Cách Bến Thủy, Trường Thi, cách Vinh chỉ vài ba cây số mà khi xưa cho đến nay, Hưng Hòa vẫn như là một vùng xa... Từ năm 1970, Hưng Hòa đã mang theo hơn 14km2 đất hương hỏa để theo về với Vinh. Đã thuộc về Vinh, đã là Vinh từ bấy đến tận hôm nay mà hình như phố mới chỉ về đến đầu làng, đang rập rình ở cổng làng. Chuyện đô thị hóa của Hưng Hòa quá chậm chạp mặc dù nó thuộc về thành phố nửa thế kỷ nay. Dù ai đi đông về tây, dù cho Nghi Liên, Nghi Đức, Nghi Ân, Hưng Chính... nhập phố muộn màng hơn nhiều mà đã có dáng hình thị thành thì Hưng Hòa dường như vẫn bình thản với cây lúa, củ khoai, với những con thuyền nhỏ, những tay lưới nhỏ, với tre pheo và với những điều ăn nết ở thôn quê.

Năm mươi năm mang danh thành phố mà Hưng Hòa vẫn là làng. Kinh tế của Hưng Hòa vẫn cơ bản là nông nghiệp. Gần 90% là nông dân cày cấy hơn 420ha ruộng lúa, 70ha đầm cói và 200ha nuôi trồng thủy sản. Trên địa bàn xã chỉ duy nhất một cơ sở công nghiệp đóng, sửa tàu quy mô nhỏ với chưa đầy 100 công nhân. Từ hơn mười năm nay, Hưng Hòa vẫn chờ đợi một làn sóng đầu tư để phát triển kinh tế, để từ nền tảng vật chất của các dự án công nghiệp, xây dựng mà chuyển hóa từ làng thành phố. Nhưng bất thành, chưa thành. Tất cả 13 dự án đều... “treo”. Hàng nghìn héc-ta đất của Hưng Hòa bị “treo” vì dự án. Từ cán bộ đến người dân đều thấp thỏm chờ đợi đến vô vọng vì hết thời hạn rồi các dự án lại được gia hạn, để rồi lại “treo”. Dân cày trên ruộng của mình mà như của người ta. 12/13 dự án đã xí phần mà chưa có một xu đền bù cho dân. Cơ hội thành... phố vẫn xa vời.

leftcenterrightdel
Làng chài Hòa Lam, xã Hưng Hòa, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Ảnh: SÁCH NGUYỄN

Một vài năm gần đây, Hưng Hòa có thêm vài công ty kinh doanh, dịch vụ nhưng quy mô gia đình, nhỏ lẻ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm cao nhất cũng chỉ đạt 170 triệu đồng mà riêng thuế nông nghiệp đã chiếm tới 110 triệu đồng, trong lúc chi thường xuyên của xã là 6,2 tỷ đồng, như năm nay. Những năm trước và ngay cả bây giờ, Hưng Hòa vẫn đủng đỉnh ngoài sự náo nhiệt của Vinh vì gần Vinh đấy nhưng vẫn là đồng với ruộng.

Bây giờ đã không còn bị biệt lập bởi đi lại khó khăn như xưa, nhưng tâm lý Hưng Hòa là vùng sâu, vùng xa của thành phố vẫn không hề nhẹ trong rất nhiều người. Nhiều cán bộ, giáo viên vẫn coi Hưng Hòa là chỗ dừng chân vài năm rồi tìm mọi cách để “về thành”. Cả 3 cấp học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của xã với 1.100 học trò đều đạt chuẩn quốc gia, nhưng vẫn có không ít nhà giáo mặc dù cả đời dạy học ở Hưng Hòa mà chưa bao giờ có ý định xây nhà dựng cửa ở vùng đất này.

Đô thị hóa không chỉ là mở rộng không gian thành phố, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, gia tăng dân số mà còn là sự chuyển đổi lối sống, là quá trình phát triển rộng rãi lối sống thị thành cho thị dân, để xác lập những khuôn mẫu hành vi, ứng xử của các cá nhân, các nhóm xã hội trong môi trường đô thị. Mà sự thay đổi ấy lại phụ thuộc vào sự vận động của nền tảng kinh tế. Có kinh tế của đô thị mới có thị dân. Đô thị hóa là vậy nên nếu cho rằng Hưng Hòa vẫn là nông thôn cũng không sai.

Chắc chắn tiềm năng đất đai còn dồi dào, vị trí địa lý ven sông Lam đặc biệt đẹp. Thuận lợi của Hưng Hòa sẽ thu hút các nhà đầu tư trong tương lai gần khi mà đất nội thành đã cạn kiệt. Lúc đó, muốn hay không, tốc độ đô thị hóa nơi đây sẽ “nhanh chóng mặt”. Nhưng đó là thì tương lai. Chưa đến lúc ấy, ngay bây giờ, bên cạnh sự chậm rãi tưởng như không ăn nhập với thành phố Vinh, Hưng Hòa đang có một dòng chảy làm cho nó gần với phố hơn để một ngày nào đó, dẫu là lâu dài, nó sẽ từ từ biến thành phố trên chính mảnh đất làng. Đó là hơn 700 người hằng ngày vào thành phố Vinh làm việc và hơn 200 người đang đi lao động ở nước ngoài. Đó là chưa tính đến hàng nghìn con em của làng đang công tác và học tập ở các thành phố lớn khác. Với phương châm “ly nông không ly hương”, hơn 1.000 con người này không chỉ làm ra đồng tiền bát gạo mà đang hằng ngày tiếp xúc và tiếp nhận văn hóa đô thị để đưa về gia đình, quê hương. Những kiến thức, khuôn phép ứng xử của người thành phố đang từng bước đi vào cuộc sống của làng. Rất hiển nhiên, tự nhiên, từ chuyện đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, chấp hành luật lệ giao thông, đóng góp xây dựng đường làng, điện thắp sáng đến chính sách dân số, nuôi dạy con...

Khảo sát ở Hưng Hòa cho thấy, người dân đã thay đổi nhiều về nhận thức và tư duy làm ăn. Họ quan tâm làm ăn hơn là sĩ diện hão. Tính đố kỵ, ích kỷ bớt đi nhiều. Họ ít để ý, soi xét những người xung quanh. Họ chú ý nhiều hơn cái tôi của mình và sống thực tế hơn. Họ có thể ít tham gia hội họp hoặc các sinh hoạt cộng đồng mang tính hình thức, ít hiệu quả thiết thực nhưng sẵn sàng hết mình cho các cuộc vui nếu quả thực đem lại cho họ niềm vui, bất kể đó là Ngày Quốc tế Phụ nữ hay Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Đảng viên là phụ nữ bây giờ chơi thể thao hoặc hát hò tận đêm khuya nhưng có thể lười sinh hoạt chi hội nếu không có nội dung thiết thực... Nền nếp gia phong vẫn giữ nhưng cũng đã có nhiều thay đổi. Nếu trước kia góp giỗ bằng lễ vật hoặc hiện vật thì bây giờ họ góp bằng tiền. Nếu trước kia việc học hành đi sau, xa việc cày, việc cấy thì bây giờ, ngày ngày họ đưa đón con đi học chính khóa, buổi tối đưa con vào thành phố học thêm. Bây giờ, phụ huynh Hưng Hòa đã biết tặng các cô giáo hoa tươi. Đó là dấu hiệu đặc biệt của đô thị hóa ở Hưng Hòa. Một bông hoa tươi nhưng có nhiều thông điệp quan trọng về sự chuyển đổi của người Hưng Hòa trên con đường phát triển.

Hưng Hòa, làng hay phố? Câu hỏi đó không quan trọng lắm vì làng hay phố đều có vẻ đẹp riêng của nó. Chẳng mấy phố nào mà không sinh ra từ làng. Từ làng thành phố là chuyện thường tình. Giá như ở trung tâm thành phố mà có một ngôi làng hoàn hảo thì cũng là chuyện tuyệt vời, vô giá. Chuyện ở Hưng Hòa cũng vậy thôi. Vẫn biết, sớm hay muộn nó cũng thành... phố. Vậy thì làm sao cho nó thành... phố nhanh lên. Nhưng phố phải ra phố. Đừng nửa tỉnh nửa quê. Mà nó cứ giữ mãi làng như thế này cũng tốt, cũng tuyệt vời nếu nó được làm mới, làm phong phú hơn bằng cái văn minh, hiện đại và đời sống của người dân được cải thiện ngày một tốt hơn. Giá thử có một làng cói Hưng Hòa, 70ha, thậm chí hàng trăm héc-ta cói xanh mướt, và người dân của làng làm ra những sản phẩm cói cho cả thành phố này, chắc hẳn sẽ là một dấu ấn đặc biệt không giống ai của thành phố Vinh. Xưa đã có một làng hoa Ngọc Hà, nay vẫn còn một làng gốm Bát Tràng làm duyên cho Hà Nội. Vả lại, đó cũng là một xu thế phát triển đô thị thân thiện với môi trường mà nhiều nước đang theo đuổi.

Về Hưng Hòa, thực lòng tôi vẫn nghĩ đến một không gian làng ở trong lòng thành phố Vinh ngày mai. Làng trong phố và người phố ở trong làng. Phải chăng, đó cũng là điều thú vị?

Ghi chép của THẢO NGUYÊN