Đa dạng tư liệu, lan tỏa niềm tôn kính
Ngày nghỉ cuối tuần cũng là ngày Lễ Phật đản, bà Tô Thị Phương, 66 tuổi, ngụ tại phường 5, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) đưa cháu ngoại đang học lớp 7 (Trường THCS Minh Đức, quận 1) đến Tịnh xá Trung tâm để lễ Phật. Sau khi lễ xong, hai bà cháu cùng nhiều phật tử đã tham quan KGVH Hồ Chí Minh ngay trong tịnh xá. Háo hức xem những tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ, cháu ngoại của bà Phương khoe: “Ở trường cháu cũng có KGVH Hồ Chí Minh trưng bày nhiều tư liệu về thân thế, sự nghiệp của Bác Hồ; triển lãm hình ảnh TP Hồ Chí Minh-những chặng đường lịch sử và phong trào học sinh, sinh viên thành phố. Giờ ra chơi, chúng cháu được tham quan, nghe cô giáo dạy Lịch sử thuyết minh, giới thiệu về những bức ảnh. Hay và cuốn hút lắm bà ạ! Chúng cháu có cảm giác, Bác Hồ kính yêu đang ở rất gần, tươi cười, tay vẫy gọi chúng cháu”. Mải xem những tư liệu quý, bà Phương chỉ ậm ừ, nhắc cháu: “Tìm hiểu kỹ đi con, quý lắm đấy!”, rồi lại tiếp tục đọc...
Mục tiêu xây dựng KGVH Hồ Chí Minh được Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TP Hồ Chí Minh xác định: “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành một KGVH Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên Thành phố mang tên Bác”. Đến thời điểm này, không gian ấy đang dần hiện hữu, là một trong những tiêu chí phấn đấu của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức... trên địa bàn thành phố. Ngay trong dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Bác, nhiều đơn vị, địa phương đã tổ chức ra mắt KGVH Hồ Chí Minh. Tùy theo đặc điểm địa phương và khả năng sưu tầm, trong không gian ấy thường được bố trí thành các khu vực trưng bày những hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, có trang bị màn hình LCD phục vụ người dân xem phim tư liệu 3D giới thiệu những địa chỉ đỏ liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Người; các trang sách điện tử viết về Bác; triển lãm tư liệu, tác phẩm, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh... Nhiều cơ quan, đơn vị, quận, huyện thuộc TP Hồ Chí Minh còn đưa những câu nói, lời dạy của Bác lên các bảng treo tại trụ sở, phòng làm việc, phòng tiếp dân để nhắc nhở cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, phong cách sống và làm việc theo gương Bác.
    |
 |
Tham quan tư liệu trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Liên đoàn Lao động quận Tân Bình. |
Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Tư liệu, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh rất phong phú, nhưng khi trưng bày trong KGVH Hồ Chí Minh cần lựa chọn phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và đối tượng thường xuyên tham quan; đồng thời, việc số hóa các tư liệu này cũng cần thực hiện chu đáo, phục vụ nhu cầu học tập, tìm hiểu của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ như học sinh, sinh viên.
Nói đến KGVH Hồ Chí Minh, cùng với sự liên tưởng ở đó luôn in đậm những dấu ấn của Người, chúng ta còn nghĩ tới những địa chỉ có liên quan tới vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh không có nhiều địa danh, địa chỉ, di tích như vậy. Hiện tại, chỉ có bến Nhà Rồng, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh TP Hồ Chí Minh (quận 4), Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (quận 5) và một số công trình mới được xây dựng, như: Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (quận 1) và KGVH Hồ Chí Minh đang dần hình thành rộng rãi ở các địa phương. Bởi vậy, theo Tiến sĩ (TS) Nguyễn Đệ, Phó trưởng khoa Văn hóa học (Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh): Xây dựng KGVH Hồ Chí Minh, thành phố nên lập thêm những KGVH mở, ở nhiều khu vực khác nhau, sưu tầm, bổ sung thêm tư liệu để trưng bày tạo sự đa dạng dấu ấn Bác Hồ trên các lĩnh vực, thu hút người dân đến tìm hiểu, tham quan, lan tỏa niềm tôn kính và để tư tưởng, tình cảm, hơi ấm của Người luôn hiện hữu một cách gần gũi, thân thương.
Càng tôn kính, càng tích cực làm theo Bác
Tính đến nay, nhiều quận, huyện, đoàn thể trên địa bàn thành phố đã xây dựng KGVH Hồ Chí Minh. Điển hình như quận 7, toàn bộ 10 phường và các cơ quan, đơn vị đã xây dựng KGVH Hồ Chí Minh ngay tại trụ sở làm việc. Quận Bình Thạnh đã xây dựng KGVH ở 1/3 số phường; dự kiến năm 2022, sẽ thực hiện KGVH Hồ Chí Minh tại 60 cơ sở tôn giáo. Nhiều trường học, nhà thiếu nhi, liên đoàn lao động... đã ra mắt không gian đặc biệt này. Đồng chí Võ Hoàng Phú, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Bình Thạnh, cho biết: KGVH Hồ Chí Minh là nơi để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân đến tham quan, tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là địa điểm tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lý tưởng, lòng yêu nước và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ.
Ngay từ khi hình thành ý tưởng xây dựng KGVH Hồ Chí Minh, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thống nhất xác định: “Thông qua xây dựng thành phố thành KGVH Hồ Chí Minh làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa của đảng viên và nhân dân thành phố”. Theo đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố: Muốn xây dựng KGVH Hồ Chí Minh nhất thiết phải xây dựng con người có văn hóa, con người ấy phải tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mà trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tiên phong, tận tụy, mẫn cán. Vấn đề là, phải tăng cường tuyên truyền, quảng bá và mở rộng các thiết chế văn hóa, công trình văn hóa, chương trình giao lưu nghệ thuật... liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh để lan tỏa hiệu ứng tuyên truyền, thẩm thấu sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Càng hiểu càng thêm tôn kính thì việc học tập và làm theo sẽ hiệu quả hơn, sâu sắc hơn. Cho nên, vai trò của công tác tuyên truyền hết sức quan trọng, làm sao để mọi người dân của thành phố phải được tiếp cận tư liệu lịch sử về Bác Hồ một cách thường xuyên để văn hóa Hồ Chí Minh trở thành một phần quan trọng của văn hóa mỗi người dân Thành phố mang tên Bác.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số. Thành phố xác định tầm nhìn, mục tiêu chuyển đổi số là đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động bộ máy chính quyền số, doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Để thực hiện mục tiêu, thành phố đã triển khai nhiều chương trình như: Chuyển đổi số; nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2020-2030; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ thông tin-truyền thông giai đoạn 2020-2030 với mong muốn phát triển doanh nghiệp số và kinh tế số để đưa tỷ trọng kinh tế số thành phố chiếm 20% GRDP; đề án phát triển hạ tầng viễn thông và kế hoạch phát triển hạ tầng số giai đoạn 2020-2030...
Tất cả những mục tiêu này muốn hoàn thành phải có nguồn nhân lực đáp ứng đủ tiêu chí cả về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức. Theo Phó giáo sư, TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, vấn đề năng lực chuyên môn thì Đại học Quốc gia thành phố đang thực hiện đề án “Đào tạo nhân lực số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thúc đẩy xã hội số” nhằm tận dụng, khai thác công nghệ để tăng cường quy mô và chất lượng đào tạo nhân lực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh. Còn về phẩm chất, bản lĩnh chính trị thì phải đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân để KGVH Hồ Chí Minh hiện hữu một cách toàn diện.
Điều đó cho thấy, xây dựng KGVH Hồ Chí Minh không thể không xây dựng yếu tố con người với đầy đủ trình độ, năng lực và hệ tư tưởng, phẩm chất đạo đức cách mạng cần thiết để hoàn thành những mục tiêu lớn lao mà thành phố xác định. Xét đến cùng, xây dựng KGVH Hồ Chí Minh chính là xây dựng một xã hội văn minh trên toàn thành phố. Điều này cần lộ trình, bước đi cụ thể, chắc chắn, cần ý chí quyết tâm, sự đồng thuận và tinh thần trách nhiệm cao của mọi cấp, mọi ngành và toàn thể nhân dân để không gian ấy trở thành sức mạnh tinh thần đặc trưng của Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
Bài và ảnh: CHÂU GIANG - NAM ANH