Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Với môi trường lao động đặc thù của nghệ sĩ trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, lòng tự trọng của người nghệ sĩ và những nhân tố liên quan đến showbiz đã và đang được dư luận quan tâm…

Từ chuyện ứng xử đời thường…

Ngồi chung bàn với chúng tôi tại tiệc liên hoan của một câu lạc bộ doanh nhân trẻ ở TP Hồ Chí Minh là một diễn viên sân khấu, điện ảnh đã luống tuổi và một vị đại gia bất động sản có “máu mặt”. Ông là một trong những nhà tài trợ cho sự kiện này. Trong lúc nâng ly chúc mừng, vị đại gia nọ quay sang ông nghệ sĩ, cười nói vô tư: “Dạo này gameshow, sự kiện nhiều, nghệ sĩ kiếm ăn tốt lắm nhỉ?”. Ông nghệ sĩ không nói gì, vị đại gia tiếp: “Nghệ sĩ bây giờ cũng phải năng động kiếm ăn. Chỗ tôi có một ông ca sĩ mua được nhiều đất đai lắm. Giờ diễn để mua vui thôi, kiếm ăn là chính”. Ông nghệ sĩ quay sang người bên cạnh, vờ không nghe thấy rồi lấy cớ đi cụng ly với bạn ở bàn khác. Vị đại gia không thấy ai hưởng ứng câu chuyện của mình nên cũng chuyển sang chuyện khác. Tan tiệc, chúng tôi hỏi ông nghệ sĩ, tại sao lại lảng tránh trò chuyện với vị đại gia, ông cười, bảo: “Cách nói chuyện của ông ấy dễ chạm lòng tự trọng của nghệ sĩ. Nhưng mình cũng chỉ gặp ông ấy có một lần, ngồi với nhau có mấy chục phút, chả mưu cầu gì ở nhau cả. Nếu mình hùa theo câu chuyện ấy, hóa ra mình tự coi thường mình. Còn phản ứng ông ấy thì bữa tiệc mất vui, ảnh hưởng đến những người xung quanh. Họ chả liên quan gì đến mình nên nếu thấy nói chuyện không hợp thì tốt nhất là nên lảng đi”.

Chỉ là một câu chuyện nhỏ trong bàn tiệc, nhưng những người hiểu chuyện, ai cũng đồng tình với cách xử sự của ông nghệ sĩ nọ. Người làm nghệ thuật vốn nhạy cảm, dễ tổn thương khi lòng tự trọng nghề nghiệp bị va chạm. Truyền thông đã từng phản ánh nhiều chuyện bất hòa, mâu thuẫn trong giới showbiz chỉ vì những lý do rất nhỏ. Nào là diễn viên đàn em đi ngang trước mặt đàn anh đàn chị mà không chào hỏi. Nào là “sao” nọ, “sao” kia vi phạm Luật Giao thông đường bộ, cự cãi với người thi hành công vụ… Môi trường showbiz rất nhạy cảm nên mọi hành vi ứng xử khi có sự bất đồng đều có thể là “cái sảy nảy cái ung”, ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHẠM HÀ

Một trong những đề tài được công chúng quan tâm trong thời gian qua là tình trạng bệnh tật, cuộc sống túng thiếu của một số nghệ sĩ. Gần đây nhất là câu chuyện cảm động về nghệ sĩ Lê Bình. Ông thuộc thế hệ diễn viên kỳ cựu của điện ảnh phía Nam. Trên màn ảnh, Lê Bình xuất hiện với những vai diễn có số phận nghèo khổ, bi thương thì ngoài đời, cuộc sống của ông cũng tương tự. Tuổi già sức yếu, ông mắc bệnh ung thư di căn. Khi hình ảnh tiều tụy của ông trên giường bệnh được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều nghệ sĩ và khán giả có ý định vận động quyên góp hỗ trợ ông chữa bệnh, nhưng Lê Bình không chịu. Ông nói: “Tôi sống đến ngần này tuổi rồi, chết cũng chẳng có gì phải hối tiếc. Dù bệnh nặng nhưng tôi vẫn tự lo được cho bản thân. Mọi người có lòng hảo tâm thì để dành phần quyên góp ấy cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn hơn”.

Trước đó, chuyện của NSƯT Trần Hạnh (Hà Nội), một trong những diễn viên cao tuổi nhất của điện ảnh Việt Nam hiện nay có cuộc sống vất vả, túng thiếu cũng được chia sẻ trên truyền thông và mạng xã hội. Tuy nhiên, khi các nghệ sĩ và người hâm mộ ngỏ ý giúp đỡ, ông đã khước từ với lý do mình còn tự lo được cho bản thân, hãy để dành nghĩa cử ấy cho những người khó khăn hơn. Tương tự là chuyện nghệ sĩ Quốc Tuấn chạy chữa cho con trai bị bệnh hiểm nghèo. Dù rất vất vả, tốn kém, nhưng anh không nhận sự giúp đỡ tiền bạc của mọi người, vì thấy bản thân và gia đình còn đủ sức để lo cho con. Mấy năm trước, khi nghệ sĩ hài Hữu Lộc (TP Hồ Chí Minh) bị tai nạn qua đời, giới nghệ sĩ và khán giả cũng có ý định quyên góp để lo đám tang cho Hữu Lộc, nhưng NSƯT Hữu Châu (anh trai của Hữu Lộc) không đồng ý. Ông bày tỏ lời cảm ơn đến nghĩa cử cao đẹp của mọi người nhưng xin không nhận bất cứ khoản hỗ trợ nào, vì gia đình đủ khả năng lo được.

Khi nhắc đến những câu chuyện ấy, ai cũng thấy người trong cuộc đều là những nghệ sĩ tài năng và giàu lòng tự trọng. Lòng tự trọng là cái gốc của những suy nghĩ, hành động nhân ái, nhân văn. Tiền bạc, của cải vật chất thì ai cũng cần, nhưng trong suy nghĩ của họ, xã hội còn nhiều thân phận bất hạnh, khó khăn, kém may mắn hơn nhiều. Khi mình còn có khả năng lo được cho bản thân và gia đình thì không phiền đến người khác. 

Đến môi trường nghệ thuật

Những nghệ sĩ giàu lòng tự trọng, dù ở đâu, làm gì, trong hoàn cảnh nào họ cũng luôn chú ý giữ gìn phẩm giá, nhân cách của mình. Đó là những biểu hiện của người nghệ sĩ có đạo đức, có thiên lương, có tư tưởng nhân nghĩa và luôn nói không với cái xấu, cái tiêu cực.

Trong môi trường showbiz nước ta, có nhiều gia đình làm nghệ thuật kiểu cha truyền con nối từ thế hệ này qua thế hệ khác. NSND, võ sư Lý Huỳnh, Giám đốc Hãng phim Lý Huỳnh (TP Hồ Chí Minh) là một ví dụ. Ông là người khai sinh dòng phim hành động võ thuật của Việt Nam để cạnh tranh với những phim cùng thể loại du nhập từ Mỹ, Hồng Công (Trung Quốc) từ những năm đầu thập niên 1990. Đóng góp xuất sắc cho điện ảnh nước nhà, gia đình Lý Huỳnh luôn giữ nền nếp gia phong, thuần phong mỹ tục. Thế nên mặc dù nhiều diễn viên cùng thời không đủ sức theo nghề, nhưng Lý Hùng (con trai của NSND Lý Huỳnh) vẫn bền bỉ theo nghiệp diễn. Bí quyết làm nghề của Lý Hùng là chỉ nhận những vai diễn có kịch bản tốt, phù hợp với sở trường, khả năng của bản thân. Khi đã nhận vai thì toàn tâm toàn ý cho vai diễn, nói không với scandal. Thu nhập từ lao động nghệ thuật mang lại cho Lý Hùng cuộc sống vật chất sung túc, nhưng anh luôn sống khiêm nhường, giản dị, không rượu bia, không sa đà vào những thú chơi xa hoa như một số diễn viên khác.

Ở lĩnh vực sân khấu, NSND Hồng Vân là một tấm gương giàu lòng tự trọng. Là “bà bầu” của hai sân khấu kịch, những năm qua, Hồng Vân đã đầu tư dàn dựng nhiều vở kịch chất lượng cao, được vinh danh với những giải thưởng cao nhất tại các liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Lấy chất lượng nghệ thuật làm đầu, bên cạnh những vở diễn thường xuyên, NSND Hồng Vân luôn dành tâm huyết cho mảng đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng bằng những vở diễn thể hiện tư duy sáng tạo, tìm tòi cái mới. Chị tâm niệm, hạnh phúc nhất của người làm nghệ thuật là góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của truyền thống, bản sắc dân tộc.

NSƯT Hữu Châu là thầy dạy của nhiều thế hệ diễn viên sân khấu hài ở phía Nam. Ông được mời làm giám khảo một số chương trình giải trí trên truyền hình với mức thù lao hấp dẫn, nhưng ông không nhận lời vì thấy nó đơn thuần chỉ là để kiếm tiền chứ không có tác dụng tìm kiếm tài năng, thúc đẩy nghệ thuật phát triển như quảng cáo của nhà sản xuất.

Những tấm gương như vậy trong môi trường nghệ thuật là rất nhiều. Sự vinh danh bằng những danh hiệu cao quý: NSND, NSƯT của Đảng và Nhà nước ta dành cho những nghệ sĩ xuất sắc cả về tài năng và phẩm chất đạo đức cũng chính là sự ghi nhận của đông đảo công chúng nghệ thuật. Bằng lòng tự trọng, tài năng, tâm huyết và ý thức công dân của người nghệ sĩ, họ là những nhân tố chính làm nên diện mạo của nghệ thuật nước nhà.

Vài lời bàn thêm

Nghệ sĩ là người của công chúng. Càng những người nổi tiếng, sự ảnh hưởng đối với công chúng càng lớn. Đa phần các nghệ sĩ khi bước chân vào môi trường nghệ thuật đều được đào tạo bài bản ở các nhà trường. Những chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, trong đó lòng tự trọng là một trong những phẩm chất cao quý của người nghệ sĩ, được trui rèn song song với học nghề. Đó là cơ sở ban đầu. Quá trình lao động nghệ thuật, người nghệ sĩ chân chính luôn ý thức rõ trách nhiệm, bổn phận của mình đối với công chúng để giữ gìn hình ảnh, phẩm giá...

Trong hành trình bảo tồn, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các thế hệ nghệ sĩ có vai trò là những “sứ giả”. Lòng tự trọng và tài năng, nhiệt huyết cống hiến của họ thông qua các sản phẩm nghệ thuật và cách sống, ứng xử trong đời sống hằng ngày chính là sự thể hiện sinh động vai trò “sứ giả” ấy. Sự phát triển của kinh tế thị trường trong thời đổi mới, hội nhập bên cạnh những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực là những biểu hiện tiêu cực từ mặt trái của nó. Đó là tính hai mặt của một vấn đề. Môi trường nghệ thuật chính là khu vực nhạy cảm, năng động, dễ cảm nhận nhưng khó nắm bắt. Công tác quản lý nhà nước, định hướng phát triển nghệ thuật theo những chuẩn mực chân-thiện-mỹ không thể can thiệp đến mọi ngóc ngách của đời sống văn hóa nghệ thuật. Ở đó, bức tranh nghệ thuật có màu sáng hay tối, giá trị văn hóa được tôn vinh hay coi nhẹ… phụ thuộc vào hành vi, lòng tự trọng của người nghệ sĩ với vai trò “sứ giả” văn hóa. Trong trường hợp này, trách nhiệm và bổn phận của truyền thông là tương tác, cổ vũ, nhân lên những nét đẹp ấy để lòng tự trọng của người nghệ sĩ được đề cao xứng đáng, góp phần đẩy lùi tư tưởng thực dụng, ích kỷ, cực đoan và những thói hư tật xấu, lấy tai tiếng để nổi tiếng trong một bộ phận showbiz hiện nay…

THANH KIM TÙNG