QĐND - Trong cuộc tập kích chiến lược bằng không quân có tính chất hủy diệt vào thủ đô Hà Nội, hồi 22 giờ 45 phút ngày 26-12-1972, đế quốc Mỹ đã huy động 30 lần chiếc B52 ném bom rải thảm suốt dọc phố Khâm Thiên. Hàng nghìn quả bom, kể cả các loại bom 2000 bảng Anh trút xuống 18 khối dân phố, trong đó có 6 khối bị hủy diệt hoàn toàn, đặc biệt là các khối 45, 46, 47 đã bị san bằng. Bom Mỹ đã giết chết 278 người, làm bị thương 290 người, phá hủy 534 ngôi nhà của nhân dân, 1.200 ngôi nhà khác bị hỏng nặng, hàng trăm công trình công cộng như cửa hàng ăn uống, giải khát, lương thực, thực phẩm, chợ, trường học, nhà mẫu giáo, đình chùa... bị phá hủy. 

Toàn cảnh phố Khâm Thiên sau khi bị B52 rải thảm đêm 26-12-1972. Ảnh tư liệu

Ngay sau ngày đau thương xảy ra ở phố Khâm Thiên, Sở Văn hóa -Thông tin Hà Nội đã tập hợp những bài viết ghi lại những mất mát, đau thương mà nhân dân phố Khâm Thiên phải gánh chịu in thành tập "Khâm Thiên". Cùng đó, tập "Khâm Thiên" cũng ghi lại lòng quyết tâm, ý chí chiến đấu của nhân dân Khâm Thiên nói riêng và quân dân Hà Nội nói chung trong những ngày "Điện Biên Phủ trên không".
Quân đội nhân dân Cuối tuần đã tổ chức biên soạn một số câu chuyện trong cuốn "Khâm Thiên" nhằm tái hiện một cách chân thực nhất khung cảnh, con người phố Khâm Thiên trong đêm 26-12-1972 và những ngày tiếp đó.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Kỳ I: Chồng chất căm hờn!

Những nén hương... (tác giả Bình Long)

Ngõ hồ bãi cát Khâm Thiên.

Cuốn vở tập viết rách nát bên miệng hố bom. Tôi nhặt lên. Nhìn bìa có những chữ "Trường: La Thành, Lớp: 1G, Học sinh: Mạch Thị Hoa". Cuốn vở viết đến trang 7. Đang tập viết chữ L. Dưới đó là hai chữ in sẵn, nắn nót: "Lên lớp". Bé Hoa học lớp 1 chưa viết qua chữ "Lên lớp" thì Ních -xơn đến rải bom B52 xuống đây. Hoa đã vĩnh viễn không bao giờ lên một lớp nào nữa!

Không xa lắm, bên nhà hàng xóm của bé Hoa, một hố bom sâu hoắm. Nó xóa hẳn ngôi nhà của ông bà Chinh.

ông Chinh, thợ sơn thuộc Công ty Du lịch. Bà Chinh ngày ngày bán hàng ở ngõ chợ Khâm Thiên. Bốn đứa con nhỏ của ông bà: Thế, Loan, Nguyên, Hạnh. Cả sáu người, trong giấc ngủ, đã được Ních -xơn gọi bằng "mục tiêu quân sự" vào cái đêm 26-12 đó!

Ông bà Chinh còn có ba con lớn nữa. Chỉnh nhập ngũ mấy năm trước, giờ chắc đang cầm súng ngoài chiến trường. Côi làm cấp dưỡng ở một đơn vị bảo đảm giao thông. Và Phấn, một nữ thanh niên xung phong ngay ngoài bến phà sông Hồng.

Phấn biết tin, chạy về ngay sáng hôm đó. Cô gái mới 18-19 tuổi vượt qua mấy đám người đang đào bới ngoài đầu ngõ. Cô không thấy ngôi nhà của mình nữa, chỉ còn một hố bom sâu hoắm. Cô lặng đi.
Xóm giềng tới bên Phấn. Họ rất thông cảm với Phấn nhưng không nói được gì.

Phấn bỏ đi. Một lúc sau, cô trở về với nắm hương lớn trong tay. Cô đốt lên và cứ đi quanh hố bom, cắm hương xuống. Sau hết, cô lấy khăn trắng, chít cẩn thận lên đầu. Và cô chắp tay lễ cha, lễ mẹ, lễ các em... rồi trở nhanh về đơn vị.

Không ai quanh đấy-ngay cả tôi đứng gần Phấn nhất -biết cô khấn những lời gì. Song chỉ nhìn nét mặt đanh lại với đôi mắt thẳm sâu long lanh của cô khi nhìn những nén hương cháy, nhìn hố bom Ních -xơn khoét chính nhà mình, mọi người đều chắc chắn rằng, cô đọc những lời nguyền sắt đá nhất với những người đã nằm xuống. Lời nguyền ấy sẽ biến thành sức mạnh lên đôi tay của cô, của Côi trên mặt trận giao thông thắng Mỹ, và sẽ chuyền tới nòng súng căm hờn của Chỉnh ở một chiến trường đánh Mỹ nào đó...

"Mẹ ơi! Bế con ra với!" (tác giả Tất Thắng)

"Mẹ ơi, bế con ra với! Mẹ ơi! Bế con ra với!"- Mặc cho bé Hà gọi mãi, gọi cho đến lúc hết hơi rồi tắt thở, chị Nguyễn Thị Liên và bà con ở khối 41 phố Khâm Thiên, Hà Nội, cũng không sao cứu được con ra. Bom Mỹ hất đổ ngôi nhà, đè lên hầm, dưới có cháu Hà trú ẩn.
Chỉ mới tối hôm 26-12 này thôi, chị Liên sau khi làm ca chiều về, chuẩn bị cho cháu Hà đi sơ tán. Căn buồng thân thuộc, hai mẹ con quanh bên chiếc sập dưới ngọn đèn điện. Chị Liên vừa sắp xếp quần áo của con cho gọn vào chiếc hòm gỗ, vừa nói chuyện với bé Hà:

- Đêm nay đến nơi sơ tán, mẹ sẽ chơi với con đến chiều mai, mẹ mới về nhà máy!

- Mẹ về, mẹ nhớ đến thăm con luôn. Nhận được thư bố, mẹ lại mang đến đọc cho con nghe như lần trước mẹ nhé. Bây giờ bố đang làm gì, con đố mẹ biết đấy?

- Mẹ chịu, ở bộ đội nhiều việc lắm. Mẹ không sao đoán được!

- Con thì bảo bố đang đánh Mỹ.

Chợt bé Hà trông lên tường thấy một lẵng hoa bằng nhựa chỉ bé bằng nắm tay mà đủ các loại hoa, bé reo lên:

- Còn lẵng hoa của con kia kìa, không có con nhắc mẹ lại quên thôi!
Rồi bé Hà nói tiếp:

- Lần này quên, lần sau mẹ mang cho con cũng được. Đến chỗ đó ối đồ chơi. Con bác Thưởng, cái Tý nó làm quang gánh đẹp lắm cơ!

Hai mẹ con chị Hà vừa ra đến cửa thì còi báo động của thành phố vang lên. Lúc đó là 22 giờ 30 phút. Chị Liên dựa xe vào gốc cây bàng trước nhõ, bế Hà xuống:

- Con vào hầm trong với thím Hai nhé, mẹ nấp ở đây. Yên, mẹ đón con đi.
Bé Hà "vâng" lên một tiếng, lon ton chạy vào hầm, thím Hai xô ra đón cháu.

Chị Liên vừa ngồi xuống hầm thì từ trên cao những tiếng rít siết trong không khí như lưỡi dao sát vào nhau đâm bổ xuống mặt đất. Cả khối 41 gồm bao nhiêu nhà phút chốc chìm trong biển lửa. Một tiếng nổ chát chúa ngay trước mặt. Hầm chị Liên trú ẩn rung lên, gạch ngói bay mù mịt.

Chị Liên nhìn lên, ngôi nhà mình ở trúng bom toang hoác. Thím Hai ngồi che cho cháu ngoài miệng hầm chết ngay. Cháu Hà luôn miệng gọi: "Mẹ ơi! Bế con ra với! ". Nhưng cả một khối gạch ngói của ngôi nhà đổ đè lên cửa hầm, không sao cứu cháu ra ngay được. Các anh Thái, Bình, bác Mận, chị Đông, nghe chị Liên kêu gọi cháu Hà cùng chạy đến. Tất cả lao vào cứu cháu!

Khi moi được đến cửa hầm, thì cháu Hà đã không còn nữa. Chị Liên không cầm được nước mắt, òa lên khóc. Bà con xung quanh ngậm ngùi thương xót cháu Hà, lòng mọi người sôi lên lời nguyền rủa tên Ních -xơn khát máu tàn bạo.

Đêm 26 tháng 12 (tác giả Đinh Thị Hiền)

Chúng tôi không còn có thể gặp được bác Mai Thị Lý ở số nhà 12, ngõ Hồ Cây Sữa. Mỗi bữa bác cùng với tổ phục vụ nấu hàng trăm nồi cơm nhỏ, hàng trăm xoong canh, xoong cá, niêu thịt rim... cho từng gia đình neo đơn. Ai cũng nhớ bác Lý nói năng mềm mỏng, lại hiểu được nỗi khó khăn của mỗi nhà, biết rõ tính nết và yêu cầu của từng người, lại không hề để ai phàn nàn vì cơm nhão, cơm khô, không hề để ai trách vì cơm ôi, cơm chậm.

Thế mà bỗng chốc, một quả bom trong chùm bom hàng trăm quả đã nổ sát vách hầm, giết chết cả hai vợ chồng bác cùng người con gái 21 tuổi.

Từ nay trở đi, không bao giờ chúng tôi còn được nhận các thứ tem phiếu mua hàng từ tay anh Thuần, người cán bộ rất gần gũi với bà con khối phố. Hàng chục quả bom phá nát ngõ chợ Khâm Thiên. Nhà anh, số nhà 20 ngõ chợ, không còn dấu vết. Chiều 26-12, anh từ nơi sơ tán về nhận tem phiếu năm 1973 đem đến cho từng nhà. Công việc vừa xong thì báo động. Người cán bộ tận tụy ấy đã vĩnh biệt chúng tôi!

Anh Tô Đình Tường ơi, chúng em không bao giờ quên anh, người chiến sĩ công an nhân dân. Anh đã không tiếc sức mình chăm lo cuộc sống yên lành cho mọi nhà, mọi cơ quan trong phố. Bom B52 của giặc Mỹ đã giết anh rồi. Chúng em biết mình cần phải làm gì khi kẻ thù đã làm cho chúng em phải vĩnh biệt những người rất mến yêu như anh.

Nhìn cây đàn, em lại nhớ chị Dung! Những niềm vui, những tiếng hát, những buổi diễn đàn về lý tưởng thanh niên mà chị đã dành cho chúng em, chúng em sẽ giữ mãi, giữ mãi. Nhưng chúng em không còn có chị trong những ngày mai thắng lợi, xây dựng phố Khâ

Thiên của chúng ta cao đẹp hơn.

Bầy chim non mà chị dắt dìu, chị thường thấy chúng nó chỉ biết cười vui hồn nhiên và rất say sưa khi nghe chị kể chuyện anh hùng dũng sĩ, hôm nay đã khóc chị. Cái Sự nói: "Chúng em sẽ làm nghìn việc tốt để trả thù cho chị Dung. Nhưng hãy cho chúng em được khóc chị! ".
Có lẽ lúc này anh Trung ở mặt trận chưa thể biết được cả bố mẹ và bốn đứa em của anh không còn nữa. Bố anh, một người đã lo lắng bào chế ra bao nhiêu loại thuốc đông y cứu sống cho bao nhiêu người bệnh. Mẹ anh chăm lo giữ trẻ sớm chiều, làm người mẹ hiền của biết bao cháu nhỏ...

Cô Giáp ơi, các em học sinh cấp 1 Trường Văn Chương đang đợi cô nơi sơ tán. Ngôi nhà của cô ở số 205 em không nhận ra được chỗ nào đâu. Chỉ còn quyển vở học sinh có dòng chữ cô ghi bên bài văn nói về anh bộ đội.

Cô giáo chăm chỉ hiền hậu của các em học sinh lớp 4 Trường Văn Chương khu phố chúng tôi đã chết rồi, đứa con ôm trong vòng tay cũng chết, cái thai sáu tháng cô đang mang nặng không còn đạp nữa. Gia đình cô một lúc mất tám người...

Tôi không thể viết thêm được nữa về những người đáng yêu như bác Tuấn ở ngõ Tô Tiền, bà Văn ở ngõ Thổ Quan, cô Nghiêm, cô Tình ở cửa hàng rau quả, anh Nguyễn Văn Hùng và chị Giang Thị Bé là nhân viên cửa hàng mậu dịch ăn uống ở trước cửa nhà tôi, đã gắn bó với chúng tôi biết bao tình cảm láng giềng, bà con thân thiết.

-----------

Kỳ II: Quyết thắng

HỒNG VÂN (biên soạn)