Đành rằng đã phải qua rất nhiều đúc kết, gạn lọc để hàng trăm năm nghệ thuật chèo mới có chữ “hiếu” của nàng Châu Long, một chữ “hiếu” của Thị Phương, chữ “nhẫn” của Thị Kính, chữ “nghĩa” của Trinh Nguyên và cả sự nông nổi đáng thương của Súy Vân, sự nổi loạn đáng trân trọng của Thị Màu... Nhưng cũng vì lẽ đó, nghệ thuật chèo hiện đại đã xoay xở vô cùng khó khăn trước cái bóng quá lớn của những di sản quá khứ.

leftcenterrightdel

Trích đoạn chèo cổ “Từ Thức du tiên”.  Ảnh: HỮU TRƯỞNG

Nhắc vậy để nhớ rằng, đã bao nhiêu năm từ khi chèo bước ra khỏi chiếu diễn giữa sân đình, đến giờ đã có được những nhân vật nào đáng nhớ, là niềm tự hào của nghệ thuật chèo hiện đại, chuyên nghiệp? Phải chăng, những nhân vật lịch sử, dã sử, dân gian vẫn cứ mãi là lựa chọn an toàn, trong khi đời sống hiện đại đầy biến động, đổi thay với bao nhiêu bình an, bất trắc... mà nghệ thuật chèo hiện đại chưa thể đồng hành? Đành rằng viết về đề tài lịch sử, dân gian là để ôn cố tri tân, giúp khán giả trẻ hiểu thêm về lịch sử, về ông cha mình, nhưng điều này cũng chứng tỏ sự bế tắc, lúng túng của chèo. Đến bao giờ những điều hiện diện trên sân khấu chèo hiện đại chính là hơi thở, cuộc sống của con người đương thời, là những vấn đề mà con người đương thời quan tâm? Trên sân khấu chèo hôm nay, sự hiện diện của nhân vật hiện đại chưa tương xứng với tầm vóc của nó trong đời sống hiện đại, hầu hết các nhân vật chèo hiện đại đều chưa đủ sức sống cùng với thời gian.

Nhân vật chèo hiện đại là ai? Ta cùng ngược dòng thời gian để trở về với Liên hoan sân khấu chèo về đề tài hiện đại tại Thái Bình năm 2011, liên hoan đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này về nghệ thuật chèo hiện đại. Đó là Cát-con buôn trong “Đất làng” với mưu toan chiếm đoạt cả nghĩa trang để xây dựng khu công nghiệp. Nhưng Cát chưa tới tầm của một kẻ mánh lới, chộp giật, buôn bán bất động sản rồi trở nên giàu có, học đòi ăn chơi nơi nhà quê bây giờ. Nỗi bất hạnh của người phụ nữ thời hậu chiến như Hoài trong “Thương nhớ trầu cau” cũng chưa đập cùng một nhịp với thân phận của người phụ nữ hôm nay. Có thể nói rằng, nỗi bất hạnh giống như cô đã hoàn toàn thuộc về quá khứ, vì người phụ nữ hôm nay đã có thể làm chủ cuộc sống và số phận của mình, những kẻ có thế lực như Phàm đã không dễ gì tước đoạt hạnh phúc của họ. Nếu có thì cũng tinh vi hơn nhiều...

Ai cũng hiểu sự vô thường, khó lường của cuộc sống hiện đại, nhưng nếu muốn chứng minh điều đó thì nghệ thuật chèo cần tìm được một lý do đủ sức thuyết phục, khiến khán giả hôm nay tin vào những điều họ thấy trên sân khấu chèo hiện đại.

Có thể nói, phần lớn các vở diễn tại Liên hoan nghệ thuật chèo về đề tài hiện đại năm 2011 chưa có những nhân vật điển hình, hội đủ tố chất của con người hiện đại, với những hạnh phúc, nỗi buồn của con người đương thời. Nói cách khác, sự đa dạng của cuộc sống và con người hiện đại chưa được chắt lọc, điển hình hóa và thể hiện thành công trên sân khấu chèo hiện đại. Trong một số vở diễn khác, ta cũng bắt gặp đâu đó những thân phận đồng cảm được với khán giả đương thời như Diệu Lý (Đào lý một cành), nhân vật Sao (Bến nước đời người) và nhân vật Minh Nguyệt (Trăng khuyết). Đây là những nhân vật có số phận và tính cách rõ ràng, tuy thân phận và bi kịch của họ đã khác rất nhiều với người phụ nữ hôm nay.

leftcenterrightdel

Nhân vật ông lão trong vở chèo “Lão say cu cậu”. Ảnh: HỮU TRƯỞNG

Trong suốt hành trình dài phát triển của nghệ thuật chèo hiện đại, đã có nhiều vở diễn với nhiều nhân vật chèo hiện đại ra đời được đồng nghiệp và khán giả đón nhận, tin tưởng. Tuy nhiên, để có thể thực sự đồng hành và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của khán giả đương thời thì nghệ thuật chèo hiện đại cần có sự thay đổi. Trước hết, đó là sự thay đổi trong cách tiếp cận đời sống và thay đổi trong quan điểm, phương pháp sáng tạo.

Người xưa nói, đi xem hát chèo. Vâng, một cách nói tưởng như vô lý, nhưng rõ ràng, khán giả xưa đến với chèo là để nghe hát, xem diễn, xem mảng miếng của người sắp trò, chứ không phải chỉ để biết nội dung câu chuyện. Tích chèo xưa, khán giả thuộc nằm lòng, thậm chí thuộc luôn cả làn điệu, điển tích, nhưng họ vẫn đến với chèo là để được nghe hát, xem diễn, được cười hết mình với những vai hề quen thuộc. PGS, TS Tất Thắng, nhà nghiên cứu chèo đã đúc kết rằng, không có tiếng cười thì không thể thành chèo, nhân vật hề từ lâu đã trở thành đặc sản không thể thiếu của nghệ thuật chèo. Cũng bởi thế, nhiều nghệ sĩ chèo đã gắn bó cả đời mình và thành danh với nhân vật hề chèo như: Mạnh Tuấn, Mạnh Phóng, Xuân Hinh, Quốc Trượng...

Thế nhưng, đến với những vở diễn chèo về đề tài hiện đại hôm nay chưa thể gặp được tiếng cười hóm hỉnh, thâm thúy của hề như những đêm chèo xưa. Tiếng cười của các vai hề vốn đã làm nên sức hấp dẫn khó cưỡng, trở thành một trong những nguyên nhân thôi thúc người nông dân xưa đến với mỗi đêm hội chèo. Nhưng vì lý do gì mà điều đó không còn được tiếp tục, để vở diễn chèo hôm nay dù hoành tráng, sang trọng nhưng căng thẳng, tìm kiếm được tiếng cười thật khó?

Phải chăng các tác giả chèo hiện đại đã quá sa đà vào việc chuyển tải cốt truyện, tư tưởng... những mong đụng đến được những vấn đề bức xúc nhất, nóng nhất của xã hội đương thời mà bỏ quên lối kể chuyện hóm hỉnh, duyên dáng vốn có của chèo, bỏ quên luôn cả những nhân vật hề? Đâu đó trong một số vở, hề dường như chỉ còn là một nhân vật lấp chỗ trống của một thói quen cũ khó bỏ mà thôi. Rõ ràng, áp lực đề tài hiện đại đã tác động rất lớn đến chèo, khiến chèo đánh mất đi một trong những thành tố cơ bản, cốt yếu mang tính bản sắc của riêng mình.

Hơn thế nữa, muốn có nhân vật chèo hiện đại đúng nghĩa thì nghệ thuật biểu diễn nhân vật chèo hiện đại cần phải được quan tâm đúng mực. Khi sáng tạo nhân vật chèo hiện đại, không thể bê nguyên phong thái và ngôn ngữ của những nhân vật chèo xưa. Thực tế đã chứng minh, lối biểu diễn khoa trương, cách điệu của chèo truyền thống đã không còn phù hợp với nhân vật chèo hiện đại. Thế nhưng, chúng ta đã chuẩn bị được gì cho nhân vật chèo hiện đại khi mà trong nhiều vở diễn đã xuất hiện nhân vật quan chức hiện đại vẫn bước những bước đi như anh thư sinh Lưu Bình, Thiện Sĩ ngày xưa? Phải chăng chúng ta chưa chuẩn bị được tâm thế biểu diễn chèo hiện đại cho diễn viên, nhất là các diễn viên trẻ khiến các em chưa thoát khỏi các vai mẫu ở trường để nhập thân vào các nhân vật chèo hiện đại?

Xem vở diễn chèo về đề tài hiện đại hôm nay, vẫn cứ mong ngóng một nhân vật chính có số phận, tính cách như nhân vật chèo xưa để người ta có thể vui, buồn cùng nhân vật. Qua nhiều vở diễn, chúng ta vẫn chưa thể tìm thấy hạt nhân đủ để gạn lọc, đúc kết, rồi theo cùng năm tháng, đến nhiều thế kỷ sau nữa, khán giả có thể nhìn lại và thấu hiểu thân phận con người hiện đại cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, mà phía sau nó là cả đời sống lịch sử, văn hóa, chính trị... mà có thể không sách vở, giấy mực nào ghi hết được. Đành rằng, đã phải đúc kết đến hàng trăm năm và với bao công sức, mồ hôi của biết bao thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ mới có được những Thị Màu, Châu Long, Trinh Nguyên, Súy Vân, Cả Sứt... Nhưng hẳn nhiên, xuất phát điểm của thành công đó cần phải có một hạt nhân, một chút bột nào đó, để đời nối đời gột nên hồ, cho người xem hôm nay xúc động, chia sẻ và cảm thông.

Sáng tạo nhân vật chèo hiện đại là thách thức rất lớn đối với người nghệ sĩ. Bởi vì, từ đặc trưng của mình, nghệ thuật chèo không thể ôm đồm mọi vấn đề của đời sống, cũng như không tham vọng phản ánh được tất cả mọi con người có trong đời sống. Khán giả hôm nay cũng không đến với chèo để tìm kiếm, nhận biết con người và xã hội hiện đại, vì báo chí cập nhật hằng ngày, nhanh chóng, đầy đủ và chính xác hơn nhiều. Khán giả hôm nay đến với sân khấu, với nghệ thuật chèo là để tìm ở đó sự chiêm nghiệm, sẻ chia với những số phận, những cuộc đời... qua đó gợi cho họ những trăn trở, nghĩ suy từ những sự kiện chỉ là cái cớ ấy, để thấy tin yêu hơn cuộc sống, tin yêu hơn con người, rồi khi ra khỏi nhà hát, thấy vững vàng hơn trên đôi chân của chính mình.

Nghệ thuật chèo đề tài hiện đại cần xây dựng được những nhân vật chèo hiện đại với số phận, tính cách điển hình trong những hoàn cảnh xã hội điển hình. Cái điển hình đó phải hài hòa trong đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật của chèo với cách kể, cách diễn cùng những làn điệu, lớp trò đủ sức cuốn hút người xem. Có lẽ chúng ta đang gán cho chèo những nghĩa vụ quá lớn, chúng ta cứ thích hoành tráng, phô trương, cốt truyện hấp dẫn, tư tưởng sâu sắc... trong khi chèo sinh ra từ nơi thôn dã, vốn chỉ thích hợp với những gì giản dị, gần gũi. Và bởi thế, chúng ta không chỉ xa rời khán giả, mà còn xa chèo!   

PHẠM VIỆT HÀ