Gặp gỡ, chia sẻ với những lão niên nơi các làng cổ Hà Nội, mới thấy người ta vẫn trọng và quý Tết cổ truyền đến nhường nào. Ở Định Công, ngôi làng nổi tiếng với nghề kim hoàn còn giữ những nét đẹp: Đó là đoàn tụ trong bữa cơm chiều Ba mươi Tết của gia đình; sáng mồng Một mọi người đi chúc Tết kết hợp du xuân qua các phố phường. Các bậc cao niên bao giờ cũng muốn giữ không khí xưa, không bao giờ thiếu “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Các bà, các mẹ thì coi chuyện bận bịu nấu nướng, cỗ bàn, chăm sóc gia đình là niềm vui, sự hãnh diện. Thậm chí còn cố gắng trang hoàng nhà cửa, nấu những món ăn, duy trì nếp sinh hoạt có từ thời xưa cũ, chuyện trò về ngày xưa, người xưa... để giáo dục và gìn giữ không khí ngày Tết cổ truyền cho con cháu.

Cách Định Công không xa là Đại Từ, Kim Lũ, Thanh Liệt... có thể nói là những ngôi làng xưa cũ trong đô thị hôm nay. Người làng vẫn trân trọng nếp làng xưa, có dòng họ còn rủ nhau đụng lợn như để tìm kiếm lại không khí của "một thời đã xa". Ở các làng như: Yên Phụ, Nghĩa Đô, Hoàng Mai, Triều Khúc... cũng vậy. Họ vẫn sắm sanh tươm tất, đàng hoàng, níu giữ "một thời đã xa" trong đô thị hôm nay. Bởi thế mà năm nào thực phẩm cũng phải được bày bán tăng cường. Hoa xuân, cây cảnh năm nào cũng rộn ràng, được người dân “rinh” về nhà.

leftcenterrightdel

Vẻ đẹp làng Yên Trường (Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: TRẦN TUẤN ANH

Có một cách giáo dục con cháu trong dịp Tết đến xuân về được người làng Yên Trường, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ) làm rất tốt. Đến nay họ vẫn giữ tục ăn “Tết lại” vào ngày 30 tháng Giêng (còn gọi là Tết cùng). Theo cụ Trịnh Nhân Kỳ, lão niên đang gìn giữ nhà cổ ở Yên Trường, nguồn gốc của việc tổ chức ăn Tết hai lần là do ngày xưa tổ tiên, cha ông phải chạy giặc và không kịp ăn Tết. Đó là vào nửa cuối thế kỷ 19, giặc cờ đen dạt sang nước ta, tụ bạ lại và núp dưới danh nghĩa quân kháng thực dân để tranh thủ sự ủng hộ của triều đình nhà Nguyễn. Sau khi được triều đình bảo hộ và trọng dụng, chúng thường kéo đi khắp nơi cướp bóc, gây nhiều tang thương cho người dân.

Khi quân cờ đen kéo đến làng Yên Trường thì chỉ còn ít ngày nữa là Tết Nguyên đán. Người dân cũng đã chuẩn bị thịt, giò, bánh chưng và nhiều loại thực phẩm. Họ cẩn thận gói ghém tất cả thực phẩm rồi thả xuống giếng, để quân giặc không thể cướp được. Khi cuộc sống trở lại bình yên, người Yên Trường dắt díu nhau quay về làng, vớt những túi buộc bánh chưng, giò chả từ giếng lên. Dù đã qua gần một tháng nhưng toàn bộ thực phẩm gần như nguyên vẹn, người dân đã dùng những thực phẩm ấy để tổ chức ăn Tết. Cụ Kỳ bảo, có thể khi đó là giáp Tết, trời rất lạnh, những chiếc giếng trong làng rất sâu trở thành môi trường bảo quản giúp thực phẩm không bị hỏng. Kể từ đó, người dân giữ tục “Tết lại” để nhắc nhở con cháu về một câu chuyện có thật, rất gần gũi với thời đại ngày nay.

Cũng ăn Tết lại, hai làng Tri Lễ, Ước Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) lại tổ chức vào rằm tháng Giêng. Nguyên do, hai làng nổi tiếng với nghề làm giò, chả có truyền thống hàng trăm năm. Những ngày Tết, họ còn bận bịu công việc làm giò, chả phục vụ nhu cầu của người dân. Vào rằm tháng Giêng, lại là hội làng, người làm nghề ở khắp nơi đều về quê dự hội và sum họp gia đình. Người dân xã Tân Ước cho biết, các gia đình vẫn tổ chức ăn Tết Nguyên đán bình thường, nhưng rằm tháng Giêng mới thật sự rộn ràng và đông vui. Đây cũng là dịp để người dân kính nhớ thành hoàng làng, tổ tiên, tổ chức trao phần thưởng khuyến học tặng học sinh các cấp của làng có thành tích cao trong học tập.

Dễ thấy người Hà Nội không chịu bị mùa xuân “bỏ lại” phía sau. Họ vẫn đón xuân theo cách của mình và những mùi hương xưa, nếp sinh hoạt truyền thống vẫn được lưu giữ trong dòng chảy đời sống hiện đại. Họ, thậm chí còn muốn phục dựng những cái Tết chậm, đầy sắc màu ký ức như là cách để làm giàu có đời sống tinh thần. Mỗi người dễ tìm thấy không khí xuân ở Hà Nội, sớm nhất là những chợ hoa truyền thống. Người Hà Nội yêu và không thể thiếu hoa, thế nên mỗi dịp Tết đến xuân về, họ lại mang cả rừng hương sắc về nhà, kể cả những năm thiếu đói. Có những gia đình đặt mua cây cảnh và hoa suốt mấy tháng trời trước Tết. Như thế để mỗi người lật giở những trang ký ức thêm trân trọng và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước.

NGUYỄN VĂN HỌC