Với cá nhân tôi thì khá hụt hẫng bởi chưa nhìn thấy hiệu quả từ cái gọi là “sân khấu thử nghiệm” của một liên hoan mang tầm quốc tế vừa khép lại. Trước tiên hãy bàn xem sân khấu thử nghiệm là gì? Đã đi qua 5 mùa liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm, cũng đã có bao nhà nghiên cứu sân khấu loay hoay, lúng túng khi nói về sân khấu thử nghiệm: Nào là “... chúng ta đang lúng túng tìm ra thế nào là sân khấu thử nghiệm trong khi sân khấu giống như một bánh xe quay và cứ thế tiến triển. Sự tiến triển này có khi được sáng tạo từ quá khứ mà vẫn là cái mới.

Thế nên, câu chuyện cần bàn đến ở đây là sự tự do trong sáng tạo của nghệ sĩ (gồm cả tác giả, diễn viên, đạo diễn) trên cơ sở từ nhu cầu của khán giả hôm qua, hôm nay hay ngày mai”; hay “... thử nghiệm không phải là cứ phải tạo ra cái gì hoàn toàn mới mà là việc vận dụng tất cả những gì mình có trong tay bằng nhiều cách khác nhau để lột tả cảm xúc, hành động biểu đạt những vấn đề người nghệ sĩ muốn nói đến”. Lại có người gọi thử nghiệm sân khấu cũng giống như thử nghiệm hóa học vậy-trộn lẫn nhiều loại hình vào nhau xem thu được kết quả gì mới mẻ của mỗi một nền sân khấu...

Tựu chung cho đến bây giờ, việc đưa ra tiêu chí nhất quán về

sân khấu thử nghiệm

vẫn còn bỏ ngỏ. Đúng là chúng ta thường đưa ra những yêu cầu về sân khấu thử nghiệm cho người làm sân khấu, nhưng sao chúng ta không chọn lựa mời khán giả xem sân khấu thử nghiệm!? Thế nên, tôi quan niệm rằng, đừng hỏi tác giả, đạo diễn, diễn viên vở diễn ấy đã thử nghiệm chưa, mà hãy đặt câu hỏi khán giả đến với sân khấu cảm nhận được gì từ vở diễn. Và nếu vở diễn ấy đã chạm đến trái tim khán giả thì chính là thành công của thử nghiệm.

Và nếu có một tiêu chí chuẩn mực cho các vở diễn tham gia liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm, thì ban tổ chức chỉ cần có một yêu cầu duy nhất, đó là các kịch bản tham dự liên hoan phải có sự tìm tòi khám phá mới, có tính thử nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của các thành phần, yếu tố nghệ thuật khác... Đương nhiên, những thử nghiệm trong mỗi tác phẩm phải mang tính hiệu quả về nội dung và chất lượng nghệ thuật phù hợp với thuần phong, mỹ tục của mỗi quốc gia, hướng tới khán giả với những giá trị chân-thiện-mỹ... Đơn giản vậy thôi và chỉ thế thôi, thì tôi nghĩ chẳng có đoàn nào mang vở cũ rích đến với một liên hoan mang tính thử nghiệm như ta thấy ở Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V vừa rồi.

leftcenterrightdel

Cảnh trong vở ca kịch-xiếc "Thượng thiên Thánh Mẫu" của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Ảnh: THANH HÀ 

Liên hoan lần này, theo góc nhìn của tôi thì chất lượng của cả đơn vị trong nước và quốc tế đều không cao, nếu như không muốn nói các đoàn quốc tế thậm chí mang những tác phẩm quá thường sang tham dự liên hoan. Trong nước thì để lọt những vở diễn cũ, không có tính thử nghiệm ý tưởng kịch bản và dàn dựng đột phá mới. Và nguy hiểm hơn khi các đơn vị tham dự như đang muốn biến một liên hoan mang tính chuyên môn cao của một hội nghề nghiệp thành một liên hoan để lấy thành tích cho đủ tiêu chí làm danh hiệu cá nhân. Đây là một sân chơi chuyên nghiệp, đa số khán giả xem vở diễn là người làm nghề, không ai chê trách ai, nhưng nếu vở nhạt quá thì những nghệ sĩ đều nhận thấy.

Vì vậy, việc khắt khe chọn lựa tác phẩm và cũng để bảo đảm “thương hiệu” cho liên hoan thì cách chọn lọc vở diễn tham dự cũng cần chặt chẽ, đúng tiêu chí thử nghiệm, tránh nể nang. Hơn nữa, ngay hội đồng giám khảo, chủ trì đều là những gương mặt lớn tuổi, dù có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn nhưng vẫn cần có thêm nhiều gương mặt trẻ tài năng, đa dạng thành phần hơn. Bởi, xét cho cùng, tương lai của sân khấu đặt trên vai và là sứ mệnh của những người trẻ cơ mà!

Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V còn có một thực tế là dù vé mời miễn phí nhưng cũng không có nhiều người đến xem. Thực tế là chúng ta rất thiếu, yếu trong công tác truyền thông để mọi người biết đến một liên hoan sân khấu quốc tế tại Hà Nội. Tôi tin nếu truyền thông tốt thì khán giả yêu sân khấu Hà Nội sẽ thấu hiểu liên hoan này có tính thử nghiệm sân khấu thật sự để mang lại cho người làm sân khấu niềm tin vào hướng đi mới nhằm lôi cuốn khán giả trẻ đến với sàn diễn. Mà đó phải là đối tượng khán giả yêu sân khấu thực sự, mua vé vào thưởng thức món ăn tinh thần giá trị chứ không phải là khán giả của vé mời.

Buồn hơn khi Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã tổ chức một sân chơi cho người làm nghề có cơ hội học hỏi, trao đổi nhưng quanh đi quẩn lại ngoài ban giám khảo và thành phần tổ chức chạy đôn chạy đáo lo việc thì chỉ đếm trên đầu ngón tay các khuôn mặt xuất hiện xem các buổi diễn. Liên hoan ngay tại Hà Nội nhưng các đơn vị nghệ thuật đóng trên địa bàn khá thờ ơ. Đặc biệt, giới tác giả, đạo diễn sân khấu thì càng hiếm thấy ai, nếu có cũng chỉ lác đác mấy người đã hưu trí đến lặng lẽ xem rồi cũng lặng lẽ về... Người làm nghề còn thế nói gì đến khán giả.

Đâu rồi một thời sân khấu của chúng ta có những khán giả tâm đắc!? Nên chăng sân khấu trong nước hiện nay cần sự tương tác sàn diễn để tìm được khán giả? Và vận dụng hình thức nào để sân khấu phát triển? Theo tôi, đã đến lúc chúng ta nên tổ chức có đối thoại và phản biện từ công chúng. Những phản hồi từ khán giả, nghệ sĩ tiếp thu, tôn trọng dù có thể không phù hợp, nhưng đó là cách để nghệ thuật sân khấu thành công. Bởi mục đích cuối cùng vẫn phải là làm giàu cho nghệ thuật sân khấu và dùng nghệ thuật sân khấu làm cho con người gần gũi với nhau, hiểu nhau hơn.

Đạo diễn, nhà viết kịch HOÀNG THANH DU