QĐND - Thay vì nói những điều “đao to búa lớn” như tháo gỡ cơ chế, chính sách như thế nào, dự cảm tương lai cho điện ảnh nước nhà ra sao, tác giả chỉ muốn đề cập đến một vấn đề nhỏ hẹp thôi, nhưng không kém phần quan trọng, đó là làm thế nào để có phim hay? Để có được một bộ phim hay kéo theo (hay là động chạm) đến rất nhiều thứ. Từ lao động sáng tạo của từng nghệ sĩ trong đoàn phim đến sự điều tiết của các nhà quản lý, nơi hoạch định ra cơ chế, chính sách. Và động chạm đến cả khâu cuối cùng cũng quan trọng không kém: Đó là khâu phổ biến, phát hành phim, đưa phim đến với khán giả...

Có thể nói, vận hành một bộ máy để phục vụ cho một bộ phim ra đời vô cùng công phu, hao tổn tâm lực, tài lực và vật lực không sao kể xiết. Đó là quy trình mà ở bất cứ nước nào, dù giàu dù nghèo, mà có nền điện ảnh thì cũng đều phải như vậy. Nước giàu và mạnh thì họ gọi đó là nền công nghiệp điện ảnh. Nước nghèo và yếu thì mỗi bộ phim làm ra như một sự ăn đong. “Bói” được phim nào thì quý phim đấy. Mùa nay bội thu, mùa sau thất bát cũng là điều bình thường.

Mỗi nghệ sĩ làm nghề, trước khi bắt tay vào làm phim đều mong muốn bộ phim mình làm sẽ hay. Đó là mong muốn tốt, chân thực và chân thành. Dù kinh phí để làm phim nhiều hay ít, có từ nguồn nào (Nhà nước, tư nhân, cổ phần…) thì trách nhiệm trước tiên không chỉ với đồng vốn nhà đầu tư bỏ ra, mà còn trách nhiệm với chính danh dự của mình nữa.

Mấy chục năm qua rồi, các thế hệ đàn anh đi trước, người còn người mất, đã để lại cho đời nhiều bộ phim hay, quý giá. Lớp đi sau cũng vậy. Hết thế hệ làm phim này đến thế hệ khác, lớp sau kế tục lớp trước hơn 60 năm có lẻ đã qua đi. Họ đều làm việc và sáng tạo hết mình. Có nhiều phim hay và đương nhiên cũng còn không ít phim dở. Thời nào cũng vậy, làm sao phim nào sản xuất ra cũng hay, cũng là “ngọc không tỳ vết” cho được.

Cảnh trong phim "Những người viết huyền thoại". Ảnh do đoàn làm phim cung cấp

Thời chiến tranh, rồi thời bao cấp… cho đến bây giờ đã gần 30 năm bước sang thời kỳ Đổi mới, tuy quan niệm thông thoáng hơn, nguồn vốn dồi dào hơn, kỹ thuật hiện đại hơn nhưng những người làm điện ảnh không phải là không còn những khó khăn, thách thức. Điều thách thức trước tiên đó là thách thức với chính mình. Mỗi người trong nghề (say nghề, yêu nghề) đều luôn tự vấn câu hỏi tưởng như rất cũ nhưng vẫn luôn luôn mới và cần thiết là làm thế nào để có phim hay? Câu hỏi tưởng đơn giản, trả lời được nhưng thật khó!

Trước hết và sau hết vẫn phải là từ con người. Từ từng cá thể riêng biệt trong một dây chuyền liên hoàn: Sản xuất, phát hành, phổ biến phim. Và nhà quản lý là sợi dây xâu chuỗi các hoạt động liên hoàn đó. Đầu tiên, muốn nói gì thì nói vẫn phải là kịch bản. Dù người viết nó là ai (biên kịch chuyên nghiệp, nghiệp dư hay các đạo diễn, quay phim, diễn viên tự viết, cá nhân hay một nhóm...)  thì cũng gọi chung đó là biên kịch. Người khởi xướng ra bộ phim tương lai. Họ viết do tự thân hay do được đặt hàng từ nhà đầu tư... Tự thân thì khả năng thành phim ít bảo đảm hơn là được đặt hàng. Cho dù kịch bản có được đặt hàng mà viết không hay, không đáp ứng nhu cầu thì cũng khó thành hiện thực. Cho nên năm nào tác giả bài viết - do công việc đòi hỏi - cũng được tiếp cận với rất nhiều kịch bản nhưng tính khả thi thì lại rất ít. Đó là một thực trạng rất đáng buồn, một sự lãng phí chất xám, sức lao động khá lớn. Một phần do chất lượng kịch bản, phần nữa do tự thân tác giả viết theo sở thích cá nhân, phần nữa chưa biết PR chào sản phẩm của mình đến các nhà đầu tư, sản xuất. Điều này cho thấy công việc sản xuất phim ở ta cho đến nay vẫn còn manh mún, thủ công. Mạnh ai nấy làm, phụ thuộc vào nguồn vốn nhiều hay ít của từng hãng. Chiếc gậy của nhà quản lý dường như cũng chưa biết tạo sóng, chưa làm được lực đẩy để tạo ra sự phấn khích, sự hưng phấn sáng tạo cho các nghệ sĩ. Phim sản xuất ra hàng năm tuy số lượng có nhiều hơn trước (do các hãng phim tư nhân sản xuất là chủ yếu) nhưng chất lượng chưa đều, chưa cao.

Khâu phổ biến và phát hành phim cũng vậy. Cả nước hiện có hàng trăm rạp, cụm rạp chiếu phim hiện đại. Nhưng đa phần ở các thành phố lớn. Vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn là vùng khó khăn về hưởng thụ điện ảnh. Chả khác gì cảnh nơi no dồn, nơi đói góp. Chính sách của Nhà nước đối với các vùng này về việc hưởng thụ văn hóa nghệ thuật đã ban hành từ lâu nhưng xem ra vẫn chỉ là những buổi chiếu phim lưu động nhỏ giọt, thô sơ, giản đơn như bao nhiêu năm nay vẫn làm.

Dòng phim chính thống (được hiểu là dòng phim đặt hàng, bằng nguồn ngân sách Nhà nước hiện càng ngày càng bị co hẹp nhưng lại được quản lý, giám sát cực kỳ chặt chẽ qua từng công đoạn từ kinh tế đến nội dung tư tưởng, khiến sự sáng tạo cũng bị hạn chế rất nhiều) và dòng thị trường giải trí đa phần làm bằng nguồn vốn tư nhân hiện càng ngày càng phát triển và chỉ “bị quản” đầu ra. Điều này là khá thông thoáng đã kích cầu cho hoạt động điện ảnh tư nhân “trăm hoa đua nở”, nhà nhà làm phim, người người làm phim. Kéo theo hệ lụy phim ít tính chuyên nghiệp nên chất lượng không đồng đều. Ngược với sự ra đời ồ ạt của các hãng phim tư nhân (gần 300 hãng trong cả nước) thì hai hãng phim Nhà nước có bề dày lịch sử và tính chuyên nghiệp ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh càng ngày càng rơi vào tình trạng khó khăn... Để tồn tại còn khó đối với hai hãng này, nói gì đến cụm từ quan trọng nhưng xa xỉ trong tình trạng hiện nay đó là “làm thế nào để có phim hay?”!!!

Xem ra câu hỏi lớn “làm thế nào để có phim hay?” sẽ và mãi là câu hỏi cần thiết và luôn trở đi, trở lại không chỉ đối với các nghệ sĩ trong ngành. Cao hơn thế, nó còn là câu hỏi mà các nhà quản lý các cấp, từ thấp đến cao trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng cần quan tâm để mắt tới để hoạch định cơ chế chính sách chính xác, kịp thời đại, làm đòn bẩy cho điện ảnh nước nhà phát triển đồng bộ và vững mạnh.

Nhà biên kịch NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT, Phó chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam