Đêm Ba mươi, chúng tôi hầu như không ngủ. Anh Ngọc bất ngờ hỏi Trần Hữu Tòng rằng ngày viết cuốn “Bên dòng Păng Pơi”, anh có hào hứng không? Anh Tòng bảo không nhớ nữa, chỉ biết cấp trên gọi đi trại viết thì cố viết cho xong. Cho đến tận bây giờ sự nghiệp văn học của anh Tòng vẫn nổi lên cuốn sách ấy. Văn chương nhiều khi trái khoáy như vậy, có lúc đủ điều kiện viết, lại được ăn ngon, có thầy, có thợ hẳn hoi mà kết quả không bằng một cuốn viết vội, tự mình xoay xở.

Tết ấy ở Binh trạm 15 khá vui vì có hai đoàn văn công Tuyên Quang và Yên Bái cùng về trạm, ăn Tết ở trạm. Đêm Giao thừa, hai đoàn dựng chung một sân khấu, cùng biểu diễn các tiết mục đặc sắc nhất của đoàn cho bộ đội xem. Trong số nghệ sĩ, diễn viên của hai đoàn văn công cấp tỉnh, tôi, Anh Ngọc và vài anh em quý nhất em Minh Thu kéo đàn violin. Tôi nhớ, tôi và nhà thơ Anh Ngọc muốn cô Thu đến vào giờ Giao thừa để chúc Tết. Thu đến với cây đàn và nói, em kéo bài “Trên quê hương quan họ” của anh Phó Đức Phương. Bấy giờ bài đó đang được phổ biến rộng rãi, lính rất thích. Có đơn vị còn ghi âm bài này vào băng, đặt máy phát trên đỉnh dốc, cho bộ đội nghe khi lên dốc.

Khi có Minh Thu với cây đàn xuất hiện thì tất nhiên thơ ra rìa. Thu là cô gái nhỏ nhắn và nhẹ nhàng. Lính kê hai hòm đạn chồng lên nhau, bảo Thu rằng em cứ đứng lên đây, không cần đàn, chỉ xõa tóc cho bọn anh ngắm là đã thỏa rồi. Minh Thu đứng lên mặt hòm đạn với cây đàn. Thu bảo, bây giờ các anh thích bài nào, em đàn bài ấy. Tiếng lính lao nhao thích bài này, bài kia. Thu bảo, vậy thì các anh thích nhất 3 bài: “Lên ngàn” của Hoàng Việt, “Bài ca hy vọng” của anh Văn Ký và “Trên quê hương quan họ” của anh Phó Đức Phương. Em biểu diễn cả 3 bài ấy. Hôm nay là ngày vui, coi như là biểu diễn theo yêu cầu của khán giả.

leftcenterrightdel
 Minh họa: KHÔI NGUYÊN

Buổi chiều ngày mồng Một Tết, tôi và nhà thơ Anh Ngọc được mời đến thăm anh em thương binh, bệnh binh ở trạm điều dưỡng. Một số thương binh, bệnh binh do bệnh trọng, được gửi thẳng ra Bắc. Còn một số bị thương nhẹ hoặc đau ốm loàng xoàng thì về điều dưỡng một thời gian, hồi phục sức khỏe lại quay ra chiến trường.

Tháng Giêng, tháng Hai năm 1975, bộ đội vào chiến trường như thác đổ. Thấy tình hình đã khác, ngày tổng tiến công giải phóng đến nơi, nhiều anh em bộ đội không muốn ra Bắc mà quay lại chiến trường xưa. Ở trạm thương binh này cũng vậy. Các anh muốn có mặt ở mặt trận trong thời điểm cuối của cuộc kháng chiến, nơi có anh từng gắn bó máu thịt cả chục năm gian khổ.

Vì thế Binh trạm 15 bỗng phình ra vì bộ đội nán lại xem tình hình thế nào thì quay lại chiến trường chứ không ra. Tôi nhớ ông trạm trưởng đeo chiếc ba lô đầy sách, nói với lính, được thôi, các anh muốn quay lại chiến trường, tôi sẽ điều xe cho các anh đi hết. Nói vậy thôi chứ ông không điều được xe mà phải thuyết phục số anh em ra Bắc lên xe để đưa đi, không nán ở lại vì trạm không nuôi được.

Ngày mồng Hai Tết xem ra đầy đủ hơn ngày mồng Một. Bởi mồng Hai anh em làm thịt lợn. Cơm, thịt ê hề.

Trạm trưởng nói với tôi và Anh Ngọc là các anh cứ ở lại trạm một thời gian dưỡng sức rồi hãy vào Quân khu 6. Trong ấy sắn cũng thiếu. Tuy nhiên chúng tôi vẫn quyết vào Quân khu 6 nhanh nhất. Chúng tôi ngồi ô tô qua các cánh rừng cao su rồi đổ bộ xuống bờ sông Đồng Nai. Ở đây có thuyền nhưng do nữ lái. Thì ra chúng tôi được đón đến tiểu đoàn đặc biệt của quân đội, tiểu đoàn toàn gái, chỉ có một ông tiểu đoàn trưởng là trai, nhưng chính ông tiểu đoàn trưởng cũng phải xin sang đơn vị khác.

Hai nhà báo nam lọt vào tiểu đoàn nữ, được chăm sóc như các ông hoàng, ăn cơm có cá nướng do các cô bắt ở sông, suối, có thịt gà cũng do các cô bắn được trong rừng. Nhiệm vụ của chúng tôi ở đây là chờ các cô đưa qua Đường 20 lọt sang đất Phan Thiết (nay thuộc tỉnh Ninh Thuận). Vừa qua những ngày Tết, hoạt động của bộ đội quay lại nhịp bình thường. Chừng mười giờ đêm, tôi và Anh Ngọc theo tốp các cô vận tải vượt đường. Các cô đẩy hàng bằng xe đạp thồ, còn chúng tôi chỉ mỗi chiếc ba lô lép. Chỗ vượt đường của chúng tôi nằm giữa khoảng cách hai đồn địch gác Đường 20. Hôm ấy động tĩnh thế nào mà địch bắn khá nhiều cối ra cánh rừng áp sát đường. Các cô bảo chúng tôi nấp vào một gờ đất. Chờ cả giờ đồng hồ, địch vẫn bắn, cô tiểu đội trưởng bảo, tình hình hôm nay không bình thường, để em cho một cô dẫn các anh quay lại đơn vị. Tất nhiên chúng tôi phải nghe cô. Chúng tôi được dẫn quay lui, nhưng các cô vẫn ở lại. Mãi đến gần sáng, chúng tôi mới thấy tiếng con gái lao xao ở khu trú quân. Thì ra các cô đã vượt đường đưa hàng sang Phan Thiết rồi mới quay lại. Anh Ngọc nói vào tai tôi, mình là đàn ông mà hèn quá. Các cô ấy vượt được đường sang Phan Thiết, còn mình thì nằm lại. Tôi bảo Anh Ngọc, tối mai có chết cũng vượt đường sang bên kia.

Anh Ngọc bảo tôi, ta phải đi giúp các cô thôi. Anh đi tìm thùng để xách nước từ sông Đồng Nai về cho các cô tắm rửa. Nhưng chúng tôi tìm được thùng xách nước thì bể nước lót bằng ni lông đã đầy. Thì ra các cô phục vụ đã chủ động làm thay chúng tôi việc lấy nước.

Ở với đại đội nữ mấy ngày, cô Thành, đại đội trưởng bảo, các anh đừng vội đi. Các cơ quan của Quân khu rất khó, một vài anh em là nhà văn, nhà báo từ Hà Nội vào công tác phải lên ở trại sản xuất, tự trồng sắn và ngô để ăn, không được cung cấp gạo. Trong số nhà văn vào Quân khu 6 trước chúng tôi có anh Nguyễn Trọng Oánh hiện đang ở khu tăng gia, tự trồng sắn, trồng khoai và ngô để có cái ăn. Tôi và Anh Ngọc bàn với nhau rồi nói với ông Trưởng ban Tuyên huấn rằng, chúng tôi xin xuống các đơn vị. Anh Ngọc xin đi vùng ven Phan Thiết, sống với du kích và bộ đội địa phương còn tôi xin theo Tiểu đoàn 2 chủ lực. Cả Quân khu chỉ có một tiểu đoàn chủ lực thôi. Sau năm 1968, tiểu đoàn chủ lực bị đẩy vào rừng, phải ăn lá bép mấy tháng nhưng cắn răng chịu. Cho đến khi anh chị em du kích biết việc này mới tìm gạo, đêm đến cứu đói. Anh em phải ăn cháo mấy ngày cho quen rồi mới dám ăn cơm.

Ấy là nói về năm 1967, 1968 còn từ năm 1969, 1970 trở đi, do bộ đội ta chủ động hoạt động đánh diệt gọn một vài đồn bốt ngăn chặn, mở thông đường xuống nông thôn, cuộc sống của bộ đội đỡ khó khăn.

Bây giờ là Tết năm 1974, sang năm 1975. Quân khu 6 vẫn là vùng khó, nhưng gạo cho bộ đội không thiếu nữa. Đường Trường Sơn đã thông về tận Bù Đốp. Gạo không thiếu. Đạn không thiếu. Quân khu 6 khó khăn cả chục năm giờ đủ gạo, đủ đạn. Thực phẩm tươi cũng không thiếu vì mua được trong dân. Quân khu quyết định cho Tiểu đoàn 2 chủ lực đánh căn cứ Hoài Đức. Vì Tây Nguyên vừa giải phóng, địch chẳng còn hồn vía mà giữ căn cứ chơ vơ giữa cả vùng giải phóng, nên ta đánh lấy căn cứ dễ như trở bàn tay. Đánh Hoài Đức xong, Quân khu quyết định đưa cả tiểu đoàn ra Đường 20, có xe đón lên Đà Lạt.

Nhưng xe chỉ đi được vài giờ đã phải dừng vì cầu bị địch phá mất. Thế là cả tiểu đoàn đi bộ. Bấy giờ đã vào đầu tháng 4, nắng nóng. Sáng ngày 3-4, chúng tôi vào thành phố. Có hàng nghìn người Đà Lạt, nhiều người ôm hoa đón bộ đội giải phóng mặc dù cả thành phố súng đang nổ loạn. Chúng tôi, những người vào thành phố trước được ấn lên xe ô tô. Từ trong xe, có anh giơ cái mũ cối ra, hô Quân Giải phóng đã về thành phố. Thế là tiếng súng của bọn cướp của im dần. Tôi được dẫn lên chùa Minh Quang, nơi có hàng nghìn phật tử đang tập trung. Người dẫn đường nói với tôi, anh nói với phật tử vài câu, để bà con yên tâm. Quả thực tôi không biết nói gì, chỉ bảo, bộ đội đã về thành phố. Từ lúc này bà con yên tâm về nhà. Hòa bình rồi, không còn chiến tranh nữa. Bà con vỗ tay rầm rầm.

Ông Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 bỗng tuyên bố với anh em, trong đó có tôi cùng nghe, mặc dù hôm nay đã là ngày 3-4, qua Tết mấy tháng, nhưng tôi cho anh em ăn Tết lại. Buổi chiều, chúng tôi có bữa Tết, cũng là để mừng ngày giải phóng Đà Lạt luôn. Bữa cơm khá đông khách, là cả một đại đội nữ vận tải, nên khá vui.

Một cái Tết muộn. Nhưng đã là lính, nhất là ở chiến trường, thì Tết muộn là bình thường, có hơn không.

HÀ ĐÌNH CẨN