 |
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Ảnh: Gia Nhân
|
QĐND - Hà Nội, những ngày cuối năm hối hả tấp nập và lay phay mưa phùn, chúng tôi tìm gặp ông, người nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống. ông là Lê Đình Nghiên, người đã có công lưu giữ và phục dựng một dòng tranh nổi tiếng của đất Hà thành.
Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, những bức tranh như: Lý ngư vọng nguyệt, Tiến tài, Tứ bình, Tố nữ hay Ngũ hổ… được treo lên những vách phên đặt ở nơi trang trọng của ngôi nhà sẽ mãi là hình ảnh đẹp trong ký ức của mỗi người dân Đồng bằng Bắc Bộ. Sở dĩ gọi là dòng “tranh Hàng Trống” vì loại tranh này được sản xuất tập trung ở phố Hàng Trống -Hà Nội. Tuy vậy, tranh Hàng Trống trước kia cũng được làm ở các phố Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt... đồng thời bày bán ở các phố ấy, nhưng tập trung làm và bán nhiều nhất vẫn ở Hàng Trống.
Các phố làm tranh này, trước kia đều thuộc tổng Tiên Túc (sau đổi thành tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương (cũ) của kinh thành Thăng Long. Phố Hàng Trống thuộc phần đất thôn Tự Tháp xưa kia. Theo một số nhà nghiên cứu thì tranh Hàng Trống chịu ảnh hưởng rõ rệt của các luồng tư tưởng, văn hóa, tôn giáo của vùng miền; là kết quả của sự giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo; giữa loại hình tượng thờ, điêu khắc ở đình, chùa với những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa hằng ngày...
Tương truyền tranh dân gian Hàng Trống có từ thế kỷ XVI, XVII nhưng thực sự phát triển phải cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Từ thế kỷ XVI, Hoàng Sĩ Khải thời Mạc, ở bài thơ Tứ thời khúc vịnh, đoạn tả cảnh Tết ở kinh thành Thăng Long đã có nói đến tranh dân gian và tục chơi tranh Tết: Chung Quỳ khéo vẽ nên hình/ Bùa đào cấm quỷ, phong linh ngăn tà… Hoặc: Tranh vẽ gà, cửa treo thiếp yểm / Dưới thềm lầu hoa điểm Thọ Dương… được các gia đình ở kinh thành treo cùng với các thần trừ ma khác...
Tưởng chừng dòng tranh dân gian ấy sẽ đi vào quên lãng trong thời hiện đại, nhưng với bàn tay khéo léo của nghệ nhân Lê Đình Nghiên, dòng tranh lưu danh một thời đang được hồi sinh. Nghệ nhân Lê Đình Nghiên thuộc thế hệ thứ ba trong một gia đình có truyền thống nghề tranh ở làng Bình Vọng (Thường Tín -Hà Nội). Theo ông, tranh Hàng Trống được làm công phu hơn những dòng tranh khác. Đầu tiên tranh được in khắc gỗ, đấy là những mẫu tranh có bản khắc, còn những mẫu tranh khác, có khi ông Nghiên phải vẽ tay hoàn toàn. Sau đó tranh còn được bồi thêm từ 2 đến 4 lớp giấy cho cứng cáp, cầu kỳ hơn có khi phải bồi cả bo tranh. Kỹ thuật bồi giấy cho tranh phải bảo đảm sau khi bồi giấy không có vết nhăn mà phải phẳng, mịn màng. Công phu nhất là công đoạn tô màu cho những bức tranh. Đây là công việc đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay mỗi người thợ. Màu của bức tranh sẽ được tô từng lớp một, đợi cho màu khô mới tô thêm lớp thứ hai, chính vì vậy sẽ tạo nên những cái “hồn” rất tinh tế và khác biệt trong mỗi bức tranh. Tạo nên muôn sắc màu lung linh tùy theo độ nhạy cảm của từng người khi pha chế. Người họa sĩ già chia sẻ: “Khi đã cầm bút, có những lúc vẽ như người say, dồn hết tâm trí của mình vào bút lực, không hề tính đến thời gian hay tiền bạc. Nó như một duyên nghiệp của người làm tranh”...
Cho đến nay, Lê Đình Nghiên là một trong số rất hiếm hoi những nghệ nhân còn đeo đuổi và đắm đuối với tranh dân gian Hàng Trống. Năm 1972, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mời ông tới làm việc với một yêu cầu duy nhất: Phục dựng tranh dân gian Hàng Trống. Cũng từ đó, ông Nghiên chuyên làm tranh, phục dựng tranh, thậm chí ông còn sáng tạo ra mẫu tranh mới. Nặng lòng với tranh Hàng Trống nhưng ông không hề nhận mình là một nghệ nhân mà chỉ coi mình là một người thợ “khéo tay hay nghề”. Trên căn gác nhỏ của nhà ông Nghiên hiện còn gần 50 bản khắc gỗ của các mẫu tranh dân gian Hàng Trống. Đó là tài sản vô giá của tổ tiên truyền lại cho ông, đó cũng là những tinh hoa mà ông muốn truyền lại cho người con trai của mình, với một mong mỏi dù sau này không theo nghiệp tranh của gia đình, nhưng mỗi khi rảnh, sẽ dành một chút thời gian để vẽ tranh, giữ gìn nghề truyền thống của gia đình và nét đẹp tinh túy của chốn kinh kỳ xưa...
Nguyễn Cường