Bảo tàng được thành lập năm 2018 theo Quyết định số 2868/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình với sự hỗ trợ một phần kinh phí của tỉnh, đóng góp của gia đình nhà văn Minh Chuyên và nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Bảo tàng đang lưu giữ khối lượng lớn tác phẩm của nhà văn Minh Chuyên, trong đó có 72 đầu sách văn học với hơn 1.000 bài viết, hình ảnh; những truyện ký nổi tiếng một thời như: “Hai người lính ở hai phía đối mặt”, “Mười lần sinh tử”, “Ba người ở lại Trường Sơn”, “Nửa thế kỷ lưu lạc”...

Tại đây, trong 3 tác phẩm văn học được chọn đưa vào sách giáo khoa phổ thông các cấp, có bút ký “Vào chùa gặp lại” (Ngữ văn 11, tập 2-Bộ sách Cánh Diều). Tác phẩm nói về sự hy sinh mất mát của những phụ nữ là quân nhân trong chiến tranh. Điển hình như nhân vật Lương Thị Thân quê Thái Bình, bị thương nặng, mất hẳn khả năng làm vợ, làm mẹ. Bom đạn địch đã cướp đi biết bao đồng đội và cả người yêu của chị. Đó là những tư liệu tố cáo tội ác chiến tranh mà như tác giả tâm sự thì “Tôi vừa viết vừa khóc! Viết như một món nợ phải trả cho đồng đội mình”.

Bên cạnh sách văn học là hơn 200 tập phim tài liệu, các tác phẩm điện ảnh, truyền hình, cũng tập trung vào đề tài “Chiến tranh cách mạng và hậu quả thảm khốc của cuộc chiến tranh Việt Nam” đã phát trên sóng truyền hình quốc gia, như: “Bức thông điệp lịch sử” (52 tập), “Ký ức chiến tranh nhìn từ hai phía” (25 tập), “Bất khuất Côn Đảo” (15 tập), “Huyền thoại tàu không số” (12 tập), “Ông cố vấn” (5 tập)....

leftcenterrightdel

Nhà văn Minh Chuyên (ngoài cùng, bên trái) giới thiệu tác phẩm với học sinh tham quan bảo tàng. Ảnh tư liệu 

Tại khu trưng bày, Bảo tàng dành một khoảng không gian thích hợp cho các nhà văn viết về đề tài hậu chiến ở Việt Nam. Ở đó còn có góc trưng bày tác phẩm của “thi sĩ Trường Sơn” Phạm Tiến Duật, bộ sách 25 tập “Nỗi đau sau chiến tranh” của các cây bút nổi tiếng trong nước và một số tác giả người Mỹ từng là lính rải thảm chất độc da cam/dioxin ở chiến trường miền Nam Việt Nam. Họ viết về hậu quả của cuộc chiến tranh do người Mỹ gây ra. Trong tác phẩm “Cha con tôi”, Đô đốc Morabin viết về hành động sai lầm lớn nhất cuộc đời mình là đã ra lệnh rải chất độc da cam/dioxin xuống bán đảo Sơn Trà. Nhà thơ Ba Lan Wisława Szymborska (Giải Nobel văn học năm 1996) với chùm thơ: “Việt Nam cái chết không hề phóng đại” viết về người lính tử trận... Ngoài ra còn có hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học, các luận văn cử nhân, tiến sĩ về tác phẩm hậu chiến, gần 700 bài của đồng nghiệp và hơn một vạn bức thư của bạn đọc gửi đến bảo tàng.

Ở ngoài trời, công trình nghệ thuật tái hiện sử tích Trường Sơn với hình ảnh dãy núi dài gần 100m, hai mặt Đông-Tây và hạng mục “Đường Hồ Chí Minh trên biển” có quy mô tương đương. Cả hai được mô phỏng bằng hệ thống phù điêu và tranh nghệ thuật, chất liệu bê tông, kim loại, sơn màu, tái hiện các binh đoàn vượt núi băng sông đi cứu nước, các lực lượng chuyên chở vũ khí vượt biển tiếp viện cho miền Nam. Không gian gợi cảm xúc cho người xem về những hy sinh to lớn và chiến công lẫy lừng của quân dân ta trên mặt trận Trường Sơn “huyền thoại” và Đoàn tàu không số anh hùng.

Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh-Minh Chuyên ra đời thể hiện quyết tâm của nhà văn Minh Chuyên và các cộng sự giúp hậu thế hiểu được những tàn khốc của chiến tranh, những hy sinh của người Việt Nam để bảo vệ Tổ quốc, giữ vững nền độc lập tự do dân tộc. Nơi đây ngày ngày đều có khách tham quan. Đông đảo nhất là giáo viên và học sinh các trường phổ thông, tiểu học ở Thái Bình, Nam Định, Hà Nam... các nghệ sĩ, nghệ nhân, những người cầm bút trong và ngoài nước về tham quan, giao lưu tác phẩm mới. Nhiều năm qua, Bảo tàng trở thành địa chỉ văn hóa thiết thực đặc biệt đối với những người muốn tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam trong và sau chiến tranh, giáo dục truyền thống cách mạng... Như nhà văn Minh Chuyên chia sẻ: "Tất cả những gì tôi đã viết và những tâm huyết tôi bỏ ra cho Bảo tàng này đều xuất phát từ một niềm tin duy nhất. Đó là, ở xứ sở bất khuất và ân nghĩa của chúng ta, không có quyền để ai bị lãng quên sau cuộc chiến bảo vệ bờ cõi thiêng liêng". 

Nhà văn Minh Chuyên sinh năm 1948. Tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông nhập ngũ, vào miền Đông Nam Bộ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hòa bình, ông chuyển ngành về làm báo, viết văn, rồi biên tập viên, đạo diễn phim tài liệu. Minh Chuyên thuộc những người tiên phong ở Việt Nam lên tiếng về sự tàn phá của chất độc da cam/dioxin, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chứng nhận “Người sáng tác các tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh, truyền hình về thời hậu chiến tranh tại Việt Nam nhiều nhất”... Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017


PHẠM XƯỞNG