Theo Từ điển Thành ngữ Việt Nam (Viện Ngôn ngữ học, NXB Văn hóa Thông tin, năm 1993), “Nói có sách, mách có chứng” có nghĩa là: “Nói đúng sự thật, có chứng cứ rõ ràng và có thể kiểm chứng được”. Còn Từ điển Tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, năm 2010) lại cắt nghĩa: “Nói ra điều gì thì cũng nên lấy sách vở làm chỗ dựa (cho người nghe dễ tin hơn); mách với ai điều gì thì cũng nên kèm theo chứng cứ (cho dễ thuyết phục họ hơn)”. Về cơ bản, cả hai cách định nghĩa trên là giống nhau, đều khẳng định vai trò của sách vở, chứng cứ là vô cùng quan trọng khi cần phải minh chứng một điều gì nhằm thuyết phục người khác. Như vậy, nếu xếp loại, giới chuyên môn cho rằng đây là một câu tục ngữ nói về kinh nghiệm trong cuộc sống.

Sách là “tập hợp một số lượng nhất định những tờ giấy có chữ in, đóng gộp lại thành quyển” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, năm 2018). Sách lưu trữ những thông tin, tri thức được người đời chiêm nghiệm, tổng kết, dùng để tìm hiểu, học tập, trau dồi kiến thức. V.I.Lênin đã nói: “Không có sách thì không có tri thức. Không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Ông cha ta cũng từng dạy: “Một kho vàng không bằng một nang chữ”. Sách quan trọng trong mọi hoạt động của đời sống con người. Các em học sinh nếu không có sách vở thì sẽ không thể lĩnh hội được một khối tri thức rất lớn, mang tính hệ thống. Mà như thế thì các em không thể học hành thành người và thành tài được.

“Người vĩ đại là người biết đứng trên vai những người khổng lồ” (I.Newton). Thông thường, để thuyết phục ai đó, người ta phải dựa vào các luận cứ (căn cứ của lập luận) và luận chứng (chứng cứ thực tế dùng làm cơ sở cho lập luận). “Nói có sách” có hàm ý “sách là căn cứ quan trọng khi viết lách, nói năng”. “Mách có chứng” là “muốn thuyết phục người khác tin những điều mình nói thì chứng cứ là yêu cầu số một”. Có lẽ bất cứ một người bình thường nào cũng thừa nhận điều này như một chân lý hiển nhiên. Những dẫn chứng từ sách giúp cho các bài viết, các công trình khoa học trở nên sinh động, hay và thuyết phục hơn. Thật không thể hình dung được khi mỗi bài thi tự luận, mỗi khóa luận, luận văn, luận án... lại không có phần “tổng quan” trích dẫn quan điểm của những người nghiên cứu đi trước. Ngay cả các tác phẩm văn học nổi tiếng, như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chiến tranh và hòa bình của L.Tonstoy (Nga), Những người khốn khổ của V.Hugo (Pháp), Tây du ký của Ngô Thừa Ân (Trung Quốc), Don Quijote của M.de Cervantes (Tây Ban Nha)... cũng phải dựa trên những sự kiện, điển tích, điển cố từ những cuốn sách của tiền nhân để viết cho sinh động hơn, hay hơn.

Bác Hồ cũng từng dạy chúng ta nhiều điều bổ ích, nhiều cách ứng xử trong cuộc sống. Những lời vàng ý ngọc đó được Bác tổng kết, chắt lọc từ thực tế cuộc sống và rất nhiều cuốn sách mà Bác đã từng đọc.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH