Tại buổi tổng duyệt chương trình khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 ở sân bay Gia Lâm vào ngày 30-11, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã phát biểu: “Tháng 12 này chỉ còn ngày, không có thứ... Ngày ta làm việc, đêm ta suy nghĩ xem còn những gì để ngày mai ta làm tốt hơn ngày hôm trước. Và cứ như thế, đến ngày kỷ niệm, mọi người dân trong đất nước Việt Nam và những người bạn bè trên năm châu, quốc tế đến dự, người ta thấy rằng không chỉ trong chiến đấu mà trong thời bình, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
Tôi rất tâm đắc với phát biểu này của Đại tướng Phan Văn Giang, bởi đây không chỉ là giao nhiệm vụ có tính động viên mà cao hơn, đó là sự kế thừa truyền thống cần cù, sáng tạo, bền bỉ, khó khăn nào cũng vượt qua của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Tôi hiểu rằng, Đại tướng Phan Văn Giang không chỉ nhắn nhủ với hơn 2.200 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ phục vụ lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 phải cố gắng luyện tập, tranh thủ thời gian luyện tập để có màn biểu diễn sống động, mang tính nghệ thuật cao, thể hiện khí phách, sức mạnh và tinh thần yêu chuộng hòa bình của Quân đội nhân dân Việt Nam trước quan khách, bạn bè quốc tế, mà còn muốn nhắn nhủ cán bộ, chiến sĩ toàn quân hoàn thành tốt các nhiệm vụ để xứng đáng với lịch sử, truyền thống, xứng đáng với máu xương lớp cha anh đi trước đã đổ xuống để đất nước độc lập, tự do, xây dựng hòa bình.
Trong quá trình công tác, tôi đã gặp nhiều cựu chiến binh (CCB) từng sống và chiến đấu trong các cuộc kháng chiến. Họ kể lại cho tôi nghe những ngày tháng "nếm mật nằm gai" chiến đấu với địch gián tiếp hoặc trực tiếp mà điểm chung ở họ là kiên cường khắc phục khó khăn, thiếu thốn; vượt qua đói khổ, sốt rét cho dù không hề có khái niệm thứ, tháng và thời gian kết thúc; vượt lên hoàn cảnh để hoàn thành nhiệm vụ.
CCB Nguyễn Văn Mạc ở phường Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh kể lại, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được điều về Cục Vận tải của Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) và phụ trách một tổ đài thông tin thu phát đóng ở ngọn núi cao của tỉnh Hòa Bình, giáp Sơn La. Hành trang mà các ông mang lên núi chỉ có gạo, muối, mắm kem và nặng nhất là máy thông tin. Suốt mấy tháng trời, cán bộ, chiến sĩ trong tổ đài bám máy liên tục để bảo đảm thông tin thông suốt phục vụ chiến dịch. Sợ hết gạo nên phải ăn sẻn, nấu cháo húp cách nhật. Lực lượng trong tổ đài thay nhau lấy rau rừng, bắt cua, cá để có chất tươi. Dù không chiến đấu trực tiếp với địch nhưng bảo đảm thông tin thông suốt cũng khiến các ông không có khái niệm thứ bảy hay chủ nhật.
Năm 2022, trong một lần đi thăm người ốm nằm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, tôi đã gặp và trò chuyện với một CCB có vóc người nhỏ bé. Ông tên là Ngô Minh Thủy, quê ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Năm 1967, ông Thủy vào đứng chân tại Kon Tum rồi được biên chế về Tiểu đoàn vận tải của Phòng Hậu cần thuộc Mặt trận Tây Nguyên (B3), sau đó lại chuyển sang làm y tá.
|
|
Đại tướng Phan Văn Giang động viên cán bộ, chiến sĩ tham gia luyện tập phục vụ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.
|
Sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lượng cung cấp ở miền Bắc cho Tây Nguyên giảm hẳn vì bị địch phong tỏa quyết liệt trên diện rộng, bộ đội Tây Nguyên đói và thiếu đủ thứ. Vật tư y tế để điều trị cho thương binh thiếu trầm trọng, nhất là không có nước cất, cồn sát trùng. Ông Thủy đã nghĩ ra cách làm cồn từ cây rừng rồi phổ biến rộng rãi. Ông lấy riềng rừng, ớt và lá cây bòng bong, gạo giã nhỏ rồi nắm lại, phơi khô để làm “men”. Sau khi nấu cơm trộn với sắn tãi ra lá chuối cho nguội rồi bóp “men” tự chế trộn đều và ủ lại. Sau 3 ngày, khi thấy có mùi thơm thì đưa hỗn hợp vào nồi để đun và lại lấy hơi nước ngưng tụ. Hì hục mấy ngày cũng được một bát B-52 nước ngưng tụ. Ông Thủy dồn chúng vào một cái lọ thủy tinh và sử dụng trong việc thay băng, sát trùng vết thương cho thương binh.
Năm 2023, tôi gặp và trò chuyện với CCB Vũ Quang Đồng trú tại đường Nguyễn Văn Linh, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Thời trẻ, ông là chiến sĩ đặc công, chiến đấu tại chiến trường “tam giác sắt” những năm 1969-1975. Ông nói với tôi, sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là thời kỳ gian khổ nhất, ác liệt nhất. Các địa bàn Dầu Tiếng, Bến Súc, Phú Giáo, Thanh An, Tân Uyên... từng là hậu phương của ta bị địch chiếm giữ. Những làng, ấp một thời sầm uất bị địch đốt sạch, phá sạch. Địch ráo riết gom dân vào các làng, ấp nhằm “tát nước bắt cá”. Tất cả các khu dân cư đều có cố vấn Mỹ, bọn bình định, bảo an, phòng vệ dân sự, thanh niên vũ trang, phượng hoàng, thiên nga, chỉ điểm... hoạt động. Chúng tung biệt kích, thám báo vào rừng truy lùng Quân giải phóng. Chúng o ép nhân dân, tăng cường chiến tranh tâm lý, rải truyền đơn. Địch dùng loa công suất lớn trên máy bay OV-10, trực thăng, gọi tên cán bộ người miền Nam và Quân giải phóng người miền Bắc dụ dỗ chiêu hồi.
Trong hoàn cảnh đó, các đơn vị đặc công nhỏ lẻ được trang bị gọn nhẹ có nhiệm vụ bám địch, đánh địch liên tục. Dù hoạt động độc lập, xa sự chỉ đạo của cấp trên, nhưng các tổ, đội đặc công vẫn liên tục phục kích, sáng tạo ra nhiều cách đánh mới để quấy nhiễu, gây cho địch hoang mang. Trong điều kiện ăn hầm, ngủ hầm và liên tục chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ chỉ có khái niệm ban ngày và ban đêm chứ không có khái niệm thứ và tháng. Ngay cả khi Tết đến, ông Đồng và các chiến sĩ cũng cắt rào, vượt vật cản để trinh sát căn cứ Lai Khê của địch, phục vụ những trận đánh mới.
Để có thực phẩm duy trì sự sống và có sức chiến đấu, trong khi hậu cần bảo đảm bập bõm thì ngoài bắt cá, hái rau rừng để ăn, các chiến sĩ đặc công như ông Đồng đã sáng tạo ra “cơm nần” chống đói mà nghe cứ ngỡ như trong cổ tích.
Theo lời CCB Vũ Quang Đồng, ở vùng Bến Cát có loài cây dây leo tự nhiên mọc rất nhanh, sức sống mãnh liệt, bất chấp bom đạn, chất khai quang, cho củ năng suất cực cao. Người lính lấy cành nần vùi xuống đất. Không cần chăm sóc, nó sẽ phát triển thành rừng nần, sau 3 tháng sẽ thu hoạch được một bao củ. Loại củ này không thể ăn sống, nếu luộc chín ăn vẫn say. Say nần không dẫn tới tử vong, nhưng mệt hơn say rượu và kéo dài 3-4 ngày. Muốn có nần ăn thay cơm thì trước hết phải thái nhỏ rồi ngâm xuống suối. Sau 3-4 ngày đêm, lấy lên, vắt kiệt nước rồi cho vào nồi luộc. Nước sôi, chắt kiệt nước, đợi nần nguội rồi lại vắt kiệt nước. Làm 3 lần như vậy mới ăn được. Củ nần đã giúp các chiến sĩ đặc công đủ sức bám địch, đánh địch trong gần 6 năm trời đằng đẵng.
Thời bình, các cơ quan, đơn vị Quân đội được quan tâm đầu tư về mọi mặt. Từ ăn, ở, mặc, đi lại đến trang bị vũ khí, khí tài hiện đại cũng được đầu tư, cải tiến, nâng cấp hoặc sắm mới. Nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy, hiện đại có những đòi hỏi cao hơn so với trước đây và so với những ngành nghề khác trong xã hội cả về quy mô, cường độ, mức độ cũng như nguy cơ mất an toàn. Trong cuộc sống, cán bộ, chiến sĩ toàn quân cũng gặp không ít khó khăn, trong đó có sự tác động tâm lý từ mặt trái kinh tế thị trường và lối sống thiên về vật chất, hưởng thụ. Song tinh thần cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội vẫn là chủ đạo.
Hiện nay, cán bộ trong các nhà máy, doanh nghiệp quốc phòng, viện nghiên cứu và cả ở các đơn vị cơ sở cũng tích cực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu để cho ra các sáng kiến, các đề tài khoa học quân sự có ý nghĩa thiết thực trong nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Ví dụ gần đây nhất, việc Nhà máy A32 của Quân chủng Phòng không-Không quân hoàn thành việc tăng hạn máy bay tiêm kích Su-30MK2 sau hai năm đã cho thấy năng lực đáp ứng nhu cầu xây dựng Quân đội hiện đại. Những điều này đã chứng tỏ các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã kế thừa, phát triển những tinh túy trong nghệ thuật quân sự của cha ông và thế hệ đi trước vào thực tiễn.
Tôi nghĩ rằng, việc mỗi người, mỗi tập thể tập trung thời gian, làm việc tận tâm, tận lực để hoàn thành tốt phần việc, cho ra sản phẩm sáng tạo, chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam như Đại tướng Phan Văn Giang chỉ đạo sẽ góp phần làm cho phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ tiếp tục tỏa sáng hơn nữa.
Thượng tá, TS HOÀNG CHUNG HIẾU