Theo truyền thuyết, tên gọi Từ Hiếu xuất phát từ việc vua Tự Đức cảm phục tấm lòng chí hiếu với mẹ của hòa thượng Nhất Định. Dù là bậc chân tu nhưng lúc mẹ đau yếu, hòa thượng Nhất Định không ngại người đời đàm tiếu, hằng ngày vẫn đến chợ mua thịt, cá về nấu cho mẹ.

leftcenterrightdel
 Trong chùa trồng nhiều cây, tạo cảm giác mát mẻ, dễ chịu.

 

Câu chuyện đến tai vua Tự Đức. Vốn là người con hiếu thảo nên khi biết chuyện, nhà vua rất cảm kích trước tấm lòng của hòa thượng Nhất Định, liền ban cho “Sắc tứ Từ Hiếu tự”. Đến năm 1848, sau khi thiền sư Nhất Định viên tịch, triều đình thấu hiểu lòng hiếu thảo, đức độ của vị sư này nên cho người mở rộng và tu sửa thảo am thành chùa Từ Hiếu. Trên tấm bia cổ tại chùa Từ Hiếu ghi rõ: “Từ là đức lớn của Phật, nếu không Từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại; Hiếu là đầu hạnh của Phật, nếu không Hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời”.

leftcenterrightdel
 Du khách và người dân đến chùa Từ Hiếu để tìm kiếm cảm giác bình an.

 

Chúng tôi men theo những hàng cây xanh rảo bước lên chùa Từ Hiếu. Ngôi cổ tự này nằm khuất mình giữa rừng thông, lại có khe nước uốn quanh tạo nên phong cảnh hữu tình. Chùa được lấy chữ “Khẩu” để xây thành, cấu trúc theo kiểu 3 căn, hai chái, trước là điện thờ Phật, sau là Quảng Hiếu Đường, hai bên sân chùa có hai lầu bia để ghi lại lịch sử hình thành qua từng giai đoạn. Trên đồi thông còn có tháp Bồ Đề cổ kính, xây từ năm 1896, là nơi lưu trữ những pháp khí, pháp tượng và kinh sách.

leftcenterrightdel
Cổng chùa Từ Hiếu cổ kính rêu phong.  

 

Khác với nhiều ngôi chùa, bên cạnh những bức tượng Phật thì việc thờ tranh thay tượng cũng là nét đặc biệt ở chùa Từ Hiếu, khiến không gian chốn thờ tự trở nên gần gũi, mộc mạc. Các góc mái của chùa và các bức phù điêu đều được chạm khắc, đắp và trang trí gốm sứ với hoa văn rồng phượng, vừa mang nét giản dị vừa mang dáng dấp kiến trúc cung đình Huế. Đặc biệt, trong vườn chùa còn có mộ tháp của Tổ Nhất Định, có khu vực nghĩa trang độc đáo của các thái giám triều Nguyễn với kiểu dáng kiến trúc cổ kính, u tịch.

Bài và ảnh: LÃ VÂN