Nếu như tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn là những tác phẩm văn học được nhà văn sáng tác với tính nghệ thuật để truyền tải nội dung, thu hút bạn đọc thì hồi ký, hồi ức là lời trò chuyện của tác giả với độc giả về những sự kiện có thực xảy ra trong chính cuộc đời của tác giả. Thay vì kể chi tiết những gì xảy ra từ khi lọt lòng, hồi ký, hồi ức có thể chỉ tập trung vào một vài thời điểm quan trọng trong cuộc đời của một người, hoặc thậm chí chỉ là một sự kiện. Thông thường, có cuốn hồi ký, hồi ức do tác giả viết và nhà xuất bản (NXB) biên tập, phát hành, nhưng cũng có cuốn lại do nhà văn viết trên lời kể của tác giả. Việc phát hành hồi ký, hồi ức cũng rất đa dạng, có người xuất bản xong thì biếu, tặng, phổ biến rộng rãi, nhưng cũng có người chỉ dành cho người thân trong gia đình đọc, thậm chí vì một lý do nào đó có trường hợp chỉ viết cho mình và cất hồi ký, hồi ức đã xuất bản vào ngăn tủ.
Ở Việt Nam, chủ yếu là các nhà chính trị có tên tuổi và thành danh; những nhà văn, nhà báo nổi tiếng viết hồi ký, hồi ức, nhưng có lẽ nhiều nhất vẫn là hồi ký, hồi ức của các tướng lĩnh, những người gắn bó với hai cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh của dân tộc và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Đọc những cuốn hồi ký này, chúng ta thấy những sự kiện lịch sử xảy ra được ghi lại chân thực và thể hiện dưới những câu chuyện kể về suy nghĩ, hành động của tác giả, nhân vật xung quanh một cách giản dị, khác với lối hành văn đậm đặc ngôn ngữ hàn lâm của các tài liệu sử học. Điều này đã gây được thiện cảm, cuốn hút người đọc.
Chẳng hạn, khi nói về hồi ký, hồi ức của tướng lĩnh, cuốn mà tôi thích đọc nhất là “Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (nhà văn Hữu Mai thể hiện), được NXB Quân đội nhân dân (QĐND) ấn hành năm 2000. Khi tham khảo từ các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự có tên tuổi, họ khẳng định với tôi rằng, cuốn hồi ký này được xem là “bách khoa thư” của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ chia sẻ, “Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành cuốn sách kinh điển cho những ai muốn tìm hiểu về trận chiến Điện Biên Phủ, và rộng hơn là về chiến tranh Đông Dương. Với cuốn sách này, người đọc không chỉ được tiếp xúc với nguồn sử liệu chân thực, sống động mà còn nhận ra chân dung tinh thần, tầm vóc văn hóa, cốt cách vĩ nhân của Võ Nguyên Giáp, người đã trở thành một phần của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20.
|
|
Giới thiệu sách hồi ký trong một hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
|
Hồi ký “Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch sử” cho tôi thấy được toàn cảnh cuộc đấu trí trước khi diễn ra chiến dịch giữa ta và quân Pháp; thấy được quyết định khó khăn của Đại tướng, Tổng tư lệnh khi chuyển phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Trong hồi ký, tôi cũng thấy được Đại tướng chỉ đạo các đại đoàn, các đơn vị phối hợp tác chiến trên chiến trường. Đặc biệt, tôi ấn tượng với thái độ lắng nghe suy nghĩ của bộ đội ở Đại tướng, nhất là những lần Đại tướng viết thư thăm hỏi, động viên, chia sẻ nỗi khó khăn, vất vả của người lính và biểu dương kịp thời chiến công của họ. Cuốn hồi ký cũng cho thấy cách hành xử nhân văn của Đại tướng với kẻ thù. Giữa những ngày ác liệt nhất của trận chiến ở Điện Biên Phủ, bộ đội ta thu được thùng hàng do máy bay địch thả xuống, trong đó có lá thư và hai cuốn tiểu thuyết của vợ De Castries gửi cho chồng. Biết điều đó, Đại tướng đã yêu cầu chỉ huy đơn vị phải tìm cách gửi vào cho De Castries. Sau khi trận đánh vừa kết thúc, ông đến từng căn hầm gặp những người lính Pháp bị thương, điều động quân y phối hợp với nhân viên y tế của Pháp cứu chữa cho họ, cho phép máy bay Pháp hạ cánh chở thương binh nặng về Hà Nội chữa trị.
Sau khi ra đời, cuốn hồi ký đã được rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và công chúng quan tâm. Năm 2004, tác phẩm được nữ nhà văn, nhà báo người Mỹ-Lady Borton dịch ra tiếng Anh và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới.
Tính đến nay, số lượng hồi ký, hồi ức của các tướng lĩnh và những bài viết kỷ niệm sâu sắc ở chiến trường của cán bộ, chiến sĩ từng tham gia hai cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là rất lớn. Đã có rất nhiều cuốn hồi ký, hồi ức về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà tâm điểm là Chiến dịch Điện Biên Phủ ra đời, trong đó có một số cuốn, như: "Đại tướng Hoàng Văn Thái với Chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Trung đoàn 174 anh hùng” (NXB Quân đội nhân dân (QĐND), 2003), “Ký ức Pháo binh” của Thiếu tướng Nguyễn Trung Kiên (NXB QĐND, 2007), “Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện” (NXB QĐND, 2009), “Từ một quyết tử quân-Thượng tướng Vũ Lăng" (NXB QĐND, 2005)...
Muốn tìm kiếm thông tin về những trận đánh ở các hướng trên chiến trường, bạn đọc thể tìm cuốn hồi ký “Những chặng đường chiến đấu” (NXB QĐND, 2005) của Trung tướng Vương Thừa Vũ, nguyên Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308. Trong cuốn sách này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về việc Đại đoàn 308 hành quân thần tốc sang Lào để nghi binh, lừa quân Pháp theo quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rồi bất ngờ trở lại tham gia chiến dịch, khiến quân Pháp trở tay không kịp, luôn bị động và chạy theo đối phó.
Trong cuốn hồi ký “Từ Đồng Quan đến Điện Biên” (NXB QĐND, 1994), Đại tướng Lê Trọng Tấn, nguyên là Đại đoàn trưởng 312 cung cấp cho độc giả nhiều thông tin bổ ích, trung thực về cách ta tiêu diệt cứ điểm Him Lam, trận thắng mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ đêm 13-3-1954. Để có thông tin về sự bố phòng của cứ điểm Him Lam, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn đã chỉ đạo đơn vị quân báo bắt tù binh về khai thác. Ông mô tả trong hồi ký, tên Thiếu úy Jacques đã khai rất tỉ mỉ về kết cấu cứ điểm. Rồi hắn khuyên Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn: “Thưa ngài, tôi xin phép ngài cho tôi nói một điều từ trái tim tôi: Các ngài không nên đụng đến Béatrice (ta gọi là Him Lam). Đó không phải là một vị trí thông thường. Nó là một pháo đài thực sự, một pháo đài “bất khả xâm phạm”. Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn liền nói với hắn ta: "Các anh hãy chờ đấy! Chúng tôi sẽ tiêu diệt Béatrice. Đây là Việt Nam. Anh hiểu không?".
Sau khi cứ điểm Him Lam bị tiêu diệt, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn gọi đưa Jacques đến. Hắn tròn xoe mắt kinh ngạc trước tin Béatrice bị thất thủ. Hắn thốt lên: “Thưa ngài, ngài đánh được Him Lam thì ngài có thể đánh được bất cứ chỗ nào ở Điện Biên Phủ”.
Để tìm hiểu kỹ hơn từng trận đánh trong các giai đoạn của Chiến dịch Điện Biên Phủ, độc giả tìm đọc hồi ký của những cán bộ từng là đại đội trưởng trong chiến dịch, như hồi ký “Cuộc đời và chiến trận” của Trung tướng Lê Nam Phong (NXB Thanh niên, 2007). Trong cuốn sách này, Trung tướng Lê Nam Phong đã mô tả chi tiết từng trận đánh và đặc biệt là vì sao ông được gọi là “Đại đội trưởng đầu trọc” và Đại đội 225 lại có cái tên đặc biệt là “đại đội trọc đầu”.
Đọc hồi ký, hồi ức của những người từng chiến đấu, chỉ huy chiến đấu trong các cuộc kháng chiến và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sẽ cho chúng ta hiểu hơn về tội ác chiến tranh, về giá trị của những mất mát, hy sinh; hiểu hơn về ý chí, tinh thần chiến đấu của một quân đội anh hùng và về đời sống vật chất, tinh thần của họ... để từ đó kế thừa, ra sức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc bằng cách của mình. Đó cũng là cách khơi dậy ngọn lửa cách mạng trong mỗi người.
Đặc biệt, đối với những người yêu thích sáng tác văn học nghệ thuật, hồi ký, hồi ức là thông tin, là chất liệu để cảm xúc thăng hoa. Những tác phẩm mang hơi thở chiến trường và sự mất mát, hy sinh của người lính trong bom đạn tàn khốc có thể giúp người viết dễ triển khai ý tưởng một cách mạch lạc, qua đó sử dụng thông tin, ngôn ngữ khéo léo, để cho ra đời “đứa con tinh thần” ưng ý nhất, chinh phục bạn đọc.
Văn học, nghệ thuật luôn lấy cuộc sống, con người làm chất liệu sáng tác. Từ những câu chuyện, những vấn đề xảy ra trong cuộc sống, lao động, học tập, chiến đấu, bằng tài năng sáng tạo, các văn nghệ sĩ đã cho ra đời các tác phẩm văn học, nghệ thuật phục vụ xã hội. Trong đó sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là một việc khó đối với thế hệ đi sau, những người chưa từng trải qua chiến tranh. Khó là bởi chiến tranh vốn rất tàn khốc, nó làm cho con người dễ bộc lộ tư tưởng, tâm lý, bản lĩnh. Đó có thể là sự kiên cường, dũng cảm hoặc cũng có thể là tâm lý ham sống, sợ chết, sợ hãi trước những hoàn cảnh, quyết định ngặt nghèo.
Nếu không đọc hồi ký, hồi ức, tài liệu chiến tranh và cảm thụ nó bằng cái tâm thì người sáng tác rất khó có được thông tin, ngôn ngữ mang chất lính để viết về lính và được độc giả đón nhận.
Bài và ảnh: LÊ HUY