Họa sĩ sơn mài Sa-ê-kô An-đô.

QĐND - Gần 20 năm trước, duyên đến tình cờ, cô nữ tiếp viên Hãng hàng không quốc gia Nhật Bản bị sơn mài Việt Nam hút hồn. Để rồi, bỏ lại sau lưng đất nước Mặt trời mọc, Sa-ê-kô An-đô “ở lỳ” tại Việt Nam, tìm hiểu nghệ thuật tranh sơn mài đến “chân tơ, kẽ tóc”. Và rồi, như chị tự sự, chị đã “quy y” vào “cõi sơn mài”.

Nghệ thuật sơn mài không chỉ riêng có ở Việt Nam mà ở một số nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, sơn mài là một sản phẩm truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, chỉ có tại Việt Nam, sơn mài được sử dụng như một chất liệu của hội họa hiện đại. Vì thế, tranh sơn mài Việt Nam rất được người nước ngoài ưa chuộng.

Tốt nghiệp Đại học Văn hóa Nhật Bản, lại nghiên cứu mỹ thuật Á Đông nên Sa-ê-kô không lạ lẫm gì với nghệ thuật sơn mài. Thế nhưng, chuyến đi định mệnh tới Việt Nam năm 1995 mới thực sự khiến sơn mài trở thành mục đích sống của cô.

Tháng 10-1995, Sa-ê-kô đến Hà Nội. Những ngày lang thang ở phố cổ, những bức tranh sơn mài đã thu hút sự chú ý của cô. Tuy nhiên, tiếc thay những đồ sơn mài bày bán ở ngoài phố đã không làm theo kỹ thuật truyền thống và chất lượng nghệ thuật kém. Có cái gì khác giữa kỹ thuật sơn mài của Việt Nam và Nhật Bản? Câu hỏi ấy đã thôi thúc Sa-ê-kô ở lại Việt Nam.

Người thầy đầu tiên của Sa-ê-kô là họa sĩ Trịnh Tuân và sau đó là họa sĩ Doãn Chí Trung. Được các thầy Việt Nam tận tình hướng dẫn, Sa-ê-kô nhanh chóng nắm bắt được những kỹ thuật kỳ công và khó nhọc của nghề sơn mài. Càng học, cô càng thấu hiểu, sơn mài Việt chứa đầy những khả năng sáng tạo ở trong chất liệu và trong kỹ thuật. Sơn truyền thống Việt Nam có thịt hơn, trong và mềm hơn sơn truyền thống Nhật Bản. Do đó, cho phép người họa sĩ nhiều khả năng để làm nổi bật những màu sắc và chất liệu bên dưới. Những lớp màu và những lớp đường nét sau khi mài và phủ sơn trở nên nổi bật và lạ lùng hơn bất cứ một cách thức sơn mài nào Sa-ê-kô từng biết. Mê mải với sơn mài, Sa-ê-kô cất công một thời gian theo một nhóm họa sĩ lên Tam Thanh, Phú Thọ để tìm hiểu cây sơn và cách lấy sơn. Để rồi, chị rút ra kết luận, sơn ta ăn đứt sơn công nghiệp về độ bền, giữ sắc và âm hưởng màu. Cùng khoảng thời gian, sơn công nghiệp bao giờ cũng bị bong và nứt trước. Vừa học cách chế sơn, Sa-ê-kô vừa học tiếng Việt. Chị "ba cùng" với một gia đình người dân chuyên khai thác sơn ở đây. "Kết thúc chuyến đi này, tôi thấy mình Việt Nam hơn là... Nhật”, Sa-ê-kô kể lại.

Một số tác phẩm tranh sơn mài của Sa-ê-kô An-đô.

 

Năm 1997, Sa-ê-kô tham gia triển lãm nhóm đầu tiên với 5 bức tranh sơn mài ở Hà Nội. Năm 1999, Sa-ê-kô tham gia triển lãm nhóm tại Tô-ki-ô. Năm 2000, Sa-ê-kô tham gia triển lãm chung ở Tràng Tiền nhân kỷ nhiệm 990 năm Thăng Long-Hà Nội. Năm 2009 là năm đặc biệt ý nghĩa với Sa-ê-kô, bởi cô được tham gia giải thưởng Sơn mài Quốc tế 2009 của Nhật Bản. Mặc dù tác phẩm của Sa-ê-kô không được giải thưởng cao, nhưng đã được lựa chọn trong 82 tác phẩm trưng bày ở Meitetsu MZA Hall và Bảo tàng Nghệ thuật Sơn mài I-si-ka-oa.

Khi tham dự những cuộc triển lãm quốc tế về sơn mài, mục tiêu của Sa-ê-kô không phải là giải thưởng. Cô mong muốn cho nhiều người từ nhiều nước xem nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam. Để từ đó, thế giới hiểu thêm phần nào về Việt Nam.

Một số tác phẩm tranh sơn mài của Sa-ê-kô An-đô.  Ảnh: Bùi Vinh.

 

Từ vị trí là học trò của sơn mài Việt Nam, năm 2005, Sa-ê-kô đã trở thành thầy của nhiều người yêu thích nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam. Lớp dạy vẽ Cây Sơn của chị nằm trên phố Nghi Tàm, được thiết kế theo lối kiến trúc cổ với mái lá, bàn ghế gỗ, với những rặng tre rợp bóng mát, với bể nước có hoa bèo... đã trở thành một lớp học đa quốc tịch ngay giữa lòng Hà Nội. Học viên đến đây gồm nhiều thành phần khác nhau,. Họ đến từ các quốc gia như: Anh, Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a và người Việt Nam.

Quyết tâm trọn đời theo đuổi nghệ thuật sơn mài của Việt Nam. Song, tình yêu ấy của Sa-ê-kô vẫn man mác nỗi buồn. Là người làm nghề, Sa-ê-kô rất xót xa vì hiện tại nhiều họa sĩ Việt Nam, vì để vẽ được nhiều tranh, bán được nhiều và với giá thành hạ, đã sử dụng sơn công nghiệp và những chất liệu kém chất lượng. Do sự thiếu trung thực ấy, nhiều người nước ngoài đã mua phải tranh có chất lượng kém, vì thế, họ có một cái nhìn không tốt về tranh sơn mài Việt Nam. Sa-ê-kô bảo: Một số người Việt Nam đang tự đánh mất đi giá trị độc đáo của nghệ thuật sơn mài Việt.

HẢI LÝ