|
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
QĐND - Đầu năm 1963, với ca khúc đầu tay “Tiếng hát dân công” được tốp nữ Đoàn văn công Giải phóng biểu diễn, cái tên tác giả Phạm Minh Tuấn đã tạo được dấu ấn với nhiều khán giả.
Sự động viên với “quả ngọt” đầu đời ấy đã thôi thúc Phạm Minh Tuấn tiếp tục sáng tác. Các nhạc phẩm “Qua sông”, “Người nữ tự vệ Sài Gòn”… lần lượt ra đời rồi vượt Trường Sơn ra Bắc, được nghệ sĩ Mỹ An cùng tốp nữ Quân khu Tả Ngạn thể hiện rất thành công.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn có thêm nhiều ca khúc. Các tác phẩm: “Bài ca không quên”,“Thành phố tình yêu và nỗi nhớ”, “Khát vọng”, “Dấu chân phía trước”, “Đất nước”, “Mùa xuân”… của ông đã để lại những cảm xúc sâu sắc trong lòng người yêu nhạc.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tên thật là Phạm Văn Thành, sinh năm 1942 tại Phnôm Pênh, Cam-pu-chia. Nghe ca khúc, nhiều người tưởng rằng ông là người miền Nam, nhưng thực ra ông quê ở Kim Động, Hưng Yên. Năm 1960, Phạm Minh Tuấn về nước tham gia kháng chiến trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Sau khi "bén duyên" ca khúc, ông theo học lớp bồi dưỡng âm nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam và tốt nghiệp tại Khoa Sáng tác Nhạc viện TP Hồ Chí Minh (1976-1981). Ông nguyên là Phó giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV, Phó tổng thư ký và Ủy viên Đảng đoàn Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa V.
Kể lại những câu chuyện về cuộc đời, nhạc sĩ lại nghẹn ngào với nỗi đau của riêng gia đình ông. Cha ông hy sinh năm 1946. Rồi khi ông xây dựng gia đình, năm 1964, vợ ông đi cùng một đoàn cán bộ đến thăm chồng, bị trúng ổ phục kích của địch ở Tây Ninh và bị bắt. Cô con gái đầu lòng của nhạc sĩ, mới 6 tháng tuổi, đã mất trong lần đó. Nỗi đau ấy, dù thời gian đã trôi qua, nhưng vẫn như vết cứa trong tim luôn nhức nhối cả cuộc đời. Cũng từ những mất mát của bản thân, ông dường như “thấm” sâu hơn nỗi đau của những người mẹ tiễn con ra trận và con của họ đã không bao giờ trở về...
Ông kể, thời gian ông sáng tác ca khúc nổi tiếng “Đất nước” tương đối dài. Đọc tứ thơ của nhà thơ Tạ Hữu Yên, ông ngẫm ngợi trong cả năm trời để viết nên những nốt nhạc. Mấy chục năm đã trôi qua, những lời ca của "Đất nước" vẫn được nhiều thế hệ hát lên da diết, đắm say, hào hùng và kiêu hãnh. Có thể nói rằng, ca khúc "Đất nước" là một dấu son trong sự nghiệp âm nhạc của Phạm Minh Tuấn cùng với những tác phẩm "Qua sông", "Bài ca không quên". Nhạc sĩ tâm sự rằng, ông yêu tất cả những đứa con tinh thần của mình, nhưng những bài hát viết về mẹ thì càng yêu sâu sắc hơn. Khi sáng tác, ông thường nghĩ ngợi nhiều hơn, bởi viết những ca khúc này như một sự biết ơn dành tặng những người mẹ Việt Nam, mong những người mẹ được “dịu nỗi đau” trong cuộc đời.
Có thể nói, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn là một nhạc sĩ khá có duyên trong việc phổ thơ. Nói về việc phổ nhạc cho một bài thơ, ông cho rằng: Việc đầu tiên là cần phải cảm nhận trọn vẹn được bài thơ nhưng không để âm nhạc chạy theo thơ, mà hướng cho thơ đồng hành với thủ pháp âm nhạc. "Đất nước" phổ thơ Tạ Hữu Yên là một ca khúc được ông sáng tác trên tinh thần ấy.
Ngoài những ca khúc như những lời tự sự, thao thức, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn có một ca khúc khá đặc biệt, thường được các ca sĩ thể hiện nhiều trên sân khấu thập niên 1980 với nhịp điệu trẻ trung, sôi nổi như những tiếng reo vui trong lao động. Đó chính là bài hát “Mùa xuân từ những giếng dầu”, một ca khúc viết về ngành dầu khí mà không hề có dáng dấp kiểu “ngành ca”. Nhạc sĩ đã khéo léo đưa vào tác phẩm của mình những “giếng dầu”, “giàn khoan”, “mỏ quý” cùng một sức sống của mùa xuân rạo rực lòng người: "Mùa xuân từ những giàn khoan, giữa biển khơi nghìn trùng sóng vỗ… Mùa xuân từ những giàn khoan, hỏi biển sâu ở đâu mỏ quý…". Và như lẽ tự nhiên, một tình yêu thiên nhiên, tài nguyên của đất nước, tình yêu lao động cứ đầy lên trong mỗi lời ca, rộn ràng đi vào lòng người nghe nhạc.
Với những ca khúc của mình, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cho thấy chất liệu âm nhạc ông thường dùng phần lớn đều tự sự và thao thức: "Bài ca tôi không quên, tôi không quên, đất rừng xứ lạ. Bài ca tôi không quên tôi không quên, bước dồn đường khuya đói lả, gạo hẩm cầm hơi, một điếu thuốc cũng chia đôi". Bên cạnh sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn còn viết khí nhạc, nhạc phim, nhạc cho kịch nói và cải lương. Những ca khúc viết cho kịch, phim, cải lương như bài hát "Ngôi sao biển", "Lối nhỏ vào đời", “Bài ca không quên”… sau khi rời khỏi màn ảnh, sân khấu đều trở thành những ca khúc độc lập, được công chúng đón nhận và yêu thích.
Gần đây, thêm một ca khúc theo dòng tự sự viết về người mẹ Việt Nam của ông đã ra đời. Đó là tác phẩm “Người mẹ Gạc Ma”. Chia sẻ về sự ra đời của tác phẩm này, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tâm sự, cuối năm 2012, nhà thơ Lê Tú Lệ đã tặng ông một tập thơ. Đọc qua một lượt rồi ông dừng lại ở bài thơ “Những bà mẹ Gạc Ma”. Một câu thơ trong bài thơ ấy cứ quấn riết lấy tâm trí ông, hình ảnh “Gió thốc vào nhà lại trở ngược ra khơi” cứ ám ảnh khiến ông mang nhiều nghĩ ngợi. Ông mường tượng về một người mẹ đêm đêm “gối đầu lên nỗi nhớ” mà không thể tin rằng con mình mãi mãi không trở về. Và ông viết những nốt nhạc đầu tiên, trên nền bài thơ “Những bà mẹ Gạc Ma” vào cuối năm 2013, tháng 3 năm 2014, ca khúc hoàn thành. Ông đã thu âm ca khúc này và gửi tặng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Năm nay, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã vào tuổi 75, ông vẫn miệt mài sáng tác, nhưng với thói quen lặng lẽ trong sáng tác nghệ thuật, ông ít khi công bố tác phẩm mới. Ông nói, sẽ chỉ công bố tác phẩm khi bản thân thấy thực sự hài lòng và những tác phẩm của ông sẽ trở thành một dấu hỏi, một sự trăn trở để cuộc đời này thêm phần tốt đẹp...
MINH KHÔI