Nằm ở TP Ninh Bình, nơi ngã ba sông Vân và sông Đáy, núi Non Nước đẹp huyền ảo trên mặt nước trong xanh yên bình và hiền hòa. Du xuân trong tiết trời se se lạnh, bước lên đỉnh núi Non Nước tâm hồn lữ khách như lắng lại, trút bỏ tất bật công việc nơi phố thị, hít hà bầu không khí trong lành.
    |
 |
Nghênh Phong Các (Lầu đón gió) nằm ở giữa đỉnh núi Non Nước. |
Vượt qua hơn một trăm bậc đá, chia thành 5 cấp với nhiều bậc đá lõm, nhẵn bóng hằn ghi dấu tích của thời gian, lên tới đỉnh núi du khách được thưởng ngoạn khung cảnh sông nước bao la, bầu trời rộng mở, khoáng đạt, trong lành. Phóng tầm mắt, nhìn về phía ngã ba sông Vân, sông Đáy, lại thấy ngọn núi sát cạnh Quốc lộ 10. Có lẽ, cũng bởi tạo hóa vô tình hay hữu ý đặt ngọn núi ở một vị trí đắc địa nên nó trở thành một chứng nhân của lịch sử.
    |
 |
Núi Non nước trở thành điểm đến thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. |
Theo ghi chép của lịch sử, từ thời Vua Đinh Tiên Hoàng, triều đình nhà Đinh lấy núi làm bức bình phong trấn ngự kinh đô Hoa Lư và đặt tên là “Ngự trấn phòng sơn”. Sau đó, đến thời Vua Lê Đại Hành (năm 980-1005), núi được đổi tên thành “Băng sơn”.
Đến đời Trần, danh nhân Trương Hán Siêu thấy cảnh núi có hình dáng giống như một con chim trả màu xanh biếc đang nghiêng mình tắm, ông bèn đặt là “Dục Thúy Sơn”(dục: tắm, thúy: chim trả).
Cho tới thời Nguyễn, Vua Gia Long lấy Thuận Hóa (Huế) làm kinh đô, đổi đất Hoa Lư thành “Thanh Hoa ngoại trấn”, núi cũng được gọi là “Thanh Hoa ngoại trấn sơn”. Đến thời Minh Mạng (1821) lại đổi thành “Hộ Thành sơn” (Núi Hộ Thành).
    |
 |
Những áng văn, thơ khắc trên đá gần như vẫn nguyên vẹn trên núi Non Nước. |
Trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc thực dân, núi Non Nước là nơi hội tụ nghĩa khí, tập hợp tinh thần yêu nước, đấu tranh của nhân dân chống lại giặc ngoại xâm. Ngọn núi như một pháo đài quân sự hùng mạnh trên tuyến đường thủy Nam Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc đã có nhiều trận đánh ác liệt gắn liền với tên tuổi các chiến sĩ cách mạng như Lương Văn Tụy, Giáp Văn Khương diễn ra tại ngọn núi này. Năm 1929, chiến sĩ cách mạng Lương Văn Tụy (1914-1932) đã anh dũng xung phong vượt bom đạn để cắm cờ búa liềm trên núi Non Nước. Sau đó, anh bị thực dân Pháp bắt giam và hy sinh vào năm 1932.
    |
 |
Đền thờ danh nhân Trương Hán Siêu dưới chân núi Non Nước. |
Trải qua những biến thiên của thời gian, đằm sâu bên trong biết bao trầm tích hào hùng của lịch sử, ngày nay, núi Non Nước khoác vẻ đẹp yên ả, thanh bình được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Hiện nay ngọn núi là nơi chứa đựng một bộ tàng thư thiên nhiên độc đáo, một bộ hợp tuyển thơ văn đồ sộ in trên những vách đá núi cao thấp khác nhau, của nhiều danh sĩ cự phách nối tiếp đời này qua đời khác trong suốt 700 năm. Người đầu tiên đặt bút khắc văn chương lên trên vách đá Dục Thúy chính là danh sĩ Trương Hán Siêu. Bài ký với tựa đề Dục Thúy Sơn Linh Tế tháp ký được khắc ở trên sườn núi phía bên phải lối đi lên núi và trên sườn núi phía trên là bài thơ ngũ ngôn Dục Thúy Sơn của ông.
Bài Dục Thúy Sơn Linh Tế tháp ký kể về lai lịch và việc xây dựng lại tháp. Năm 1091, đời Vua Lý Nhân Tông, Tháp Linh Tế được xây dựng. Trải qua 250 năm, do sự tàn phá của thời gian, tháp chỉ còn là một nền hoang ngói vỡ, vùi lấp giữa lùm cây rậm rạp, đá tảng ngổn ngang. Trước cảnh tượng ấy, nhà sư Trí Nhu đã chủ trì cho xây lại. Sau 6 năm (1337-1342), công việc hoàn tất. Nhà sư đã ra tận kinh đô Thăng Long xin Trương Hán Siêu viết cho bài ký nhân ngày tái khánh thành tháp. Quan đại phu Trương Hán Siêu nhận lời và bài ký ra đời năm 1343, được khắc trên vách núi Dục Thúy.
Tham quan nơi đỉnh núi, du khách còn được thấy tượng đài chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi Lương Văn Tụy, tiêu biểu lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước của quân và dân Ninh Bình.
Xuống chân núi, bước vào không gian thanh tịnh của Phật pháp du khách chiêm bái ngôi chùa cổ. Ngôi chùa này chính là một di tích lịch sử, chứng kiến quá trình chuyển giao chế độ từ nhà Đinh sang nhà Lê. Ngắm cảnh, khách tham quan còn được thưởng thức những bài thơ cổ khắc trên vách đá của các vị cao nhân, cảm nhận được vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của sông Đáy bao quanh ngôi chùa. Con sông ẩn chứa bao nhiêu dáng dấp đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Gần đây, ngôi chùa cổ đã được tu sửa lại mang nét khang trang hơn nhưng vẫn giữ lại vẻ linh thiêng từ bao đời. Chùa Non Nước như một điểm dừng chân yên bình. Nơi đây mang lại cho con người cảm giác thanh bình, an yên. Cũng chính vì thế mà càng ngày, chùa Non Nước càng thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Tạm biệt núi Non Nước, đứng trên cầu Non Nước mới, lưu luyến ngoảnh lại thấy dáng núi nghiêng nghiêng, lặng lẽ soi mình xuống dòng sông, giống một con chim trả xanh biếc đang tắm mình trong dòng nước bạc, chợt nhớ có lần đại thi hào Nguyễn Trãi cũng đã đến với Dục Thúy. Cảm tác trước vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của quần thể thắng cảnh này, Nguyễn Trãi đã viết bài Dục Thúy Sơn, trong đó có hai câu: Bóng tháp hình trâm ngọc/ Gương sông ánh tóc huyền.
Nguyễn Trãi thấy tháp Linh Tế soi mình xuống dòng nước như một chiếc trâm ngọc cài vào mái tóc thơ mộng của dòng sông Đáy. Tiếc thay, ngày nay hậu thế khi đến với Dục Thúy, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chốn non nước thanh tú không còn được thấy bóng hình của chiếc trâm ngọc ngày xưa! Tháp Linh Tế lại thêm một lần nữa đổ nát từ thời Hậu Lê (1553-1788). Không khỏi chạnh lòng khi chợt nghĩ đến lời than của Trương Hán Siêu trong bài ký "Than ôi, mai sau mấy trăm năm nữa, chốc lát cảnh tượng biến đổi, nếu lại không có kẻ buông lời than thở như ta, lẽ nào không có vài người như sư Trí Nhu xây dựng lại?". Thiết nghĩ, ngành văn hóa tỉnh Ninh Bình nên có kế hoạch phục dựng lại tháp Linh Tế để du khách vừa có dịp thưởng ngoạn và chiêm ngưỡng cảnh trí tuyệt vời của non sông đất nước, vừa được nghĩ suy về bài học lịch sử, công lao to lớn của ông cha.
Bài và ảnh: HOA TIÊN