Ngày 15-3-1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam. Theo quyết định của Nhà nước, từ năm 2010, ngày 15-3 hằng năm là Ngày Điện ảnh Việt Nam-ngày hội tôn vinh điện ảnh nước nhà và động viên các nghệ sĩ trong ngành phấn đấu có nhiều tác phẩm hay. Chào mừng Ngày Điện ảnh Việt Nam lần thứ nhất, nhiều hoạt động văn hóa-thể thao, văn học-nghệ thuật… sẽ diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước, trong đó có lễ trao giải Cánh diều vàng năm 2010 của Hội Điện ảnh Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội. Nhân dịp này, báo QĐND cuối tuần có cuộc trao đổi với Tiến sĩ-Nhà giáo ưu tú Phan Bích Hà, Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, về một số vấn đề của Điện ảnh Việt Nam đương đại:

TS-NGƯT Phan Bích Hà. Ảnh: Đoàn Tuấn

TS-NGƯT Phan Bích Hà khẳng định:

- Cách đây gần nửa thế kỷ, khi lần đầu tiên giới thiệu điện ảnh Việt Nam ra với thế giới, nhà phê bình nghệ thuật người Pháp George Sadoul có nói đại ý: Đó là một nền điện ảnh nằm trên bán đảo Indochine, nhưng nó không phải là Indo, mà cũng không phải là Chine ("phi Hoa", "phi Ấn"). Nghĩa là ngay từ buổi đầu ấy, người ta muốn nhắc tới một nét đặc trưng trong nền điện ảnh của chúng ta, đó là sắc thái dân tộc mà ngày nay ta thường gọi là bản sắc văn hóa Việt. Bản sắc đó đã xuất hiện từ trong những bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam được bạn bè biết đến, như: Chung một dòng sông, Chim vành khuyên, Chị Tư Hậu v.v… đến những bộ phim gần đây được giải thưởng tại các LHP quốc tế, như: Đời Cát, Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Trăng nơi đáy giếng v.v… Nói cách khác: Nền Điện ảnh Việt Nam đã góp phần để thế giới hiểu biết về đất nước và con người Việt Nam hơn.

* Theo chị, sau hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Điện ảnh Việt Nam từng có "một thời vang bóng" với một thế hệ "nghệ sĩ vàng" và những bộ phim kinh điển như nhiều người vẫn nói, hay đó chỉ là tâm lý hoài niệm?

- Có thể có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng rõ ràng có một thời các rạp chiếu bóng, các bãi chiếu phim là một trong những tụ điểm văn hóa hấp dẫn nhất của công chúng. Trong tâm trí nhiều thế hệ khán giả nước ta hôm nay vẫn in đậm nhiều bộ phim Việt Nam đã khiến họ say mê, thổn thức khóc cười cùng các nhân vật. Và nhắc đến những bộ phim ấy là nhắc đến những gương mặt diễn viên từng khiến họ say mê ngưỡng mộ và những tên tuổi đạo diễn từng khiến họ thành tâm kính phục. Theo tôi, thực tế Điện ảnh Việt Nam đã từng có "một thời vang bóng", cho dù xét về chuyên môn thì còn nhiều chuyện phải trao đổi. Nhưng không thể lấy điều kiện kỹ thuật, công nghệ làm phim, kinh nghiệm nghề nghiệp… của ngày hôm nay để "cân đong" những tác phẩm của ngày hôm qua, của thời chiến…

* Những năm gần đây, chủ trương xã hội hóa điện ảnh của Nhà nước ta đã mở ra nhiều điều kiện, hội tụ nhiều yếu tố cho điện ảnh phát triển. Tuy nhiên, điện ảnh nước nhà vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu công chúng và chưa ngang tầm với sự phát triển của nhiều ngành kinh tế-xã hội khác. Theo chị, Điện ảnh Việt Nam còn thiếu những điều kiện gì, yếu tố gì để phát triển?

- Sự phát triển kinh tế thị trường và tự do kinh doanh, sự mở rộng kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể kích thích sự năng động của cá nhân và xã hội, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của tinh thần kinh doanh, năng lực kinh doanh ở mỗi người. Nhưng để "kinh bang tế thế", tác động đến sự phát triển của văn hóa, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có tâm huyết và trí lực, tài năng và học vấn, tính mạo hiểm và sự kiên trì. Ở thời kỳ nghệ thuật được coi như là một loại hàng hóa đặc biệt, người ta xem phim, cũng như người ta mua đồ cần dùng. Nếu mặt hàng mình đưa ra không đáp ứng nhu cầu của người xem thì họ quay lưng. Trong bối cảnh hiện nay, Điện ảnh Việt Nam chỉ nên chọn những đề tài vừa tầm với điều kiện tài chính, kỹ thuật, phương tiện… dàn dựng. Lịch sử điện ảnh thế giới  từng có nhiều bộ phim lôi cuốn cả thế giới nhưng không đòi hỏi phải chi phí nhiều. Vấn đề là ở tài năng của những người làm ra những bộ phim ấy. Cần có một chiến lược đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh bằng ngân sách Nhà nước kết hợp với các hình thức xã hội hóa để sớm giải quyết tốt vấn đề này.

* Chúng ta từng chủ trương công nghiệp hóa đi trước một bước trong thời kỳ đầu xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Trong sự nghiệp xây dựng phát triển nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nên chăng cũng cần phải phát triển công nghiệp điện ảnh "đi trước một bước", thưa chị?

- Có thể nói một nhiệm vụ bao trùm của công cuộc đổi mới hiện nay là hiện đại hóa đất nước. Văn hóa-nghệ thuật tuy có những đặc thù riêng vẫn phải đi theo phương hướng tổng quát này. Rõ ràng cơ sở vật chất kỹ thuật của điện ảnh ta hiện quá lạc hậu, phải nâng cao để nghệ sĩ có thể thực hiện được đầy đủ những ý định nghệ thuật của mình, nhưng cũng cần hiểu kỹ xảo-kỹ thuật không phải là tất cả. Nếu coi kỹ thuật, kỹ xảo là "cứu cánh" thì với trào lưu "hậu điện ảnh", đến như phương Tây cũng đã thấy lúng túng rồi. Khi nói đến một nền điện ảnh là nói đến cả một hệ thống các thành tố cấu thành, như: Nguồn nhân lực, bộ máy quản lý, cơ chế quản lý, tính chuyên nghiệp và sự đồng bộ trong hoạt động giữa các bộ phận trong hệ thống, cơ sở vật chất và trình độ kỹ thuật làm phim v.v… Công nghệ làm phim tiên tiến là một lợi thế lớn của nền điện ảnh. Nhưng công nghệ là bản chất tự sinh của hoạt động điện ảnh và nó còn liên quan đến yếu tố hệ thống, tính đồng bộ và chính qui trong hoạt động. Vì vậy, "chấn hưng nền điện ảnh nước nhà" là phải củng cố, nâng cấp đồng bộ tất cả các thành tố trong hệ thống ấy.

* Từng tu nghiệp điện ảnh ở nước ngoài và dự một số LHP quốc tế, chị đánh giá thế nào về cách thức tổ chức các giải thưởng, các LHP ở nước ta hiện nay? Theo chị, có nên đưa phim vi-đê-ô vào các LHP?

- Việt Nam ta cũng có kinh nghiệm bổ ích của mình trong giao lưu văn hóa với phương Tây. Rõ ràng phương Đông và phương Tây có những điểm khác biệt lớn về nhiều mặt. Cho nên, không thể áp đặt một cách máy móc, tùy tiện mọi quan niệm, mọi cách ứng xử. Tổ chức các LHP và đặt ra các giải thưởng trong hoạt động điện ảnh là nội dung cần thiết của mọi nền điện ảnh, đó không chỉ là một hoạt động chuyên môn mà còn là một sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng cao. Vì vậy cách thức tổ chức LHP ở nước ta nếu có điểm nào đó khác với ở nước ngoài thì cũng là điều tất nhiên. Và việc nên hay không nên đưa phim vi-đê-ô vào LHP còn tùy thuộc vào tình hình, điều kiện, nhu cầu và lợi ích đối với hoạt động điện ảnh ở mỗi nước. Xét trong điều kiện của điện ảnh nước ta hiện nay, việc đưa vào như lâu nay là phù hợp. Tuy nhiên, hằng năm chúng ta đã có Liên hoan truyền hình toàn quốc, thì đó cũng là một không gian để cho phim vi-đê-ô tham gia rồi. Vì vậy, điều này cũng nên cân nhắc lại sao cho phù hợp.

* Chị nghĩ thế nào về dòng phim đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng hiện nay? Theo chị cần tiếp cận, khai thác và thể hiện đề tài này như thế nào trong Điện ảnh Việt Nam đương đại?

- Ở nước ta, vào các giai đoạn lịch sử khác nhau đều có những đối tượng miêu tả chính yếu khác nhau. Theo tôi, hình tượng người lính trong nghệ thuật nói chung, trong điện ảnh nói riêng, cần phải có vị trí lớn trong lòng người xem hôm nay và ngày mai như đã từng có trong nghệ thuật điện ảnh kháng chiến. Tôi nói điều này có lẽ còn vì cảm tính của một khán giả đã từng đội mũ rơm đi học trong chiến tranh, một người con được sinh ra và lớn lên trong một gia đình bộ đội. Nhưng tôi nhớ đã đọc một câu chuyện rằng, sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, có người hỏi một nhà chính trị: "Bao giờ thì cuộc chiến lại có thể xảy ra?". Câu trả lời là: "Khi mà thế hệ  kế tiếp không nhớ lại những gì kinh khủng của cuộc chiến tranh trước đó". Quá khứ nhất định sẽ lặp lại với những người quên quá khứ. Còn chúng ta thì không bao giờ được quên. Liên tiếp mấy kỳ LHP gần đây, những phim được giải cao phần lớn đều thuộc đề tài chiến tranh và người lính. Ngoài giá trị nội dung, các phim ấy được trao giải còn vì cách làm mới về một đề tài tưởng như đã "cũ" và đó là những gợi ý thiết thực nhất cho các tác giả tiếp tục khai thác đề tài này.

Áp-phích phim "Đừng đốt" của đạo diễn Đặng Nhật Minh (Hãng phim Hội Điện ảnh) đoạt giải Bông sen vàng LHP Việt Nam lần thứ 16, năm 2009

* Thưa chị, từ khi được Nhà nước đầu tư nâng cấp lên bậc đại học, Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đã đổi mới chương trình, nội dung đào tạo như thế nào để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển nền Điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ mới?

- Sau khi đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2007, trường chúng tôi được Thủ tướng ký Quyết định đồng ý về mặt chủ trương và đến năm 2009 có quyết định chính thức nâng cấp lên hệ đại học. Sự kiện này đã mở ra một cơ hội lớn, đồng thời cũng có thêm nhiều thách thức khó khăn cho nhà trường. Trước mắt, chúng tôi phải xây dựng lại chương trình theo cấp độ của hệ đại học. Chúng tôi phải quan tâm nhiều hơn nữa tới đào tạo về mặt kỹ thuật. Vì điện ảnh phải đi bằng hai chân: Nghệ thuật và kỹ thuật. Hiện nay, khâu đào tạo điện ảnh của nước ta (cũng như nền điện ảnh chuyên nghiệp của nước nhà) cần phải quan tâm hơn nữa công đoạn này. Vì Điện ảnh là một công nghệ. Tuy nhiên, khoa học kỹ thuật cũng chỉ là phương tiện. Còn điều thiết yếu vẫn là yếu tố con người. Bởi vì, cuối cùng thì chính những người nghệ sĩ điện ảnh mới là người sáng tạo nên những bộ phim hay, những hình tượng nhân vật có "độ nét", góp phần phát triển nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Trách nhiệm này một phần cũng nằm ở khâu đào tạo, một công đoạn không thể thiếu trong quá trình vận hành của nền văn hóa, nghệ thuật dân tộc.

* Xin cảm ơn chị và xin chúc Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xứng đáng là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh có uy tín ở nước ta!

Mai Nam Thắng thực hiện