Dấu ấn đầu tiên về quan điểm kinh tế
Những dấu ấn đầu tiên về quan điểm kinh tế trong di sản Hồ Chí Minh được thể hiện trong các bài giảng về con đường "cách mệnh” Việt Nam. Người đã nói tới nhà kinh tế học cách mạng Các Mác theo tinh thần “cách mạng kinh tế”; bàn tới Chính phủ công nông binh phát đất ruộng cho dân cày, giao công xưởng cho thợ thuyền, ra sức tổ chức Chính sách kinh tế mới (NEP), để thực hành chủ nghĩa thế giới đại đồng. Người bàn tới tổ chức công hội của công nhân, tổ chức nông hội của nông dân. Người viết một chương về hợp tác xã, một mô hình ra đời trong chế độ tư bản chủ nghĩa có tổ chức, chung vốn làm ăn theo kiểu “nhóm lại thành giàu”, nhằm nâng cao sản xuất, cải thiện đời sống, ích lợi cho dân, giảm sự bóc lột của tư bản.
Ngay khi Đảng ta ra đời, đặc biệt trong “Chương trình Việt Minh” năm 1941, trong chủ trương đi tới xã hội cộng sản, cùng với các chính sách chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, ngoại giao, Hồ Chí Minh đã đưa ra chính sách kinh tế. Đáng chú ý là quan điểm mở mang công nghiệp và nông nghiệp; các ngành kỹ nghệ, giúp đỡ thủ công nghiệp làm cho nền kinh tế quốc dân chóng phát đạt; mở mang dẫn thủy nhập điền, bồi đắp đê điều làm cho nông nghiệp phồn thịnh; nhân dân tự do khai khẩn đất ruộng; mở mang các đường giao thông vận tải; lập nên một ngân hàng quốc gia thống nhất...
Trong chủ trương thay đổi chiến lược năm 1941, Đảng và Hồ Chí Minh không quên nhiệm vụ kinh tế, đề ra chính sách giảm tô, giảm tức và tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian giao cho dân cày. Điều này thể hiện tầm nhìn sáng suốt trong việc giải quyết nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, kết hợp đánh Pháp-Nhật giành độc lập dân tộc với từng bước giải quyết vấn đề ruộng đất để tập trung mọi lực lượng chống đế quốc và tay sai, lôi kéo những người yêu nước trong giai cấp địa chủ, mở rộng mặt trận và các đoàn thể cứu quốc.
Trong “Chương trình Việt Minh”, Hồ Chí Minh đã nêu ra những khía cạnh thuộc phạm trù “an sinh xã hội” theo cách nói ngày nay. Đó là việc cứu tế thất nghiệp đối với công nhân; cứu tế nông dân trong những năm mất mùa; giúp đỡ học sinh nghèo; cấp dưỡng người già và người khuyết tật... Đáng lưu ý, Hồ Chí Minh sớm phát hiện và quan tâm tới giới thương nhân và các nhà kinh doanh. Người khẳng định Chính phủ hết sức giúp các nhà có vốn tự do kinh doanh. "Mười chính sách của Việt Minh" có nhiều nội dung về kinh tế như: “Nông dân có ruộng, có bò/ Đủ ăn, đủ mặc khỏi lo cơ hàn/ Công nhân làm lụng gian nan/ Tiền lương phải đủ, mỗi ban tám giờ/ Gặp khi tai nạn bất ngờ/ Thuốc thang Chính phủ bấy giờ giúp cho/ Thương nhân buôn nhỏ, bán to/ Môn bài thuế ấy bỏ cho phỉ nguyền...”. Đó là nền tảng cho hệ quan điểm của Hồ Chí Minh về đổi mới kinh tế sau này.
Quan điểm căn cốt về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Trong di sản Hồ Chí Minh chưa xuất hiện cụm từ “KTTT định hướng XHCN”, nhưng xét theo tinh thần và những quan điểm có tính nguyên tắc, chúng ta có thể tìm thấy những khía cạnh căn cốt trong di sản của Người về vấn đề này.
Xuất phát từ quan điểm duy vật lịch sử của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tức là từ học thuyết hình thái kinh tế-xã hội, Hồ Chí Minh chú trọng tới bản chất, mục tiêu của nền kinh tế XHCN. Bằng cách diễn đạt theo sắc thái riêng, Hồ Chí Minh cho thấy sự quan tâm về mối quan hệ giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất (LLSX). Khi giải thích chủ nghĩa xã hội (CNXH) là gì, Người không dừng lại ở tư liệu sản xuất thuộc về nhân dân hoặc có một nền công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến, bởi đó mới chỉ là LLSX, mà nhấn mạnh mối quan hệ giữa người và người trong quá trình sản xuất. Theo Người, một LLSX hiện đại gắn liền với mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa con người với con người trong một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng.
Trong thời kỳ quá độ lên CNXH, nhận thức khoa học về điểm xuất phát thấp từ một nền nông nghiệp lạc hậu, khoa học-kỹ thuật kém phát triển, tiến thẳng lên CNXH không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, Hồ Chí Minh đã chỉ ra cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, gồm kinh tế quốc doanh thuộc CNXH vì nó là của chung của nhân dân; các hợp tác xã (HTX) tức nửa CNXH và sẽ tiến lên CNXH; kinh tế của cá nhân nông dân và thợ thủ công, có thể tiến dần vào HTX; tư bản của tư nhân; tư bản của Nhà nước. Trong 5 loại ấy, “kinh tế quốc doanh là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng CNXH chứ không theo hướng tư bản chủ nghĩa”.
Hồ Chí Minh cũng chỉ ra các hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất khác nhau. Đó là sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân; sở hữu của HTX tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động; sở hữu của người lao động riêng lẻ; một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản. Cũng như các thành phần kinh tế, Hồ Chí Minh khẳng định “kinh tế quốc doanh là hình thức sở hữu của toàn dân, nó lãnh đạo nền kinh tế quốc dân và Nhà nước phải đảm bảo cho nó phát triển ưu tiên”.
Như vậy, khi bàn về các hình thức sở hữu và thành phần kinh tế, cùng với việc khẳng định kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò, chức năng của kinh tế nhà nước trong lãnh đạo nền kinh tế quốc dân, đồng nghĩa với bảo đảm định hướng XHCN. Nền kinh tế đó phải giữ được tính độc lập, tự chủ theo tinh thần “muốn người ta giúp cho, mình phải tự cứu mình trước đã”.
Nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta hiện nay được xác định lấy con người làm trung tâm, vì mọi người và do con người, phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội. Khía cạnh này có thể được coi là nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng phát triển kinh tế nói riêng. Tư tưởng Hồ Chí Minh, nói ngắn gọn là vì con người, do con người, vì Tổ quốc và nhân dân. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh chỉ có một sự ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.
Ngay sau ngày cách mạng thành công, lo lắng, trăn trở hàng đầu của Hồ Chí Minh là nhân dân đang đói. Nêu vấn đề làm thế nào cho họ sống, Người đề nghị phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất, mở lạc quyên, tiết kiệm gạo góp lại phát cho người nghèo.
Người đề xướng tư tưởng kháng chiến gắn liền với kiến quốc, để làm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, được học hành. Một chủ trương cho thấy tầm nhìn xa sáng suốt lạ lùng của Hồ Chí Minh là ngay khi vừa bước vào cuộc kháng chiến, Người đã khởi xướng sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, tăng giàu theo hướng “làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm”. Người chỉ ra vai trò của nhân dân trong mối quan hệ với Chính phủ, “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân. Chính phủ không xuất tiền ra làm, chỉ làm một phần, để làm kiểu mẫu, cổ động, giúp ý kiến”.
Người cũng sớm nhận thức đầy đủ vai trò của giới công-thương trong phát triển kinh tế. Một ngày sau Tuyên ngôn Độc lập, trong lịch tiếp chuyện đại biểu các đoàn thể, cùng với hơn 10 đoàn thể, Người chú trọng tới thương giới. Hơn một tháng sau, trong “Thư gửi các giới công thương Việt Nam”, Người đánh giá cao giới công thương và kêu gọi “để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng". Người chỉ rõ nền kinh tế quốc dân thịnh vượng thì sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vì vậy giới công-thương hãy đem vốn vào làm những việc ích quốc, lợi dân.
Trong di sản Hồ Chí Minh, chúng ta cũng thấy khá đậm nét những quan điểm về hội nhập kinh tế quốc tế; gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường. Nói một cách đúc kết thì tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của Hồ Chí Minh là Đảng, Nhà nước phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Xuất phát từ thực tiễn, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, nhằm mục đích phát triển đất nước, vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc, bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
BÙI QUÂN