|
|
Thầy giáo Đàm Bạch Long bên sản phẩm máy chiếu vật thể phục vụ dạy học. |
Sáng kiến "vì học sinh phục vụ"
Thầy giáo Đàm Bạch Long là tác giả một sáng kiến tiêu biểu có sức lan tỏa và tính ứng dụng cao vào công tác dạy học, đó là cải tiến chiếc webcam của máy vi tính thành máy chiếu đa vật thể. Sáng kiến này mang về cho anh giải nhì cuộc thi thiết kế đồ dùng dạy học sáng tạo do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội phát động năm 2015. Với chi phí hơn 500.000 đồng/chiếc (rẻ hơn máy chiếu có chức năng tương tự hàng chục lần), sáng kiến này được đông đảo đồng nghiệp ứng dụng, tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm triệu đồng. Năm 2018, sáng kiến của thầy Long được công nhận là một trong 3 sản phẩm đoạt giải chuyên đề vòng chung khảo Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”.
Năm học 2019-2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, thầy Long lại tiếp tục cải tiến sản phẩm này thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc giảng dạy trực tuyến (online). Với giá thành chỉ còn 300.000 đồng/chiếc, sản phẩm được nhiều thầy cô trên toàn quốc áp dụng, đem lại hiệu quả tích cực trong dạy học online.
Thầy Đàm Bạch Long không chỉ là người giỏi chuyên môn mà còn nổi tiếng với nhiều sáng kiến góp phần nâng cao hiệu quả công tác dạy và học. Cứ gặp những tình huống khó khăn trong thực tế giảng dạy hay sinh hoạt, thầy lại đi tìm giải pháp để khắc phục. Thầy Long cho biết, những sáng kiến sáng tạo của anh đa phần đều được khơi nguồn từ học trò và đồng nghiệp, từ phương châm “vì học sinh phục vụ”. Thời còn khó khăn, trường thiếu micro phục vụ văn nghệ, anh nghĩ cách thay đổi trở kháng của một chiếc loa radio biến thành micro; thấy bên y tế của trường thiếu trang thiết bị, chỉ trong một tuần, anh mày mò sáng tạo “thiết kế” sản phẩm kính hiển vi điện tử kết nối máy vi tính để soi mũi, mắt, tai phục vụ việc khám sức khỏe cho học sinh. Có rất nhiều kỷ niệm đã theo anh trong suốt chặng đường giảng dạy đến bây giờ.
Trường THCS Thụy Phương ở khá xa trung tâm TP Hà Nội, điều kiện học tập của học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn. Hiểu được thiệt thòi của những học trò “trường làng” nên khi làm các sản phẩm, nếu có điều kiện là thầy Long lại tìm cách “rủ” các em tham gia, vừa để tìm niềm vui, vừa để tranh thủ thêm sự sáng tạo của học sinh. Có rất nhiều điều anh học được ngay từ những học trò của mình. Câu lạc bộ “Mẹo vặt gia đình”, “Kỹ thuật viên nhí” của trường do thầy Long phụ trách luôn thu hút rất nhiều học sinh tham gia, nhất là những em có cá tính mạnh. Thay vì những trò nghịch ngợm, đến với câu lạc bộ, các em đã có khoảng trời riêng thỏa sức sáng tạo. Anh cũng bày tỏ niềm vui và hạnh phúc khi đồng hành cùng mình luôn có sự động viên, khuyến khích, tạo điều kiện tối đa từ ban giám hiệu nhà trường và sự ủng hộ, góp ý của các đồng nghiệp.
Lan tỏa yêu thương
Thầy Đàm Bạch Long sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề giáo ở làng Vẽ (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm)-một ngôi làng khoa bảng nổi tiếng của mảnh đất Hà thành. Tốt nghiệp Khoa Toán-Kỹ thuật, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (nay là Trường Đại học Thủ đô Hà Nội), thầy Long được phân công về công tác tại Trường THCS Thụy Phương. Từ đó đến nay, hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, nhiều lúc khó khăn quá khiến anh có ý định rẽ sang nghề khác. Thế rồi, tình yêu với trường, với học sinh khiến anh không thể dứt bỏ. "Hồi ấy tôi đã gần 30 tuổi, đã quá tuổi lập gia đình rồi mà kinh tế hầu như chẳng có gì nên cũng rất lo lắng. Ngoài việc dạy học, tôi phải làm thêm nhiều nghề như: Thợ mộc, thợ nề, sửa khóa, sửa chữa đồ điện, điện tử, tin học... Tôi còn theo đuổi học ngành Toán-Tin học ứng dụng tại Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp (năm 1996), một số công ty điện tử, tin học mời tôi về cộng tác hoặc chuyển ngành. Thời điểm đó, nhu cầu về kỹ sư phần cứng ngành tin học đang thiếu và thu nhập rất cao... Nhưng rồi, làm thử vài tháng, tôi quyết tâm trở lại nghề giáo, chỉ làm thêm ngoài giờ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và giúp đỡ các học trò còn khó khăn”-thầy Long bộc bạch.
Không chỉ nhiệt huyết với công việc, thầy giáo Đàm Bạch Long còn có tấm lòng rộng mở, bao dung. Khi thì anh mở lớp học miễn phí, lúc đỡ đầu những học sinh có hoàn cảnh khó khăn và nhiều hoạt động thiện nguyện khác. Từng là học sinh cá biệt nên anh rất hiểu học trò của mình cần gì và đang gặp khó khăn như thế nào để có sự giúp đỡ phù hợp. Lớp học miễn phí đầu tiên của thầy Long cũng do chính các học sinh cá biệt cùng góp sức xây dựng nên vào đầu những năm 90 thế kỷ trước. “Thầy trò tôi cùng nhau mua gỗ, cùng nhau cưa, bào, đục để đóng những bộ bàn ghế. Khi ngồi học trên những bộ bàn ghế do chính tay mình tạo nên, ý thức học tập của các bạn ấy tốt lên từng ngày. Và nay, chính con cái của các cô, các cậu học trò ấy vẫn ngồi học trên những bộ bàn ghế xưa. Có những trò từng có ý định từ bỏ cuộc sống, nay lại trở thành đồng nghiệp của tôi. Có những trò từng nhận được sự giúp đỡ của tôi trong lúc khó khăn, nay đã thành đạt, lại là những mạnh thường quân luôn giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn khác...”, thầy Long xúc động chia sẻ.
|
|
Thầy Đàm Bạch Long hướng dẫn học trò khám phá chiếc máy thu phát và khuếch đại âm thanh do mình thiết kế (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19). |
Với quan niệm “gieo gì gặt nấy” và “cho đi là nhận lại”, trong suốt những năm tháng gắn bó với nghề, tình yêu thương dành cho học trò của thầy Long dường như chưa bao giờ vơi cạn. Với anh, học sinh là chiếc gương phản chiếu phần nào tâm hồn, tính cách của chính thầy cô. Thành quả lao động của người thầy cũng chính là sự tiến bộ của học sinh. Bởi thế, anh không ngừng gieo cho học trò của mình tình yêu thương, trách nhiệm và cả lòng đam mê học tập. Từ năm 2017 đến nay, thầy Long đã nhận đỡ đầu một số học sinh mắc bệnh xương thủy tinh; hỗ trợ học phí cho một số học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trước đó, thầy còn mở lớp dạy sửa chữa máy vi tính miễn phí cho các học sinh nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tặng 3 máy tính xách tay cho học sinh Lớp 9A4, Trường THCS Thụy Phương để phục vụ học tập của các em...
Với những việc làm vô cùng ý nghĩa, năm 2020, thầy Đàm Bạch Long vinh dự được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt". Hỏi anh về những dự định trong thời gian tới, anh mỉm cười hiền hậu: “Ngoài việc giảng dạy, tôi cũng sẽ tích cực tham gia các dự án như: Đổi mới phương pháp dạy học, dạy học theo định hướng STEM và STEAM; theo học các lớp nhóm “Giáo viên-Hành trình chuyển đổi để hạnh phúc” để học hỏi thêm kiến thức thay đổi bản thân giúp hoàn thành công việc tốt hơn. Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày một phát triển như hiện nay, tôi nghĩ mỗi thầy cô cần luôn mang theo mình ý thức tự học hỏi mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Có vậy mới luôn làm mới mình, tạo ra nguồn cảm hứng trong quá trình làm việc”.
Bài và ảnh: ĐẶNG THỦY