Trình tấu trống đồng tại lễ đón nhận Bằng di tích Quốc gia tại khu di tích khảo cổ Làng Cả, phường Thọ Sơn, TP Việt Trì (Phú Thọ)

Hiếm có một dân tộc nào trên thế giới có chung một gốc gác Tổ tiên-một ngày giỗ Tổ như dân tộc Việt Nam. Từ huyền thoại Mẹ Âu Cơ đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng, ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào đã gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ đồng bào là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam.

“Hằng năm ăn đâu làm đâu, cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ” đã trở thành đạo lý truyền thống tốt đẹp từ hàng nghìn đời nay.

Trên núi Nghĩa Lĩnh uy nghiêm, trầm mặc, có Lăng vua Hùng, có điện thờ, trời, cột đá thề. Đó là nơi hội tụ hồn thiêng sông núi. Trong tâm thức của mỗi người Việt Nam, đó là nơi cội nguồn dân tộc, nơi gọi về những mảnh hồn chim Lạc.

Người xưa quen gọi Nghĩa Lĩnh là núi Hùng. Núi Hùng như chiếc đầu Rồng hướng về phía Nam, mình uốn khúc thành dãy núi Trọc, núi Văn, núi Pheo. Thế Rồng chầu, Voi phục, ấy là nơi phát tích của giống nòi, nơi cả dân tộc luôn hướng về thành kính trong niềm tự hào, hãnh diện. Mấy nghìn năm trông coi và gìn giữ, đánh giặc và dựng xây, Đền Hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh và niềm tin, là chói sáng của một nền văn hóa. Từ trong ý thức tâm linh cả dân tộc luôn hướng về: “Nước mở Văn Lang xưa/dòng vua đầu viết sử, mười tám đời nối nhau/ba sông đẹp như vẽ/mộ cũ ở lưng đồi/đền thờ trên sườn núi/muôn dân đến phụng thờ, khói hương còn mãi mãi”.

Vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng và nói chuyện với Đại đoàn Quân Tiên Phong, bia tưởng niệm “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” do Bộ Quốc phòng thiết kế và thi công đã được dựng lên ở Đền Giếng. Có thể coi đây như một cột đá thề của con cháu thời đại Hồ Chí Minh.

Không chỉ người Việt chúng ta tự hào về quần thể di tích ở Đền Hùng, mà đọc những dòng lưu bút của các đoàn đại biểu quốc tế và bạn bè khắp năm châu bốn biển từng đến thăm viếng Đền Hùng, chúng ta thật sự xúc động khi được biết Đền Hùng và các di tích trên núi Nghĩa Lĩnh đã làm cho cả thế giới phải vị nể ý thức cội nguồn dân tộc của chúng ta. Nhiều dòng lưu bút thừa nhận: “Đền Hùng là nơi đặt nền móng cho lịch sử Việt Nam… Đền Hùng là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam. Đây là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam-một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm”.

Việc tu sửa và tôn tạo khu di tích có một không hai trong lịch sử này không ngoài ý nghĩa ấy. Sau tôn tạo, trùng tu, chỉ mong sao Đền Hùng còn giữ được vẹn nguyên nét đặc trưng của văn hóa cội nguồn, của tâm linh. Bởi cùng với ý nghĩa lịch sử vô giá, Đền Hùng còn là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, của đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn” đã được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử.

“Dù ai đi ngược về xuôi/ nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”. Lời nhắc nhở ấy đã đi vào tâm thức của cả dân tộc, “nếu ai không nhớ/ sẽ không lớn nổi thành người”.

Nhà thơ NGUYỄN HƯNG HẢI