Thượng sĩ Hà Thị Thu Trang (Học viện Kỹ thuật Quân sự):
“Cập nhật và làm chủ công nghệ mới”
Nếu nói con gái học kỹ thuật khô khan thì hoàn toàn không đúng với trường hợp Hà Thị Thu Trang (Lớp Tin học, Đại đội 349, Tiểu đoàn 3, Học viện Kỹ thuật Quân sự). Gương mặt sáng, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, cách nói chuyện hóm hỉnh... là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp Thu Trang-Nữ sinh viên tiêu biểu ngành kỹ thuật do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng năm 2016. Trang không chỉ học tập, rèn luyện xuất sắc nhiều năm liền mà còn tham gia rất tích cực các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, hội thi nấu cơm, hiến máu tình nguyện… của nhà trường. Thu Trang từng được tham dự Đại hội Đại biểu Phụ nữ Quân đội lần thứ VI, Đại hội Đoàn toàn quân lần thứ IX, được Chủ tịch nước vinh danh “Tài năng tri thức trẻ” năm 2016 và nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở…
|
|
Thượng sĩ Hà Thị Thu Trang |
Yêu thích Toán học từ nhỏ là lý do chính khiến Trang đam mê giải thuật Toán trên máy vi tính. Theo Trang thì học bất kỳ ngành nào cũng có những khó khăn nhất định chứ không riêng gì ngành kỹ thuật. Nhưng, nếu mình say mê thì sẽ dành nhiều thời gian đào sâu suy nghĩ, tìm tòi, khám phá những điều lý thú, từ đó sẽ vượt qua khó khăn. Sinh viên ngày nay nên chủ động hơn trong việc học tập công nghệ thông tin (CNTT) và ngoại ngữ, cập nhật và làm chủ công nghệ mới để có thể khởi nghiệp thuận lợi. Bởi đó là hai công cụ quan trọng để làm việc trong thời đại công nghệ số hiện nay. Lợi ích của CNTT mang lại là rất lớn trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, giáo dục, y tế cho đến văn hóa, giải trí... Thông qua việc kết nối internet phổ biến bởi các thiết bị thông minh, chúng ta có thể tiết kiệm thời gian, công sức, nâng cao hiệu quả năng suất lao động, cải thiện đời sống theo hướng hiện đại.
“Tôi đang phấn đấu để trở thành một lập trình viên phần mềm và cố gắng đưa CNTT góp phần phục vụ tốt các nhiệm vụ của quân đội. Ngoài ra, tôi cũng rất thích đi du lịch nên hy vọng sẽ được đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước để khám phá cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Từ đó, sẽ thiết kế một website thật đặc biệt để giới thiệu vẻ đẹp quê hương đất nước Việt Nam với bạn bè năm châu…” -Thu Trang bày tỏ.
Bài và ảnh: MINH THÀNH
Binh nhì Lê Thanh Lâm (Hệ Ngoại ngữ, Đoàn 871-Tổng cục Chính trị):
“Ngoại ngữ-chìa khóa mở cửa tri thức”
“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”-đó là câu tục ngữ mà Lê Thanh Lâm, học viên Lớp tiếng Pháp, Hệ Ngoại ngữ, Đoàn 871-Tổng cục Chính trị rất tâm đắc vì cảm thấy đúng với hoàn cảnh của anh trong thời gian qua.
Từng đỗ thủ khoa vào Học viện Kỹ thuật Quân sự trong kỳ tuyển sinh 2017 với số điểm tuyệt đối 3 môn khối A, dù Lê Thanh Lâm có rất nhiều cơ hội lựa chọn vào các ngành học, trường học hàng đầu của nước ta nhưng anh đã chọn môi trường quân đội để được rèn luyện và chinh phục những thử thách mới. Và thực tế hơn 5 tháng vào quân ngũ đến nay, Lâm được trải qua khá nhiều thử thách đối với bản thân, từ việc rèn luyện thể lực, tác phong, chấp hành nền nếp, giờ giấc sinh hoạt, ngủ, nghỉ theo kỷ luật quân đội đến việc học các môn ngoại ngữ mới. “Ban đầu, gấp chăn làm sao cho phẳng, vuông góc thực sự là việc rất khó khăn nên tôi phải luyện gấp chăn cả trưa trong khi mọi người ngủ. Còn việc theo học tiếng Nga và tiếng Pháp trong khi hồi phổ thông học tiếng Anh cũng là điều không phải dễ dàng”-Lâm kể.
Bày tỏ quan điểm của mình về sự cần thiết của ngoại ngữ trong việc liên kết đào tạo nhân lực chất lượng cao của nước ta với các trường đại học nước ngoài hiện nay, Lê Thanh Lâm cho rằng: “Ngoại ngữ thực sự như chiếc chìa khóa để mở cửa đến với tri thức, văn hóa và khoa học-công nghệ hiện đại của thế giới. Nếu thông thạo ngoại ngữ sẽ giúp sinh viên Việt Nam có nhiều cơ hội việc làm tốt, phù hợp với trình độ, năng lực của mình. Không chỉ đi ra nước ngoài mà ngay cả ở trong nước, xóa bỏ được rào cản về ngôn ngữ sẽ giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách với cộng đồng quốc tế. Từ đó cũng giúp bản thân rèn luyện khả năng nghe, nói, tự tin hơn trong giao tiếp và làm việc với các đối tác nước ngoài”…
Lê Thanh Lâm vẫn nuôi ước mơ sau này trở thành giảng viên đại học hoặc nhà khoa học nghiên cứu ở viện nào đó của quân đội để đem hết khả năng của mình phục vụ quân đội, phụng sự Tổ quốc. “Trước mắt, tôi sẽ quyết tâm học ngoại ngữ thật tốt, vượt qua các kỳ thi trong thời gian tới và phấn đấu được đi du học nước ngoài, nếu có điều kiện thì học luôn lên cao học về chuyên ngành đã chọn để tiếp tục thực hiện những dự định ban đầu của mình”-anh nói.
Bài và ảnh: PHÚC ANH
Sinh viên Trần Trọng Nghiêm (Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh):
“Rèn luyện hôm nay, vững tin ngày mai”
Nhìn dáng người nhỏ nhắn nhưng chàng trai Trần Trọng Nghiêm, quê Khánh Hòa, sinh viên Khoa Hệ thống thông tin, Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh luôn có nghị lực học tập rất lớn. Nghiêm là thủ khoa đầu vào khóa 17 chuyên ngành Thương mại điện tử trong kỳ tuyển sinh 2017 với số điểm 28,2.
Nghiêm cho biết, bản thân chọn ngành học này vì thích kinh doanh và đam mê internet. Với chàng sinh viên sinh năm 1999 này, trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và bùng nổ công nghệ thông tin, việc sử dụng và làm chủ internet sẽ giúp thanh niên có hành trang vững chắc cho tương lai. Ngành học của Nghiêm sẽ hướng tới lĩnh vực thương mại điện tử, đã và đang là một xu thế tất yếu của sự phát triển kinh tế đất nước và thế giới.
|
|
Sinh viên Trần Trọng Nghiêm |
Thời gian đầu vào môi trường đại học, đôi lúc Nghiêm cũng thấy bỡ ngỡ với những kiến thức mới và cách học tập khác biệt với thời kỳ trung học phổ thông. Vì vậy, anh đã thay đổi phong cách học tập từ bị động sang chủ động học tập và tìm kiếm. Nghiêm bộc bạch: “Tôi thấy rằng thời gian đầu vào đại học là quãng thời gian quan trọng nhất giúp mỗi sinh viên có một bước đà tốt trong những năm học tiếp theo. Bài học kinh nghiệm tốt nhất mà tôi nhận được chính là môi trường tự học, tự nghiên cứu mà ở đó, thầy cô và các anh chị đi trước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ, hướng dẫn cho tôi hiểu rõ về ngành nghề. Điều đó cũng khẳng định, tôi đã chọn đúng ngành mà mình đam mê và đây là một ngành thú vị”.
Quan điểm của Nghiêm là học vì kiến thức và làm việc cho tương lai, phấn đấu ứng dụng tốt nhất những gì được dạy và tự học vào thực tế. Để chinh phục quãng đường 4 năm đại học, Nghiêm đã lập một thời khóa biểu chi tiết và hợp lý nhất. Nghiêm tâm sự: “Danh hiệu thủ khoa đầu vào chỉ là bước khởi đầu, chặng đường tương lai còn rất dài và nhiều chông gai với sinh viên năm thứ nhất như tôi. Tôi sẽ rèn luyện, phấn đấu học tập ngay từ bây giờ và nhiều hơn nữa, không chỉ chinh phục từng đỉnh cao kiến thức mà còn từng bước hiện thực hóa ước mơ nghề nghiệp của bản thân”.
Bài và ảnh: HỒNG GIANG
Thượng sĩ Nguyễn Kim Trọng (Học viện Hải quân):
“Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm”
Thượng sĩ Nguyễn Kim Trọng (học viên Lớp KTP20B, Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, Học viện Hải quân) là một trong hai đại diện tiêu biểu của sinh viên quân đội vừa được nhận Giải thưởng "Sao Tháng Giêng” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Trước đó, anh cũng vinh dự là 1 trong 10 gương mặt thanh niên tiêu biểu của Quân chủng Hải quân, được Bộ tư lệnh Hải quân tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong 3 năm thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân”, đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp cơ sở 2017 và nhiều phần thưởng khác.
|
|
Thượng sĩ Nguyễn Kim Trọng |
Rời quê nhà Hiệp Hòa, Bắc Giang, chàng trai sinh năm 1995 này vào tận Nha Trang, Khánh Hòa học tập, rèn luyện với bao khó khăn, vất vả để thỏa ước mơ trở thành thuyền trưởng góp phần bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nguyễn Kim Trọng rất thấm nhuần câu nói: “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội” nên từ khi vào Học viện Hải quân đến nay, anh chấp hành nghiêm mọi chế độ quy định với tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy trong công việc, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tích cực học tập nâng cao trình độ nhận thức về chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật…, anh cũng luôn chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm. Nhiều năm qua, Trọng không chỉ học tập, rèn luyện xuất sắc mà còn gương mẫu đi đầu trong cuộc đấu tranh chống lại các quan điểm, nhận thức sai trái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống trong đơn vị. Tham gia nhiệt tình các hội thi, phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học, văn nghệ, thể thao do đơn vị tổ chức.
Để khắc phục tình trạng thờ ơ với chính trị, phai nhạt lý tưởng cách mạng ở một bộ phận sinh viên hiện nay, theo Kim Trọng: "Các nhà trường, đơn vị cần có những phương pháp giáo dục khéo, kỷ luật nghiêm, chú trọng hơn trong công tác giáo dục chính trị, giáo dục chuyên môn để rèn luyện bản lĩnh chính trị và chuyên môn vững vàng cho sinh viên. Thường xuyên kiểm tra kiến thức cơ bản của bộ đội và phải làm tốt công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội". Theo anh, trong tình hình phức tạp hiện nay thì nhiệm vụ của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam ngày càng nặng nề. Vì thế, mỗi học viên hải quân đều phải nỗ lực học tập và rèn luyện bản lĩnh chính trị tốt để đóng góp hết sức mình cho con đường sự nghiệp đã chọn. Thậm chí phải chấp nhận hy sinh, gian khổ để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài và ảnh: NGUYỄN HUY
Học viên Nguyễn Thị Hồng Hoa (Học viện Chính trị Công an nhân dân):
“Học trong sách vở, học ở nhân dân…”
Nguyễn Thị Hồng Hoa là học viên năm thứ ba, Khoa Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước (Học viện Chính trị Công an nhân dân). Trúng tuyển vào trường với số điểm 29,25 (khối C), ngoài việc duy trì thành tích học tập tốt, Hồng Hoa còn được biết đến là một học viên nổi bật trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, các cuộc thi trong và ngoài ngành công an, công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
|
|
Học viên Nguyễn Thị Hồng Hoa |
Trong môi trường học tập và rèn luyện của những chiến sĩ công an nhân dân, Hồng Hoa có phần chững chạc, chín chắn hơn các bạn cùng trang lứa. Sớm nhận thức, xác định về vai trò, trách nhiệm của mình là một học viên, chiến sĩ công an nhân dân, Hồng Hoa luôn ý thức rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định theo lý tưởng của Đảng, nghiêm túc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định của ngành. Bên cạnh đó, Hoa cũng cho rằng mình cần không ngừng học tập, rèn luyện mà trước hết là học tập tốt lý luận, học trong sách vở và học tốt môn nghiệp vụ, chuyên ngành, không ngừng bổ sung những kiến thức pháp luật... Đó là nền tảng, điều kiện quan trọng để các chiến sĩ công an trở thành “thanh kiếm sắc bén” của Đảng. Ngoài ra, cũng cần phải học trong thực tiễn, học trong nhân dân và ứng dụng được tốt trong thực tiễn. Hồng Hoa kể, trong đợt thực tế dân vận gần một tháng ở xã Yến Mao, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, Hoa và các bạn được ăn, ở cùng người dân và đã học được rất nhiều từ chính thực tiễn ấy. “Sau đợt thực tế, tôi thấy rất vui khi chúng tôi-những chiến sĩ công an-đã để lại trong lòng người dân những tình cảm tốt đẹp. Cho đến tận bây giờ, hơn một năm sau đợt dân vận, lãnh đạo địa phương, người dân ở Yến Mao và chúng tôi vẫn thường xuyên liên hệ, thăm hỏi, quan tâm nhau. Những tình cảm ấy khiến bản thân tôi và các học viên khác rất cảm động và thấy cần cố gắng học tập, rèn luyện tốt hơn nữa.”-Hoa chia sẻ.
Theo Hồng Hoa, việc tham gia các hoạt động, phong trào của trường cũng là cơ hội để qua đó sinh viên nói chung, học viên, sinh viên các trường công an nói riêng có thể rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ tốt hơn và hoàn thiện các kỹ năng cần thiết. Điểm số trong học tập đôi khi chỉ thể hiện được một phần năng lực của mỗi người. Bản thân Hoa biết rằng, phải luôn cố gắng hết mình để vừa học tập tốt các môn, vừa tham gia các hoạt động phong trào Đoàn, các cuộc thi, hoạt động thực tế… Bởi với Hồng Hoa, “Ngoài việc không ngừng rèn luyện đạo đức, bản lĩnh chính trị của người công an nhân dân thì chúng ta không nên chỉ biết học trong sách vở, sau này ra trường chỉ có lý thuyết suông mà còn cần những bài học thực tế, rèn luyện những kỹ năng sống, giao tiếp, giải quyết công việc… phấn đấu không ngừng để trở thành một chiến sĩ công an toàn diện”.
Bài và ảnh: THU HÒA
Nguyễn Thị Phương Liên (Trường Đại học Ngoại thương):
“Đừng lãng phí thời gian của tuổi trẻ”
Là thủ khoa đầu vào năm 2017 của Trường Đại học Ngoại thương với điểm số 3 môn tuyệt đối (30 điểm), Nguyễn Thị Phương Liên (Thường Tín, Hà Nội) hiện đang là sinh viên năm thứ nhất, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại.
Khi còn học phổ thông, Phương Liên luôn đề cao ý thức tự học. Nhiều năm liền Liên là học sinh giỏi và nhanh chóng hòa nhập, làm quen với phương pháp tự học ở môi trường đại học. Theo Phương Liên, trong cuộc sống, mỗi người, nhất là học sinh, sinh viên nên xác định các mục tiêu phấn đấu và quyết tâm thực hiện các mục tiêu ấy. Bản thân Liên khi học lớp 11 đã mong muốn trở thành sinh viên của trường Đại học Ngoại thương và Liên đã không ngừng học tập, phấn đấu để thi đỗ vào trường. Nhưng, đó chỉ là kết quả ban đầu thúc giục Phương Liên không được phép tự mãn mà còn cần cố gắng nhiều hơn.
|
|
Sinh viên Nguyễn Thị Phương Liên |
Phương Liên cho rằng: “Nếu bạn không tiếp tục phấn đấu thì dù bạn có từng là thủ khoa thì cũng không có ý nghĩa gì cả”. Bởi vậy, kể từ khi vào đại học, Phương Liên tự đưa ra các kế hoạch, mục tiêu cụ thể của mình, đó là tập trung học tập tốt đồng thời hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng còn hạn chế như ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm. Sang năm thứ ba và thứ tư, ngoài việc học ở trường sẽ đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm thực tế, phục vụ công việc sau khi ra trường. Phương Liên muốn phấn đấu để khi ra trường sẽ được nhận bằng giỏi và có những kỹ năng thực tế phục vụ tốt công việc.
Theo Phương Liên, sinh viên Việt Nam hiện nay rất năng động, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận sống thiếu lý tưởng, mục tiêu phấn đấu, nhanh chóng thỏa mãn với việc đỗ đại học mà không tiếp tục phấn đấu. Nhiều người dành quá nhiều thời gian cho những việc vô bổ, ví dụ như suốt ngày chỉ cầm chiếc điện thoại thông minh lướt web, facebook để xem những tin tức giải trí. Nếu tình trạng ấy diễn ra lâu dài, bản thân không tự cân bằng, điều chỉnh sử dụng thời gian hợp lý thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến học tập, cuộc sống. Trong khi đó, sinh viên còn thiếu nhiều kỹ năng cho cuộc sống, công việc mà đến khi đi phỏng vấn tuyển dụng dù có nói hay thế nào thì thực tế cũng sẽ bộc lộ năng lực thật sự.
“Bản thân em không muốn cuộc sống ngày này qua ngày khác đều dễ dàng thỏa mãn với những sở thích cá nhân bình thường, thiếu lý tưởng, mục tiêu phấn đấu. Như vậy rất lãng phí thời gian, tuổi trẻ. Cuộc sống cần đặt ra các mục tiêu và đôi khi, chúng ta phải tự tạo ra áp lực để cố gắng, quyết tâm thực hiện các mục tiêu đó. Tuổi trẻ hãy không ngừng mơ ước và đừng trì hoãn việc thực hiện chúng”-Phương Liên chia sẻ.
* Năm 1950, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tại Việt Bắc quyết định lấy ngày 9-1 hằng năm làm Ngày truyền thống Học sinh, Sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (1993) tại Thủ đô Hà Nội quyết định đồng thời lấy ngày 9-1 làm Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam. Việc chọn ngày 9-1 làm Ngày truyền thống Học sinh, Sinh viên là một sự ghi nhận và noi gương tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn cùng hàng nghìn học sinh, sinh viên Sài Gòn-Chợ Lớn nói riêng và học sinh, sinh viên Việt Nam nói chung trong những ngày đầu kháng chiến.
* Hiện nay, cả nước có hơn 2,4 triệu sinh viên đang theo học tại 635 trường đại học, học viện, cao đẳng trong cả nước (trong đó có hơn 1,8 triệu sinh viên các trường đại học và hơn 620.000 sinh viên các trường cao đẳng). Hội Sinh viên Việt Nam hiện có hơn 1,4 triệu hội viên đang sinh hoạt tại các hội sinh viên trong nước và Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.
* 68 năm qua, trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng của dân tộc, học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam đã có nhiều phong trào, cuộc vận động lớn đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như: “Xung kích diệt giặc dốt”, “Tiến quân vào khoa học, kỹ thuật”, “Tây tiến”, “Ba sẵn sàng”, “Học tập rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp, vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, “Thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt”, “Sinh viên tình nguyện”, “Sinh viên 5 tốt”... Ngoài ra, còn có một số chương trình ý nghĩa lan tỏa sâu rộng như: "Sinh viên với biển đảo Tổ quốc", “Tiếp sức mùa thi”, “Mùa hè xanh”, “Tình nguyện mùa đông”, “Xuân tình nguyện”, “Xuân đoàn viên”…
(Nguồn: Hội Sinh viên Việt Nam)
Bài và ảnh: DƯƠNG THU