Trạm giao liên đầu tiên-trạm đầu mối của miền Bắc, đặt ở làng Ho, nằm sâu trong vùng núi cao của tỉnh Quảng Bình. Các chiến sĩ giao liên trẻ lắm. Cậu bé giao liên gùi thùng hàng nặng oằn lưng, dẫn đường đơn vị tôi leo lên đỉnh núi. Con đường hiểm trở đến mức có đoạn phải đào đất tạo ra những bậc thang, cắm chắc cọc để bám chân khỏi trượt ngã; có đoạn phải bám vào thân cây, rễ cây, đầu gối cụng mũi mới leo lên được. Lên đến hơn hai phần ba dốc, hàng chục anh em vác cối 82, ĐKZ 57 bị trụt bắp chân, không thể leo tiếp. Số anh em khỏe và cậu bé giao liên phải lộn trở xuống để hỗ trợ toàn đơn vị vượt qua đỉnh núi quanh năm bao phủ sương mù, buốt giá tê cóng.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH

Ngay từ ngày đầu tiên vượt Trường Sơn, cậu bé giao liên giàu tinh thần tận tụy, trách nhiệm ấy đã gây cho tôi niềm xúc động, quý trọng và biết ơn. Tôi không bao giờ quên được bóng dáng nhỏ bé, thân thương của người giao liên lầm lũi giữa rừng sâu ấy.

Khi lội qua đầu nguồn con nước nhỏ, có tiếng truyền đạt của người giao liên lan dài khắp đoàn quân: “Bến Hải vượt nhanh! Bến Hải vượt nhanh!”. Hai tiếng Bến Hải bỗng nhói tim tôi nỗi nhớ, niềm đau, rực lửa căm thù giặc. Đi trên đất Lào, người giao liên dẫn chúng tôi đi vòng vèo, quanh co sườn dãy núi cao hơn 1.802m. Nhìn về Trường Sơn Đông là cả một thung lũng mây giăng dài. Chợt thấy, mình đã đi bên trên tầng mây. Người giao liên bé nhỏ khom lưng dưới gùi đạn nặng trĩu, mồ hôi túa ròng ròng ướt sũng áo quần như tắm, chân vẫn đi thoăn thoắt, mặt thanh thản, vui tươi. Hình bóng em giao liên như cánh chim trời bay liệng trong gió, mây trên những đỉnh cao non ngàn.

Trở về Đông Trường Sơn, chúng tôi lại đi trên những lối mòn đất đỏ bazan chui lủi xuyên rừng thẳm, núi cao, hố sâu. Tiếng Kinh chưa sõi, cậu bé giao liên người dân tộc thiểu số vừa đi vừa chặt cành cây rấp những con đường mòn cắt ngang và nói với chúng tôi: “Bộ đội chỉ được đi theo con đường mình dẫn thôi. Không được đi con đường rấp cành lá kia. Lạc trong rừng. Chết đấy! Cái chân mình nó không đi tìm được đâu! Cái chân mình chỉ đủ đưa bộ đội, đưa hàng vào rồi đưa người, đưa hàng ra là trời tối mà. Nó không kịp về trạm, ngủ giữa rừng không được đâu”…

Vượt qua đoạn Đường 14 địa đầu tỉnh Kon Tum là chặng đường hành quân nguy hiểm nhất. Chiến sĩ giao liên dừng đơn vị nghỉ cách đường 100m và nói với chúng tôi: “Cấp trên dặn là các thủ trưởng không được cho bộ đội nói to, làm ồn. Phải trải vải nhựa ở chỗ vượt qua đường và cho bộ đội canh gác xa ở hai đầu. Bộ đội phải im lặng chạy qua thật mau. Xong rồi, thu hết vải nhựa. Cấp trên bảo cháu ở đây mà lộ bí mật là Đảng đứt liên lạc đấy! Cháu làm không đúng, không tốt là bị kỷ luật đấy, không được làm giao liên nữa…”.

Sau hơn 65 ngày chân đất vượt đại ngàn Trường Sơn, chúng tôi đến địa điểm đứng chân an toàn. Tâm trạng của tôi là người về góp phần giải phóng quê hương hòa đồng với sứ mệnh của người giao liên Trường Sơn làm con thoi dệt đời thống nhất, giữ mạch máu Đảng chảy về tim nhân dân, khiến tim tôi rung động, cảm phục. Tôi viết bài thơ đầu tay “Ơi người giao liên!” vào giữa tháng 11-1961: Từ sớm tinh sương/ Giao liên lên đường/ Gùi hàng mang nặng/ Nặng tình quê hương/ Ơi người giao liên/ Trường Sơn ta đó/ Đẹp như bài thơ/... Ơi người giao liên/ Tên anh dịu hiền/ Dài theo đất nước/ Sớm chiều xuôi ngược/ Đầu núi cuối trời/ Anh làm con thoi/ Dệt đời thống nhất...

Lưu vực sông Xà Lò rộng lớn cách tiền đồn Măng Đen của Kon Tum và quận lỵ Ba Tơ của Quảng Ngãi 4 ngày đi bộ đường rừng núi, trở thành căn cứ địa của đơn vị tôi, các tiểu đoàn bộ binh, các đại đội đặc công, trường y tá của quân khu, những cơ quan dân sự của Kon Tum, Quảng Ngãi và trạm giao liên của đường dây 559.

Ở đây, có một em gái dân tộc Hơ Rê làm giao liên tên là Mơ Thưng, nhiều người rất mến yêu. Bởi lẽ, em thuộc đường rừng như lòng bàn tay. Có những lần bị lính biệt kích địch mật phục, hoặc địch đổ quân càn quét chặn đường, Mơ Thưng đã ngắm hướng, luồn rừng sâu, vượt qua vòng vây của địch, dẫn người đi đến đích an toàn.

Tôi có một kỷ niệm sâu sắc với Mơ Thưng. Đầu tháng 12-1961, đi chuẩn bị chiến trường, tôi bị một cơn sốt rét nặng, lại bị thương ở chân do tai nạn lao động bất ngờ, phải vào nằm Bệnh xá Kon Tum. Ngày rời bệnh xá, tôi yếu quá, chân lại sưng tấy lên. Thấy tôi đi không nổi, Mơ Thưng lo lắm, đã khoác ba lô tôi lên vai em và động viên tôi cố gắng đi kẻo không kịp trời tối. Qua một dòng sông nước xiết, Mơ Thưng nắm tay dìu tôi bước qua từng mỏm đá. Qua sông, tôi hỏi Mơ Thưng bao nhiêu tuổi? Em bảo: “Không nhớ. Mẹ cột một dây vải đỏ trên bếp. Mỗi mùa rẫy, mẹ gút một gút để làm dấu cái tuổi. Lâu rồi, chưa được về thăm mẹ. Chưa nhớ rõ bao nhiêu cái gút!”. Tôi lại hỏi: “Vì sao Mơ Thưng đi làm giao liên?”. Em nói: “Vì em thuộc đường rừng. Chú Hương, trạm trưởng đến xin mẹ. Mẹ đồng ý. Mẹ khuyên em đi làm giao liên là: Lam bró cách mạng (tiếng Hơ Rê là đi làm cách mạng), phải làm việc cho tốt, phải giúp đỡ mọi người, không được làm việc gì xấu…”.

Trên chặng đường qua cái rẫy cũ bỏ hoang, Mơ Thưng vừa đi vừa hái những bông hoa dã quỳ và hoa rừng khác. Đến một nơi có một ngôi mộ. Mơ Thưng đặt hoa lên trên nấm mồ. Em lay lay cây cọc làm dấu. Thấy còn cứng, em nhanh tay bứt sạch cỏ quanh mộ. Đến chỗ nghỉ, trả lời câu hỏi của tôi, em nói: “Mỹ ném bom ở đây. Dân làng bỏ làng, bỏ nương rẫy, dời hết lên núi cao ở rồi. Hồi xưa, có một anh giải phóng trẻ lắm, bị sốt rét, và chết ở đây. Dân làng chôn ở đó. Thương anh ấy lắm! Anh ấy nằm ở đây một mình, lạnh lẽo, không có ai chăm nom. Em đã cho chú Hương biết chỗ ngôi mộ. Thủ trưởng làm sao nói cấp trên đưa anh ấy về chỗ chôn chung nhiều ngôi mộ cho anh ấy ấm”. Mơ Thưng rơm rớm nước mắt và mắt tôi cũng rưng rưng…

Về đến đơn vị, hình ảnh Mơ Thưng-cô giao liên Trường Sơn, mãi xao động lòng tôi. Tôi ôn lại những gì đã diễn ra và viết bài thơ “Cô gái Trường Sơn” vào đầu tháng 1-1962: Ai đi nước Pek, nước Pleng/ Ai xuống nước Lũ, ai lên nước Chè/ Ai xuôi Gió Vụt về quê/ Đừng quên cô gái Hơ Rê dẫn đường/ Tên em thương lắm Mơ Thưng/ Đang chờ ta đó! Núi rừng mênh mông…/ “Đi thôi anh, nắng ăn rồi cái núi/ Con dốc còn dài, nhiều suối còng quanh”/ Em cười mắt sáng long lanh/ Ba lô tôi nặng, em giành đeo vai/ Đùm cơm sắn, chiếc gậy mây/ Đầu trần, chân đất, suốt ngày em đi/ Khi hố thẳm dầm dề mưa trút/ Khi đèo cao nắng bốc lửa thiêu/ Lúc thác ghềnh đã nhảy người treo/ Lúc hút bóng từng mây chót vót/ Mắt Mơ Thưng luôn nhìn phía trước/ Bước nhanh, nhanh bước/ Rút ngắn núi rừng/... Chân tôi theo nước xuôi dòng/ Mà lòng tôi ngược theo đường Mơ Thưng...

Từ sau năm 1962, chiến tranh ngày càng mở rộng. Những con đường mòn thời sơ khai trên các đỉnh núi cao không còn nữa mà được hạ xuống thấp, và đường Trường Sơn cơ giới hóa, nhằm đáp ứng yêu cầu đại quân ta vào Nam tiến hành những trận đánh lớn.

Vượt qua khó khăn, đối mặt với hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt của núi rừng, đói nghèo, thiếu thốn trăm bề đến cùng cực, nhưng được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc, đã tạo cho các chiến sĩ giao liên Trường Sơn lòng trung thành vô hạn với Đảng. Tâm hồn họ thật trong sáng, thật thà, chất phác, hy sinh cống hiến thầm lặng thật cao cả mà không hề đòi hỏi một sự đãi ngộ nào...

Ai còn nhớ, ai đã quên người giao liên Trường Sơn thời đạn bom? Riêng tôi, hình ảnh những chiến sĩ giao liên bé nhỏ và em gái Mơ Thưng mãi khắc đậm trong tim. Họ đã cho tôi cảm xúc có được hai bài thơ “Ơi người giao liên!” và “Cô gái Trường Sơn”. Và thật bất ngờ, không biết ai đã gửi các bài thơ của tôi trong đó có bài thơ “Cô gái Trường Sơn” ra miền Bắc, rồi bài thơ được in trong Tuyển tập thơ miền Nam chọn lọc 1960-1965, 1960-1970, được tặng Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu, được đưa vào sách giáo khoa nghiên cứu, bình giảng văn học cách mạng miền Nam...

Ơi các em giao liên Trường Sơn thân thương! Giờ này các em đang ở nơi đâu?

Hồi ức của Đại tá, nhà thơ HỒ NGỌC SƠN