“Con người có nguồn gốc từ loài gì? Thời tiền sử, người Việt ở đâu? Họ đã dùng các công cụ gì để lao động, tìm kiếm thức ăn?”... Cô Hoàng Thu Giang, thuyết minh viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mở đầu bằng hàng loạt câu hỏi như vậy để thu hút sự chú ý của các học sinh trong buổi tham quan, học tập chuyên đề “Việt Nam thời tiền sử” thuộc Chương trình “Giờ học lịch sử” tại bảo tàng vào sáng thứ bảy tuần qua.

Dưới sự dẫn dắt của cô Giang, những ánh mắt ngây thơ, trong trẻo của các học sinh tiểu học cứ thế say sưa khám phá, tìm hiểu hiện vật, hình ảnh rồi đưa ra những câu hỏi vô cùng thú vị khiến cho không khí buổi học trở nên vui vẻ, thoải mái. Tham quan cùng nhóm học sinh 8 tuổi, 9 tuổi ở Hà Nội trong giờ học lịch sử tại bảo tàng, chúng tôi như bị cuốn hút theo. Cô không nói lý thuyết liền một mạch mà để các em quan sát gian trưng bày, rồi chia học sinh thành từng đội tự tìm hiểu theo đề bài. Với chất giọng nhẹ nhàng, truyền cảm, cô liên tục thay đổi phương pháp để tạo nên những điểm nhấn cho các học sinh chú ý về nhiều sự kiện, nhân vật hay mốc lịch sử đáng nhớ từ các hiện vật. Hai giờ đồng hồ trôi qua nhưng các bạn vẫn rất hào hứng. Kết thúc buổi học, em nào cũng cảm thấy vui vẻ, thú vị khi ghi vào bản thu hoạch một số nội dung chủ yếu của chuyên đề hoặc ấn tượng về nhân vật, đồ vật, hoạt động chính của sự kiện, thời kỳ lịch sử đó.

Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” và Chương trình “Giờ học lịch sử” dành cho học sinh, sinh viên được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức suốt nhiều năm qua nhằm tăng cường giáo dục lịch sử Việt Nam, tiếp thêm cảm hứng, niềm say mê lịch sử đến với thế hệ trẻ cả nước. Cô Hoàng Thu Giang là một trong những thuyết minh viên của bảo tàng gắn bó với các chương trình này hơn 10 năm qua. Theo cô thì số buổi học và chương trình học tập lịch sử tại bảo tàng rất đa dạng và linh hoạt.

Mỗi khóa học thường từ 8 đến 10 buổi, ngắn thì 1-2 buổi, dài nhất là 15 buổi, vừa học tập, tham quan trải nghiệm, chơi các trò chơi liên quan đến sự kiện, nhân vật lịch sử trong chuyên đề được tìm hiểu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và tham quan nhiều di tích, bảo tàng khác liên quan. Ví dụ: Chủ đề “Việt Nam thời tiền sử” có trò chơi “Chiếc hộp bí ẩn” giúp học sinh phân biệt các hiện vật để ghi nhớ về công cụ lao động thời kỳ đồ đá cũ. Nội dung “Vua Quang Trung đại phá quân Thanh” có trò chơi hành quân tiếp sức, gắn kết tình đồng đội mô phỏng cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn từ Huế ra thành Thăng Long xưa. Học về chiến thắng trên sông Bạch Đằng, có trò chôn cọc gỗ vào chậu cát và dùng thuyền nhỏ vượt bãi cọc để ghép thành bức tranh hoàn chỉnh về sự kiện này.

leftcenterrightdel
Các học sinh chăm chú nghe giới thiệu về cuộc sống trong hang đá của cư dân Việt thời kỳ tiền sử tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. 

Chị Nguyễn Thị Định, Phó trưởng phòng Giáo dục, công chúng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: Từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm, bảo tàng tổ chức khoảng 300 đến 400 Chương trình “Giờ học lịch sử” tại bảo tàng với sự tham gia của hàng chục nghìn học sinh, sinh viên. Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, “Giờ học lịch sử” vẫn được duy trì bằng hình thức online. Gần đây, các cô còn đến trực tiếp nhiều trường để dạy lịch sử có sự kết nối với bảo tàng ảo 3D để minh họa. Chủ đề chính của các buổi học rất phong phú như: “Khám phá cuộc sống của cư dân tiền sử”, “Về thời Hồng Bàng”, “Tìm hiểu nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam”, “Quang Trung đại phá quân Thanh”, “Khám phá Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn”, “Hà Nội qua các thời kỳ”, “Tìm hiểu một số nhân vật tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam”, “Văn hóa Đại Việt thời Lý-Trần”, “Hồ Gươm-Lịch sử và truyền thuyết”, “Âm vang Điện Biên”, “Sáng mãi những tấm gương anh hùng”...

Mô hình dạy sử qua hiện vật, hình ảnh và trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thực sự thu hút học sinh bởi sự kết hợp sinh động của các phương pháp giáo dục, truyền thông hiện đại. Nhờ đó, số Chương trình “Giờ học lịch sử” được đăng ký không ngừng tăng lên theo thời gian. Đặc biệt, năm 2021, do dịch Covid-19, bảo tàng ngừng hoạt động trực tiếp nhưng cán bộ của bảo tàng vẫn phải làm việc cả ngày đêm để tổ chức được 370 Chương trình “Giờ học lịch sử” trực tuyến với 11.100 học sinh, sinh viên tham gia. Riêng hai tháng hè vừa qua, bảo tàng tổ chức khoảng 60-70 chương trình cho học sinh. Có thời điểm, số lượt đăng ký cho học sinh tham gia quá đông, thiếu nhân lực hướng dẫn nên bảo tàng không thể đáp ứng được hết nhu cầu của khách.

Được biết, sau khi tham gia học tập trải nghiệm tại đây, nhiều em yêu thích, say mê lịch sử hơn, có em khi trở về đã quyết tâm học tập, thi đỗ vào lớp chuyên Sử ở bậc trung học phổ thông. Nhiều em mang những câu chuyện thú vị từ các buổi học tại bảo tàng về kể với gia đình, thầy cô, bạn bè. Có em thì lập ra một sơ đồ tư duy và đứng lên thuyết trình trước lớp về tiến trình lịch sử Việt Nam. Có nhóm lại làm cả một album về hình ảnh hoạt động trong các buổi học gửi tặng cùng lời tâm sự biết ơn các cô hướng dẫn của bảo tàng...

Hy vọng, với những giờ học thú vị, bổ ích mà các “cô giáo” Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đem lại trong thời gian qua sẽ là tín hiệu tích cực để góp phần thu hút sự quan tâm, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, niềm tự hào của thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh: MINH THÀNH