Yêu từ lần đầu gặp gỡ

Hoàng Thúy Toàn sinh ra ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Quê ông gọi là làng nhưng thật ra lại như là phố bởi từ lâu đã có những ngôi nhà tầng mái bằng, đường làng lát gạch sạch đẹp. Năm 12 tuổi, Hoàng Thúy Toàn được đi học thiếu sinh quân ở Việt Bắc và chính giai đoạn này đã nuôi dưỡng trong tâm hồn ông tình yêu, mối duyên nợ với văn học Nga cho đến tận hôm nay. Ông nhớ lại, những giờ học văn của thầy Phạm Tuyên, khi thầy dạy đến bài văn “Lòng yêu nước” của nhà văn Nga Ilya Erenburg, được nhà văn Thép Mới dịch sang tiếng Việt, ông đã như nhập tâm ngay lập tức bài văn và thuộc lòng cho đến tận bây giờ…

Sau đó, Hoàng Thúy Toàn được sang Nga học tập, thi đỗ vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Moscow mang tên V.I.Lênin. Ông kể, thời đó ông hay làm thơ, có nhiều bài được đăng báo nhưng cho đến tận năm thứ 3 đại học, khi ông thực sự tiếp xúc nhiều hơn với những bài thơ tiếng Nga, ông nhận ra, so với những tài năng ấy, mình thật nhỏ bé. Nước Nga, thơ văn Nga cứ thấm dần vào tâm hồn Hoàng Thúy Toàn như một điều không thể cưỡng lại. Ông bắt đầu dịch những bài viết của Lênin, những truyện thiếu nhi, đặc biệt là những bài thơ của Pushkin sang tiếng Việt với mong muốn người Việt Nam có thể biết đến nhiều bài thơ hay bằng tiếng Nga. Nhắc đến Hoàng Thúy Toàn, người đọc nhớ đến những tập thơ được ông dịch sang tiếng Việt như: Thơ Pushkin, thơ Lermontov... Đặc biệt là bài thơ “Tôi yêu em” của Pushkin, qua bản dịch thơ của Hoàng Thúy Toàn đã khiến cho biết bao tâm hồn người Việt Nam thấy thổn thức, cảm mến con người, đất nước Nga dù chưa một lần đặt chân đến.

leftcenterrightdel
Nhà văn, dịch giả Hoàng Thúy Toàn bên tủ sách tại Nhà lưu niệm văn học Nga ở Việt Nam.

Gom góp thành gia tài

Tự nhận mình là người "phải lòng" văn học Nga, nhưng cũng từ tình cảm riêng tư đó, ông đã góp phần kết nối tình hữu nghị Việt-Nga qua các tác phẩm văn học dịch của mình. Không những vậy, dường như, tất cả những gì liên quan đến nước Nga, đến văn học Nga đều được ông trân quý, giữ gìn cẩn thận. Bởi vậy cho đến một ngày, sắp xếp lại những thứ liên quan đến văn học Nga mà ông “gom góp” trong mấy chục năm, đã giúp ông xây dựng một Nhà lưu niệm văn học Nga với hàng nghìn hiện vật giá trị.

Dịch giả Hoàng Thúy Toàn tâm sự, trước đây, ông chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ xây một nhà trưng bày văn học Nga như hiện tại. Câu chuyện bắt đầu từ một lần đến nhà một người quen ở tỉnh Phú Yên đang làm việc trong ngành ngoại giao. Nhà văn Hoàng Thúy Toàn thấy trong nhà anh bạn có một tủ kính trưng bày những kỷ vật từ nước Nga rất đẹp. Bỗng nhiên, ông ước mình có thể làm ngôi nhà trưng bày những thứ liên quan đến văn học Nga. Ông tự lập một dự án về một nhà trưng bày văn học Nga trên mảnh đất của gia đình ở làng Phù Lưu (Đông Ngàn, Từ Sơn, Bắc Ninh). Có vị kiến trúc sư ủng hộ bằng việc tặng ông bản thiết kế cho nhà lưu niệm. Nhưng, ý tưởng của ông đành để đó vì không có kinh phí xây dựng.

Bẵng đi một thời gian, chính quyền địa phương biết chuyện, đã đề nghị giao cho ông sửa chữa lại một ngôi nhà trống ở làng để ông thực hiện ý tưởng, coi như đó là tài sản chung của làng. Vậy là, ông bắt tay vào sửa sang lại ngôi nhà hai tầng, hệ thống lại tư liệu chuẩn bị trưng bày. Có thêm ít tiền nhuận bút nào, ông gom góp cùng lương hưu sắm sửa tủ, kệ… Đến tháng 5-2015, Nhà lưu niệm văn học Nga ở Việt Nam được khánh thành. Đây có thể được coi là nơi lưu giữ, thể hiện được phần nào mối quan hệ văn hóa giữa hai nước Nga-Việt với nhiều chủ đề trưng bày, như: Bác Hồ với nước Nga là những bài viết người Nga viết về Bác Hồ và Bác Hồ viết về nước Nga; Đề tài nước Nga trong văn học Việt Nam gồm những sách quý từ xưa đến nay viết về Liên Xô; Đề tài Việt Nam trong văn học Liên Xô và văn học Nga; Gian trưng bày Văn học Nga ở Việt Nam giới thiệu những người Việt Nam đầu tiên tiếp xúc với văn học Nga, và 5 giai đoạn văn học Nga ở Việt Nam; Chuyên đề văn học thiếu nhi Liên Xô và Nga ở Việt Nam; Chuyên đề Pushkin trong văn học Việt Nam gồm những bài báo viết về Pushkin, sách của Pushkin, bài viết về ông được dịch sang tiếng Việt; Tủ sách giới thiệu văn học Nga hợp tác với Việt Nam là những sách được 9 nhà xuất bản Liên Xô trước đây kết hợp với các nhà xuất bản Việt Nam thực hiện; Tủ sách Văn thơ Việt Nam được dịch và phổ biến bằng tiếng Nga là những sáng tác của Việt Nam được nước Nga chủ động chọn và dịch sang tiếng Nga… 

Tất cả các tư liệu được nhà văn Hoàng Thúy Toàn sắp xếp khoa học, tỉ mỉ. Với hơn 1.000 đầu sách, chưa kể các bản thảo, hàng trăm trang báo, hàng trăm huy hiệu, kỷ vật, tem liên quan đến văn học Nga, thật khó để kể cho người nghe, người đọc về từng hiện vật nơi đây. Mỗi cuốn sách, mỗi trang báo hay chiếc huy hiệu, con tem…đều chứa cả một câu chuyện dài, ý nghĩa. Như câu chuyện về những cuốn sách Việt Nam được dịch giả Maya Kasen dịch sang tiếng Nga chẳng hạn. Cô Maya Kasen là một người Nga bị khuyết tật đã ngồi xe lăn 20 năm. Năm 1966, cô được nghe chuyện người thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Văn Trỗi bị đế quốc Mỹ và tay sai xử tử hình năm 1964. Xúc động, cô làm một trường ca dài 338 câu bằng tiếng Nga gửi tới Đài Tiếng nói Việt Nam nhờ dịch và đăng. Chính dịch giả Hoàng Thúy Toàn đã dịch bài trường ca của cô sang tiếng Việt. Bài dịch được gửi sang Nga cho cô Maya và sau đó cô tích cực học tếng Việt. Hai năm sau, Maya Kasen bắt đầu dịch sách của Việt Nam sang tiếng Nga. Cho đến khi mất, cô đã có hơn 20 tác phẩm dịch sang tiếng Nga.

Dành nhiều công sức, tiền bạc cho Nhà lưu niệm văn học Nga ở Việt Nam, nhà văn Hoàng Thúy Toàn không coi đó là công trình của riêng mình. Bởi ông nghĩ, ai rồi cũng sẽ chết đi, nhưng nếu để lại được điều gì cho xã hội, cho cộng đồng thì giá trị của nó sẽ được nhân lên nhiều lần.

Bài và ảnh: THU HÒA