Cái hòm sắt tây đó có lẽ chỉ kém tôi đôi tuổi. Trong nó là những thứ đồ hiện hữu cả một quãng thời gian mẹ gìn giữ nâng niu, gồng mình, gắng gượng nuôi tôi trong những năm khó khăn của một thời bao cấp. Ngày đó hai người đi làm nuôi con nhỏ còn vất vả, huống hồ mẹ chỉ có một thân đóng hai vai khi bố tôi gặp tai nạn mất sớm. Cái thời ấy, mắm muối, dầu đèn... hay cho tới mớ rau phải dậy sớm mà ra cửa hàng thực phẩm xếp hàng dài...

leftcenterrightdel
Minh họa: MINH TIẾN 
Đang rưng rưng, tôi nghe mẹ khẽ nói: “Xách cái hòm nhỏ xuống đây, rồi mẹ kể cho mà nhớ cái thời răng sữa của anh”. Lúi húi tha được cái hòm nhỏ xuống nhà, mẹ nhẹ nhàng nhặt từng món đồ ra, chậm rãi kể cho tôi nghe về tuổi đời, xuất xứ của chúng. “Cái cặp lồng này mẹ phải bốc thăm ở cơ quan mới được đấy. Chẳng biết bao lần theo mẹ với anh vào viện chăm người ốm đây, thời ấy ai cũng thèm bát phở không người lái nên nó cũng chẳng có nhiều cơ hội đựng phở đâu, nhưng cháo hành, tía tô thì vô số đấy nhé. Cái âu bằng sứ Bát Tràng màu trắng đục đã rạn men này anh còn nhớ để làm gì không? Dùng để đựng mỡ lợn đấy! Ngày đó ít có nhà nào có đầy cái âu này đâu, mỡ quý lắm, giờ chắc anh cũng khó mà hình dung ra được”. Tôi còn nhớ ngày ấy bác gái còn hay qua nhà thăm em, thăm cháu, mua cho chút mỡ lòng, cũng là sung sướng lắm. Bây giờ nhà nào cũng đun nấu bằng dầu ăn nên cái âu sứ cũng đành vào trong hòm nhỏ nằm.

Mẹ kể: “Ngày đấy bố anh không may mất sớm, mẹ đi xếp hàng mua thực phẩm từ tờ mờ sáng cũng phải dắt cả anh theo. Anh còn ở cái tuổi chưa thay răng, vừa đi vừa ngủ nhìn cũng tội lắm nhưng chẳng biết làm sao được. Không lẽ mẹ để anh ở nhà, anh mà tỉnh giấc một mình trong nhà tối um rồi lại khóc cho sùi bong bóng mũi mất thôi”. Tôi nghĩ cũng hơn ba mươi năm có lẻ, đất nước đổi mới, thời cuộc đổi thay cũng nhiều nhưng có lẽ còn ít người tích những thứ đồ, kỷ vật rất đời như mẹ. Tay run run, mẹ cầm cuốn sổ gáy đã sờn nhiều, được bọc trong cái túi ni lông đã ngả màu vàng cánh gián. Những trang đầu với kiểu chữ phăng-tê-ri bay bướm, từng nét thanh, nét đậm mở đầu cuốn sổ, bên trong dán nhiều ảnh của bố mẹ thời mới cưới còn ở trong Ban đại diện phía Nam của Báo Quân đội nhân dân.Tôi nhận ra bao gương mặt các bác, các chú,  mà tên tuổi đã thành danh trong làng báo. Ngày đấy họ trẻ quá, cái thuở hàn vi có khác, nhìn chẳng thấy ai có chút da chút thịt, những nhà báo thanh mảnh với gò má cao và bờ vai nhọn xương đòn trong bộ quân phục hay bộ quần đùi, áo ba lỗ quân nhân, khoác vai bá cổ nhau với nụ cười đầy miệng răng bên sân bóng chuyền, bóng đá.

Bố tôi mất khi mẹ còn rất trẻ, nhiều năm sau gia đình và cơ quan động viên, mẹ tôi đi bước nữa. Mẹ lấy một chú cũng là bộ đội và cùng quê với bố. Khi tôi mười một tuổi thì có thêm em bé, nó còi cọc, hay bị ho, hay ốm và khóc ngằn ngặt suốt ngày. Có những tháng thời gian nó ở trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Thế mà giờ con nhóc ấy đã trở thành giáo viên, đi gõ đầu trẻ. Trong cái hòm của mẹ vẫn còn giữ những cuốn sổ khám bệnh và đơn thuốc của nó. Ngày đó ai cũng nói con bé này khó nuôi chắc sau này cũng trở thành người có tài đây, người bé như cái kẹo mút dở mà khi nó khóc cả tầng nhà chẳng ai không biết. Nó khóc chẳng thể ai dỗ hay bế cho nó nín được ngoài mẹ, nó khóc tới độ mẹ chưa vào kịp thì nó tím người và không thở nổi.

Hai mẹ con đang tâm sự thì cô út đi dạy về, nó chào mẹ và tôi xong lại liến thoắng như mọi ngày. Bỗng nó nhận ra những thứ tôi và mẹ đang xem. Nó cũng như tôi chợt trầm xuống khi nhìn thấy những kỷ vật và tập sổ sức khỏe của nó ngày nhỏ. Từ từ lật từng cuốn sổ, nó không kìm lòng được và nước mắt lăn tràn trên khuôn mặt. Chẳng thốt lên được câu nào, nó cứ gục đầu vào lòng mẹ nghẹn lên những tiếng nấc khe khẽ. Mẹ nói: “Chắc cô không quên những cuốn sổ đơn thuốc và cái bình sữa này chứ? Ngày bé anh cô suốt ngày cõng cô sang viện Đống Đa. Trời nắng cũng như mưa, lưng cõng em, tay cầm ô đi đi về về cả cây số vì nhà không xa viện lắm mà nhiều lúc đông bệnh nhân, cứ hai, ba cháu một giường nên nhà mình cứ trốn về suốt, tới giờ thăm khám lại ra không sợ các con lây chéo bệnh”.

Chắc nó cũng như tôi, chẳng thể ngờ được mẹ vẫn cất giữ được những thứ đi cùng hai anh em từ ngày thơ ấu. Những thứ này nếu không phải là mẹ có lẽ chúng cũng đi mất theo thời gian lâu rồi. Cái hòm cũ toàn những vật dụng, cuốn sổ và những lá thư đã úa màu ấy chứa đựng cả một thời tuổi thơ của hai anh em tôi. Nó là bảo vật đâu chỉ của mẹ, mà của cả gia đình chứ nhỉ? Mẹ nhẹ nhàng xoa đầu hai đứa tôi: “Bảo vật của mẹ là đây này, mẹ chẳng mong gì hơn khi nhìn các con khôn lớn trưởng thành. Anh thì làm bộ đội, cô thì làm nhà giáo, giờ anh đã có gia đình riêng, vợ làm phóng viên, có nếp, có tẻ. Mẹ chỉ đợi mỗi cô làm được như anh thôi là mẹ hoàn thành trách nhiệm với liệt tổ liệt tông. Quả thật đời mẹ chẳng mong gì hơn nữa”.

Anh em tôi nhìn nhau, chẳng nói với nhau được lời nào, có cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ họng. Nắng chiều đã chiếu vào tận cửa sổ, ngọn gió cuối hè man mác thổi từng lọn tóc đã pha sương rủ trên gương mặt mẹ. Tôi nhẹ nhàng đặt lại từng món đồ của mẹ ngay ngắn vào trong hòm, em gái lấy lược chải tóc cho mẹ.

Kéo lại cái khăn mỏng đắp ngang bụng bé con, tôi xin phép mẹ cất đồ rồi đi đón cu Bi. Hoàng hôn được vẽ nguệch ngoạc với những đám mây hình thù kỳ dị trong áng chiều vàng vọt, chân mình sao nhẹ tênh bước dọc bên hồ lan man nghĩ về “gia tài” của mẹ. Cả đời lận đận hai lần đò với gần bốn mươi năm quân ngũ, ra Bắc vào Nam, giờ gia tài của mẹ chỉ đơn giản là nếp nhà xưa bên con cháu cùng những kỷ vật của mình. Đời người có thật là chỉ đơn giản và nhẹ nhàng thế không hả mẹ?!

Tản văn của DƯƠNG LÊ TUẤN