“Bình minh đỏ” (đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thanh Vân và đạo diễn Trần Chí Thành) mới ra mắt là bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng được đánh giá cao thời gian gần đây. Lấy bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang ở giai đoạn khẩn trương về nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam. Bộ phim xoay quanh câu chuyện của 4 cô gái làm nhiệm vụ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Đạo diễn đã không cầu kỳ đi vào những vấn đề lớn lao và bằng cách thể hiện giản dị, gần gũi, các diễn viên Quỳnh Anh (vai Châu), Hoàng Phượng (vai Hân), Bảo Hân (vai Sa), Phương Anh (vai Thương) đã thành công kể câu chuyện phim một cách dễ hiểu, xúc động. Đó là những lý tưởng, mộng mơ thật đẹp, những nỗi sợ rất đời thường và cả những mất mát, đau thương rất chân thật... Nhưng trên hết, đó là tình người, tình đồng đội cao cả, ý chí quyết thắng vượt qua mọi thử thách để bảo vệ Tổ quốc của người chiến sĩ.
|
|
Cảnh trong phim "Bình minh đỏ". Ảnh: PHẠM PHƯƠNG |
Phim về đề tài chiến tranh cách mạng vẫn được cho là thử thách khó đối với cả tác giả, đạo diễn và nhất là các diễn viên thể hiện. Nhưng ở “Bình minh đỏ” người xem dễ dàng nhận thấy rằng, cả 4 diễn viên chính đều là những gương mặt mới của điện ảnh Việt, có tuổi đời còn rất trẻ. Với Phương Anh, nhân vật Thương trong “Bình minh đỏ” là vai diễn đầu tiên trong đời, lại là bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng, bởi vậy những khó khăn, áp lực dường như trở nên nhiều hơn. Phương Anh cũng như thế hệ trẻ hiện nay hiểu về lịch sử, về chiến tranh hầu hết chỉ qua sách vở, hoàn cảnh, môi trường sống cũng khác xa rất nhiều với quá khứ và bối cảnh phim. Nhưng suy cho cùng, như đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thanh Vân đã chia sẻ với các diễn viên, lứa tuổi của nhân vật rất gần với họ, đều là những cô gái trẻ trung, mang tâm lý của tuổi mới lớn nên hãy cảm nhận những tâm tư, tình cảm, sự sợ hãi, hy sinh, sự hồn nhiên, trẻ trung một cách chân thực nhất có thể.
Trong 4 diễn viên chính, dù là diễn viên tay ngang nhưng Hoàng Phượng là người có nhiều trải nghiệm hơn cả bởi trước đó, Phượng đã tham gia nhiều bộ phim điện ảnh đề tài chiến tranh, hậu chiến và một số dự án phim hợp tác quốc tế. Từng vào vai nữ thanh niên xung phong trong “Bản hùng ca bên sông” (đạo diễn Trần Vịnh) và “Nơi ta không thuộc về” (đạo diễn Đặng Thái Huyền); từng trải nghiệm cảm giác ám ảnh khi được “nhốt” vào nhà giam tử tù để vào vai Hoa trong “Tình yêu vô hình”, cũng là vai diễn mang về cho Hoàng Phượng nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế; hay chịu cái lạnh tê tái của mùa đông Nhật Bản trong vai cô gái Việt mưu sinh nơi đất khách trong phim “Những cô gái bên bờ biển”... nhưng “Bình minh đỏ” với Phượng vẫn là một trải nghiệm, cảm xúc thật đặc biệt.
Hoàng Phượng kể, trong phim có cảnh nhân vật Hân xung phong lái xe vượt suối rà phá bom từ trường. Ngay lần quay đầu tiên, xe bị trượt bánh vì đá dưới suối to và trơn trượt, vô lăng mất thăng bằng khiến cánh cửa xe bung ra làm tay Phượng bị thương, xe cũng suýt lật giữa suối. “Lúc ấy, thực sự Phượng đã rất hoảng sợ... Đó là cảnh quay khó và đáng nhớ, không chỉ cần thể hiện cảm xúc mạnh mẽ, quyết liệt nhất mà việc tưởng không quá khó như lái xe qua suối thì ra cũng mang lại biết bao cảm xúc và nguy hiểm chân thực đến thế, dù chỉ là đóng phim. Chúng tôi mới hiểu hơn, ngày xưa, các chiến sĩ đã phải trải qua gian khó như nào để có ngày hôm nay”, Hoàng Phượng nói. Hòa mình vào nhân vật bằng những cảm nhận chân thực như thế, Hoàng Phượng và các diễn viên cũng hiểu rằng, rõ ràng, không ai muốn chọn cái chết, chọn gian khó cả, nhất là khi đang ở tuổi thanh xuân căng tràn sức sống, nhưng vì đồng đội và trách nhiệm, tình yêu với quê hương, đất nước, các cô gái ngày ấy, mà nhiều người tuổi còn nhỏ hơn mình, đã can trường sẵn sàng đối mặt với tử thần...
Đây cũng là phân đoạn gây xúc động, ám ảnh với diễn viên Bảo Hân (vai Sa) ngay cả khi phim đã đóng máy nhiều tháng. Bảo Hân là diễn viên trẻ quen thuộc với khán giả truyền hình qua nhiều bộ phim. Ở phim này, Bảo Hân đã “lột xác” hoàn toàn với phong cách thường thấy để vào vai nữ chiến sĩ Trường Sơn. Vai diễn là một dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp, cũng là vai diễn mà Bảo Hân rất trân trọng bởi chỉ riêng hai tháng ở trong rừng quay phim cũng đã giúp nữ diễn viên cảm nhận được những khó khăn, gian khổ của thế hệ cha anh một thời.
Với diễn viên Phạm Quỳnh Anh, Châu cũng sẽ là một nhân vật không thể nào quên trong sự nghiệp diễn xuất tiếp theo của mình. Trong phim, Châu là nhân vật trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi phải chứng kiến sự hy sinh của 3 người đồng đội-chị em thân thiết và anh trai. Đau đớn, sợ hãi... nhưng ở cảnh cuối phim, Châu đã gạt đi nước mắt, đứng dậy bước tiếp con đường, thực hiện nhiệm vụ một cách dũng cảm, bản lĩnh. Thể hiện thành công vai diễn này, Phạm Quỳnh Anh chia sẻ: “Có cơ hội được trải nghiệm sự tàn khốc mà chiến tranh gây ra, được đồng cảm phần nào với thế hệ cha anh đã trải qua cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đó là một may mắn với chúng tôi! Và cũng nhờ đó, những người trẻ như tôi được bồi đắp thêm lòng tự hào, tự tôn dân tộc, thêm biết ơn các thế hệ đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, vì độc lập dân tộc và càng tự nhủ cần phải luôn nỗ lực không ngừng cho những điều tốt đẹp”.
NGUYỄN HÙNG