1. Trong những lo toan của tết nhứt lệ thường hằng năm, tía má cứ hay dặn đám con đi đâu cũng được, nhưng mùng (mồng) Bốn Tết phải về nhà bác lớn. Quá nửa đời người, có khi tôi chẳng về quê ba ngày Tết, nhưng đến ngày thứ tư thì dẫu có cuộc hẹn nào hay bận bịu công việc ra sao cũng phải gác lại mà tìm về. Không về sao được khi cái nôn nao cứ bổi hổi bồi hồi, rần rật trong dạ mình.

Thuở sơ khai của Nam Kỳ lục tỉnh, lễ cúng lề đã có, nhưng mỗi nơi tập tục cũng sẽ khác, mỗi dòng tộc cũng luôn có những quy định riêng. Cứ vậy mà đời này truyền sang đời khác. Dẫu biến thiên thời cuộc đi qua dâu bể trăm năm thì dòng tộc cũng tự khắc nối nhau chọn người có địa vị lớn nhất dòng tộc mình mà phụ trách. Những đứa trẻ châu thổ chúng tôi lớn lên đã thuộc lòng cách cúng lề của dòng tộc mình. Cứ nhốn nháo từ tờ mờ sáng khi mấy ông bà cao niên bắt đầu chuẩn bị lễ. Có dòng tộc chọn ngày mùng Ba, có khi mùng Bốn, chỉ hai ngày đó để làm lễ cúng. Nhưng ngày nào thì cũng phải tề tựu đông đủ cả dòng tộc, hễ ai vắng mặt thì liền bị trưởng bối nhắc nhở. Nếp nhà cứ giữ mãi nên đâm ra đám cháu con cũng ghi đậm vào tâm trí mình.

Cúng lề giản đơn giữ cái hồn cốt quê kiểng của người Đồng bằng sông Cửu Long, từ hồi còn khẩn hoang với những vật tế lễ chắt chiu từ ruộng đồng, sông nước. Có dòng tộc chỉ cần làm bè chuối, chống năm cây tre, thả lên bè cá lóc nướng, muối gạo, trầu cau, rượu trắng rồi khấn nguyện tổ tiên gia ơn độ trì cho dòng tộc đặng bình an, đi qua những xui rủi của năm này, lúa chín đầy đồng, gạo đong đầy khạp. Cũng có dòng tộc lễ phải chỉn chu bắt buộc một trăm bánh tét, một trăm bánh ít được gói nhỏ gọn bằng ngón tay.

Hay như những dòng tộc miệt Long An gốc Ngũ Quảng vào định cư ở Đồng bằng sông Cửu Long này, bắt buộc cúng lề phải có rắn nướng trui. Cũng có dòng tộc xưa làm quan võ thì cúng lề bằng năm mũi tên với bộ tam sên gồm miếng thịt heo, con tôm luộc và trứng vịt luộc. Mỗi dòng tộc là một “lề” khác nhau.

leftcenterrightdel
Cúng lề ngày Tết là tập tục mang đậm hồn cốt người Đồng bằng sông Cửu Long. 

Đám con nít chúng tôi ngày đó giờ đã lớn khôn, bôn ba đường đời với nhiều mới lạ thu về tầm mắt, chợt khựng lòng mình lại, bấy lâu nay chưa hiểu tập tục cúng kiếng của dòng tộc mình. Mùa Tết nào đó, bác lớn nhìn chúng tôi rồi khẽ khàng chỉ. Cúng vật lề hay như bây giờ người ta rút gọn lại thành cúng lề kỳ thực nó như một lời khấn vọng dành riêng cho tổ tiên mỗi dòng tộc.

“Lề” chính là thói quen, là nền nếp mà bậc tiền nhân khai mở dòng tộc để lại để cháu con thế hệ mai sau giữ gìn một niềm tôn kính. Cũng là cái lễ để mọi người thân của dòng tộc tề tựu về mà còn biết nhau. Bởi sự sinh sôi nảy nở và máu lang bạt kỳ hồ của người chín nhánh sông thời mở cõi khiến cho người cùng một tộc khó lòng biết nhau. Có một ngày đầu năm mới để quay về, như một tục cũ nếp xưa để còn nhìn thấy nhau trong mênh mông cuộc đời này.

2. Thoảng khi, đám trẻ ngụ cư thành thị thử chọn cái Tết nhẹ tênh theo buổi thời hiện đại là quẩy ba lô và đi tìm một mùa xuân thong dong đó đây. Nhưng rồi cũng thao thiết lòng mình mà canh chuyến xe đặng về cho kịp. Đứa về sớm sẽ nhắn tin vào nhóm chat của đám trẻ chung dòng họ thúc giục mau về. Có đứa chụp hình cảnh bày biện, nấu nướng, thêm quay mấy đoạn clip cảnh làm thuyền chuối khiến người đang trên đường cứ nhấp nhổm, bời bời tấc dạ.

Có lần, tôi kẹt chuyến trực Tết, chỉ chực chờ chạy ra bến xe miền Tây đón chuyến gần kề để về cho kịp. Hôm ấy là hai giờ sáng, gió xuân thị thành phả vào cái lạnh làm nỗi nhớ Tết quê lại thêm thắt thẻo tâm can. Kỳ thực, chỉ có những đứa con quê còn nấn níu mình lại với đất này bởi nhiều lý do nào đó mà chưa kịp về Tết mới thấu hiểu được cái thèm không khí Tết quê rổn rang bên đại gia đình mình.

Cũng có đứa trong đám anh em lập gia đình, rồi gá thân ở đất này luôn, mỗi bận tết nhứt là chạy ngược chạy xuôi lo chuyện thăm chúc gia đình bên vợ, bên chồng túi bụi, mới bắt đầu quay về cố xứ để đón Tết trong nỗi chờ mong hoài vọng của mấy ông bà già, cô dì chú bác. Trong muôn triệu cánh chim trở gót thiên di mùa Tết, luôn có những cánh chim về theo một tục lệ, hay nếp xưa gia quy dòng tộc mà buộc mình phải giữ. Giữ gia quy như giữ cái bản lề của nhà mình. Tôi nhớ có lần bác lớn nói vậy. Đám cháu con chúng tôi cùng lứa sàn tuổi nhau, năm đó mới đâu chừng tròm trèm mười lăm, mười sáu tuổi gì đó, chẳng hiểu câu chữ mấy người già xứ này hay nói.

Chỉ biết, chừng mình già như mấy người lớn trong nhà, có khi lại học theo mà nói. Là khi ấy, những gieo neo dâu bể của cuộc đời khiến mình thấu hiểu và thấm thía mấy lời dạy xưa cũ. Ai rồi cũng có lúc vịn vào chuyện xưa, tục cũ của ông bà mình để lại mà sống, mà răn ngược đám cháu con đang tuổi hau háu ăn chơi mà thôi. Chúng tôi nghe rồi im lặng. Hiểu hay không chẳng cần biết, chỉ biết nếp nhà đâu bao giờ có đứa con nít nào dám cãi.

Quãng tuổi thơ tôi gắn bó với quê xứ đâu chừng chỉ đến năm mười lăm tuổi, rồi lót tót theo tía má lên ở hẳn TP Hồ Chí Minh. Hai tiếng thị thành thời đó đầy quyến dụ và hấp lực. Cứ vậy mà tía má đứa này dẫn đi, tía má đứa kia thấy vậy cũng dắt theo, đám anh em đầu trần chân đất chạy băng đồng theo những cơn mưa hạ một ngày gặp nhau giữa thành phố lúc nào chẳng hay. Dẫu cùng chung một thành phố nhưng có khi xa cách tận cả buổi trời chạy xe. Hay cũng có đứa sinh ra và lớn lên cùng tía má ở phố thị, nên khi gặp đám anh em họ chung dòng tộc cứ ngơ ngác, đến giờ mới biết nhau. Như tôi cùng con nhỏ em họ, chung một trường cấp 2 mà tới hồi tía tôi với ba nó gặp nhau lúc đi rước con, mới té ngửa con nhỏ em họ lại học trên mình hai lớp. Vậy đó, nên tụ lại được cùng nhau là mừng quýnh, có khi ngày cuối tuần đạp xe cả một hai tiếng chỉ để đám anh em được chơi cùng nhau một ngày. Chơi cùng là bày biện đủ trò để vui. Rồi túm tụm kể cho nhau nghe mấy chuyện hồi đó dưới quê, chuyện lên thành phố bỡ ngỡ ra sao.

Nhưng, chuyện vui nhất vẫn là chuyện dòng họ tám phương tứ hướng tụ về cúng lề mỗi mùng Bốn Tết. Dẫu có đứa từ nhỏ đến lớn đều được cho về dự lễ cúng của dòng tộc nhưng chưa bao giờ đứa nào biết trong câu khấn vái thì thầm đó, người lớn nhất của dòng tộc đã đọc những gì. Có lần chúng tôi còn cá với nhau đó là những câu đã chép lại, trên một tờ giấy đỏ, để lót phía dưới bàn thờ cửu huyền thất tổ ở ngôi nhà thờ tổ của dòng họ mình. Nhưng, có nghịch phá cỡ nào, có gan lớn ra sao, chưa bao giờ đám con nít chúng tôi dám trộm nhìn.

3. Có thể Tết bên nội, bên ngoại, gia đình riêng chung hay thầy cô, bạn bè gì đó, cũng có khi chẳng cần về quê ba ngày Tết, nhưng sáng mùng Bốn nhất định đám anh em chúng tôi phải tụ về nhà bác lớn. Bởi đó là ngày vui nhất của mỗi dòng tộc xứ này. Chúng tôi dù có tung cánh muôn phương nhưng vẫn biết đường về, biết ngày cúng lề để gặp gỡ dòng tộc của mình. Ngày về càng đông thì mấy ông bà già quê lại càng vui sướng. Những mái đầu bạc trắng màu sương mai, những đôi mắt in hằn dấu chim di, những đôi tay run rẩy vì gió lạnh tàn mùa, nhưng những tâm khảm ấy dẫu bạc thếch thời gian vẫn nhớ như in lời căn dặn của tiền nhân để nhắc đám cháu con mình.

Đám trẻ ngày về Tết càng trẻ, người già ngày đón mừng càng cạn cùng heo may. Đó là lúc mà chúng tôi nhìn nhau tự nhắc phải về, năm non bảy núi, đường xa vạn dặm, trăm bận ngàn bịu thì cũng về. Về để nghe nếp nhà hằn lên năm tháng trôi miên mải qua bao thế hệ. Đám trẻ chúng tôi là thế hệ thứ 12 của dòng tộc. Mới năm trước bác lớn bày biện thuyền lá chuối, cắm năm cây tre đẽo khúc, năm cuốn gỏi cuốn, dĩa muối gạo, năm củ khoai lang, mớ rau tập tàng ngoài vườn nhà, năm chén cháo trắng với năm cục đường táng. Bác lớn kêu cả đám cháu ra dặn, nhớ kỹ càng những món lễ này, cứ y vậy mà đúng con nắng ngọ mùng Bốn Tết thả bè chuối trôi theo con kinh ra sông cái. Tổ tiên ngàn năm vẫn phong kín lời khấn như một mật ngữ của dòng tộc. Lời khấn chỉ người đứng đầu dòng tộc mới được biết.

Bây giờ tôi đã đi nửa cuộc trần gian, bàn tay tôi chẳng đếm nổi trên chín nhánh sông xứ mình là bao nhiêu dòng tộc, bao nhiêu mật ngữ lưu truyền, bao nhiêu cuộc chuyển giao, và bao nhiêu đứa trẻ theo gia quy để sum vầy mỗi mùa xuân về. Nhưng, tôi tin, trăm năm hay ngàn năm nữa, biên niên sử châu thổ vẫn luôn còn những đứa con theo mật ngữ Tết mà tìm về.

TỐNG PHƯỚC BẢO