1- Ở nơi đất chật người đông, tấc đất tấc vàng như TP Hồ Chí Minh, có được không gian rộng rãi, thoáng đãng để lập làng, trồng tre là vô cùng khó. Ở một số khu du lịch sinh thái hay quán cà phê, nhà hàng, người ta lấy tre làm vật liệu xây dựng, chất liệu của nghệ thuật sắp đặt, trồng những khóm tre tạo cảm giác an yên, quê kiểng để thu hút du khách, thực khách. Tre Việt, từ trong truyền thuyết đến bề dày văn hóa truyền thống, là một trong những thành tố chủ yếu hình thành nên bản sắc văn hóa. Tre giúp Thánh Gióng đánh tan giặc Ân, trở thành biểu tượng của sức mạnh dân tộc. Lũy tre xanh ngàn đời bao bọc làng quê, che chắn cho những mái tranh nghèo trước mưa nắng, bão dông. Tre giúp người làm chông diệt thù, đẩy lùi gót giày của lũ xâm lăng. Người Việt mình, tổ tiên, ông bà từ ngàn năm nay, sống nương tựa, thân thuộc vào tre, thác xuống mồ cũng nhờ cái đòn tre, lạt tre làm công cụ tiễn đưa. Đến cả cái chân nhang, phương tiện để người đang sống kết nối với người đã khuất, cũng làm bằng tre. Tre trở thành một phần hồn cốt của người Việt mình, dân tộc mình, Tổ quốc, giang sơn của mình...
Thế mà bây giờ, nông thôn Việt vắng tre. Tư liệu sản xuất của đại đa số nông dân không còn cần đến tre. Tường bê tông thay thế bờ rào tre. Dây công nghiệp buộc thay lạt tre. Rổ rá và các loại vật gia dụng bằng nhựa, inox tràn ngập trong mỗi nhà dân. Phong trào xóa vườn tạp, đưa ứng dụng khoa học sản xuất nông nghiệp công nghệ cao buộc tre bị đốn hạ. Tre trở thành “người thừa” trong đại gia đình nông thôn, nông dân Việt. Dẫu biết trong quy luật vận động phát triển của đời sống xã hội, cái gì không còn phù hợp tất yếu sẽ bị đào thải, thay thế, nhưng mỗi lần về quê, đi trên những con đường bê tông bạc thếch, hầm hập nắng nóng, bỏng rát gió Lào... lòng lại bùi ngùi thương nhớ bóng tre, khao khát nghe tiếng tre giục giã gọi mùa...
Nơi tôi sinh ra là một ngôi làng bé nhỏ nép mình dưới chân núi Mồng Gà, bên con sông Ngàn Phố đôi bờ xanh rợp bóng tre. Tuổi thơ và thanh xuân của tôi lặn ngụp trên cánh đồng làng, dưới bóng tre làng mò cua bắt ốc. Khoai lúa nuôi tôi khôn lớn. Lũy tre làng đưa tôi vào thế giới tâm hồn mênh mang. Ở đó có lời ru bên vành nôi tre gọi gió, có tiếng tre kẽo kẹt đưa võng ngày hè, có tiếng gà cục tác cục ta, có những đêm trăng vằng vặc mùa cập kê gọi tên nhau dưới bóng tre ngà, có nụ hôn đầu đời bên bờ tre rì rào cổ tích...
Tóc ngả màu sương tôi trở về làng cũ. Ước mơ, khát vọng ươm mầm sau lũy tre làng từ tuổi mới chập chững biết yêu, đến nay đã thành sự thật. Tôi có học vấn, có công danh sự nghiệp, có mái ấm gia đình ở thành phố, có nhiều thứ mà ngày xưa tôi chỉ thấy trong giấc mơ... Nhưng tre thì không còn nữa. Tre đã đi theo ông bà tôi và thế hệ người làng nhuộm răng đen, khoác áo tơi về miền cổ tích. Dĩ vãng mờ xa bóng tre đầu ngõ. Về làng, ngồi với đám bạn chăn bò thuở xưa bên thềm bê tông trùi trụi nắng, nghe bạn nhắc chuyện xem ti vi thấy tôi đọc thơ về tre với giọng hào hứng, lòng tôi càng thêm ngậm ngùi. Lũy tre làng của tuổi thơ tôi giờ chỉ còn trong những vần thơ hoài niệm...
Hơn 3 thập kỷ xa lũy tre làng lên đường nhập ngũ, tôi đã quen với cuộc sống thị thành. Mỗi lần nhớ về mái tranh nghèo dưới bóng tre một trời kỷ niệm, lại rưng rưng những đợt sóng cảm thức ùa về lay động tâm can. Tôi thèm nghe tiếng tre, thèm cảm giác đi dưới bóng tre xanh mát, rì rào tiếng gió, xôn xao tiếng chim hát gọi bạn tình...
|
|
Con đường rợp bóng cây tre trong Đền tưởng niệm các Vua Hùng ở TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).
|
2- Tôi trở lại Thành phố mang tên Bác vào độ thiều quang rực rỡ. Mùa lễ hội đầu xuân ở thành phố đông dân nhất cả nước vô cùng nhộn nhịp, các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống diễn ra đa sắc, đa thanh. Trong không gian, không khí lễ hội, nơi hội tụ sắc thái văn hóa đặc sắc của các vùng, miền trên cả nước, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn vinh. Nhiều người cứ tưởng nơi đô thị hiện đại, văn minh san sát các tòa cao ốc chọc trời, các khu trung tâm thương mại nhộn nhịp, biết kiếm đâu ra những không gian thư thái quê mùa. Vậy mà có đủ cả, dẫu số lượng chưa nhiều. Các mô hình bảo tồn sinh thái, khu du lịch đồng quê, khu tưởng niệm, công viên văn hóa..., được xây dựng trong lòng thành phố giúp cho người dân đô thị và du khách muôn phương có được những khoảng lặng cảm xúc hoài niệm. Đến đó, hòa mình trong không gian làng mạc, ruộng đồng, ngồi bên mái lá đơn sơ ngắm cối xay tre, phe phẩy quạt mo nhâm nhi trái ngọt, nghe tiếng tre rì rào kẽo kẹt hòa trong tiếng chim ca, dế gáy, giục cây lúa làm đòng, giục nhành hoa bung nụ, giục mùa cây kết trái... cảm giác thư thái, an yên lạ kỳ.
Đền tưởng niệm các Vua Hùng (còn gọi là Đền Hùng phương Nam) tại TP Thủ Đức là một địa chỉ điển hình, hội tụ những đặc trưng sinh thái làng quê Việt truyền thống. Tận dụng địa hình có thế núi, dáng sông, có cánh đồng và cả những trảng sình lầy um tùm lau sậy, dừa nước... UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo ngành văn hóa, du lịch tổ chức xây dựng tại đây công trình văn hóa tín ngưỡng mang tầm quốc gia. Đây là Đền Hùng có quy mô, tầm vóc lớn nhất khu vực phía Nam. Địa chỉ văn hóa tâm linh này không chỉ là nơi tưởng niệm các Vua Hùng mà còn là khu văn hóa sinh thái bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của nông thôn Việt, hội tụ những đặc trưng, tinh hoa văn hóa dân tộc và sắc thái văn hóa sông nước Nam Bộ. Dấu ấn đặc trưng ở đây là tre Việt. Tre được quy hoạch trồng theo từng khu vực, tái hiện không gian làng quê Việt cổ kính. Sau hơn một thập kỷ xây dựng, dưới bàn tay chăm sóc của đội ngũ cán bộ, nhân viên Ban quản lý, tre ở Đền Hùng phương Nam đã sinh sôi, phát triển thành hàng, thành lũy, tỏa bóng xanh um bao bọc những con đường đá rêu phong, thấp thoáng mái ngói vút cong trầm mặc...
Trong tiết trời mùa khô nắng nóng, chúng tôi tìm về đây dâng hương tưởng niệm Quốc Tổ. Làn khói nhang linh thiêng dưới tán tre cổ tích thức dậy trong thế giới tâm hồn mạch nguồn tri ân và tình yêu quê hương đất nước. Tôi vục gáo dừa múc nước mưa trong chiếc vại sành, dòng nước tinh khôi từ trời đất chảy qua tán tre xanh, hứng bằng cái máng bé xinh được làm từ khúc tre chẻ nửa. Ngụm nước mưa mát lạnh thấm vào da thịt, hòa cùng dòng máu rưng rức trong tim. Thế giới tuổi thơ ùa về bên mái đầu sương sa ngũ thập. Tuổi thần tiên ăm ắp dưới bóng tre ngà vời vợi tán lá trên cao. Trong vỉa đất nâu dưới gốc tre tủa tua sợi rễ, bầy đom đóm ngủ ngày đợi mặt trời xuống núi, mở hội lập lòe gọi giấc tinh khôi...
Có những khoảng lặng cảm thức để được sống chậm trước dòng đời hối hả trong không gian văn hóa làng quê giữa lòng đô thị ngày hai buổi tắc đường, kẹt xe, mới thấy trân quý hơn tâm hồn dân tộc. Tôi ngồi nghiền ngẫm từng dòng, từng chữ trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 do đồng chí Trường Chinh soạn thảo. 80 năm qua rồi, lịch sử đất nước trải qua biết bao biến cố, thăng trầm, đổi thay, nhưng tính dân tộc, một trong những vấn đề trọng yếu của chủ trương, chiến lược xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc, vẫn vẹn nguyên giá trị. Tính dân tộc là chủ trương xuyên suốt, là giá trị bất biến của văn hóa Việt Nam. Để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thì chủ trương, chiến lược ở tầm vĩ mô phải được hiện thực hóa bằng những chương trình hành động, những kế hoạch khả thi, những mô hình hiệu quả trong thực tiễn đời sống xã hội. Tre Việt, làng quê Việt truyền thống trong lòng đô thị là một trong những mô hình như thế.
Sản phẩm công nghiệp thời đại 4.0, tiện ích của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo... sẽ dần thay thế các hình thức sản xuất, phong cách sinh hoạt thủ công, truyền thống. Đó là quy luật không thể đảo ngược. Sự biến mất dần của các sản phẩm, công cụ thủ công thô sơ trong đời sống xã hội, kéo theo cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu cũng bị biến mất. Đất nước, dân tộc vươn lên hùng cường, phồn vinh. Đó là điều từ xa xưa ông bà mình từng mơ ước, gửi gắm. Cây tre, dù không còn nguyên giá trị tiện ích, hữu ích trong đời sống, nhưng không thể để nó biến mất. Nó cần được tồn tại và khẳng định giá trị ở một không gian khác, một phân khúc khác, một môi trường khác. Ở đó, tre Việt, làng quê Việt không còn dáng dấp nguyên sơ, mà nó được chắt lọc, nâng tầm thành các sắc thái, giá trị văn hóa. Người Việt mình và cả du khách nước ngoài, trải nghiệm cuộc sống nông thôn dưới lũy tre làng, không còn là nỗi cực nhọc một nắng hai sương bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, mà là sự trải nghiệm của một hình thức văn hóa.
Chợt thấy thấm thía hơn thông điệp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Người lãnh đạo cao nhất Đảng ta đã mượn thơ Nguyễn Bính để khuyên cán bộ, đảng viên phải giữ lấy “chân quê”, giữ lấy “nếp nhà”. Trong rì rào tiếng tre, chân quê, nếp nhà bừng thức từ trái tim, huyết quản con người như một nhu cầu tự thân.
Từ cách làm văn hóa của TP Hồ Chí Minh theo mục tiêu “văn minh-hiện đại-nghĩa tình”, nên chăng các địa phương cần nghiên cứu, quy hoạch quỹ đất dự trữ để bảo tồn đặc trưng văn hóa làng quê mang sắc thái vùng, miền. Bởi, mười, hai mươi, ba mươi năm và lâu hơn nữa, con cháu chúng ta rất cần những không gian văn hóa ấy để tự hào, nuôi dưỡng, phát triển tính dân tộc trong thời đại trí tuệ nhân tạo bùng nổ...
Bài và ảnh: NGUYỄN PHAN