Trong đời hoạt động nghệ thuật của mình, đặc biệt là từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, cá nhân ông và Hãng phim Lý Huỳnh đã dành tình cảm đặc biệt cho bộ đội. Cũng nhờ đó, chúng tôi có cơ duyên thân thiết với ông và các thành viên trong gia đình từ nhiều năm nay.
Cơn bạo bệnh và những dự định dở dang...
Mấy hôm trước, khi tình hình lũ lụt ở miền Trung diễn biến phức tạp, liên hệ với nghệ sĩ Lý Hùng, con trai NSND Lý Huỳnh, anh cho biết, các nghệ sĩ Hãng phim Lý Huỳnh đang xúc tiến chương trình từ thiện ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lũ. Tuy nhiên, do bệnh của NSND Lý Huỳnh đột ngột trở nặng nên công việc phải tạm dừng. Mặc dù được các bác sĩ, gia đình tận tình cứu chữa, chăm sóc, nhưng do thể trạng yếu, lâm trọng bệnh đã lâu nên NSND Lý Huỳnh đã không qua khỏi. Ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 22-10-2020, hưởng thọ 78 tuổi.
Sự ra đi của NSND Lý Huỳnh là một mất mát lớn đối với nghệ thuật điện ảnh nước nhà. Ông mắc cùng lúc nhiều trọng bệnh từ mấy năm nay. Theo diễn viên Lý Hùng, nếu là người khác, có thể cái ngày đau buồn nhất của gia đình đã xảy ra lâu rồi. Nhưng với NSND Lý Huỳnh, triết lý và phương châm sống của ông là lạc quan, tận hiến, mỗi ngày được sống và cống hiến như thể là ngày cuối cùng. Mấy tháng trước, sau liệu trình điều trị tích cực bệnh tiểu đường, sức khỏe có khá hơn, ông giục các con đưa đến thăm các nghệ sĩ neo đơn tại Khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu và Chùa nghệ sĩ ở TP Hồ Chí Minh. Được gặp lại các đồng nghiệp cao niên, những nghệ sĩ một thời vang bóng, Lý Huỳnh vui sướng, cảm động trào nước mắt. Ông cùng các lão nghệ sĩ hát cải lương, ôn lại kỷ niệm một thời cùng nhau “cháy” hết mình với nỗi đam mê nghệ thuật. Lý Hùng kể, thân phụ anh là người rất lãng mạn. Những buổi sáng đẹp trời, ông thường bảo anh hoặc con gái Lý Hương đưa ra vườn, tự tay ngắt những bông hoa thật đẹp tặng vợ. “Tôi ngưỡng mộ mối tình của ba mẹ mình. Ba tôi con nhà võ, mang tâm hồn nghệ sĩ nên ở ông là sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh, ý chí, bản lĩnh của một võ sư và sự rung cảm, tình yêu thương, niềm trắc ẩn của một nghệ sĩ. Ba tôi đang ấp ủ nhiều dự định, dự án điện ảnh lớn, nhưng do sức khỏe yếu nên đành bỏ dở. Những giây phút cuối đời, dù sức khỏe rất yếu nhưng ba tôi vẫn tỉnh táo. Ông hôn mẹ tôi và tất cả các con, cháu, ánh mắt nhìn mọi người âu yếm lần cuối cùng rồi từ từ khép lại vĩnh viễn. Anh em chúng tôi ai cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc phương châm sống của ba mẹ, hãy yêu thương hết mình và cho đi những gì có thể. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tâm nguyện của ba”-Lý Hùng tâm sự.
Những dự định, dự án mà diễn viên Lý Hùng nói, chính NSND Lý Huỳnh cũng đã có lần chia sẻ khi chúng tôi đến nhà riêng (cũng là trụ sở Hãng phim Lý Huỳnh) thăm ông. Hai dự án điện ảnh lớn đã được ông và các nghệ sĩ chuẩn bị kịch bản là phim điện ảnh về nữ tướng Bùi Thị Xuân và anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. “Đây là những nhân vật lịch sử văn võ song toàn, cốt truyện rất phù hợp với sở trường của Hãng phim Lý Huỳnh là hành động võ thuật. Dự kiến kinh phí đầu tư cho mỗi phim hơn 20 tỷ đồng”-ông nói. Ngoài ra, NSND Lý Huỳnh đang ấp ủ làm một bộ phim hành động võ thuật về các chiến sĩ đặc công. Đây là những dự án điện ảnh của Hãng phim Lý Huỳnh, tiếp nối sau thành công của bộ phim “Tây Sơn hào kiệt”, phim về Hoàng đế Quang Trung, công chiếu năm 2010, chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. “Tây Sơn hào kiệt” được giới chuyên môn đánh giá là phim lịch sử có quy mô hoành tráng nhất Việt Nam từ trước đến nay với sự quy tụ lực lượng hùng hậu gồm 200 võ sư, hơn 20.000 diễn viên quần chúng, hơn 100 voi chiến, ngựa chiến và hơn 4.000 bộ trang phục lịch sử, hơn 7.000 binh khí các loại... Đây cũng là bộ phim cuối cùng của Lý Huỳnh trên cương vị tổng đạo diễn và diễn viên. Cơn bạo bệnh kéo dài nhiều năm khiến các dự định cống hiến cho điện ảnh nước nhà của ông bị dở dang...
Tình cảm và mối nhân duyên đặc biệt với bộ đội
Ngay khi phim “Tây Sơn hào kiệt” chuẩn bị làm hậu kỳ, tôi được Lý Huỳnh mời đến nhà riêng xem bản thô. Ông dẫn tôi lên một căn phòng nhỏ trên gác, vừa chiếu phim, vừa giải thích ý tưởng, thông điệp từ mỗi cảnh quay và hỏi ý kiến một cách rất cầu thị. Những góp ý của tôi được ông ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ tay. Đến khi phim ra mắt, công chiếu, theo nguyện vọng của Ban giám hiệu Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đại học Nguyễn Huệ), tôi đến gặp ông đặt vấn đề đưa phim về chiếu cho cán bộ, học viên ở mái trường sĩ quan mang tên người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Ông đồng ý ngay. Mặc dù đang trong thời gian công chiếu tại các rạp, nhưng NSND Lý Huỳnh chỉ nhắc tôi, dặn anh em cán bộ, học viên không quay clip đưa lên mạng xã hội các cảnh phim nhằm bảo đảm yếu tố bản quyền, ông không lấy thù lao. Nói đến Trường Sĩ quan Lục quân 2, ông nhắc nhiều kỷ niệm với Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên hiệu trưởng và Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, nguyên chính ủy, cùng các cán bộ, giáo viên, học viên Khoa Trinh sát đặc nhiệm. Năm 1996, khi chọn bối cảnh cho bộ phim hành động võ thuật “Hồng Hải tặc”, Lý Huỳnh đặt mục tiêu phải lấy bối cảnh ở một đơn vị huấn luyện bộ đội trinh sát, đặc công. Ông được giới thiệu về Trường Sĩ quan Lục quân 2. Được sự giúp đỡ tận tình của Trung tướng, Hiệu trưởng Lê Nam Phong, gần 200 cán bộ, học viên Trinh sát đặc nhiệm đã thực hiện hoàn hảo ý tưởng của đạo diễn, tạo tiền đề cho diễn viên chính Lý Hùng tỏa sáng rực rỡ. Cho đến nay, mỗi khi nhắc lại kỷ niệm làm phim, Lý Hùng vẫn tấm tắc, trầm trồ về trình độ võ thuật của các giáo viên, học viên Khoa Trinh sát đặc nhiệm. “Họ là những cascadeur và diễn viên quần chúng rất điêu luyện. Tôi học hỏi được ở các anh bộ đội rất nhiều”-Lý Hùng nói.
Nhiều bộ phim hành động của Hãng phim Lý Huỳnh những năm 80-90 của thế kỷ trước, có sự giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều của các đơn vị quân đội. Cán bộ, chiến sĩ được huy động vào các vai quần chúng thực hiện những cảnh quay hoành tráng. Ông bảo, có được điều đó là nhân duyên của người nghệ sĩ. Mối nhân duyên ấy đến với Lý Huỳnh ngay từ khi bước chân của Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 30-4-1975. Đêm trước đó, giới nghệ sĩ Sài Gòn không ít người bấn loạn trước thông tin, khi Quân Giải phóng tiến vào, Sài Gòn sẽ có một cuộc “tắm máu”. Những người từng phục vụ trong chế độ cũ sẽ gặp nguy. Lý Huỳnh cũng hoang mang thực sự, bởi thời kỳ đó, ông là tay đấm nổi danh trên các võ đài ở Sài Gòn, từng lên tiếng thách đấu Lý Tiểu Long, từng được tướng Nguyễn Cao Kỳ chọn làm cận vệ. “Nghe nhiều người kháo nhau, tôi cũng hoang mang nhưng sau đó trấn tĩnh lại, thấy mình không cần quá lo lắng, vì mình chưa từng gây “nợ máu” với nhân dân. Thế rồi những gì diễn ra sau đó đã cho thấy, chính quyền quân quản đã thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc thật tuyệt vời. Tôi được điện ảnh cách mạng trọng dụng, được Đảng, Nhà nước phong tặng những danh hiệu cao quý nhất của người nghệ sĩ”-ông kể.
NSND Lý Huỳnh nhiều lần nói rằng, ông biết ơn điện ảnh cách mạng. Chính môi trường ấy đã tạo điều kiện cho ông cống hiến, sống hết mình với niềm đam mê, vươn tới những thành công. Từ vai Đại tá Hoàng trong phim “Cô Nhíp” đến ông Hai Cũ trong bộ phim cùng tên, trung úy Xăm trong phim “Hòn Đất” và nhiều vai diễn khác, đã đưa tên tuổi Lý Huỳnh trở thành một trong những “át chủ bài” của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Trong vai trò diễn viên, Lý Huỳnh được đồng nghiệp và công chúng đánh giá cao ở lối diễn xuất tự nhiên, nhập tâm, lột tả tính cách nhân vật toàn diện từ ngoại hình đến chiều sâu tâm lý. Vào thập niên 1980-1990, Lý Huỳnh là người tiên phong mở lối cho dòng phim hành động võ thuật Việt Nam, hợp tác với các hãng phim nổi tiếng ở Hồng Công. Hàng loạt bộ phim “cháy” phòng vé gắn liền với tên tuổi Lý Huỳnh, như: “Người không mang họ”, “Lửa cháy thành Đại La”, “Thăng Long đệ nhất kiếm”, “Phạm Công-Cúc Hoa”, “Truy nã tội phạm quốc tế”, “Hồng Hải tặc”... Dòng phim hành động võ thuật của Hãng phim Lý Huỳnh đã tạo bệ đỡ cho một thế hệ diễn viên nổi tiếng của điện ảnh trong nước tỏa sáng, như: Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Mộng Vân, Công Hậu, Y Phụng, Lý Hương...
Trong lần gặp gần nhất, NSND Lý Huỳnh mặc dù sức khỏe yếu, vẫn tươi cười nhắc lại lời hẹn, sau khi bấm máy bộ phim về nữ tướng Bùi Thị Xuân (dự kiến diễn viên Lý Hương, con gái ông thủ vai chính), sẽ mời chúng tôi uống rượu mừng. Giờ ông đã về cõi cao xanh, những dự định, tâm huyết của ông được giao lại cho các con, nhất là hai nghệ sĩ Lý Hùng, Lý Hương nối nghiệp.
Với những đóng góp xuất sắc cho điện ảnh nước nhà và một trái tim, một phong cách, một lối sống nhân ái, nhân văn, NSND Lý Huỳnh xứng đáng nhận được tình cảm yêu mến, tiếc thương của đông đảo nghệ sĩ và người hâm mộ.
Một nén tâm nhang thành kính vĩnh biệt ông!
NSND Lý Huỳnh tên thật là Lý Kim Tuyền, sinh năm 1942, tại huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Ông khởi nghiệp tại Sài Gòn bằng con đường võ học, từng được xếp vào nhóm “Nam Kỳ tứ tú” (4 ngôi sao sáng của làng võ Nam Kỳ) trước năm 1975 và phát triển sự nghiệp điện ảnh rực rỡ sau ngày đất nước thống nhất. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1993 và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012.
|
PHAN TÙNG SƠN