến sĩ xa quê.

“Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, trên các cung đường hành quân luôn tràn đầy sức trẻ, sức xuân, tinh thần lạc quan và “tiếng hát át tiếng bom” càng tiếp thêm nghị lực. Nhạc sĩ Ánh Dương “ký họa âm thanh” các cô gái thanh niên xung phong bằng giai điệu rộn ràng: “Giữa tiếng bom gào đạn giội/ Vẫn nghe vang vang câu hò trên đường”. Phụ nữ tưởng rằng chân yếu tay mềm, mảnh mai đào liễu, vậy mà bàn tay ấy có thể “dời non lấp biển” để thông đường cho những chuyến xe qua. Nơi hậu phương miền Bắc, mọi người thi đua lao động sản xuất vì đồng bào miền Nam thân yêu: “Chị vững tay liềm đồng lúa/ Anh vững tay búa công trường”.

Tuổi trẻ gắn liền với việc học tập trên giảng đường, nhưng có một thế hệ sinh viên đã tạm gác bút nghiên để lên đường đi chiến đấu. Chuyện kể rằng những tân binh sinh viên từ các trường đại học ở Hà Nội tình nguyện xung phong nhập ngũ. Đoàn tập trung đi từ ga Kép (Bắc Giang) đến ga Vinh, từ đây hành quân vào chiến trường. Khi qua ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay), những lá thư từ các toa thả xuống trắng đường, ngoài bì thư mang dòng chữ viết vội: "Nếu nhặt được thư này nhờ chuyển đến địa chỉ..."; "Tạm biệt nhé Hà Nội mến yêu!"; "Tạm biệt giảng đường"; "Hẹn ngày trở về"... Tàu chuyển bánh, phố xá lùi dần phía sau, chỉ còn lại hình ảnh người dân Thủ đô đứng vẫy chào đoàn quân.

leftcenterrightdel

Tác phẩm “Nắng tháng Năm” (tác giả vẽ trong đêm 30-4-1975, ghi lại hình ảnh nhân dân Sài Gòn đón chào Quân Giải phóng. Hiện tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Tranh của họa sĩ QUÁCH PHONG 

 

2. Những vùng đất mà kẻ thù tàn phá trong chiến tranh, giờ đây được phủ xanh bằng những cánh rừng bạt ngàn. Tâm nguyện của bác tôi cũng như nhiều cựu chiến binh là được thăm lại chiến trường xưa. Trong vòng tay ấm áp của đồng chí, đồng đội, những mái đầu bạc trắng không khỏi nghẹn ngào nhắc nhớ kỷ niệm cũ, cái thời gian khó nhưng đầy ắp hoài bão, khát vọng tuổi trẻ. Họ tự hào vì đã được cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Càng trong khó khăn, càng sáng ngời tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Đại dịch Covid-19 bùng phát, không chỉ bác sĩ-chiến sĩ áo trắng xung kích trên tuyến đầu chống dịch. Nơi phên giậu Tổ quốc, những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng ngày đêm căng mình chốt chặn, kiểm soát các đường mòn, lối mở ngăn chặn dịch xâm nhập. Màn đêm buông, ánh trăng vàng trên đỉnh núi như ngọn đuốc khổng lồ của mẹ thiên nhiên, thắp sáng những đứa con mang tên núi trên dọc dài biên cương hùng vĩ. Sóng núi nhấp nhô tạo bức tường thành vững chãi, che chắn những bản làng bình yên. Ánh trăng dịu dàng đậu bờ vai chiến sĩ, màu sáng lấp lánh trên ve áo nhảy nhót theo bước hành quân. Cơn gió vô tình vờn lên tóc, đùa vui những chiếc lá đang rì rào kể chuyện, không gian vang lên bản hòa tấu rừng xanh bất hủ.

Trên đường từ Nam ra Bắc, tuổi trẻ khắp mọi miền đổ về Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) để tri ân mảnh đất thiêng liêng, địa danh được coi là "chảo lửa", "túi bom" khi ước tính mỗi mét vuông ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu hàng tấn bom của kẻ thù. Trong làn khói hương thành kính, thế hệ trẻ bày tỏ lòng tri ân tới các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc, như thầm hứa với lòng mình đi theo con đường mà cha ông ta ngàn năm gìn giữ. Bầu trời hôm nay trong xanh hơn, vài lọn mây trắng như sải cánh chim hòa bình. Ở một nơi xa nào đó, các cô gái thanh niên xung phong nơi Ngã ba Đồng Lộc cũng đang hóa thân trong sắc nắng quê hương, làm rạng rỡ hình ảnh phụ nữ Việt Nam duyên dáng và tinh khôi.

Thời đại kỷ nguyên số, đất nước chuyển mình cùng dòng chảy thế giới, tuổi trẻ Việt Nam không ngừng học tập và lao động. Giảng đường Đại học Bách khoa Hà Nội những ngày này khá nhộn nhịp, bởi ngoài sự miệt mài học tập của sinh viên, còn được đón những vị khách rất đặc biệt, đó là những cựu sinh viên-cựu chiến binh về thăm trường cũ. Những bông hoa tươi thắm đặt trang trọng bên tượng đài màu trắng, khắc họa hình ảnh quyển sách đang mở, phía trên là chiếc mũ cối có gắn quân hiệu Quân đội nhân dân Việt Nam. Tượng đài được đặt trong khuôn viên nhà trường để ôn lại truyền thống, giáo dục tinh thần yêu nước tới các thế hệ sinh viên. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Tổ quốc ghi công lớp lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc”.

Hòa mình vào dòng người trên con phố quen, nghe đâu đó vang lên lời ca: "Một thời chiến đấu, cha tôi anh hùng/ Một thời gian khó, mẹ tôi đảm đang/ Vẫn giữ nụ cười và tiếng hát át tiếng bom/ Để rồi nay bước trên con đường đời.../ Đứng dưới bóng cờ, là con tim ngân lên tiếng ca/ Đoàn quân Việt Nam đi...".

PHÙNG MINH