Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Phan nổi tiếng về thổi sáo một thời, được nhiều thế hệ khán giả cả nước ngưỡng mộ. Ông nguyên là Đoàn trưởng Đoàn Ca múa nhạc của Đài tiếng nói Việt Nam, giảng viên Khoa Nghệ thuật dân tộc của Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Việt Nam, giảng viên Nhạc viện Hà Nội và Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội… Ngọc Phan còn viết nhạc phối khí cho dàn nhạc, sáng tác và dàn dựng nhạc cho nhiều tác phẩm sân khấu, chỉ huy dàn nhạc dân tộc… Ông còn là người thầy đã có công đào tạo nhiều nghệ sĩ thổi sáo cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Tiếng sáo véo von, bay bổng của ông được phát thường xuyên trên sóng phát thanh…

Nghệ sĩ Ngọc Phan

Quê gốc của ông ở Hải Phòng, từ nhỏ chuyển lên Hà Nội học sáo và âm nhạc, ông tốt nghiệp bộ môn sáo-Khoa Nhạc cụ dân tộc-Trường Âm nhạc Việt Nam từ khóa đầu tiên, vào năm 1956. Giảng viên dạy sáo cho ông ngày đó là thầy Bẩy Ghì, nghệ nhân sáo tiêu, là nhạc công Đoàn Cải lương Chuông Vàng-Hà Nội. Năm 1959, ông về nhận công tác tại đội ca Huế, thuộc Đoàn Ca múa của Đài tiếng nói Việt Nam và gắn bó làm việc với đoàn từ đó cho đến ngày nghỉ hưu. Cũng từ đó, tiếng sáo Ngọc Phan được phát thường xuyên trong các chương trình văn nghệ của Đài tiếng nói Việt Nam, như: Độc tấu sáo những bản nhạc dân ca, hòa tấu dàn nhạc dân tộc, thổi sáo đệm cho các nghệ sĩ Nguyễn Thị Phúc, Trần Thị Tuyết, Linh Nhâm, Kim Cúc… ngâm thơ.

Ngọc Phan cho biết, học sáo khó nhất là kỹ thuật thổi đánh lưỡi, rung lưỡi mà vẫn đẩy hơi vào ống sáo, bí quyết giữ hơi, nhả hơi để âm thanh sáo phát ra khoẻ, không bị đuối, mới thể hiện đúng trường độ cao, thấp, ngân nga, bay bổng của giai điệu. Muốn thổi sáo hay và điêu luyện thì người nghệ sĩ bắt buộc phải khổ công tập luyện. Ngay như sáo dùng để biểu diễn, không phải chỉ dùng một cây sáo là chơi được tất cả các làn điệu, bài hát, mà nghệ sĩ phải sử dụng nhiều loại sáo khác nhau. Biết cách chọn sáo dùng thổi bài hát, sáo dùng ngâm thơ, sáo dùng đệm theo giọng hát, giọng ngâm thơ khác nhau… của từng nghệ sĩ. Ông là nhạc sĩ sáng tác nhạc, nghệ sĩ biểu diễn sáo, đồng thời có nhiều sáng tạo, đóng góp cải tiến cây sáo dân tộc, nghiên cứu mở rộng âm vực cho cây sáo từ 1 quãng 8, mở lên 3 quãng 8, để cây sáo thể hiện được cung độ các nốt ở âm quãng cao nhất. Thời trước, cây sáo thường có 6 lỗ, khi thổi sáo dùng 6 ngón tay bịt, mở 6 lỗ trên thân sáo để tạo ra những nốt nhạc cao thấp khác nhau. Loại sáo này chỉ thổi được những bài dân ca đơn giản, không dùng thổi được những bài hát mới, nhạc hiện đại. Ngọc Phan đã kiên trì tập luyện để dùng loại sáo "nhà nghề" loại 10 lỗ và 12 lỗ để thổi được giai điệu cao, thấp và luyến láy. Qua đó thả được tâm hồn mình vào cây sáo, để tiếng sáo làm lay động tâm hồn người nghe.

Ngày trước, cây sáo được dùng rộng rãi ở trong thanh niên ở các làng quê. Thời niên thiếu với những kỷ niệm thổi sáo trên lưng trâu, thổi sáo trong đêm dưới ánh trăng… đã trở thành những ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ thanh niên nông thôn. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cây sáo là người bạn thân thiết ở trên ba lô, theo anh bộ đội ra mặt trận đánh giặc, tâm tình với người chiến sĩ mỗi khi nhớ nhà, nhớ người yêu và quê hương… Để đáp ứng cho phong trào văn nghệ quần chúng thời đó, Đài tiếng nói Việt Nam mở chương trình dạy thổi sáo trên sóng phát thanh, Ngọc Phan là người "đứng lớp" của chương trình kéo dài suốt 3 năm, từ năm 1963 đến năm 1965. Hiện nay tuy đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn tham gia sinh hoạt đều đặn tại Câu lạc bộ Dân ca đàn và hát của Đài tiếng nói Việt Nam, tham gia dạy học tại các trường nghệ thuật, mở lớp dạy sáo tại nhà riêng và vẫn say mê sáng tác nhạc cho các loại sáo…

Bài và ảnh: Hoàng Nam