Những người trẻ và tình yêu trang phục cổ
Có mặt tại hồ Hoàn Kiếm sáng hôm đó, không ít người từng đến xem Bách hoa bộ hành 3 lần trước. Đứng bên cạnh chúng tôi là đoàn du khách đến từ nước Mỹ. Họ phải thốt lên: “So beautiful!” (tạm dịch: Đẹp quá) và cho rằng đây là sự kiện thời trang tuyệt vời nhất được xem khi đến Việt Nam. Họ cho biết, tại Mỹ, giới trẻ không mặc cổ phục và diễu hành nên càng ấn tượng hơn với tình yêu lịch sử, văn hóa của người Việt Nam.
Nhiều người nghĩ rằng để phục dựng và tổ chức sự kiện quy mô lớn như thế cần đội ngũ giày dặn kinh nghiệm về tổ chức sự kiện lịch sử và có kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực nghiên cứu cổ vật. Nhưng đằng sau sự kiện Bách hoa bộ hành lại là câu chuyện về hai bạn trẻ Vũ Đức (30 tuổi) và Nguyễn Thị Quỳnh Nga (24 tuổi). Vũ Đức có niềm yêu thích là vẽ tranh cổ trang. Khi vẽ nhân vật trong bối cảnh lịch sử, Đức thấy những chi tiết về trang phục, hoa văn, kiểu dáng thường thiếu chính xác. Điều này thôi thúc anh tìm hiểu sâu về trang phục truyền thống qua nguồn tư liệu từ sách báo và các hiện vật. Đức còn tìm đến các bảo tàng, xem từng cuốn tư liệu để phục dựng hoa văn, họa tiết. "Càng đi sâu, tôi càng nhận ra Việt Nam có cả kho tàng về cổ phục, chúng ta cần phải làm điều gì đó để không đánh mất chúng", Đức cho biết.
Trong khi đó, Quỳnh Nga lớn lên trong thời kỳ văn hóa Nhật Bản và Hàn Quốc "chiếm lĩnh" giới trẻ Việt Nam. Nga ngưỡng mộ cách người Nhật lồng ghép yếu tố truyền thống, cổ phục vào đời sống hiện đại. Sự giao thoa giữa cái mới và cái cũ trong văn hóa đã thôi thúc và gợi lên trong đầu Nga câu hỏi: Tại sao Việt Nam với bề dày nghìn năm văn hiến cùng kho tàng cổ phục tuyệt đẹp lại ít người biết đến như vậy? Rồi từ niềm yêu thích cùng sự tò mò cá nhân ấy đã đưa Đức và Nga đến với cổ phục Việt.
Lần theo câu chuyện của Đức và Nga có thể nhận thấy cổ phục đang dần trở thành sở thích mới trong một bộ phận giới trẻ. Tháng 7 vừa qua, trong lễ tốt nghiệp tại Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội, bạn Đặng Kim Ly (21 tuổi) đã mặc áo cử nhân kết hợp phụ kiện mô phỏng vân kiên-loại trang sức ở thời triều Nguyễn. Hình ảnh này được lan tỏa rộng khắp trên mạng xã hội. Không chỉ vậy, trong các buổi chụp ảnh kỷ yếu, ảnh cưới... cổ phục dần là lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ.
Mặc dù bao năm qua, cổ phục luôn được cơ quan chức năng, giới nghiên cứu quan tâm sâu sắc, nhưng chưa có nhiều hành động cụ thể để thu hút sự quan tâm của công chúng. Nhờ những việc làm, hành động tự tin thể hiện cá tính của các bạn trẻ ngày nay đã góp phần làm quảng bá rộng rãi cổ phục đến mọi người. Cũng chính trong lần gặp gỡ cộng đồng yêu cổ phục vào năm 2019 ở Hà Nội, Vũ Đức và Quỳnh Nga quen biết nhau. Họ nhận ra rằng những hoạt động của họ mới chỉ dừng lại ở các buổi chụp ảnh hoặc những trao đổi chuyên môn nhỏ lẻ, cần một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn để công chúng hiểu về cổ phục và yêu thích nó. Từ đó, Bách hoa bộ hành được hình thành.
Cơ hội quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống
Mùa đầu tiên Bách hoa bộ hành diễn ra vào năm 2020. Những người tham gia tự mặc những bộ trang phục cổ truyền, cùng nhau đi bộ quanh Hồ Gươm. Tuy sự giản đơn ấy nhưng cũng thu hút được sự chú ý của mọi người. Từ buổi diễu hành đó, họ nhận ra tiềm năng của phong trào mặc cổ phục.
Qua 3 mùa với nhiều bài học kinh nghiệm, Bách hoa bộ hành được tổ chức với quy mô và chuyên nghiệp cao hơn. Đến mùa 4, sự kiện thu hút hơn 10.000 người đăng ký tham gia trên các nền tảng mạng xã hội, trong đó có cả du khách quốc tế. Hình ảnh đoàn người trong trang phục truyền thống theo nhiều chủ đề như: Đoàn áo dài, đoàn áo Nhật Bình, đoàn áo Giao Lĩnh... trở thành hiện tượng văn hóa đáng chú ý.
    |
 |
Bách hoa bộ hành tôn vinh, giới thiệu, trình diễn nét đẹp của các trang phục truyền thống dân tộc trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: ĐỨC ANH |
Theo ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc tổ chức Bách hoa bộ hành trong Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 là tín hiệu đáng mừng, phản ánh xu thế lớp trẻ ngày càng quan tâm và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống. Việc hàng trăm người tham gia diễu hành trong những bộ cổ phục, cho thấy một tinh thần cởi mở, hòa nhập với thế giới mà không đánh mất bản sắc riêng. Đây là minh chứng cho sự sáng tạo và năng động của thế hệ trẻ trong việc làm mới văn hóa truyền thống, đưa cổ phục thoát khỏi không gian bảo tàng để hiện diện sống động giữa đời thường.
Trước đây không lâu, điện ảnh cũng góp phần không nhỏ trong việc đưa khán giả trở về quá khứ, khám phá vẻ đẹp của văn hóa truyền thống qua những bộ phim cổ trang đình đám như: "Đêm hội Long Trì" (1989), "Huyền sử Vua Đinh" (2022), "Phượng Khấu" (2020)... Cải lương, quan họ và nhiều hình thức nghệ thuật cũng tận dụng trang phục truyền thống để kể chuyện lịch sử, khơi gợi lòng tự hào dân tộc. Tuy nhiên, việc tập trung quá nhiều vào yếu tố thẩm mỹ và giới hạn trong không gian màn ảnh, sân khấu khiến cổ phục trở nên xa vời với công chúng. Việc đến bảo tàng tham quan những cổ phục được phục chế cũng bị giới hạn.
Sự kiện Bách hoa bộ hành xuất hiện như một trào lưu mới, mang lại giá trị nhất định khi tạo sân chơi cho công chúng có cơ hội được tìm hiểu và khoác lên mình trang phục của dân tộc. Trước khi Bách hoa bộ hành xuất hiện, nhiều bạn trẻ yêu cổ phục từng lạc lõng, cảm thấy như "người lạ" giữa bạn bè cùng lứa với sở thích của mình. Khi tham gia Bách hoa bộ hành, họ được ở trong cộng đồng chung chí hướng, đồng thời khẳng định cá tính và tình yêu văn hóa dân tộc của mình. Cách thức trình diễn của Bách hoa bộ hành cũng rất mới lạ, là hoạt động phi lợi nhuận và diễu hành ở không gian lớn là cách tối ưu trong việc quảng bá cổ phục mà không bị giới hạn bởi không gian và số lượng người. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự xâm nhập mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai, Bách hoa bộ hành không chỉ là sự kiện văn hóa mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc một cách sáng tạo. Nhờ sự tham gia tích cực, sáng tạo của những bạn trẻ, cổ phục Việt Nam đang dần được khôi phục và đến gần hơn với mọi người, qua đó góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập.
Bách hoa bộ hành nằm trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 do Sở Văn hóa Thể thao TP Hà Nội phối hợp với Tạp chí Kiến trúc tổ chức thực hiện, diễn ra từ ngày 9 đến 17-11 với khoảng 100 hoạt động sáng tạo.
|
HẢI ANH