Một cảnh trong vở “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử” của Nhà hát Tuổi Trẻ (Việt Nam), một thử nghiệm có nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 2 vừa kết thúc cuối tuần qua tại Hà Nội. Mục đích tổ chức liên hoan lần này là thúc đẩy sự khám phá sáng tạo mới lạ của tất cả các thành phần tham gia sáng tạo nên tác phẩm sân khấu, là cơ hội để chúng ta giới thiệu những giá trị độc đáo của nghệ thuật truyền thống và đương đại Việt Nam và là cơ hội để các nghệ sĩ sân khấu nước nhà giao lưu, học tập những thành tựu của sân khấu thế giới. Mục đích là vậy, nhưng rõ ràng phần lớn các vở diễn, chương trình tham gia liên hoan lần này đã khiến giới sân khấu nói riêng và khán giả nói chung có cảm giác thất vọng.

Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì có thể khẳng định liên hoan (LH) rất thành công và có lực hút đối với công chúng. Mỗi đêm diễn đều như ngày hội, khán giả may mắn có vé mời đều phải đi sớm mới mong có chỗ ngồi. Ngay sau đêm diễn là những tranh luận sôi nổi giữa những người làm nghệ thuật về vở diễn. Nhưng về cốt lõi thì cả 4 tác phẩm trong nước (100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử; Huyền thoại cuộc sống; Nơi đất ở; Hồn quê), một tác phẩm kết hợp giữa tuồng Việt Nam và sân khấu mặt nạ của Pháp (Vòng cát) và 6 chương trình quốc tế đều dường như chưa thỏa mãn cơn khát mong tìm những thử nghiệm mới, những sáng tạo đột phá để những người làm nghệ thuật có thể soi vào…

Liên hoan lần thứ nhất tuy “vạn sự khởi đầu nan” nhưng ít nhất cũng có 2 vở Nghiệp chướng của Hàn Quốc và Áp giải của Trung Quốc đã để lại những dấu ấn khó phai. Dẫu chưa thành công nhưng các vở của Việt Nam tham dự lần đầu cũng đã có những thử nghiệm thực sự. Lần này, những chương trình mà bạn mang sang ta cũng chưa thực sự là những sáng tạo nổi bật tiên tiến của sân khấu nước bạn. Những điệu múa cung đình, trình diễn sử thi của Lào, câu chuyện rối dân gian mới chỉ khoe ở góc độ nghệ thuật truyền thống. Đa phần các tác phẩm sân khấu của cả ta và bạn đều không đạt đúng tiêu chí thử nghiệm mà LH đặt ra. Duy có vở Tú tài và đao phủ của Trung tâm Kịch nói Nghệ thuật Thượng Hải (Trung Quốc) là khiến mọi người “tâm phục khẩu phục” bởi những thử nghiệm sáng tạo một cách hoàn chỉnh. Một anh tú tài đại diện cho trí thức, một anh đao phủ đại diện cho tầng lớp người lao động nhưng khi thất nghiệp thì ai cũng như ai. Xã hội đòi hỏi mỗi con người cần phải tự thay đổi để thích ứng với thời cuộc. Tú tài và đao phủ trước hết đã đặt ra một vấn đề mang tính xã hội sâu sắc. Vở diễn giữ được những đặc trưng của nghệ thuật sân khấu là: cốt truyện, ngôn ngữ đối thoại, kịch tính và tính cách nhân vật. Các ngôn ngữ nghệ thuật khác như múa, hát, tạo hình… đã làm phong phú và sâu sắc cho nội dung.

Không bột khó gột nên hồ! Các đạo diễn và nghệ sĩ đã mải mê chạy theo việc đi tìm những hình thức thể hiện mới mà quên mất điều mọi sự cố gắng thay đổi hình thức cũng phải chuyển tải được tới người xem điều gì. Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang, cho rằng: “Một cuộc thử nghiệm nào, một cuộc tìm tòi hình thức nào cơ bản vẫn là xuất phát từ nội dung. Nội dung lựa chọn hình thức. Một sự màu mè, hoa lá, lòe loẹt, khoa trương không thể che giấu nổi cái nghèo nàn…” . Chính vì vậy mà vở diễn nào cũng bộc lộ không ít những nhược điểm. Đạo diễn Lê Quý Dương thì đưa lên sân khấu quá nhiều loại hình nghệ thuật để rồi khiến người xem có cảm giác như bị bội thực vì một bữa cỗ quá nhiều món. Đạo diễn Lê Hùng không tránh khỏi trùng lặp những mảng miếng sáng tạo của mình trong vở 100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử. Xem Nơi đất ở, bạn nghề không khỏi rùng mình khi xem cảnh làm tình thô thiển của cặp nhân vật nam nữ. Mặc dù vượt qua hàng rào ngôn ngữ để đến với khán giả hai nước, nhưng rõ ràng vở Vòng cát do Nhà hát Tuồng Việt Nam và Nhà hát Monte Charge của Pháp vẫn khiến người xem cảm thấy tiếc nuối khi rơi vào một cốt truyện quá sơ lược, nghệ thuật Tuồng Việt Nam bị lấn át và không phô được cái độc đáo của mình… Điểm yếu nhất của LH lần này là sân khấu Việt Nam chưa có một tác phẩm thử nghiệm hoàn chỉnh những sáng tạo độc đáo kết hợp giữa truyền thống và nghệ thuật đương đại thực sự. Thành công của thử nghiệm chỉ bộc lộ ở mặt này hay mặt kia mà chưa thực đạt tới một thẩm mỹ tổng thể. Ngay như sự hiện diện đầy đủ các đại diện của sân khấu Việt Nam cũng không có. Ai cũng thấy tiếc khi tuồng, chèo, cải lương của ta không được dịp khoe sắc tại LH lần này.

Hơn một chục ngày xem và 11 buổi thảo luận sôi nổi, thậm chí có phần gay gắt. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu thử nghiệm khiến những người làm nghề cảm thấy tâm phục khẩu phục và có thể học hỏi và khơi dậy những ý tưởng sáng tạo mới? Cái mới, cái lạ có thể tìm thấy trong khám phá của thành phần sáng tạo, tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên… nhưng cái cốt lõi vẫn là thông điệp tư tưởng của vở diễn. Sự vay mượn ngôn ngữ nghệ thuật của các loại hình khác đã khiến những đặc trưng của sân khấu bị mờ nhạt đi. Trong LH đề cao việc đưa ngôn ngữ hình thể vào kịch, đó chỉ là một hướng đi trong vô vàn những hướng đi của sân khấu. Đạo diễn, NSƯT Trần Ngọc Giầu cho rằng: Sân khấu hãy thử nghiệm bằng chính ngôn ngữ của mình hơn là mải mê đi tìm kiếm các ngôn ngữ nghệ thuật khác. Và liệu có thành công không nếu những vở diễn không làm toát lên những vấn đề của thời đại, những vấn đề bức xúc của cuộc sống hôm nay? Liên hoan sân khấu quốc tế diễn ra vào thời điểm này, không đơn thuần chỉ là cuộc giao lưu, học tập, nó còn mở ra tầm nhìn rộng lớn cho kịch nghệ nước nhà: Đó là sân khấu phải hội nhập. Để sân khấu có những bước đột phá ngay khi cơ thể nó đang ngày già nua, cũ kỹ quả là khó khăn. Nhưng không vì thế mà khán giả không hy vọng sân khấu sẽ ngày càng tự làm mới mình để đáp ứng thị hiếu thưởng thức ngày càng cao của họ.

THÚY HIỀN