Hai năm sau khi hòa bình lập lại, mọi sinh hoạt và đời sống của người dân đã trở lại bình thường. Không còn cảnh náo nức chờ đón người thân từ chiến trận trở về như ngày mới kết thúc chiến tranh nữa. Rời đơn vị, một chút bâng khuâng, xao xuyến khi chia tay đồng đội để trở về nhà bên mẹ như hơn 6 năm về trước.

Tôi theo đường binh trạm về đến Vinh (Nghệ An) thì tự mua vé tàu về Hà Nội rồi khoác ba lô cuốc bộ về nhà. Một cuộc gặp mặt thật vui và bùi ngùi nhưng lặng lẽ trong nhà. Tôi làm giấy tờ và nhập học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nơi ngày trước tôi đã trúng tuyển (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội).

Học kỳ I qua đi và cái Tết Mậu Ngọ 1978 đến gần. Tôi lại trở về với cuộc sống bao cấp ngày xưa. Tết đến, mọi gia đình được mua thêm chút hàng Tết nhưng vẫn theo tem phiếu và quan trọng nhất là phải xếp hàng để mua. Chuyện này tôi đã quá quen thuộc. Ngày xưa lúc chưa đi bộ đội, hằng tháng, hằng ngày và nhất là dịp Tết, bao giờ đám học sinh chúng tôi chẳng phải lăn ra xếp hàng mua đủ thứ giúp bố mẹ, từ gạo muối, chút thịt, đậu phụ, nước mắm cho đến những bó củi, chất đốt và cả những mớ rau muống dài hàng nửa mét... đều là những công việc vừa sức chúng tôi.

Bây giờ về nhà, đã trải qua quân ngũ và đang là sinh viên nhưng tôi thấy mình như trẻ con trở lại. Lại dậy sớm cùng những đứa em trong khu nhà đi xếp hàng mua mọi thứ. Náo nhiệt nhất và háo hức nhất vẫn là mua hàng Tết, vì trong túi hàng ấy có nhiều thứ ngày thường không có. Ví như chút bóng bì, lá nem, mì chính, hạt tiêu và nhất là một bánh pháo Tết. Học đại học nhưng tôi ở ngoại trú nên có nhiều thời gian giúp bố mẹ. Chỉ có điều bấy giờ đi xếp hàng mua các thứ, tôi điềm đạm hơn. Chẳng gì mình cũng từng là anh Bộ đội Cụ Hồ. Nếu như ngày còn bé đi xếp hàng, tôi cũng tranh giành ghê lắm, dám ném bỏ hòn gạch của ai đấy lén lút đẩy vào để tranh chỗ. Bây giờ tôi nhẹ nhàng hơn, chỉ là giải thích nên xếp hàng có trật tự nhưng nhiều lúc cũng nhường chỗ cho một cô bé nào đó vì thấy thương như đứa em nhỏ của mình.

Có một lần đi xếp hàng, người đông, hàng ít mà có một người mang thẻ thương binh sau khi mua hàng cứ truyền tấm thẻ của mình cho mấy người bạn khác để được ưu tiên. Trong dòng người xếp hàng, những cụ già hay bọn trẻ con phải nhường mãi rất sốt ruột. Tôi đã đến gặp anh bạn ấy và nói rất nghiêm khắc:

- Bạn là thương binh, mọi người ưu tiên nhường bạn là đúng. Nhưng bạn đừng nên lạm dụng điều đó để ban phát tùy tiện cho bạn mình. Những người ấy không được dùng quyền đó. Tôi cũng là lính chiến trường, tuy không phải thương binh nhưng tôi đề nghị bạn hãy tôn trọng chính xương máu của mình, tôn trọng sự ưu đãi mà nhân dân đã dành cho bạn.

Thấy tôi mặc bộ quân phục sờn cũ và ánh mắt gườm gườm chẳng sợ xung đột, người thương binh nọ cùng mấy người bạn phải rút lui. Những người trong hàng lúc này mới ồ lên ủng hộ tôi. Hôm ấy tới lượt tôi thì hết hàng, phải chờ hôm sau đi mua, nhưng tôi rất vui.

Cuộc đời người lính vốn quen với thiếu thốn, ăn uống đơn giản nên chuyện nấu ăn ở nhà, tôi đều phải nhờ mẹ. Nhưng còn chuyện nấu bánh chưng vốn nhiều nhà coi là công việc nặng hơn thì tôi lại không ngại. Tôi đi xếp hàng mua gạo nếp, lá dong và ra chợ mua một ống giang về chẻ lạt. Ngày còn ở đơn vị, tuy đón Tết trong rừng nhưng chúng tôi chuẩn bị rất nhanh và gọn, lá dong và giang chẻ lạt để gói bánh chưng thì lại rất dễ kiếm. Cây dong mọc thành bãi như rừng ven những bãi cỏ rộng ven suối ở chân núi, còn cây giang hay một thứ họ cây tre dùng để chẻ lạt thì khắp rừng Trường Sơn chỗ nào cũng có. Chúng tôi chỉ ngắt những lá dong mượt mà thật to và lành lặn về gói bánh chưng. Bây giờ về nhà, Nhà nước khai thác lá dong trên rừng chở về bán, có cả lá to, lá bé, thật kém xa cảnh lính chúng tôi kiếm lá dong. Nhưng mẹ tôi rất khéo tay, xếp xen lá to, lá bé để gói được những chiếc bánh chưng đều đặn và chặt tay.

Chỗ máy nước công cộng luôn đông người và chờ lấy nước rất lâu, nhất là khi nước chảy bé. Nơi này chỉ hợp cho đám con trai, con gái cập kê tán nhau trong lúc chờ lấy nước. Tôi mới ra quân, còn đang lo học nên rất ngại ra lúc đông người. Thế là tôi thường chờ tới giữa đêm khuya, thức dậy đem xô đi hứng nước, xách về đổ đầy cái thùng phuy 200 lít của nhà để mẹ tôi rửa lá dong và nấu nướng ban ngày. Đang sức trai và lòng hăng hái, tôi lao động như ngày còn đi gùi hàng hay đào công sự phòng ngự, thấy mọi việc cứ băng băng. Tôi ngồi bên mẹ, nhận từng chiếc lá dong mẹ rửa rồi lấy khăn lau khô. Mẹ tôi thấy tôi chịu khó và vui vẻ thì cũng vui lây.

leftcenterrightdel

Tác giả Vũ Công Chiến trong lần tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: KIM VŨ

 

Bánh chưng nấu bằng củi là ngon nhất. Trong năm, gia đình nào trong xóm tôi cũng lựa chọn cất riêng ra những thanh củi cứng chắc trong tiêu chuẩn mua củi hằng tháng để dành đến cuối năm nấu bánh chưng. Vài nhà có người đi công tác tỉnh xa thì cố mua về một ít thanh củi gộc. Ngày tôi còn chưa đi bộ đội, vào cái lúc đã là thanh niên choai thì khoản củi nấu bánh chưng Tết mẹ tôi chẳng khi nào phải lo. Cứ tháng bảy nước lên thì năm nào cũng có một vài trận bão và ban đêm trên các phố hay cạnh công viên thể nào cũng có cây đổ. Đám bạn chúng tôi đứa nào cũng sắm một con dao rựa và cứ khi có bão là hẹn gặp nhau lúc nửa đêm. Chúng tôi đội mưa ra phố lần tìm những cây bị đổ để chặt cành. Gỗ cây xà cừ đem đun thì rất đượm, rất bén. Ngày ấy, cây bão đổ đã được tụi thanh niên choai như chúng tôi dọn hết trong đêm, sáng ra là đường thông, hè thoáng. Những nhà có con trai lớn như chúng tôi luôn có nguồn củi đó để nấu bánh chưng.

Tôi ra quân vào đầu tháng 10, khi ấy đã hết bão to rồi. Nhà tôi không có thanh củi gộc nào cả nên tôi lại phải đi vay mấy đứa bạn. Hẹn đến mùa mưa bão năm sau sẽ đi chặt cây đổ trả lại chúng nó. Vì thế mà nhà tôi vẫn có đủ củi để nấu bánh chưng Tết.

Đêm nấu bánh chưng bao giờ cũng là đêm vui của cả xóm. Các gia đình tùy chọn, có nhà nấu bánh chưng đêm Giao thừa nhưng cũng có nhà nấu đêm 29 Tết. Mẹ tôi thường chọn ngày này để tối Giao thừa có thời gian rảnh rang thu dọn làm việc khác. Bố mẹ tôi đi làm, tới trưa ngày Ba mươi Tết mới được nghỉ nên tôi nhận phần việc nấu bánh chưng. Cũng chỉ như một đêm gác ở chốt thôi, nhưng nhẹ nhàng hơn nhiều vì bây giờ không phải lo giặc, tôi có thể đứng ngồi hay đi lại thoải mái. Thậm chí có thể kết hợp ngó thêm cả nồi nấu bánh chưng của nhà hàng xóm để “chêm” thêm nước sôi cho nồi bánh chưng giúp họ. Các bếp đun bánh chưng đặt dưới những gốc cây to để tránh sương bập bùng trong đêm, tỏa hơi ấm ra xung quanh. Tôi ngồi lặng im hút thuốc, lại nhớ về đêm nấu bánh chưng trong rừng Tết xưa cùng đồng đội. Đêm nay, liệu có đồng đội nào cũng đang nấu bánh chưng như mình không?

Tôi đã lớn và em tôi đã lớn. Mẹ tôi không còn phải gói thêm một cái bánh “ghẹ” be bé để em tôi được thưởng thức lúc mẹ vớt bánh và để tôi được gạ em cắn “nhờ” một miếng nữa. Tuổi thơ đã đi qua thì sẽ không bao giờ còn quay trở lại. Hai anh em tôi lại có niềm vui khác để giúp mẹ khi vớt bánh chưng. Đó là xếp ra mâm rồi lấy cái thớt chặn và đặt nồi nước lên để ép bánh. Sáng mồng Một, khi cả nhà dậy rửa mặt bằng nước đun lá mùi già thì bánh chưng cũng đã xong rồi.

Thức ăn ngày Tết có thể thay đổi qua thời gian, nhưng bánh chưng bao giờ cũng là món ăn đặc trưng truyền thống ngày Tết của các gia đình người Việt. Và bánh chưng cũng là thứ đầu tiên mà tôi nghĩ đến với biết bao kỷ niệm rưng rưng trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.

 Nhà văn VŨ CÔNG CHIẾN