"Tướng mệnh" và "số mệnh" không phải "tướng số"

Trời là ai, lực lượng nào mà có mãnh lực khổng lồ vô biên như vậy? Chắc chắn không ai, không trường phái nào trả lời rõ ràng được. Nhưng truy ngược về lịch sử văn hóa phương Đông thì “chân mệnh” lại cụ thể hơn, là “những điều kiện cần có để trở thành thiên tử”, hiểu rộng rãi và toàn diện là phải có cả về “tướng mệnh” và “số mệnh”. Có người hiểu là “tướng số” cũng không phải. “Tướng số” là khái niệm của bộ môn nhân tướng học phương Đông cổ truyền, dựa vào kinh nghiệm để đúc rút nhận định chỉ cách xem tướng người (đặc điểm bề ngoài về ký hiệu, phong thái, hành vi) để đoán số mệnh (giàu nghèo, công danh...). Những vấn đề này ở tục ngữ, ca dao có rất nhiều.

Hiểu “tướng mệnh” là những gì biểu hiện ra bên ngoài một cách cụ thể cũng chưa hẳn. Vì còn có khái niệm “tâm tướng” rất trừu tượng, chỉ những suy nghĩ, tâm trạng, thái độ, tình cảm ở bên trong nhưng phần nào biểu hiện ra bên ngoài. Vì lẽ này mà hầu hết các “thầy bói” thời hiện đại đều là nói dựa vì “tri nhân tri diện bất tri tâm” (biết người biết mặt (nhưng) không thể biết lòng người).

Bài viết chỉ xin tìm hiểu ở góc độ cứ liệu văn bản, xem “chân mệnh” là một nét thi pháp huyền thoại của văn học cổ trung đại. 

Nếu ví “Tam quốc diễn nghĩa” là ngôi nhà thì cái nóc là chữ “tuyệt” và 4 cột cái vững chãi là: Nhân (Lưu Bị), Trí (Khổng Minh), Nghĩa (Quan Công), Gian (Tào Tháo). Khổng Minh “tuyệt trí”, hẳn nhiên phải giỏi “chân mệnh”. Hồi thứ 53 kể Ngụy Diên giết Hàn Huyền là chủ rồi đem dâng thành cho Lưu Bị. Hôm ấy Ngụy Diên đến xin hàng, Khổng Minh bèn quát tả hữu lôi ra chém đầu. Mọi người thất kinh: Một tướng tài như thế lại đến xin hàng thì khác gì rồng được thêm vây, hổ mọc thêm cánh mà lại chém đầu! Khổng Minh mới nói rằng, một là “hưởng lộc chủ mà giết chủ, ấy là bất trung. Sống ở đất ấy mà lại dâng đất, đó là bất nghĩa”. Hai là “Sau gáy Ngụy Diên có cái phản cốt, sau này tất phản”. Ý trước rất chí lý nhưng ý sau thì cần bàn thêm, vì thuộc về... tướng số. Quả là cái “số” Ngụy Diên đã hại “số” Khổng Minh. Sau này, khi gần chết Khổng Minh làm lễ cúng trời xin kéo dài tuổi thọ. Đang lễ, Ngụy Diên không biết sầm sập đi vào làm tắt hết nến. Khổng Minh thở dài: "Số ta đã tận...". Sau này (hồi 105) Ngụy Diên làm phản thật. Nhưng dù đã chết Khổng Minh vẫn còn để lại “túi gấm” bày cách cho Mã Đại kết liễu kẻ phản phúc... Rõ ràng nếu thiếu những chi tiết “chân mệnh” này sẽ không còn là “Tam quốc” nữa. Sẽ không có kịch tính, không tạo ra sự tò mò suy đoán, lo lắng, hồi hộp, luyến tiếc hay căm ghét... Đó đích thực là thi pháp của huyền thoại!

Câu chuyện trên thuộc về “tướng mệnh”. Huyền thoại sau kể về “số mệnh”.

Chùm huyền thoại về Tần Vương (Trung Quốc) kể. Triều đại nhà Đường vừa được thành lập. Lý Thế Dân lên ngôi Tần Vương. Tuy mạnh mẽ đầy dũng khí nhưng một lần Vương vẫn bị thua chỉ còn cách chạy trốn vào một ngôi miếu. Đối phương tìm được Tần Vương đang ẩn nấp dưới chiếc bàn. Nhưng lạ thay khắp người ông ta, dù đang cơn cùng cực, cái chết đã kề thế mà lại được bao phủ bởi một thứ ánh sáng màu đỏ, khói tím giăng đầy. Trong màn sương huyền ảo hư thực ấy, thấp thoáng bóng một con rồng vàng có 8 móng vuốt uốn lượn che đỡ... Cực kỳ kinh ngạc. Đối phương không dám đụng kiếm. Ngược lại còn quỳ xuống... lạy!!! Chỉ nhờ huyền thoại mới nói được cái ngược đời này. Và chỉ có vậy hào quang mới bao phủ đậm đặc hơn chung quanh huyền thoại. Thì ra Thế Dân thành Tần Vương kiêu hùng sau này là do ý trời

Nguyên tắc "chân mệnh" ở Việt Nam

 Nguyên tắc “chân mệnh” trong văn xuôi trung đại Việt Nam thường có nét chung ở ký hiệu bề ngoài rất khác người của ngoại hình nhân vật. Ví dụ theo chính sử thì Lý Thái Tông (tên húy Phật Mã), sinh năm Canh Tý 1000 ở chùa Duyên Ninh (Hoa Lư), con vua Lý Thái Tổ và bà Lê Thị Phất Ngân. Cứ kể như thế thì không hấp dẫn và thiếu đi cái “thiêng”. Tạo ra cái “thiêng” là nhiệm vụ của huyền thoại. Thế nên có chi tiết mới đẻ ra mà “bả vai Phật Mã có 7 nốt ruồi tụ lại như chòm sao thất tinh” hoặc “sau gáy có 7 nốt ruồi tụ lại như chòm sao Bắc Đẩu”... Đấy là “tướng mệnh”. Huyền thoại phải kể tiếp, khi còn bé, lúc chơi đùa với bọn trẻ, Phật Mã thường bắt chúng dàn hàng tả hữu trước sau đóng giả làm quân hầu hộ vệ... Đó là “số mệnh” theo ý chỉ của “trời”... Vẫn thấy chưa đủ, lại kể tiếp một lần ông cho một đạo sĩ cái áo. Treo cái áo trong quán, nửa đêm đạo sĩ thấy rồng vàng in hình trên áo lấp loáng. Đạo sĩ tin chắc chắn đó là áo của bậc đế vương...

Các sách sử thời trước chưa phân biệt chính sử và dã sử như sau này nên trong chính sử có cả huyền thoại. Sách “Đại Việt thông sử” ghi lại giờ sinh tháng đẻ của Lê Thái Tổ (Lê Lợi) giờ Tý ngày 6-8-1385 (năm Ất Sửu) ở làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương (nay là Thọ Xuân, Thanh Hóa). Nghĩa là rất “sử” nhưng vẫn có chi tiết ông ra đời thì “trong nhà hào quang chiếu sáng rực và mùi thơm ngào ngạt khắp làng”. Lại thêm trước đó trong làng có cây quế rất to, dưới gốc cây có con hùm xám thường xuất hiện nhưng hiền lành, chưa từng hại ai. Từ khi Lê Lợi ra đời, con hùm không còn thấy nữa. Thế nó đi đâu? Không nói ra nhưng dân gian đã ngầm nói: Nó hóa thân vào Lê Lợi!!!

Tất nhiên huyền thoại phải tả “tướng mệnh” Lê Lợi giống con hùm xám kia với “mắt sáng, miệng rộng, sống mũi cao, xương mi mắt gồ lên. Đặc biệt, bả vai bên trái còn có 7 nốt ruồi, bước đi như rồng như hổ, tiếng nói vang như tiếng chuông”...

Huyền thoại về Phật hoàng Trần Nhân Tông nói nhà vua có “căn số” Phật từ khi mới đẻ. Sách “Thánh Đăng ngữ lục” ghi: “Đến khi vua ra đời, màu da như vàng ròng. Thánh Tông đặt tên là Kim Phật...”. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Được tinh anh của Thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng ròng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng... Vai bên tả có một nốt ruồi đen, các nhà tướng số cho rằng ngày sau sẽ gánh vác việc lớn”. Cả hai sách đều giống nhau ở chi tiết màu da như vàng ròng. Mà màu vàng là màu nhà Phật...

Để làm bật ra cái chất anh hùng sáng thế của Vua Quang Trung, hầu hết các sách, từ “Hoàng Lê nhất thống chí” đến “Đại Nam chính biên liệt truyện" hay “Tây Sơn thuật lược”... đều thống nhất đặc tả đôi mắt: “Tiếng nói sang sảng như chuông. Kỳ lạ nhất là cặp mắt sáng như chớp, có thể nhìn rõ mọi vật trong đêm tối, nó khiến nhiều người khi thấy đều run sợ, hãi hùng”; “Không một người nào dám nhìn thẳng vào mắt ông”... Điều này vừa lạ vừa không lạ. Không lạ ở chỗ dân gian đã nói nhiều về đôi mắt thể hiện sự “khôn dại” (Người khôn con mắt đen sì...). Lạ ở chỗ đôi mắt ấy “như có điện”, tức rất khác người. Ẩn ý của nó bật ra: Quang Trung vừa bình dân gần gũi, vừa anh hùng. Có vậy mới phù hợp với đặc điểm sự nghiệp một Hoàng đế: “Mà nay áo vải cờ đào/ Giúp dân dựng nước xiết bao công trình”!

leftcenterrightdel
 Minh họa  MẠNH TIẾN

Huyền thoại ghét vua Gia Long nên kể rất nhiều về chuyện may của ông này như một sự “thanh minh”: Ông ta làm vua chẳng qua là “số trời”. Ví như sự kiện năm 1777 cả gia tộc Nguyễn Phúc bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh cùng tàn quân chạy ra Phú Quốc. Sa vào cảnh đói khát, ông ta bèn cầu nguyện xin trời cho nước ngọt và lương thực. Lúc tuyệt vọng, vô tình ông dùng gươm cắm sâu xuống khe đá, nước ngọt từ đó bỗng vọt lên như xối. Ngoài bãi biển cá tự dạt vào bờ... Loại cá ấy sau này được gọi là cá cơm (cá để ăn thay cơm), còn giếng xây từ khe đá ấy gọi là giếng Tiên...

Không ngẫu nhiên ngày xưa các cụ đồ Nho thường biết đủ 4 “môn”: Nho, y, lý, số, vì các “môn” này gắn liền, phụ thuộc và tương hỗ nhau. Như giỏi y tức biết “tứ chẩn”  là “vọng” (nhìn), “văn” (nghe), “vấn” (hỏi), “thiết” (sờ) mới suy đoán ra số. Nhìn thần sắc mà đoán bệnh như mắt lờ đờ thì gan không tốt; lưỡi không nhạy cảm thì tim đau; tai ù thì thận yếu... Thế là dần có nguyên tắc nhìn “hình tướng” mà đoán “tâm tướng”. Điều này y học hiện đại chứng minh đó là khoa học: Người khỏe mạnh da dẻ hồng hào, thần sắc tươi tỉnh là nhờ máu lưu thông tốt, tinh thần tích cực...!!! Những điều ấy ánh xạ vào văn chương kết thành một nguyên lý: Nhờ được trồng ở mảnh đất hiện thực nên cây huyền thoại tươi tốt và kết trái hình tượng luôn mang tính khái quát tổng hợp cao: Vừa phi phàm vừa đời thực; vừa là thánh nhân vừa là người đời; vừa tiên vừa tục... Cũng là bài học cho hôm nay: Có thể viết theo nhiều khuynh hướng nhưng vẫn phải dựa trên nền mảnh đất của đời sống thực!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ