Đường đến bản Mùa Xuân

Chúng tôi quyết định băng rừng để vào bản Mùa Xuân trong sự ái ngại của mấy anh chị công tác ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Sơn, bởi thời tiết mấy hôm nay mưa, đường đất rất khó đi. Khó nhất là hơn 10km đường đất với nhiều dốc cao, trơn trượt, đi xe máy cũng phải người trước dắt xe, người sau đẩy mới có thể vượt được dốc...

Huyện Quan Sơn có 3 bản người Mông là Ché Lầu (xã Na Mèo), Mùa Xuân và Xía Nọi (xã Sơn Thủy). Từ trung tâm huyện, tôi liên lạc với cô giáo Phạm Thị Lựu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Thủy. Thế là cô Lựu cử cô Phạm Thị Thóa đi cùng để dẫn đường đưa tôi đến bản Mùa Xuân. “Tuổi thanh xuân của em gửi hết cho Mùa Xuân”, cô Thóa mở đầu câu chuyện với câu nói thật nhưng nghe rất hình tượng như thế.

Cô Thóa kể tiếp: “Năm 2007, em được cử về bản Mùa Xuân công tác, đường sá đi lại khó khăn hơn hiện nay rất nhiều, chỉ có con đường mòn rộng khoảng 50-60cm, nó như sợi chỉ nhỏ vắt ngang qua các đỉnh đồi, trời mưa thì không ai dám đi xe, chỉ có cuốc bộ. Mà đi bộ ba mươi, bốn mươi cây số thì chả ai đi được. Sợ nhất là vắt rừng, nhiều vô kể, cây cối um tùm, sơ sểnh là vắt bám vào người". Cũng theo lời cô Thóa, ngày ấy đến với điểm trường Mùa Xuân phần lớn là đi nhờ xe kết hợp cuốc bộ, nhưng cũng chỉ nắng ráo mới về được nhà ở trung tâm xã, cách bản khoảng 30km. Mùa mưa thì gần như các cô giáo ở đây chỉ ở lại trường lớp, không đi đâu được.

leftcenterrightdel
Điểm trường mầm non Mùa Xuân nhìn từ trên cao. 

Những con dốc dựng đứng, những vòng cua tay áo cứ ngày một nhiều hơn đã ngắt quãng câu chuyện giữa chúng tôi và cô Phạm Thị Thóa. Trời chỉ lất phất mưa nhẹ nên chúng tôi vẫn quyết tâm chinh phục những cung đường ngoằn ngoèo, lầy lội để vào bản Mùa Xuân. Có những đoạn sống trâu, gồ ghề, tiếng gầm xe cộ sột xuống đường, buộc những người trên xe phải xuống xi nhan...

Lên đỉnh dốc sương mù giăng kín, tầm nhìn chỉ được trên dưới 10m. Đường xuống dốc là con đường đất, sống trâu, gồ ghề, trơn trượt; có những đoạn dốc đứng, bánh xe không di chuyển được mà xe cứ từ từ trượt xuôi. Một bên là vực thẳm, một bên là vách núi, nguy hiểm rình rập, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đến con dốc cuối cùng, cách bản Mùa Xuân 3km, đây là con dốc đứng nguy hiểm nhất, chúng tôi buộc phải để xe lại và nhờ các cô giáo ở điểm trường ra đón.

Suốt buổi sáng vượt đèo leo dốc, chúng tôi cũng đến được với điểm trường bản Mùa Xuân với những cung bậc cảm xúc khó quên. Bản tên là Mùa Xuân, nhưng đường đến với bản không dễ chịu chút nào...   

Những bông hoa rừng ngát hương

Tiếp chúng tôi trong căn bếp đơn sơ được quây bằng 4 bức vách nứa, chuyện nghề, chuyện bám trường, chuyện lấy chồng được các cô giáo hào hứng chia sẻ, thi thoảng lại vang lên tiếng cười vui. Tôi chợt nhận ra, chỉ những ai đã trải qua cuộc sống nơi núi rừng biên cương, ngày đêm bám lớp, bám trường, đối mặt với những khó khăn của cuộc sống nhưng vẫn lạc quan và vượt lên tất cả mới có được phong thái, nụ cười như thế.

Tôi có ý hỏi chuyện chồng con, cô giáo Ngân Thị Vui cười: “Anh ơi, khó nói lắm, chúng em đã trên dưới 40 tuổi cả rồi, chồng con gì nữa ạ! Những khó khăn, vất vả thành quen. Niềm vui của các con ngày ngày đến trường là niềm hạnh phúc của các cô. Với em, đây là gia đình rồi, anh không thấy hằng ngày em vẫn đang có cả trăm con nhỏ đó sao”. Lời tâm sự mộc mạc của cô giáo Vui làm trong tôi rộn lên sự cảm thông, mến phục. 

leftcenterrightdel
Cô giáo Lương Thị Lan và các cháu ở điểm trường mầm non Mùa Xuân. 

Cô giáo Vui quê ở bản Xuân Thành, gần trung tâm xã Sơn Thủy, còn cô giáo Lê Thị Nhung quê ở huyện Triệu Sơn. Đây cũng là hai cô giáo có thâm niên bám bản Mùa Xuân lâu nhất đến thời điểm hiện nay. Cả hai cô đều chưa lập gia đình. Chiếc chiếu trải giữa nền nhà, với mâm cơm đạm bạc, cô giáo Nhung vui vẻ: “Hôm nay chúng em mời các anh ăn cơm vùng cao nhé!”. Công việc hằng ngày của cô Nhung là nấu ăn cho các cháu. “Anh thấy đấy, mỗi cháu đến lớp thường đem theo cặp lồng cơm, kinh phí hỗ trợ không đủ để chi trả ăn toàn phần cho các cháu. Quanh vườn, quanh trường, chúng em đều tận dụng cải tạo đất để trồng rau, góp phần cải thiện bữa ăn cho các cháu", cô giáo Nhung chia sẻ.

Cô giáo Lương Thị Lan đến nay đã có 7 năm bám các điểm trường mầm non nằm dọc vùng biên giới huyện Quan Sơn. Cô Lan được xem là "tân binh", bởi vừa về điểm trường Mùa Xuân từ đầu năm học mới. Gia đình cô Lan ở thị trấn Quan Sơn, chồng là nhân viên bưu điện thị trấn. Cô lên điểm trường Mùa Xuân, hai con nhỏ phải để bố và ông bà nội chăm nuôi. Cô giáo Lan tâm sự: “Em đến với điểm trường Mùa Xuân được 4 tháng rồi. Trước đây em dạy bên Na Mèo. Với em, công việc chăm sóc các cháu đã là nghiệp rồi, nhưng nhớ và thương con lắm anh ạ. Nhiều đêm nằm không ngủ được vì thương con, nhớ nhà...".

Trong 4 cô giáo bám điểm trường Mùa Xuân thì có duy nhất Thao Thị Xua là người bản địa. Là người Mông nên cô Xua ngoài nhiệm vụ chuyên môn, hằng ngày còn bổ túc tiếng Mông cho các cô giáo dưới xuôi lên. Tiếng là bản địa nhưng cô giáo Xua lại lấy chồng tận xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, cách điểm trường Mùa Xuân hơn 100km. Từ ngày đến với các điểm trường ở xã Sơn Thủy, cô Xua phải đem theo hai con nhỏ đến nhà ngoại để tiện việc chăm sóc.

Màn đêm buông xuống, khắp bốn bề bản Mùa Xuân sương mây bao phủ, trong giá lạnh vùng biên, cả nhóm chúng tôi quây quanh bếp lửa, kể cho nhau nghe chuyện đời, chuyện nghề, thi thoảng vang lên tiếng cười nói giòn tan của các cô giáo trẻ. Trầm ngâm bên bếp lửa, cô giáo Vui tâm sự, công tác nơi vùng biên cương này, cùng sống với đồng bào còn nhiều khó khăn, vì thế cần lắm những con người biết hy sinh, biết vượt lên hoàn cảnh để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu không có tình yêu nghề, lòng yêu trẻ, tình cảm với người dân thì sẽ không thể bám trụ được...

Trời mưa rả rích. Tại khu vực bản Mùa Xuân, mưa là không thể đi và không thể về! Mưa là bản Mùa Xuân coi như cách ly với thế giới bên ngoài... Giữa mênh mông đại ngàn núi rừng biên cương, tôi cảm phục sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của những cô giáo, họ như những bông hoa rừng đang ngày đêm tỏa ngát hương thơm, làm việc tốt đẹp cho đời. Tôi chợt nhớ đến lời của đồng chí Hà Thị Hiếu, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Sơn: "Các anh lên biên giới phải đến tận những điểm trường xa xôi, khó khăn nhất của vùng biên này. Đến đó, các anh mới cảm nhận hết được sự tận hiến của những thầy giáo, cô giáo để ươm mầm xanh cho đất nước...".

Bài và ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH