Xã hội hóa điện ảnh: Được gì và mất gì?
Xã hội hóa điện ảnh được coi là xu hướng tất yếu, chủ trương phù hợp trong điều kiện cần huy động các nguồn lực từ tài chính, con người tham gia vào hoạt động điện ảnh ở nước ta hiện nay. Nhìn lại 5-7 năm trước đây, mỗi năm cả nước có khoảng 10-15 phim truyện điện ảnh thì đến nay đã tăng lên 30-40, thậm chí hơn 40 phim một năm. Đó là điều đáng mừng cho hoạt động điện ảnh trong nước cũng như việc đáp ứng nhu cầu xã hội ngày càng cao hiện nay.
Dù có sự tham gia của nhiều thành phần vào hoạt động điện ảnh nhưng phim về đề tài thiếu nhi, lịch sử, chiến tranh cách mạng, vẻ đẹp tâm hồn, ý chí vươn lên mạnh mẽ của người Việt... vẫn còn vắng bóng; những yếu tố truyền thống, bản sắc dân tộc cần được phát huy đưa vào trong các tác phẩm điện ảnh để tạo nên dòng điện ảnh mang bản sắc dân tộc còn yếu, mờ nhạt. Đương nhiên, khi các thành phần tư nhân tham gia hoạt động điện ảnh thì phải nghĩ đến lợi nhuận, doanh thu. Vì vậy, để tăng tính hấp dẫn cho phim, thu hút khán giả tới rạp, những phim thị trường mang tính giải trí, có yếu tố hài, hành động nở rộ, nhiều phim bị đánh giá là “nhảm”, “lố”, nhất là ở thị trường phía Nam.
|
|
Hình ảnh trong phim “Song Lang”. Ảnh do đạo diễn cung cấp |
Không thể phủ nhận, xã hội hóa điện ảnh làm cho sản lượng phim tăng lên nhanh chóng, hoạt động điện ảnh trong nước sôi động hơn, phần nào làm thay đổi diện mạo điện ảnh nước nhà. Doanh thu từ điện ảnh trong những năm qua liên tiếp tăng lên hàng nghìn tỷ đồng. Điện ảnh không chỉ là lĩnh vực nghệ thuật chỉ để giải trí mà còn có yếu tố giáo dục, đồng thời là một ngành kinh tế (doanh thu cao nghìn tỷ đồng). Nhưng với doanh thu như vậy, liệu Nhà nước có thu lại được một phần để tái đầu tư cho điện ảnh hay không khi các rạp chiếu phim hiện nay với khâu sản xuất đến phát hành, chiếu phim đều nằm trong tay tư nhân và nước ngoài? Đó là chưa kể điều này khiến việc phát hành những bộ phim do Nhà nước đầu tư, đặt hàng phần nào gặp khó khăn. Phim thương mại, phim làm theo kịch bản nước ngoài (remake), rồi cùng với việc phim nhập ngoại lấn át phim nội khiến nhiều người cho rằng điện ảnh Việt mất nhiều hơn được khi xã hội hóa, thậm chí cứ tình trạng này chẳng khác nào giết chết điện ảnh Việt và nguy cơ bị “xâm lăng” văn hóa. Lịch sử điện ảnh Việt Nam từng có những giai đoạn có vị thế với những tác phẩm kinh điển, thành công ở những liên hoan phim uy tín thế giới. Điện ảnh Việt Nam đã từng có thương hiệu nhưng chúng ta lại để tuột mất.
Nhà nước cần phát huy vai trò quản lý...
Thực tế cho thấy, Nhà nước không thể cứ rót tiền tỷ làm phim, rồi phim ra không có người xem, đắp chiếu cất kho, nhưng cũng không thể để tư nhân tự phát trong hoạt động điện ảnh, phó thác sự phát triển nền điện ảnh cho tư nhân. Hơn hết, Nhà nước cần làm tốt công tác quản lý, điều tiết, có những chế tài, quy định phù hợp để định hướng điện ảnh nước nhà phát triển đúng hướng; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chất lượng và số lượng phim, giữa nhu cầu khán giả và định hướng thẩm mỹ, giữa đầu tư và hiệu quả...
Thời gian qua, theo chủ trương xã hội hóa, một số đơn vị điện ảnh thực hiện cổ phần hóa nhưng thực tế đã bộc lộ những vướng mắc, bất hợp lý. Theo nghị định về cổ phần hóa thì ngoài có kinh phí, phải tìm ra được những nhà đầu tư có tâm huyết với ngành đó, đây là một yêu cầu để việc cổ phần hóa có thể vực điện ảnh lên. Nhưng qua việc của Hãng phim truyện Việt Nam đã cho thấy việc này ta làm chưa thành công, chưa tìm được doanh nghiệp thực sự tâm huyết với điện ảnh. NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, với những đơn vị điện ảnh Nhà nước đã thành danh, có thành tựu mà nay gặp khó khăn thì chúng ta nên cơ cấu lại tổ chức nếu không tìm được nhà đầu tư thực sự phù hợp. Nhìn vào mô hình hoạt động điện ảnh của tư nhân như: BHD, Galaxy… vừa tham gia tổ chức sản xuất, vừa tham gia phát hành, chiếu phim, trên cơ sở hạch toán khép kín, quy trình này của Nhà nước hiện vẫn rời rạc, không có sự liên kết chặt chẽ các khâu. Hiện nay, chúng ta đang có Trung tâm Chiếu phim Quốc gia hoạt động khá hiệu quả, doanh thu một năm nộp cho Nhà nước khoảng 100 tỷ đồng. Nên chăng, chúng ta cần cơ cấu lại điện ảnh Nhà nước theo mô hình liên kết chặt chẽ hơn. Theo đó, thành lập Trung tâm Điện ảnh Quốc gia, trong đó có các khâu sản xuất, phát hành và chiếu phim với mạng lưới khắp cả nước. Và khi đã làm tốt cả 3 khâu này thì việc thu hút nguồn vốn xã hội, liên kết với các đơn vị khác để hợp tác sản xuất, phát hành phim, kinh doanh sẽ hiệu quả hơn.
Tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay” hồi cuối năm 2018, có ý kiến của đại biểu cho rằng, Nhà nước nên điều chỉnh hạn mức nhập phim nước ngoài vào Việt Nam để tránh mất cân bằng thị trường. Trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, mỗi năm điện ảnh trong nước sản xuất được khoảng 40 phim, trong khi nhập ngoại lên tới 250-300 phim, tức là nhập siêu phim. Đây cũng là vấn đề khiến nhiều người lo ngại khi phim nội còn nặng về thương mại lại bị lấn át bởi phim ngoại thì điện ảnh Việt sẽ khó phát triển. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể có hàng rào mềm để quản lý việc này-theo như ý kiến của NSND Đặng Xuân Hải. Ví như, căn cứ vào Luật Điện ảnh, về ưu tiên phát triển điện ảnh dân tộc, theo đó quy định các trung tâm chiếu phim chiếu ít nhất 25% tỷ lệ phim Việt, ưu tiên chiếu vào “giờ vàng, ngày vàng”. Như vậy sẽ quản lý được hạn ngạch phim nhập ngoại và tăng lượng phim nội chiếu rạp. Thực tế cho thấy, trong xã hội hóa điện ảnh, vai trò quản lý, điều tiết các hoạt động từ phía Nhà nước càng cần thiết hơn.
... và phải là “bà đỡ”
Khi tư nhân tham gia hoạt động điện ảnh, mặc dù làm cho thị trường sôi động hơn, lượng phim tăng nhưng hầu hết là phim thương mại, những phim mang tính nghệ thuật, phim đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, đề cao bản sắc dân tộc lại rất hiếm. Tất nhiên, điều này rất dễ hiểu bởi những phim này thường khó đạt doanh thu phòng vé cao, bên cạnh đó, việc làm phim lại tốn kém, khó huy động nhà đầu tư, cần đầu tư kỹ lưỡng cả về chuyên môn lẫn thời gian. Những điều đó khiến các nhà sản xuất, đạo diễn e ngại. Đạo diễn Leon Quang Lê chia sẻ khi làm bộ phim “Song Lang”-phim về nghệ thuật cải lương-rằng, nếu nghĩ đến việc làm phim với mục đích kiếm lời thì sẽ thấy “Song Lang” là một sự lựa chọn liều lĩnh. Bởi từ khi anh thực sự bắt tay vào viết kịch bản cho đến khi hoàn thành bộ phim mất khoảng 3 năm. Nhưng, việc lên ý tưởng, nghiên cứu và trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản để làm ra được một sản phẩm nghệ thuật ưng ý, vị đạo diễn trẻ đã chuẩn bị từ khoảng 8 năm về trước, dành rất nhiều thời gian để đi học cải lương, lê la cùng các đoàn hát, kết thân cùng nhiều nghệ sĩ trong giới để trò chuyện, thu thập kiến thức từ họ... Chưa kể, rất nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện phim mà anh gặp phải, trong đó có vấn đề tìm được nguồn kinh phí để làm phim.
Dẫu còn những e ngại từ các đạo diễn, nhà sản xuất nhưng khoảng 3 năm trở lại đây đã có những tín hiệu đáng mừng ở các phim như: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô Ba Sài Gòn” hay “Song Lang”. Cùng với đó, phim kiểu hài “nhảm”, “rẻ tiền” cũng ngày càng ít đi. Điện ảnh đã tự điều tiết bằng sự chọn lọc của khán giả và sự đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khó tính của các đạo diễn, nhà sản xuất phim. Tuy nhiên, để ngày càng có những bộ phim mang tính nghệ thuật cao, hướng tới các đề tài khó với tư nhân, Nhà nước cũng cần phát huy vai trò “bà đỡ” của mình bằng việc tạo cơ chế khuyến khích, tham gia cùng tư nhân, hỗ trợ đầu tư kinh phí, đặt hàng phim. Ở một số quốc gia, Nhà nước thu về một tỷ lệ phần trăm doanh thu từ các phim nhập ngoại để tái đầu tư điện ảnh trong nước. Có lẽ, Việt Nam cũng cần tham khảo để có phương án phù hợp phát triển điện ảnh từ chính nguồn xã hội hóa mà không cần đến ngân sách.
Bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào yếu tố con người cũng đóng vai trò quyết định, vì thế quan tâm đầu tư cho đội ngũ nhân lực chất lượng để phát triển điện ảnh là điều Nhà nước không thể đứng ngoài. Nhớ lại đầu thập niên 1950, khi ngành Điện ảnh Việt Nam mới ra đời, chỉ có 2 lớp đạo diễn và diễn viên do chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc đào tạo, vậy mà cho ra đời một thế hệ đạo diễn và diễn viên thành danh với các bộ phim kinh điển của điện ảnh nước nhà. Tin rằng, nếu nhìn lại lịch sử và rút ra những bài học kinh nghiệm để tìm được hướng phù hợp trong giai đoạn hiện nay, chúng ta sẽ có những đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp mới. Và hơn lúc nào hết, Nhà nước cần tăng cường công tác lý luận và phê bình điện ảnh, định hướng thẩm mỹ cho công chúng và đầu tư vào công tác tuyên truyền, cổ vũ những bộ phim đề cao bản sắc dân tộc, phim đề tài lịch sử, cách mạng.... Việc kiểm duyệt phim cũng cần chặt chẽ, kỹ lưỡng hơn, giống như đạo diễn Leon Quang Lê nói: “Nhà nước cần phải có một chính sách kiểm duyệt rõ ràng, văn minh, thông minh, hợp lý và đồng nhất. Chỉ với riêng điều này đối với một đạo diễn như tôi đã là một sự hỗ trợ vô cùng to lớn”.
CHI PHONG