Chiến tranh đã lùi xa nhưng hàng triệu người Việt Nam, cả những thế hệ sinh ra sau chiến tranh vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề, âm ỉ, dai dẳng của chất độc da cam (CĐDC)/dioxin. Không chỉ là thế hệ thứ nhất, thứ hai, mà nỗi đau da cam còn trùm lên cả thế hệ thứ ba, thứ tư của những người bị nhiễm. Nó tước đoạt đi quyền được sống, mưu cầu hạnh phúc, để lại nỗi đau về thể xác và tinh thần cho các nạn nhân. Nó không chỉ khiến những nạn nhân, người thân của họ chịu bất hạnh mà còn là nỗi đau xót của cả cộng đồng, xã hội và nhân loại.
Những năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự quyết tâm của bộ máy chính trị các cấp, ngành, đoàn thể cùng sự vào cuộc của toàn xã hội và sự chung tay góp sức của bạn bè quốc tế trong khắc phục hậu quả CĐDC/dioxin sau chiến tranh, hỗ trợ nạn nhân CĐDC. Với nghị lực phi thường, nhiều nạn nhân dù không được may mắn như người khác nhưng đã vượt khó vươn lên, chiến thắng số phận để hòa nhập cộng đồng, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Hình ảnh của họ, hơn mọi lời nói, kêu gọi sự chung tay của xã hội xoa dịu đi nỗi đau da cam; hơn mọi sự lên án, đấu tranh chống phổ biến vũ khí hóa học hủy diệt hàng loạt, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam của những người yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới.
|
|
Cặp song sinh dính liền Nguyễn Việt và Nguyễn Đức sinh ngày 25-2-1981 tại huyện Sa Thầy (Kon Tum), nằm trong khu vực liên tiếp bị phun rải chất độc da cam/dioxin trong thời kỳ chiến tranh. Ảnh: VAVA |
Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học (95.000 tấn), trong đó 61% là chất da cam, chứa 366kg dioxin xuống gần 26.000 thôn, bản, với diện tích hơn 3,06 triệu héc-ta; có 86% diện tích bị phun rải tới hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. CĐDC đã và đang gây tác hại mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người. |
HOÀNG DƯƠNG