Đó là món chả cá Lã Vọng, món ăn được tác giả Patricia Schultz đưa vào cuốn “1.000 nơi nên biết trước khi chết”, được hãng tin Mỹ MSNBC chọn vào tốp 10 nơi nên biết trước khi... chết. Patricia Schultz viết: “... Món chả cá này là thực đơn của gia đình họ Đoàn trong nhiều thế hệ. Sau bảy thập niên, chả cá trở nên gắn bó với người Hà Nội đến nỗi con đường phía trước quán đã được gọi theo tên nó...”.
Chuyện xưa kể lại, năm 1871, ông Đoàn Xuân Phúc, vốn là anh thợ sơn, sinh sống tại nhà số 14 Hàng Sơn, Hà Nội. Đau lòng trước cảnh đất nước lầm than vì giặc ngoại xâm, ông Phúc đã giao kết cùng những tổ chức ái quốc, muốn theo Đề Thám chống Pháp. Ngôi nhà 14 Hàng Sơn trở thành địa điểm bí mật để nghĩa quân hội họp. Mỗi lần như thế, bà Bỉ Hí Vân, vợ ông Phúc, thường đi chợ Đồng Xuân mua thức ăn. Ngày nọ, bà gặp được cô con gái nhà thuyền chài đem bán một con cá dài tới cả mét, râu dài, bụng trắng. Đó là một con cá lăng khổng lồ. Bà Vân mua về nướng chả. Bữa tiệc ngon đến bất ngờ. Kể từ đó, lần nào nghĩa quân hội họp, bà Vân cũng mua cá lăng về làm món chả cá đãi khách. Lâu dần thành quen, những vị khách ấy đã giúp gia đình mở một quán chuyên bán món ăn này, vừa để nuôi sống gia đình, vừa là vỏ bọc để che mắt thực dân Pháp cho những hoạt động cách mạng bí mật.
Chả cá Lã Võng làm mê hoặc nhiều thực khách
Thời gian trôi qua, những cuộc khởi nghĩa đơn lẻ của nghĩa quân chống Pháp dần lùi xa, nhưng quán chả cá ở 14 phố Hàng Sơn vẫn tồn tại. Đến khi có tuổi, bà Bỉ Hí Vân truyền nghề cho con trưởng là ông Đoàn Xuân Hữu với lời trăng trối: “Thế cục xoay vần, cứ làm nghề chả cá, giữ nguyên bí quyết và đạo đức thì trường tồn”.
Tiếng tăm của nhà hàng chả cá 14 Hàng Sơn ngày càng nổi như cồn, đến cả tai quan Tây. Quan Tây gọi ông Hữu lên nói rằng: Vì chả cá có tiếng nên cho đổi tên phố Hàng Sơn thành phố Chả Cá.
Cái tên Chả cá Lã Vọng cũng là một kỷ niệm của gia tộc họ Đoàn. Một lần, dịp Tết Trung thu, ông Hữu đưa cô con gái út Đoàn Thị Thái qua phố Hàng Thiếc để mua đồ chơi tặng con. Bỏ qua bao đồ chơi của tuổi thơ, bất chợt cô con gái út chọn hình ông lão nón lá, râu dài ngồi câu cá. Người bán kể về tích ông Lã Vọng, tức Khương Tử Nha, anh hùng thời nhà Chu, Trung Quốc, lánh bụi trần, ngồi câu cá đến 70 tuổi bên sông Vị. Vua Văn Vương, một bậc minh chúa nổi tiếng, vi hành bắt gặp và vời Lã Vọng về làm quan. Công đức, trí tuệ của Lã Vọng để tiếng thơm muôn đời cùng cái danh người anh hùng ẩn sĩ câu cá bên sông Vị.
Ngôi nhà 14 phố Chả Cá từng là nơi hoạt động bí mật của nghĩa quân Đề Thám
Ngày cô con gái sắp đi lấy chồng, ông Hữu đưa “ông Lã Vọng” sắt tây lên tủ. Sau này, thay bằng tượng gỗ. Từ đó, nhà hàng có tên Chả cá Lã Vọng.
Hơn 140 năm qua, nhà hàng Chả cá Lã Vọng chưa bao giờ vắng khách và trở thành địa chỉ “buộc phải đến” của du khách trong và ngoài nước khi tới Hà Nội. Thậm chí, nhà hàng còn mở thêm hai cơ sở nữa ở 107 Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội và 31 Nguyễn Thị Diệu, Thành phố Hồ Chí Minh. Sự phát triển ấy bắt nguồn từ phương châm kinh doanh của người sáng tạo nên món chả cá-bà Bỉ Hí Vân. Đó là “bí quyết” và “đạo đức” làm nghề. Trước kia, quán Chả cá Lã Vọng chỉ dùng những con cá lăng sinh sống ở khúc sông Hồng từ Lào Cai chảy qua Phú Thọ. Đó là đoạn sông dữ, réo rít bên những ghềnh đá, cồn đất. Cá lăng ấy bẩm thụ được mãnh lực của giang hồ, tinh túy của sông Hồng. Sau này, nguồn cá lăng ngày càng hiếm và đắt nên cũng có thể thay bằng cá nheo, cá quả hay cá chình…
Nhà hàng Chả cá Lã Vọng không chỉ nức tiếng gần xa mà đã đi cả vào thơ văn. Các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Băng Sơn... từng xuýt xoa mà viết bao điều ca ngợi về món ăn “độc nhất vô nhị” này. Năm 1989, thương hiệu Chả cá Lã Vọng đã được Nhà nước chính thức công nhận.
Bài, ảnh: NGUYỄN VŨ TUYẾN