Điện Biên vào tiết trời tháng 4 hanh khô, nắng nhuộm vàng trên những đỉnh núi, sườn đồi phủ đầy hoa ban trắng, tỏa hương thơm ngan ngát, dìu dịu, đặc trưng của vùng Tây Bắc. Không chỉ điểm tô trên những cánh rừng, dưới thung sâu, bên những cung đường quanh co đèo dốc, hoa ban cũng đua nhau bung nở dọc các lối nhỏ tới các bản làng xa xôi; lung linh khoe sắc khắp các tuyến đường trung tâm TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Nhiều ngày qua, khách du lịch nô nức về với Điện Biên. Mặc dù Cảng hàng không Điện Biên đã được mở rộng, tần suất chuyến bay tăng lên gấp đôi nhưng không ít người vẫn chọn hành trình theo Quốc lộ 6 để được chiêm ngưỡng một Tây Bắc thơ mộng, đỉnh đèo Pha Đin kỳ vĩ giữa núi rừng trùng điệp. Thả bước trên đại lộ Võ Nguyên Giáp, TP Điện Biên Phủ, tôi cảm giác gương mặt nào cũng có nét thân quen và dường như trong mắt ai cũng đang cháy lên niềm kiêu hãnh. Đêm, trên đồi D1, tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tỏa sáng lung linh với những ngọn đèn trang trí nhiều màu.

leftcenterrightdel

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao. Ảnh: VŨ LỢI 

Là người tham gia đánh sân bay Hồng Cúm trong đợt tiến công thứ 3, từ ngày 1 đến 7-5-1954 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, nay thăm lại các điểm di tích trong lòng TP Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Khả, trú tại thôn Chăn Nuôi 2, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, nguyên chiến sĩ khẩu đội cối 82mm thuộc Trung đoàn 176, Đại đoàn 316, thấy mình như trẻ lại, như vẫn vẳng bên tai tiếng bom rơi, đạn nổ, tiếng hô "xung phong" của đồng đội.

Nhắc đến những khó khăn, thiếu thốn của Điện Biên sau ngày giải phóng, người chiến sĩ Điện Biên vừa bước qua tuổi 94 không bao giờ quên cảnh đói nghèo, bệnh tật hành hạ đồng bào các dân tộc trên mảnh đất này. Được Bác Hồ và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ ở lại cùng nhân dân xây dựng nông trường Điện Biên, một trong những nông trường quốc doanh đầu tiên và lớn nhất cả nước đầu những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 316 đã tình nguyện ở lại, gắn bó với Điện Biên cho đến ngày nay.

Ông Khả kể rằng, sau chiến tranh, phần lớn đồng ruộng phì nhiêu, màu mỡ nơi lòng chảo Mường Thanh biến thành chiến địa, đâu đâu cũng bắt gặp bom, mìn sót lại, nên bộ đội Đại đoàn 316 cùng đồng bào các dân tộc trên địa bàn phải đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt và cả máu để cải tạo, hồi sinh từng thửa ruộng.

Vượt qua biết bao khó khăn, nguy hiểm, hàng nghìn chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong đi xây dựng nông trường Điện Biên đã chiến thắng “giặc” đói, “giặc” nghèo, “giặc” dốt. Không ít người trở thành kỹ sư trồng trọt, chăn nuôi, ngày ngày cùng nhân dân cần mẫn lao động trên cánh đồng mà mới hôm nào họ từng chiến đấu với quân thù.

Vào những ngày hè lịch sử, thời tiết ở Ðiện Biên Phủ nắng nóng, vậy mà dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc vẫn nườm nượp kéo về thăm lại chiến trường xưa. Trầm tư và sâu lắng hơn cả là các cụ ông tóc đã bạc trắng, nhiều cụ phải nhờ con cháu dắt từng bước. Tuy chân đã chậm, mắt đã mờ, vậy mà đi đến đâu, các cụ cũng tự hào kể cho mọi người nghe về những ngày tháng chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất này.

Chiến sĩ Điện Biên Phạm Đức Cư, tổ 7, phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ, năm nay đã 94 tuổi. Vào những ngày tháng 5, bao giờ ông cũng sắp xếp thời gian tham quan một vòng các di tích lịch sử trên địa bàn. Đứng trên đỉnh đồi A1, ông Cư bồi hồi: “Điện Biên thực sự đã hồi sinh. Tự hào lắm... Những gì thế hệ hôm nay đã làm cho Điện Biên xứng đáng với sự hy sinh của bao anh hùng liệt sĩ, xứng đáng với niềm mong mỏi của các chiến sĩ Điện Biên như chúng tôi”.

leftcenterrightdel
 Cô gái Thái bên cánh hoa ban. Ảnh: HỒNG SÁNG

Có mặt tại các điểm di tích ở Điện Biên Phủ, tôi thấy rất đông du khách thập phương. Dù là người quen, người lạ, thậm chí những người quê từ rất xa cũng nắm được diễn biến và kết quả Chiến dịch Ðiện Biên Phủ... Ông Trần Quang Việt, du khách đến từ tỉnh Quảng Nam thổ lộ: “Ðiện Biên giờ giàu đẹp, khang trang quá, khác xa so với 10 năm trước, khi lần đầu tôi đặt chân tới”. Đúng là Điện Biên đang "thay da đổi thịt" từng ngày. 

Mới đây, tại Hội thảo khoa học quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững”, đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phấn khởi chia sẻ, từ một địa bàn nghèo đói, kiệt quệ bởi chiến tranh, canh tác, sản xuất manh mún, lạc hậu, giờ đây Điện Biên đã và đang vươn lên trở thành tỉnh có kinh tế trung bình trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Đến hết năm 2023, 100% xã ở Điện Biên có đường ô tô đến trung tâm; 93,75% số dân được sử dụng điện lưới quốc gia; thu nhập bình quân đạt gần 43 triệu đồng/người/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được quan tâm, đầu tư. Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, trao truyền, phát triển...

Về Điện Biên hôm nay, thăm sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở xã Mường Phăng, các chiến sĩ Điện Biên năm xưa và cả du khách muôn phương hẳn không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của xã căn cứ địa cách mạng. 70 năm trước, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch đến ở, nơi đây chỉ toàn lau lách, rừng già; người dân sống thưa thớt, đời sống khó khăn, đường đi lối lại chủ yếu luồn rừng, vượt suối...

Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ, ông Lò Văn Ắm, 78 tuổi, ở bản Co Mận, xã Mường Phăng, kể: “Mường Phăng ngày ấy nghèo khổ lắm. Nhà nào cũng phải vào rừng đào củ mài chống đói. Mấy năm sau đó, nhờ bộ đội vào hướng dẫn khai hoang, sản xuất, các hộ mới bắt đầu có những mảnh ruộng trồng lúa nhỏ lẻ. Canh tác một vụ, dành dụm được ít thóc gạo trộn với khoai, sắn ăn thay củ mài, nhưng mỗi năm vẫn thiếu đói vài tháng”.

Năm 2004, trở lại Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất trăn trở khi thấy người dân nơi đây phải sống trong điều kiện khan hiếm nước sản xuất. Với tình cảm gắn bó, xem Mường Phăng như quê hương thứ hai của mình, Đại tướng đã viết một bức thư gửi Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đáp ứng nguyện vọng của người dân xã Mường Phăng về xây dựng hồ thủy lợi Loọng Luông.

Dự án được xây dựng với dung tích hơn 1 triệu mét khối, cấp nước tưới cho 150ha đất trồng lúa trên địa bàn, mở ra thời kỳ phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định tại Mường Phăng. Từ đó, đời sống của nhân dân được nâng lên, trung tâm xã căn cứ địa đã mang dáng dấp của một khu đô thị nhỏ ở miền núi. Ngoài cấy lúa hai vụ, sản xuất trên nương và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều gia đình dân tộc thiểu số còn đầu tư kinh doanh dịch vụ ăn uống, hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch.

Giữa hương sắc hoa ban, tôi cảm nhận sâu sắc hơn tinh thần lạc quan, yêu đời, đoàn kết dựng xây cuộc sống của đồng bào các dân tộc Điện Biên trong những ngày tháng 5 lịch sử này. 70 năm trôi qua, 70 mùa hoa ban đua nở kể từ sau Chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954, mảnh đất lịch sử này đã và đang từng ngày đổi mới...

Ghi chép của NGUYỄN HỒNG SÁNG