TP Hồ Chí Minh, ngày 23-8-2021

12 giờ: Máy bay chở đoàn cán bộ, học viên HVQY tăng cường cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi xong mọi thủ tục, các tổ được đưa về từng quận, rồi đến phường nhận nhiệm vụ. Tổ của Tuấn có 3 thành viên: Tổ trưởng là Thượng úy, bác sĩ Lê Mạnh Linh (lớp Chuyên khoa 1-44 Nội chung), nếu không đi chuyến này thì chỉ một tháng nữa là bác sĩ Linh sẽ được nhận bằng bác sĩ chuyên khoa 1; Nguyễn Trọng Việt, học viên năm thứ 6 (lớp DH49A, Hệ 2); Nguyễn Minh Tuấn, học viên năm thứ 5 (lớp DH50A, Hệ 4).

15 giờ: 3 anh em được phân công về phường 2, quận 4. Đến Trạm Y tế  phường 2, đang ăn tạm gói mì thì thấy tình nguyện viên chuẩn bị đi lấy mẫu xét nghiệm, 3 anh em đề nghị được cùng đi luôn.

15 giờ 30 phút: Xuất phát lên đường đi lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn phường.

18 giờ 30 phút: Vừa về tới Trạm Y tế phường thì trời đổ mưa to. Vậy là nhiệm vụ đầu tiên đã hoàn thành. Gần 3 giờ đồng hồ, mấy anh em đã lấy được mẫu xét nghiệm cho gần 200 người. Thay đồ bảo hộ, tắm gội xong, mỗi người có một hộp cơm phần sẵn. Ngày đầu tiên tạm vậy đã. Hôm nay tổ sẽ nghỉ tại đây. Sáng mai tổ sẽ làm việc với UBND phường và thống nhất công việc, điểm làm việc sau.

Ngày 24-8-2021

Buổi sáng, sau khi làm việc với địa phương, tổ quân y được bàn giao cho trụ sở cũ của công an phường làm nơi ở và thành lập trạm y tế lưu động tại đó. Theo kế hoạch, khoảng 490 tổ quân y cơ động của HVQY tăng cường vào lần này sẽ phối hợp hoạt động với các trạm y tế xã, phường để thực hiện các nhiệm vụ: Lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine, chăm sóc các trường hợp F0 điều trị tại nhà, phối hợp chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện nhiệm vụ khác được giao. Vì tổ chỉ có 3 người nên sau khi thống nhất với cán bộ y tế phường, trạm y tế lưu động do tổ quân y phụ trách sẽ đảm nhận việc tư vấn, khám, chữa bệnh ban đầu, cấp cứu, chuyển tuyến cho bệnh nhân Covid-19 quản lý tại nhà và các bệnh nhân thường khác. Do thường xuyên tiếp xúc với F0 nên để tránh rủi ro lây chéo cho các lực lượng khác, trạm y tế lưu động sẽ cơ bản biệt lập.

Buổi chiều, 3 anh em bắt tay vào chuẩn bị sắp xếp, thiết kế trạm y tế lưu động. Ngoài một số vật tư được HVQY trang bị từ Hà Nội, trạm có phần lớn thuốc điều trị Covid-19 từ TP Hồ Chí Minh, Trạm Y tế phường 2 cấp và một số thuốc từ các nguồn tài trợ.

Ngay tối hôm ấy, trạm y tế lưu động có bệnh nhân đầu tiên là nhà hàng xóm ngay bên cạnh. Gia đình có hai cụ già là F0 và người con trai. Tối ấy, cụ ông trở nặng, anh con trai biết có tổ quân y bên cạnh nên sang gọi nhờ khám giúp. Bác sĩ Linh sau khi thăm khám đề nghị cho cụ đi cấp cứu nhưng éo le là nếu con trai đưa bố đi viện thì mẹ già ở nhà một mình không được, mà cũng không thể để hai ông bà đưa nhau đi cấp cứu được... Vậy là cố gắng giúp cụ ông ổn định rồi hướng dẫn gia đình theo dõi điều trị tại nhà, có gì bất thường cần gọi ngay. May sao, sau mấy ngày cụ có vẻ ổn hơn.

***

Những ngày sau đó, trạm y tế lưu động do tổ quân y phụ trách chính thức đi vào hoạt động. Phường 2 có khoảng 17.000 dân, hiện có hơn 500 F0 điều trị tại nhà. Bác sĩ Lê Mạnh Linh phụ trách chỉ đạo chung. Việt và Tuấn sẽ đi cấp thuốc, thăm khám bệnh nhân, cấp cứu khi cần. Thông tin về trạm y tế lưu động và số điện thoại liên hệ của 3 người được in và đưa đến từng hộ trong phường để thuận tiện việc liên hệ. Những ngày đầu đi đến nhà dân, khi nghe Tuấn tư vấn hướng dẫn và nhất là khi giới thiệu về trạm y tế lưu động do lực lượng quân y phụ trách, người dân tỏ ra an tâm hơn. Có hàng xóm của một F0 khi nghe được còn hé cửa sổ nói với sang: "Có quân y ở đây rồi, nhà bác yên tâm nhé!".

***

Ngày 2-9-2021

1 giờ 30 phút: Có bệnh nhân gọi cấp cứu. 3 anh em bật dậy. Nghe tình trạng, phán đoán ca bệnh nặng, Tuấn được phân công, vội mặc đồ bảo hộ rồi cơ động đến nhà bệnh nhân... Bệnh nhân tiến triển xấu quá rồi! Đã hôn mê, độ bão hòa ôxy máu còn 30%, dù cấp cứu tích cực bằng mọi phương tiện hiện có nhưng vẫn ngày càng nặng! Bây giờ nếu có gọi cấp cứu cũng phải mất 1-2 giờ đồng hồ mới chuyển đi được, cơ hội lại gần như bằng 0. Trường hợp này, Tuấn chỉ đành an ủi, động viên người nhà để bệnh nhân ở nhà những giây phút cuối cùng.

Giờ đây Tuấn đã có thể tự tin hơn, nhanh hơn để đưa ra những quyết định với bệnh nhân. Lần trước, gần hai tháng ở Bắc Giang chống dịch nhưng nhiệm vụ của học viên chủ yếu là lấy mẫu xét nghiệm. Còn lần này là trực tiếp khám, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19. Thú thực, khi nhận nhiệm vụ ở trường, dù rất quyết tâm nhưng khi đến nơi, thực tế công việc thường chia ra làm việc độc lập, đôi khi phải đưa ra những tư vấn, quyết định chuyên môn khiến Tuấn có phần lo lắng. Những ngày đầu, Tuấn và Việt sẽ gọi điện thoại về xin ý kiến của bác sĩ Linh. Bây giờ thì đã tự tin hơn nhiều rồi.

4 giờ 30 phút: Rời nhà bệnh nhân mà tâm trạng ai cũng chùng xuống. Lại một ca bệnh không qua khỏi...

5 giờ: Thay đồ, tắm rửa xong, mấy anh em cố chợp mắt thêm chút, không quên kiểm tra pin và để chuông điện thoại to nhất.

6 giờ 30 phút: Điện thoại của 3 anh em bắt đầu thay nhau đổ chuông vì bệnh nhân gọi nhờ tư vấn.

Từ khi thông tin của trạm y tế lưu động được đưa đến nhà người dân trong phường, mỗi ngày tổ quân y nhận được không dưới 100 cuộc điện thoại, nhiều nhất là bác sĩ Linh. Bắt đầu từ sáng đến tối, đêm thì ít hơn vì thường chỉ những trường hợp thật cấp bách người dân mới gọi. Nội dung thì nhiều lắm. Chủ yếu là từ bệnh nhân Covid-19, cũng có rất nhiều người dân thấy đau họng, đi ngoài... hay khó ngủ cũng lo lắng gọi đến xin tư vấn. Sau khi đánh giá tình hình, nhẹ thì sẽ hướng dẫn người nhà bệnh nhân, trường hợp nào cần cấp cứu thì một người sẽ đến tận nơi. Bệnh nhân ổn định thì tiếp tục để ở nhà theo dõi điều trị, nếu cần chuyển tuyến sẽ gọi xe cấp cứu. Rồi có F0 ở vùng cần đi cách ly gọi đến xin không đi vì sợ sẽ chết không về được nhà; có F0 nhẹ ở vùng điều trị theo dõi tại nhà lại gọi tới đòi đi viện. Lúc này lại phải động viên, trấn an, giải thích, tư vấn cho người dân hiểu để an tâm phối hợp cùng các lực lượng chống dịch.

7 giờ 30 phút: Suất ăn sáng được gửi đến. Hằng ngày, quận 4 sẽ chuyển các bữa ăn đến trạm cho 3 anh em.

8 giờ 30 phút: Hôm nay, Tuấn và Việt cùng đi cấp thuốc và thăm khám cho bệnh nhân. Bình thường thì việc này sẽ luân phiên nhau, một người đi cấp thuốc, một người ở nhà trực cấp cứu. Bác sĩ Linh buổi sáng thường có các cuộc họp, trực chỉ huy tại trạm và xử lý những ca khó.

10 giờ: Đến phát thuốc tại nhà một bệnh nhân 70 tuổi. Người nhà báo ông khó thở. Tuấn vội mang túi cấp cứu vào kiểm tra. Chỉ số SpO2 còn 84. Cho bệnh nhân thở ôxy, lát sau tình hình tiến triển tốt hơn. Đợi bệnh nhân ổn định, Tuấn tiếp tục đi nhà khác.

11 giờ: Điện thoại từ bác sĩ Linh báo có ca bệnh cần cấp cứu, Tuấn vội cơ động đến ngay. Lại là một bệnh nhân cao tuổi. Phường 2 tập trung rất nhiều người già neo đơn, không có con cháu ở cùng, hoàn cảnh khó khăn. Nhiều trường hợp không có điện thoại, không biết chữ, khi hàng xóm gọi, đến nơi thì đã muộn rồi. Những lần đầu đi cấp thuốc, thăm khám bệnh nhân, Tuấn thường ghi lại những trường hợp đặc biệt, lần sau đến không quên mang theo chút hoa quả, bánh kẹo các đơn vị, tổ chức gửi đến trạm bồi dưỡng để biếu các cụ.

leftcenterrightdel
Học viên Nguyễn Minh Tuấn đến thăm khám và bón đồ ăn cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà. Ảnh do NVCC

13 giờ 30 phút: Về đến trạm, thay đồ bảo hộ, tắm gội rồi ăn trưa.

14 giờ: Có bệnh nhân cần cấp cứu. Tuấn được phân công đi, nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, lên đường. May mắn, bệnh nhân tiến triển tốt, không phải chuyển tuyến. Tuấn đi thăm khám thêm vài trường hợp bệnh nhân cao tuổi nữa. Một F0 70 tuổi bị tiểu đường nhiều năm bày tỏ sự lo lắng khi nhiều hàng xóm của ông bị tiểu đường nhiễm Covid-19 đã không qua khỏi... Hằng ngày, các thành viên của trạm y tế lưu động đều nhận được nhiều câu hỏi thắc mắc của người dân. Với Tuấn-học viên năm thứ 5, quả thực có rất nhiều điều chưa thể tự tin trả lời bệnh nhân được. Mà chưa chắc chắn thì không thể nói bừa. Đó là trách nhiệm, cũng là uy tín, danh dự của quân đội, của nhà trường và của người thầy thuốc.

17 giờ: Về trạm thay đồ, tắm gội, ăn tối xong xuôi, Tuấn gọi điện thoại hỏi thăm gia đình và thông báo rằng mình vẫn khỏe mạnh.

19 giờ: Tranh thủ vào forum của trường để học hỏi thêm và nghe các thầy cô giải đáp thắc mắc cho học viên. HVQY đã thành lập một diễn đàn online với tổ tư vấn chuyên môn gồm lãnh đạo học viện, các giáo sư, phó giáo sư và cán bộ, học viên đang tham gia các tổ quân y cơ động. Những tình huống chuyên môn khó khăn trong quá trình làm việc được đưa lên diễn đàn và các thầy cô sẽ giải đáp, tư vấn. Có sự hỗ trợ, sát cánh của các thầy cô quả thực rất bổ ích và là chỗ dựa tinh thần rất lớn cho học viên.

23 giờ: Điện thoại gọi tư vấn thưa dần. Mấy anh em tranh thủ ngủ, không quên kiểm tra pin và chuông điện thoại đã ở mức to nhất. Hy vọng đêm nay sẽ không có bệnh nhân nào cần gọi!

-----------------------------

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP

HOÀNG DƯƠNG (ghi)