Thi đua ái quốc là một trong những cách tốt nhất để cụ thể hóa tư tưởng chính trị tốt đẹp đi vào cuộc sống. Nó góp phần thấu triệt hệ tư tưởng chính trị, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để triển khai thành kế hoạch, nhằm phát triển xã hội, phục vụ cuộc sống cá nhân cũng như cộng đồng xã hội. Nét văn hóa độc đáo nhất của thi đua ái quốc là tác động đến chiều sâu nhận thức và tình cảm về lòng yêu nước của mọi giai tầng xã hội; tạo ra phong trào, làm chuyển biến tư duy, hành động, hướng tới mục tiêu giành độc lập, tự do, trường kỳ kháng chiến thắng lợi, vì mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Theo dõi lịch sử phong trào thi đua yêu nước mấy chục năm qua, chúng ta không thể không nhắc đến sự kiện như là điểm khởi đầu của thi đua. Đó là cuộc vận động nhân dân cả nước tham gia “Tuần lễ vàng” và xây dựng “Quỹ Độc lập” do Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 17 đến 24-9-1945, đồng bào cả nước đã ủng hộ “Quỹ Độc lập” khá nhiều vàng, bạc, tiền Đông Dương. Điển hình là Vua Mèo Vương Chí Sình (Đồng Văn, Hà Giang) đã ủng hộ 9 cân vàng và 2,2 triệu đồng bạc trắng. Tại Cố đô Huế, Nam Phương Hoàng Hậu (vợ của cựu hoàng Bảo Đại-khi đó là cố vấn Vĩnh Thụy) đã ủng hộ hàng chục chiếc nhẫn, hoa tai, vòng vàng quý, nêu gương cho nhân dân Huế ủng hộ 420 lạng vàng. Bà Thềm-Công chúa Chăm (Ninh Thuận) ủng hộ 1 mũ vàng, 1 quả na, 1 quả khế, 1 nải chuối vàng và cả chiếc mục vàng của dòng họ vua Chăm... Lượng tiền, vàng mà nhân dân cả nước ủng hộ ấy đã giúp Đảng và chính quyền cách mạng tháo gỡ tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”, tạo thế và lực để giải quyết từng bước nhiệm vụ cách mạng tiếp theo. Đây chính là cơ sở để cuối tháng 1-1946, Nhà nước phát hành đồng tiền Việt Nam, bước đầu xây dựng một nền tiền tệ độc lập.

Tiếp đó, thi đua ái quốc được thể hiện mạnh mẽ qua Phong trào thi đua “diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, thu được những kết quả quan trọng. Đến ngày 11-6-1948, trong "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều”. Tiếp đó, Người chỉ rõ: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất", "Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và Quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi...".

leftcenterrightdel

Văn hóa thi đua. Minh họa: THÁI AN

Từ đây, qua thời gian đã xuất hiện rất nhiều phong trào thi đua nhánh, diễn ra trong từng ngành, từng lĩnh vực, hướng tới mục tiêu hành động yêu nước. Nổi bật là các phong trào thi đua: “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Dũng sĩ diệt Mỹ” ở miền Nam; phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, phất cao ngọn cờ “Ba nhất” trong Quân đội, “Gió Đại Phong” trong nông dân, “Sóng Duyên Hải” trong công nhân, thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”... Những phong trào này từng bước xây dựng ý thức đoàn kết tập thể, cải tạo tư tưởng lỗi thời, lạc hậu; thúc đẩy hành động hướng tới chiến đấu, lao động giành thắng lợi, năng suất, chất lượng, hiệu quả; góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng hậu phương miền Bắc làm chỗ dựa vững chắc cho miền Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi.

Tính độc đáo trong phong trào thi đua ái quốc là gắn chặt với khen thưởng lợi ích vật chất, tinh thần, qua đó đã tạo ra được những mốc, những kỷ lục trên cơ sở chiến đấu kiên cường, lao động quên mình, lao động sáng tạo; tạo động lực, niềm tin để sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi xuân cho Tổ quốc, cho cách mạng.

Điểm lại kết quả phong trào, ta thấy tên những cá nhân anh hùng trong chiến đấu ngoài mặt trận giống như bản hùng ca in đậm trong lịch sử không bao giờ phai mờ. Có thể kể đến các cá nhân điển hình tiên tiến tỏa sáng trên chiến trường, như: La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Cù Chính Lan, Ngô Mây, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót... (thời kỳ kháng chiến chống Pháp); Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Trần Dưỡng, Tạ Thị Kiều, Hồ Kan Lịch, mẹ Suốt, chị Út Tịch, Nguyễn Bá Ngọc... (thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước)... là biểu tượng của lòng yêu nước và khí phách Việt Nam.

Nét độc đáo, tiêu biểu trong văn hóa thi đua ái quốc là đã gián tiếp tạo ra xung lực để cho ra những sản phẩm văn hóa tinh thần vượt trội, tiếp tục cổ vũ tinh thần yêu nước, lập công trên chiến trường và sản xuất giỏi.

Thời còn là học viên sĩ quan, trong các chương trình văn nghệ phục vụ đợt thi đua, ngày kỷ niệm, có người hát bài “Đường cày đảm đang” của nhạc sĩ An Chung và nhận được nhiều sự mến mộ. Bài hát được phổ biến từ giữa những năm 1965-1966, nhằm cổ vũ Phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Việt Nam. Đây là một nhánh của phong trào thi đua yêu nước hết sức sôi nổi lúc bấy giờ. Cùng với bài hát này, các nhạc phẩm hừng hực khí thế thi đua yêu nước, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng cũng ra đời, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đến thắng lợi. Cạnh đó, các tác phẩm văn học, điện ảnh, sân khấu, thơ, tranh cổ động... cũng tập trung rất mạnh vào tuyên truyền thi đua ái quốc. Một trong những bài thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác về thi đua ái quốc đầu tiên mà nhiều thế hệ người Việt đã in đậm trong tâm khảm, là động lực để hoàn thành nhiệm vụ, đó là bài “Thơ chúc Tết” (năm 1949). Đây cũng là bài thơ sớm nhất về cổ vũ phong trào thi đua ái quốc của Người:

"Kháng chiến lại thêm một năm mới,

Thi đua ái quốc thêm tiến tới.

Động viên lực lượng và tinh thần.

Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi.

Người người thi đua.

Ngành ngành thi đua.

Ngày ngày thi đua.

Ta nhất định thắng.

Địch nhất định thua".

Ngày nay, tính độc đáo của thi đua ái quốc tiếp tục được thể hiện rất rõ thông qua hiệu quả tuyên truyền của các cơ quan báo chí, truyền thông. Qua ngòi bút, ống kính của phóng viên, các phong trào thi đua yêu nước của cả nước đã phát hiện được những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để từ đó tuyên truyền, nhân rộng. Hầu hết các tờ báo lớn đều mở chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gương người tốt-việc tốt, xây dựng nông thôn mới... Các cơ quan báo chí tích cực xây dựng, huy động, tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện nhằm quyên góp: Quỹ nhân đạo, từ thiện hàng trăm tỷ đồng, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà và sổ tiết kiệm... cho các đối tượng chính sách trên cả nước.

Độc đáo trong văn hóa thi đua còn thể hiện ở việc liên tục tổ chức những đợt thi đua cao điểm, đột kích, đột phá vào những nội dung, phần việc có tính mấu chốt, quyết định. Hơn nữa, việc tổ chức thi đua dân chủ, khách quan và đánh giá kết quả thi đua công bằng nên đã hút được niềm tin của mọi tập thể, cá nhân. Thực tế cho thấy, các chỉ tiêu thi đua được thông tin đầy đủ đến mọi đối tượng trong ngành, trong xã hội, qua đó xây dựng quyết tâm thực hiện. Quá trình thực hiện, hoạt động thi đua ái quốc luôn có sự đổi mới chứ không rập khuôn. Ví dụ trong Quân đội, phong trào thi đua ái quốc được cụ thể hóa bằng Phong trào Thi đua Quyết thắng, hướng mạnh vào xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trực tiếp góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Từ phong trào này đã sinh ra các phong trào: “Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, “Giành ba đỉnh cao quyết thắng”, “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Thanh niên Quân đội rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, quyết thắng”, Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới... tạo thành những cao trào hành động cách mạng, liên tục cổ vũ các tập thể, cá nhân thi đua, đổi mới sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tuy nhiên, hiện nay, phong trào thi đua ái quốc phần nào bị giảm đi tính độc đáo. Việc tổ chức thi đua có lúc, có nơi rơi vào hình thức, nửa vời. Không ít phong trào thi đua được phát động mà nội dung, tiêu chí chưa sát hợp với tình hình địa phương, đơn vị, còn mang tính hình thức, chưa toàn diện, thiếu chiều sâu và chưa lan tỏa, chưa thu hút được nhiều lực lượng tham gia. Hoạt động của thi đua có lúc chưa gắn với khen thưởng. Một số đối tượng được khen chưa đúng với kết quả, thành tích nên tạo ra dư luận xã hội không tốt. Trong tổ chức thi đua còn có biểu hiện khoán trắng cho bộ phận chuyên môn. Ở đâu đó còn có hiện tượng "chạy" thành tích, "chạy" khen thưởng, gây bất bình trong dư luận.

Tinh thần dân chủ trong tư duy chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam được thể hiện rất rõ ở tư tưởng “lấy dân làm gốc”, và “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Thi đua ái quốc chính là phương cách hữu hiệu để cán bộ, đảng viên, nhân dân bung trí, bung sức, phát huy quyền làm chủ, tạo ra những đỉnh cao, dấu mốc trong lao động sản xuất và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng chính là cách để thi đua ái quốc ngày càng độc đáo và lan tỏa, in đậm trong các thế hệ người Việt.

Đại tá, TS PHẠM DUY VỤ - Đại tá, Ths NGUYỄN ANH TUẤN