Mỗi lần nghe tin có đoàn hát xiệc về là tụi con nít chúng tôi rất khoái. Sáng xin tiền ba má đi ăn rồi đến rất sớm, giành chỗ ngồi để được xem cho rõ những hình ảnh, động tác biểu diễn ảo thuật, xiếc và võ công của mấy chú, mấy anh trong đoàn hát xiệc.
Đoàn hát xiệc thường có khoảng 4-5 người phục vụ, đoàn nào lớn thì đông hơn, mỗi người được phân một công việc cụ thể. Trong đoàn hát xiệc, đa phần là người trong gia đình hoặc cùng họ hàng, bà con với nhau, họ rủ nhau thành lập đoàn để đi khắp nơi mưu sinh kiếm sống. Phương tiện di chuyển của họ thường bằng ghe hoặc xe đò. Họ không phô trương, quảng cáo ồn ào như các đoàn cải lương trước khi biểu diễn mà chỉ lân la vào các quán cà phê tìm cách làm quen, gợi chuyện với nhiều người nhằm cho bà con biết là ngày mai, họ sẽ biểu diễn ảo thuật, xiếc và bán thuốc, trị bệnh cho bà con.
Người dân quê mà, nghe được thông tin như vậy thì sẽ truyền tai nhau, người này nói với người kia. Chỉ chốc lát thôi, sẽ có nhiều người biết, nhất là có thêm tụi con nít chúng tôi “la làng” thì thông tin càng thêm lan rộng.
    |
 |
Cảnh mãi võ, bán thuốc gia truyền trong bộ phim "Đất phương Nam" năm 1997. Ảnh chụp lại
|
Trong mỗi đoàn hát xiệc, cơ bản phải có người biết nhổ răng, biết trị bệnh, biết võ công là những nhân vật không thể thiếu, còn lại là những người phục vụ như phụ diễn, bán thuốc, đánh trống, đánh phèng la... Để chuẩn bị cho buổi biểu diễn, sáng sớm, họ ra chợ, chọn khoảng đất trống để trải đệm, đóng cọc, giăng dây, giới thiệu và đánh trống, đánh phèng la inh ỏi chào mời bà con. Tụi con nít chúng tôi cũng có mặt từ lúc họ chuẩn bị, cũng vỗ tay, xôn xao bàn tán làm cho buổi biểu diễn càng thêm náo nhiệt.
Nhân vật chính bước ra với bộ trang phục theo con nhà võ, thắt lưng đeo đai võ, tay cầm micro giới thiệu về đoàn, giới thiệu về bản thân. Sau mỗi câu giới thiệu là tiếng trống, tiếng phèng la vang lên, phụ họa cho thêm phần long trọng.
Tiếng nhân vật chính lơ lớ theo kiểu mấy anh ba Tàu:
- Kính thưa pà con (bà con), hôm nay, loàn pán thuốc (đoàn bán thuốc) chúng tôi trở về để phục vụ pà con. Ở đây, chúng tôi có pán lủ (bán đủ) các loại thuốc đau nhức và trật đả xương khớp. Ai có pị (bị) đau nhức xương khớp lâu năm không hết thì nên mua thuốc về uống sẽ hết... Chúng tôi bảo lảm (đảm) với pà con thuốc uống vào sau pa (ba) ngày sẽ hết đau nhức. Nếu không hết, chúng tôi sẽ trả tiền lại cho pà con. Xin trân trọng kính mời pà con!
Tiếng trống và tiếng phèng la lại vang lên inh ỏi. Đó là khúc dạo đầu cho buổi biểu diễn. Tụi con nít nhốn nha nhốn nháo. Người trong đoàn ra hiệu, quơ tay, suỵt miệng mới trật tự. Nhân vật chính tiếp tục ra hiệu cho người đánh trống, đánh phèng la phụ họa cho thêm hấp dẫn:
- Kính thưa pà con, ai thật sự có pệnh (bệnh) thì giơ tay lên, chúng tôi sẽ tặng thuốc miễn phí cho pà con về uống thử. Nếu hết thì pà con ra đây mua về uống, chúng tôi sẽ lấy tiền, còn nếu không hết thì pà con cứ ra đây trả thuốc. Chúng tôi sẽ bồi thường cho quý pà con.
Tiếng trống, tiếng phèng la lại “tùng... xèng” vang lên sau mỗi câu nói. Mọi người ai cũng giơ tay chờ nhận thuốc miễn phí. Nhân viên phục vụ bưng rổ thuốc đi đến trao tận tay từng người.
Tiếng nhân vật chính lại vang lên:
- Kính thưa pà con, pà con nhận thuốc thì khoan hả (đã) về, đợi chúng tôi hướng dẫn cách uống lể (để) về uống cho đúng cách mới hết pệnh.
Rồi anh ta nháy mắt ra hiệu cho nhân viên theo dõi bà con, nếu phát hiện ai cầm thuốc ra về thì cố gắng mời ở lại để nghe hướng dẫn cách dùng thuốc. Còn tụi con nít chúng tôi cứ nhấp nha nhấp nhổm chờ đợi những màn ảo thuật, biểu diễn võ công gay cấn và hấp dẫn sắp đến. Chừng như cảm thấy mọi chuyện tạm ổn thì nhân vật chính quay sang đám con nít:
- Thành thật xin lỗi vì lể cho các em, cháu đợi lâu, chúng tôi sẽ biểu diễn ảo thuật liền cho các em, cháu và pà con xem. Kính thưa pà con và đám con nít lộn xộn, tôi xin biểu diễn ảo thuật phục vụ ngay bây giờ...
Anh ta giơ cao cái lồng làm bằng vải màu đen, có cán cầm, lắc qua lắc lại, lộn ngược lộn xuôi cái lồng và mời một cậu nhóc lên xem trong cái lồng có con gì hoặc đồ vật gì không. Sau khi được kiểm chứng thì nhân vật chính bắt đầu giới thiệu về màn ảo thuật sẽ lấy rắn, chim, gà, vịt... trong lồng trống rỗng ra cho bà con xem. Ai cũng hồi hộp chờ đợi. Tiếng trống và tiếng phèng la vẫn vang nhịp đều đều sau mỗi câu giới thiệu.
Tiếp theo, nhân vật chính xoay người, đảo một vòng tròn rồi anh ta giậm chân, tay vung cái lồng, miệng thổi xì xì, sau đó thò tay vào lồng bắt ra một chú vịt con, hơi gầy, có vẻ ốm yếu. Mọi người vỗ tay tán thưởng ầm ầm. Tụi con nít trố mắt nhìn khoái chí. Thực hiện xong trò ảo thuật bắt vịt trong lồng vải, nhân vật chính tiếp tục diễn một vài trò ảo thuật khác để không khí càng thêm náo nhiệt. Sân chật ních, mọi người chen lấn nhau để xem được rõ hơn các trò biểu diễn ảo thuật khác độc lạ hơn như phân thân, phun lửa...
Nắng lên dần, số bà con không cầm thuốc trên tay thì tự do ra về, bà con nào cầm thuốc miễn phí thì nán lại chờ hướng dẫn cách uống cho có hiệu quả. Nhân vật chính đi vòng vòng, vẫn thao thao câu chuyện ảo thuật rồi lại bắt ngang về chuyện uống thuốc trị bệnh. Tụi con nít chúng tôi thì vẫn hồi hộp chờ đợi. Cuối cùng, anh ta thông báo rằng những gói thuốc bà con cầm trên tay sẽ được tặng miễn phí, chỉ lấy tiền giấy gói và vận chuyển bằng vài đồng lẻ. Nói xong, anh ta cúi đầu cảm ơn bà con rất lịch sự. Nhân viên phục vụ cầm cái rổ đi qua một lượt khắp bà con. Bà con bị bất ngờ với cú “tung đòn” vào phút chót nên ngần ngừ, có người móc tiền ra trả, cũng có người còn nghi ngờ nên trả lại thuốc và lặng lẽ rút lui.
Giọng nhân vật chính vẫn rất hùng hồn, động tác nhanh nhẹn, dứt khoát, tưởng chừng như anh ta sẽ biểu diễn ngay trò ảo thuật tiếp theo. Tiếng trống, tiếng phèng la vẫn vang lên “tùng... xèng” sau mỗi câu nói nhưng trò ảo thuật thì không có dấu hiệu sẽ biểu diễn. Tụi con nít chốc chốc lại hối thúc anh ta biểu diễn ảo thuật nhưng anh ta giả chừng như không nghe. Sự việc cứ như thế mà trôi dần theo con nắng.
Nắng đã lên cao, đa số bà con lục đục kéo nhau ra về, nhân viên trong đoàn cũng bắt đầu dọn dẹp đồ đạc. Sân bãi chỉ còn lại tụi con nít chờ coi ảo thuật và bà con mua thuốc đang nghe hướng dẫn cách sử dụng. Sau một lúc quan sát, nhận biết tất cả bà con đã trả tiền và được hướng dẫn đầy đủ, nhân vật chính cúi đầu nói lời cảm ơn, chúc bà con mau hết bệnh và hẹn gặp lại trong buổi biểu diễn của ngày hôm sau. Anh ta buông micro, tay rút cái khăn ra lau mồ hôi đầy trên trán và uống một cốc nước cho đã khát, rồi thông báo màn ảo thuật đã kết thúc trong sự thất vọng của đám con nít. Cả bọn kéo nhau ra về vì biết không còn gì để xem nữa.
Thế đấy, con nít chúng tôi đi xem hát xiệc ngày xưa là như vậy, tâm trạng luôn có đủ cung bậc cảm xúc: Mừng, vui, hồi hộp, lo sợ nhưng lại ấm ức vì không còn được xem ảo thuật nữa. Ra về mà lòng vẫn còn giận, nhưng ngày mai lại rủ nhau đi sớm, giành chỗ ngồi phía trước để nghe và nhìn cho rõ. Con nít ngày xưa đi coi hát xiệc là như thế!
Xã hội dần phát triển, đời sống và sự hiểu biết của người dân ngày càng được nâng cao. Khi có bệnh, người dân đến bệnh viện để khám, điều trị một cách an toàn. Không còn cảnh người dân đi khám, chữa bệnh giữa “chợ đời” qua các đoàn hát xiệc như xưa nữa. Chính vì thế mà ngày nay, các đoàn hát xiệc hầu như không còn tồn tại. Nhưng dù sao đi nữa, họ vẫn để lại trong mỗi chúng ta một chút hoài niệm về những chuyện ngày xưa.
TRỌNG NGHĨA