Mỗi dịp tháng Tư về luôn mang đến những cảm xúc đặc biệt cho gia đình bà Đặng Thị Thiệp. Ở tuổi 80, bà Đặng Thị Thiệp, tên thật là Đặng Thị Tuyết Mai, người vợ thứ hai của Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Lai-chiến sĩ biệt động Sài Gòn nổi tiếng với các biệt danh Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm USOM, giờ đây luôn cảm thấy viên mãn cùng con cháu sau bao biến động cuộc đời.

leftcenterrightdel

Đặng Thị Thiệp và người con trai đầu Trần Vũ Đông. Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp 

Đặng Thị Thiệp sinh năm 1944, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Lúc 11 tuổi, mẹ hoạt động cách mạng, bị địch bắt tù đày nên cô bé Thiệp được cha đưa ra miền Bắc tập kết. Trên đường ra Bắc, khi đến vĩ tuyến 17, phần vì tàu quá đông, phần vì tin tưởng vào các điều khoản của Hiệp định Geneva 1954 sau hai năm sẽ tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà nên Thiệp và một số họ hàng ở lại. Từ đó anh em lưu lạc tứ xứ để kiếm sống, riêng Thiệp làm đủ thứ nghề mưu sinh với ước mơ tiếp tục đến trường. Hoàn cảnh khốn khó, Thiệp trốn lên tàu vào Đà Lạt. Tại đây, ban ngày cô gái trẻ xin đi học nghề đan len, ban đêm học đệ lục (lớp 7 ngày nay) tại Trường Thăng Long. Bà Thiệp nhớ lại: "Như một sự sắp đặt của số phận, sau này, tổ chức tìm được và dự định đưa tôi ra Bắc học, nhưng giờ chót không sắp xếp được nên đưa tôi vào Chiến khu Củ Chi. Ở đây, tôi gặp chiến sĩ biệt động thành Trần Văn Lai. Để tạo vỏ bọc hoạt động trong nội thành Sài Gòn, ông Lai đề nghị cấp trên cho phép đưa tôi vào Sài Gòn, bảo lãnh và hứa với cấp trên sẽ tạo điều kiện cho tôi đi học".

Năm 1965, lần đầu cô gái trẻ theo chân người chiến sĩ biệt động gấp đôi tuổi mình về Sài Gòn-Gia Định. Theo yêu cầu của cách mạng, ông Lai cần tìm các căn nhà thuận tiện cho việc đào hầm chứa vũ khí. Đóng vai tỷ phú mua nhà cho vợ bé ở, ông Lai dắt Thiệp đi xem rất nhiều căn nhà ở Sài Gòn, cốt để tìm nơi kín đáo, dễ qua mắt địch và phải gần các cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn. Cuối cùng, ông Lai cũng tìm mua được căn nhà số 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu (nay là Trần Quý Cáp, quận 3) để làm điểm cất giấu vũ khí, sẵn sàng cho những trận đánh lớn của lực lượng biệt động. Lợi dụng việc mới mua nhà cần xây sửa, ông Lai cùng Thiệp và đồng đội đã mưu trí, dũng cảm ngày đêm đào hầm, vận chuyển và cất giấu hàng tấn vũ khí.

leftcenterrightdel

Bà Đặng Thị Thiệp kể lại những câu chuyện xưa. Ảnh: TRẦN VŨ BÌNH 

Trong những ngày cùng hoạt động cách mạng, tình yêu nảy nở giữa Đặng Thị Thiệp và chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai. Tháng 5-1966, tổ chức chấp thuận cho hai người kết hôn, xây dựng gia đình trong hoàn cảnh sinh hoạt, hoạt động đơn tuyến ở đô thị, cùng nhau bảo vệ cơ sở cách mạng. Tình yêu của họ khi đó hòa trọn trong tình yêu đất nước. Những năm tháng ấy, kể cả lúc bụng mang dạ chửa, Thiệp không màng hiểm nguy, vác bụng bầu leo xuống hầm cùng chồng vận chuyển từng khẩu súng, khối chất nổ... Hai người con của ông bà ra đời lần lượt vào năm 1966, 1967.

Thời điểm đó, Thiệp mang tiếng là vợ bé, giật chồng người, thường bị những người xung quanh tỏ thái độ dè bỉu, khinh khi, miệt thị. Thiệp cắn răng chịu tủi nhục, bỏ ngoài tai để vừa chăm sóc con vừa chăm lo cho các căn hầm đầy ắp vũ khí, thuốc nổ.

Hoạt động cách mạng cùng nhau, bà Thiệp và ông Lai đã trải qua nhiều nỗi khổ cực và nguy hiểm hơn là những niềm vui như các cặp vợ chồng khác. Trong đợt chuẩn bị cho trận đánh vào Dinh Độc Lập của lực lượng biệt động Sài Gòn Tết Mậu Thân 1968, ông Lai để bà và các con trốn trong nhà, còn ông lái xe ô tô chở đầy vũ khí đi. Dõi theo bóng chồng xa dần, tim bà như thắt lại, bởi nếu không may thì có thể từ ngày mai bà sẽ không bao giờ gặp được ông nữa và các con cũng sẽ không còn cha.

leftcenterrightdel
               

 Bà Đặng Thị Thiệp cùng ông Trần Văn Lai và đại diện Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh kiểm tra hầm chứa vũ khí trong căn nhà tại đường Võ Di Nguy. Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp

Sau trận đánh Dinh Độc Lập, hai chiếc xe mà ông Lai thường ra vào dinh bị địch phát hiện tại hiện trường. Ông Lai bị lộ vỏ bọc, bị địch truy nã trên báo đài, nên phải lui vào hoạt động bí mật, cải trang, trốn tránh khắp nơi. Địch treo thưởng 2 triệu đồng cho ai bắt được chủ thầu Mai Hồng Quế, tên vỏ bọc của ông Lai.

Sau khi chồng bỏ trốn, bà Thiệp cùng các con tiếp tục bám trụ tại căn hầm bí mật còn lại ở số 720 Võ Di Nguy (đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận ngày nay). Ngày cũng như đêm, trong lòng bà Thiệp luôn thấp thỏm, lo âu sợ bị bắt bất cứ lúc nào. Bà cố tạo vỏ bọc, làm đủ nghề lo cho các con và chồng.

Trong giai đoạn từ năm 1970 đến 1974, ông Lai hai lần bị địch bắt giam ở Quảng Ngãi với tên giả là Phạm Sửu. Địch không biết ông là nhà thầu khoán Mai Hồng Quế. Chúng dùng đủ mọi cực hình tra tấn nhưng ông một mực không khai ra tổ chức. Đến lúc ông Lai suy kiệt, toàn thân phù nề, sắp chết, chúng mới chấp nhận cho bà Thiệp chạy tiền để đưa ông về chuẩn bị hậu sự. Bà Thiệp kể: “Có lần bị ốm thập tử nhất sinh, ổng dặn tôi mua mấy cái bao Poncho của lính Mỹ chuyên đựng xác thủ sẵn, lỡ ổng chết thì cho vào bao đưa xuống hầm rồi đổ đất cát lên. Đợi ngày giải phóng thì báo với tổ chức đem đi chôn cất’’. Lần ấy, may nhờ uống thuốc Nam của một thầy thuốc nổi tiếng ở khu Hạnh Thông Tây, Gò Vấp nên ông Lai may mắn qua khỏi. 

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Thiệp cùng chồng làm đủ nghề để lo cho các con ăn học. Với chồng, bà Thiệp một mực yêu thương, chưa từng một lần trách móc. Bà Thiệp tâm sự: “Cuộc đời ông ấy dành để phụng sự cách mạng, đất nước. Còn tôi thì nguyện dành cả đời để hy sinh cho chồng, cho con”. Sáu người con của ông bà đều tốt nghiệp đại học, trưởng thành ở nhiều lĩnh vực. Bà coi đây là một trong những thành công lớn nhất cuộc đời mình-các con đã thay bà thực hiện ước mơ học hành dang dở. Khi chồng mình được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào năm 2015, người vợ ấy đã trào những giọt nước mắt hạnh phúc. Đó là sự ghi nhận xứng đáng về những hy sinh, sự quả cảm của người anh hùng trong những năm tháng bất chấp hiểm nguy, lập công xuất sắc trong lòng địch vì khát vọng dân tộc, giải phóng miền Nam. Hạnh phúc ấy cũng thôi thúc bà Đặng Thị Thiệp và các con giờ đây tiếp tục sưu tầm, tìm kiếm, lưu giữ và giới thiệu các tài liệu, hiện vật liên quan đến lực lượng Biệt động Sài Gòn mưu trí, dũng cảm đến thế hệ trẻ hôm nay.

Ông Trần Văn Lai (tự Mai Hồng Quế, bí danh Năm USOM) là chiến sĩ biệt động thành thuộc Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Năm 1975, đất nước thống nhất, ông về công tác tại đơn vị Tiền phương B.12 Bộ tư lệnh Thành đội Sài Gòn-Gia Định. Năm 1977, ông Trần Văn Lai về công tác tại Phòng Tổng kết chiến tranh, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh đến năm 1981 thì nghỉ hưu với quân hàm Thượng úy, thương binh hạng 1/4 (tỷ lệ 81%). Năm 2002, ông qua đời do hậu quả của đòn roi trong nhà tù Mỹ-ngụy trước đây. Năm 2015, ông được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Vợ đầu của ông Trần Văn Lai là bà Phạm Thị Phan Chính (Phạm Thị Chinh), cháu gái của ông chủ tiệm vàng Vĩnh Xuân-Phú Xuân nổi tiếng, giúp ông Lai có vỏ bọc hợp pháp hoạt động tại Sài Gòn. Bà Chính là đảng viên, hoạt động đoàn thể, là cơ sở cách mạng trong lòng địch, hy sinh vào năm 1964. Cuộc đời ông Năm Lai sau này được nhiều người biết đến qua bộ phim “Biệt động Sài Gòn”, tái hiện gần nguyên mẫu qua nhân vật Hoàng Sơn, chủ Hãng sơn Đông Á. Bà Phạm Thị Phan Chính là nguyên mẫu của nhân vật Ngọc Mai trong phim "Biệt động Sài Gòn". 

HUỆ AN - YẾN NHI