Như thế đủ thấy, khi đã có nhu cầu giao tiếp, cả nơi công quyền lẫn ở nơi công cộng, cần có những quy tắc để điều tiết hành vi của con người, cốt sao cho xã hội có trật tự, nền nếp, bởi không phải bao giờ con người cũng tự nguyện sống tốt, tử tế như một hành vi bản năng, tự nhiên nhi nhiên. Cái xã hội cộng hòa mà Platon mơ ước hay xã hội toàn Nghiêu, Thuấn như người ta truyền nhau thời cổ ở Trung Quốc chỉ là ước mơ, là sản phẩm của trí tưởng tượng bay bổng đến mức không tưởng mà thôi. Đã nói đến ứng xử nơi công cộng là phải nói đến quy tắc, quy định, hình luật. Xưa đã vậy và nay cũng cần phải vậy. Ở đây, do khuôn khổ bài viết có hạn nên tôi không đề cập đến những việc làm tốt, chỉ bàn đến vài khuyết tật của văn hóa công sở mà theo tôi là đang liên quan đến những ứng xử đúng và sai, nên và không nên.
Văn hóa công sở: Nhìn nhau mà sống
Nói gì thì nói, đã bàn đến một công sở nào đó thì phải nói đến hai loại quan hệ cơ bản nhất: Đó là quan hệ thủ trưởng với nhân viên (hai chiều trên và dưới) và quan hệ của công sở với xã hội-chủ yếu là qua các chính sách mà công sở ấy ban hành động chạm đến cuộc sống của người dân. Thủ trưởng, với tư cách là người đứng đầu, được cấp trên bổ nhiệm chứ không phải là ông chủ của công sở ấy nhưng trong cách ứng xử của thủ trưởng (cá nhân và ban lãnh đạo) cũng có tính chất ông chủ. Tôi chưa nói điều này đúng hay sai nhưng quả thực có tồn tại. Nếu ở cơ quan nào có được một thủ trưởng hiểu việc, công tâm, có sẵn tinh thần phụng sự thì dù có những kẻ ưa dựa dẫm, nịnh bợ, bè phái… thì nói chung không khí ở cơ quan ấy cũng dễ chịu. Nếu có khổ với bên trên, bên dưới thì cũng chủ yếu người thủ trưởng ấy chịu đựng chứ anh em trong cơ quan vẫn còn được yên ổn làm việc, còn được sống trong một bầu không khí trong lành. Những thủ trưởng và cơ quan như vậy luôn thuộc hạng quý hiếm, còn đa phần, người ta sống theo thời. Cái logic lợi ích và quan hệ có áp lực quá lớn và cũng lại hấp dẫn nên người ta nhiều khi đành tặc lưỡi bỏ qua trách nhiệm, đạo lý, nhân cách để sống cho những nhu cầu cá nhân của mình. Biết là không phải nhưng người ta sẽ chọn cái lợi, theo thời chứ không mấy ai chọn cái thiệt về mình, chọn cách “đi ngược chiều gió”.
Hiểu rằng ăn cây nào, rào cây ấy nên rất nhiều thủ trưởng đã bảo vệ quyền lợi của cơ quan mình theo tinh thần tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại, dẫn đến tâm lý xử lý nội bộ, đóng cửa bảo nhau khi cơ quan có khuyết điểm (cá nhân hay tập thể đều thế) cũng ăn sâu vào tâm lý nhân viên. Ai không làm theo tư tưởng này dễ bị văng ra khỏi guồng máy ấy khi cơ quan xảy ra một vấn đề gì đó bị cấp trên hoặc cấp dưới, anh em cán bộ hoặc cơ quan truyền thông khui ra. Việc che chắn cho nhau, giơ cao đánh khẽ, giả dối được núp dưới những cái áo khoác đạo đức to tát, tùy theo mức độ mà thể hiện. Theo cách hành pháp hiện nay, dưới chiêu bài “chúng tôi là người trong cuộc, chúng tôi hiểu việc của chúng tôi nhất”, các cơ quan, ngành khi được giao soạn thảo một luật hay quy định nào đó thì bao giờ cũng cố giữ được những quyền có lợi nhất cho mình vì từ quyền ấy sẽ đẻ ra lợi.
Dù cán bộ do cấp trên bổ nhiệm nhưng trước sau gì thì từ trên xuống dưới đều nhìn nhau mà sống, đúng hơn là nhìn thủ trưởng mà hành xử. Không có đấu tranh, phê bình khi thấy thủ trưởng sai mà là theo kiểu né tránh được càng nhiều càng tốt vì nếu được vào vòng chú ý của thủ trưởng mới dễ sống, dễ có quyền lợi, nếu không thì... Rồi không ít nơi hùa nhau, cố kết với nhau chia sẻ quyền lợi từ trên xuống dưới. Nhân viên làm tham mưu phải nghĩ ra việc, phải xử lý việc theo chỉ đạo của thủ trưởng nhưng để được lòng cấp trên thường xin làm những việc của chính mình, không dám nói sai khi thủ trưởng sai mà cũng không dám bảo vệ cái đúng, không có chính kiến. Nhất nhất đều theo ý thủ trưởng. Tình trạng nói theo, lấy lòng lãnh đạo trong tất cả mọi chuyện diễn ra khá tệ hại.
Dĩ hòa vi quý
Bây giờ, người ta nói nhiều đến đạo đức công sở theo kiểu dĩ hòa vi quý, lấy lòng thủ trưởng làm đầu. Có thể nói, chưa bao giờ thói nịnh bợ lại được đưa ra bàn rộng rãi từ quán trà đá bình dân đến diễn đàn Quốc hội như hiện nay. Có thời người ta còn ngại nói đến đấu tranh chống lại sai trái vì không biết tránh đâu, còn bây giờ thì không ít cơ quan vắng bóng những góp ý, phê bình thủ trưởng trên tinh thần xây dựng, giúp nhau tiến bộ. Khá nhiều trường hợp đấu đá nhau vì quyền lợi của cá nhân và phe nhóm. Mà điều này hết sức quyết liệt và nhiều thủ đoạn. Còn phê bình lãnh đạo mà nói “đồng chí có khuyết điểm rất lớn là làm việc đến mức quên mình, không biết giữ gìn sức khỏe để cống hiến lâu dài” thì đó là đại xu nịnh chứ đâu phải phê bình? Nịnh thủ trưởng, nịnh cả gia đình thủ trưởng, người thân thủ trưởng đến mức kết thành bè phái thì cái đạo đức công vụ đã bị người ta giày xéo lên rồi.
Ứng xử với bên ngoài
Mấy năm nay xuất hiện hiện tượng từ cấp cao đến cơ sở: Chính sách không phù hợp, việc làm sai nhưng các thủ trưởng lên ti vi, báo chí thậm chí trả lời thanh tra của cấp trên đều “rất đúng quy trình”, nếu có sai thì xin rút kinh nghiệm chứ cố tránh bị xử lý theo pháp luật hoặc hành chính. Nhiều người nói đùa, quy trình là ai mà bao giờ cũng đúng trong khi vụ việc cứ xảy ra tơi tới, cái sau sai lớn hơn cái trước?
Không vơ đũa cả nắm nhưng có thể nói rằng, cuộc cải cách hành chính của chúng ta dù đã chuyển biến ít nhiều văn hóa công sở nhưng chưa thể nói là thành công bởi lẽ những cải cách nhỏ không thể làm thay đổi bản chất sự việc. Cần có một cuộc cách mạng mà cái gốc của nó phải là có một nền hành chính minh bạch. Cứ nhìn vào bệnh viện tư, trường học tư, doanh nghiệp tư nhân sẽ rõ. Ở đó, tính hiệu quả, ý thức trách nhiệm với công việc được giao và tôn trọng pháp luật của người lao động rất cao; thưởng phạt rõ ràng. Ở đó, quyền và trách nhiệm của người đứng đầu lẫn nhân viên rất minh bạch. Quyền lực, quyền lợi, được tôn trọng hay không đi liền với hiệu quả hoàn thành những công việc được giao chứ không chung chung kiểu trách nhiệm chung, quyền lợi hưởng chung nhưng thực chất không phải như vậy. Nâng cao văn hóa công sở chính là một yêu cầu của một chính phủ liêm chính, phụng sự, của nhà nước pháp quyền.
PGS, TS PHẠM QUANG LONG